backup og meta

Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?

Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?

“Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?” là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hiểu được mức glucose máu nhằm giữ cho chỉ số này luôn ổn định là một phần quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người bị tiểu đường.

Khi lượng glucose trong máu tăng quá cao có thể khiến bạn mệt mỏi, sức khỏe suy giảm. Nếu bị tiểu đường, việc kiểm soát lượng glucose máu là rất quan trọng. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu vấn đề này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Glucose trong máu là gì?

Glucose máu hay đường huyết là hàm lượng đường glucose được tìm thấy trong máu của bạn. Đường (glucose) trong máu đến từ các loại thực phẩm ăn vào hoặc sự phân hủy đường dự trữ trong cơ thể (dưới dạng glycogen). Glucose sẽ đi đến tất cả các tế bào của cơ thể thông qua dòng máu và trở thành nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động sống.

Glucose trong máu là gì và glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường

Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?

Một người được chẩn đoán mắc tiểu đường khi nồng độ glucose máu lúc đói bằng hoặc lớn hơn 126 mg/dL (7 mmol/mL) hoặc nồng độ glucose bất kỳ bằng hoặc lớn hơn 200 mg/dL (11,1 mmol/mL) trong ít nhất 2 lần xét nghiệm.

Xét nghiệm đường huyết khi đói thực hiện đo nồng độ glucose trong máu của một người sau khi nhịn ăn (không ăn hoặc uống gì ngoại trừ nước) ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm. Xét nghiệm đường huyết bất kỳ (đường huyết ngẫu nhiên) là xét nghiệm cho phép lấy máu và định lượng glucose tại bất kỳ thời điểm nào không phụ thuộc vào bữa ăn.

Ngoài xét nghiệm định lượng glucose huyết đói và bất kỳ, còn có thể chẩn đoán tiểu đường thông qua nghiệm pháp dung nạp glucose đường uốngxét nghiệm HbA1c.

Nếu nồng độ glucose máu thấp hơn mức tiểu đường, nó cũng có thể gợi ý tình trạng sức khỏe của cơ thể. Ví dụ như xét nghiệm máu cho thấy mức đường huyết lúc đói nằm trong khoảng từ 100 đến 125mg/dL (5,6 đến 6,9mmol/L) tức là bạn bị rối loạn đường huyết lúc đói (hay còn được gọi là tiền tiểu đường). Tình trạng tiền tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành tiểu đường type 2 và nhiều bệnh mãn tính khác. Nếu kết quả cho thấy hàm lượng glucose trong máu lúc đói trong khoảng từ 70 đến 99mg/dL (3,9 đến 5,5mmol/L) là hoàn toàn bình thường. 

làm sao biết được glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường

Chỉ số glucose trong máu cao nguy hiểm như thế nào?

Định lượng glucose trong máu cao xảy ra khi cơ thể không thể tạo ra đủ insulin (bệnh tiểu đường type 1) hoặc insulin hoạt động không hiệu quả (bệnh tiểu đường type 2). Cơ thể cần insulin để cho phép glucose trong máu có thể đi vào các tế bào và tạo ra năng lượng. Ở những người bị bệnh tiểu đường, tình trạng không đủ hoặc đề kháng insulin sẽ khiến nồng độ glucose trong máu tăng cao.

Tình trạng glucose trong máu tăng cao kéo dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng này sẽ làm tổn thương các mạch máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về thị lực và thần kinh. Những biến chứng tiểu đường này thường không xuất hiện ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên mới mắc bệnh chỉ vài năm. Tuy nhiên, chúng có thể xảy ra ở người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường và không được điều trị, kiểm soát bệnh hiệu quả.

Mục tiêu giữ mức glucose trong máu ổn định là bao nhiêu? 

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính được điều trị bằng cách kiểm soát glucose máu ở mức mục tiêu. Việc điều trị tiểu đường thường được cá nhân hóa dựa trên nhiều yếu tố như tuổi tác, mức độ bệnh, thể trạng, mong muốn, bệnh mắc kèm,… Do vậy mức glucose huyết mục tiêu của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Mục tiêu lý tưởng nhất là đưa đường huyết về mức bình thường:

  • Trước bữa ăn: 4 – 7mmol/L (72 đến 126mg/dL)
  • Hai giờ sau khi ăn: 5 – 9mmol/L (90 – 162mg/dL) đối với bệnh nhân tiểu đường type 1 và dưới 8,5 mmol/L (153mg/dL) đối với bệnh nhân tiểu đường type 2

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết mức nào là tốt nhất cho bạn.

Làm sao để kiểm soát mức glucose trong máu ổn định?

Đường huyết cao có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ dẫn đến tiểu đường và các biến chứng khác của bệnh. Nếu bạn bị tiểu đường, việc giữ lượng glucose máu ở mức ổn định càng đặc biệt quan trọng. Vậy, làm cách nào để kiểm soát được mức glucose trong máu? Bạn nên kiểm tra đường huyết thường xuyên, giữ một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Nếu đã được chẩn đoán tiểu đường, bạn cần sử dụng insulin và bất kỳ loại thuốc nào theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cụ thể như sau:

Kiểm tra mức glucose trong máu thường xuyên

Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường và cách kiểm soát

Muốn kiểm soát tốt glucose máu, bạn cần kiểm tra mức đường huyết tại nhà thường xuyên. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân tiểu đường và những người đang có chỉ số đường huyết ở ngưỡng cao. Bạn có thể cần kiểm tra lượng glucose trong máu nhiều lần mỗi ngày bằng cách sử dụng máy đo hoặc que thử đường huyết hoặc máy đo đường huyết liên tục (CGM). 

Máy đo đường huyết sẽ đo lượng glucose trong một mẫu máu nhỏ, thường là từ đầu ngón tay của bạn. Còn máy CGM sử dụng một cảm biến được đưa vào dưới da để đo lượng đường trong máu của bạn vài phút một lần. Nếu sử dụng CGM, bạn vẫn cần phải kiểm tra hàng ngày bằng máy đo đường huyết để đảm bảo kết quả đo CGM là chính xác.

Những thời điểm nên tiến hành kiểm tra bao gồm:

  • Khi mới thức dậy, trước khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì
  • Trước bữa ăn
  • Hai giờ sau bữa ăn
  • Trước khi đi ngủ.

Sau khi được chẩn đoán bị tiểu đường và phải dùng insulin để điều trị hoặc bạn thường xuyên bị hạ đường huyết, bác sĩ có thể muốn bạn kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn, chẳng hạn như trước và sau khi hoạt động thể chất.

Áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh

Chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh góp một phần không nhỏ vào việc kiểm soát đường huyết. Theo đó, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống với nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế các loại chất béo bão hòa, đường cũng như các loại thực phẩm làm tăng đường huyết kéo dài. Riêng các bệnh nhân tiểu đường nên:

  • Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch cho các bữa ăn lành mạnh nếu cần thiết
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh lượng insulin hoặc thuốc khi bạn ăn nhiều hơn hoặc ít hơn so với kế hoạch bữa ăn hàng ngày.

Ngoài ra, bạn cần tập thể dục thường xuyên và duy trì một lối sống năng động.

Sử dụng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường khác

Ngoài kiểm tra đường huyết thường xuyên và thay đổi lối sống lành mạnh, bệnh nhân tiểu đường cũng cần chú ý đến việc sử dụng insulin và các thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát đường huyết:

  • Đảm bảo rằng dùng đúng loại insulin và đúng liều lượng vào đúng thời điểm trong ngày
  • Kiểm tra xem insulin đã hết hạn hay chưa
  • Đảm bảo rằng tất cả các thiết bị (máy bơm, đồng hồ đo, …) hoạt động bình thường
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị khi cần thay đổi liều lượng insulin hoặc điều chỉnh các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác.

Hy vọng bài viết này đã giải đáp được cho bạn thắc mắc: “Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?”, cũng như giúp bạn có cách ổn định lượng đường huyết hiệu quả, đặc biệt là đối với những người bị tiểu đường.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blood Glucose Test. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/12363-blood-glucose-test. Ngày truy cập: 13/07/2021

Blood Sugar. https://medlineplus.gov/bloodsugar.html. Ngày truy cập: 13/07/2021

Blood Sugar Tests. https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/16790-blood-sugar-tests. Ngày truy cập: 13/07/2021

When Blood Sugar Is Too High. https://kidshealth.org/en/teens/high-blood-sugar.html. Ngày truy cập: 13/07/2021

Blood Sugar Level Ranges. https://www.diabetes.co.uk/diabetes_care/blood-sugar-level-ranges.html. Ngày truy cập: 01/07/2021

Manage Blood Sugar. https://www.cdc.gov/diabetes/managing/manage-blood-sugar.html. Ngày truy cập: 01/07/2021

Phiên bản hiện tại

12/01/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Nguyễn Ngọc Phượng


Bài viết liên quan

Nhóm thực phẩm, thức ăn có chỉ số gi thấp cho bệnh nhân tiểu đường

Đường huyết sau ăn: Quản lý tốt để phòng ngừa biến chứng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 12/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo