backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Các loại thịt cho người tiểu đường: Cách chọn và chế biến

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 31/10/2023

    Các loại thịt cho người tiểu đường: Cách chọn và chế biến

    Đối với nhiều người, thịt được coi là món ăn chủ yếu trong chế độ ăn uống hàng ngày. Thịt cung cấp cho cơ thể lượng protein dồi dào và dễ chế biến thành nhiều món. Tuy nhiên, người tiểu đường ăn nhiều thịt có ảnh hưởng gì không, các loại thịt cho người tiểu đường nào là lành mạnh?

    Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Vì sao thịt làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường?

    Thịt đỏ là các loại thịt có màu đỏ đậm trước khi chế biến, bao gồm thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và thịt bê. Thịt chế biến sẵn là loại thịt đã được xử lý bằng cách ướp muối, hun khói, sấy khô hoặc đóng hộp, chẳng hạn như xúc xích, thịt xông khói, giăm bông và thịt đóng hộp.

    Một số nghiên cứu thực hiện ở phụ nữ trên 45 không mắc bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường tuýp 2 trong hơn 8 năm đã kết luận rằng: ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

    Trong một nghiên cứu khác được thực hiện trên nhóm người trung niên, trong 4 năm, tại Hoa Kỳ, những người tăng lượng thịt đỏ lên nửa khẩu phần ăn mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 48%. Mặt khác, những người giảm lượng thịt đỏ thì có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.

    Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng xác định chính xác nguyên nhân khiến thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Thủ phạm chính dường như là một số hóa chất được tìm thấy trong các loại thịt này.

    Nhiều người tin rằng chất bảo quản, chất phụ gia và chất bảo quản (ví dụ: nitrit, nitrat) được thêm vào thịt trong quá trình sản xuất có thể gây hại cho tuyến tụy (cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu) và cũng đồng thời làm tăng tình trạng kháng insulin.

    Ngoài ra, thịt đỏ còn chứa chất béo bão hòa, cholesterol, protein động vật và sắt hem (chất chứa sắt). Các nhà khoa học nghi ngờ những chất này trong thịt đỏ cũng có thể góp phần gây oxy hóa và viêm nhiễm trong cơ thể, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Một số người cho rằng tình trạng dư thừa sắt trong cơ thể có thể thúc đẩy tình trạng kháng insulin và làm tăng lượng đường trong máu.

    Liệu có các loại thịt phù hợp cho người tiểu đường?

    các loại thịt cho người tiểu đường là gì

    Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Điều đó không đồng nghĩa với việc người bệnh tiểu đường phải cắt bỏ hoàn toàn thịt ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày.

    Cơ thể chúng ta vẫn cần protein để xây dựng và sửa chữa xương, cơ, da và máu. Chúng ta cũng sử dụng protein để tạo ra enzym, hormone và các chất hóa học khác cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Thịt chính là nguồn cung cấp protein dồi dào, bên cạnh đó, thịt còn cung cấp các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, kẽm và vitamin B12.

    Vì vậy, bạn vẫn có thể bổ sung các loại thịt cho người tiểu đường vào chế độ ăn uống hàng ngày nhưng cần lưu ý đến cách lựa chọn thịt. Ưu tiên lựa chọn các loại thịt sau đây:

    • Thịt tươi chưa qua chế biến, đã lọc bỏ mỡ và da.
    • Phần thịt đùi, thịt ức, thịt sườn, thịt nạc thăn, bít tết xương ít mỡ.
    • Bệnh tiểu đường có ăn thịt gà được không? Thịt gà không da tốt cho người tiểu đường, cung cấp thêm protein, không chứa chất béo bão hòa và cholesterol xấu. Chọn thịt ức sẽ có ít mỡ hơn thịt đùi.
    • Bệnh tiểu đường có ăn được thịt bò không? Bạn vẫn có thể chọn ăn thịt bò, thịt cừu, thịt bê, thịt lợn tươi đã lọc bỏ mỡ với một lượng vừa phải.

    Một số lưu ý khi chế biến các loại thịt cho người tiểu đường

    lưu ý khi chế biến các loại thịt cho người tiểu đường

    Khi chế biến món ăn cùng các loại thịt cho người tiểu đường, bạn nên:

    • Trước khi chế biến, hãy rửa sạch thịt và loại bỏ càng nhiều mỡ càng tốt, chỉ ưu tiên lấy phần thịt nạc tươi.
    • Ưu tiên các cách chế biến là nướng, luộc hay xào, hạn chế chiên (rán) để giảm thiểu chất béo trong món ăn. Khi nướng, tránh để thịt bị cháy khét.
    • Không nên ăn thịt quá nhiều và quá thường xuyên, cắt giảm xuống còn 70 gram thịt hoặc ít hơn mỗi ngày (đây là khối lượng thịt đã nấu chín).
    • Chỉ sử dụng thịt đỏ vào những dịp đặc biệt, đồng thời cắt giảm khẩu phần ăn trong mỗi lần. Hãy xem thịt như là một món ăn phụ để tăng thêm hương vị hơn là món ăn chính.
    • Bổ sung thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày nhiều chất xơ với trái cây, rau củ quả tươi.

    Thay thế các loại thịt cho người tiểu đường như thế nào?

    Như đã nói ở trên, cơ thể chúng ta vẫn cần protein để duy trì các hoạt động sống. Thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, trứng, sữa, các loại đậu, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt được coi là một phần của nhóm thực phẩm giàu protein.

    Vì vậy, bạn có thể bổ sung protein không chỉ từ các loại thịt cho người tiểu đường mà còn thông qua nhiều nguồn thực phẩm khác. Hãy thử một hoặc hai bữa ăn không ăn thịt trong tuần bằng cách thay thế thịt bằng các nguồn protein khác bao gồm:

    Protein thực vật

    Thực phẩm chứa protein thực vật cung cấp nguồn protein chất lượng, chất béo lành mạnh và chất xơ, đồng thời cũng rất ít calo. Chúng bao gồm:

    • Các loại đậu như đậu lăng, đậu đen, đậu nành, đậu Hà Lan
    • Các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ
    • Các loại hạt và bơ hạt như bơ hạnh nhân, bơ hạt điều hoặc bơ đậu phộng.

    Cá và hải sản

    Ngoài các loại thịt cho người tiểu đường, bạn cũng có thể bổ sung thêm hải sản, bao gồm cá và động vật có vỏ. Bởi chúng có chứa chất béo bão hòa và cholesterol thấp hơn hầu hết các loại thịt đỏ và thịt gia cầm. Cụ thể như sau:

    • Các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, cá mòi, cá rô phi và cá chẽm) là nguồn cung cấp axit béo omega-3 tuyệt vời. 
    • Các loại cá khác bao gồm cá da trơn, cá tuyết, cá bơn,… Hãy duy trì ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần.
    • Động vật có vỏ bao gồm nghêu, cua, động vật có vỏ giả, ốc, sò, tôm và hàu.

    Trứng, sữa và phô mai

    Trứng cũng là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Bạn có thể dùng trứng để xào, chiên ốp la, luộc sơ hoặc luộc chín để ăn đều được.

    Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng chứa nhiều protein và carbohydrate lành mạnh, nhiều vitamin và khoáng chất khác. Hãy chọn sữa, phô mai và sữa chua ít béo hoặc không béo để tốt cho sức khỏe của người tiểu đường.

    Tóm lại, nếu muốn bổ sung các loại thịt cho người tiểu đường thì hãy lựa chọn và chế biến đúng cách, kết hợp các nguồn protein khác để không ảnh hưởng xấu đến đường trong máu. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 31/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo