backup og meta

Chứng hôi miệng và bệnh tiểu đường

Chứng hôi miệng và bệnh tiểu đường

Hơi thở có mùi khó chịu có thể là dấu hiệu báo động bạn đang mắc một bệnh nghiêm trọng. Nếu bạn bị tiểu đường, mùi của hơi thở có thể cho biết được tình trạng sức khỏe của bạn. Bạn có thể phòng tránh được một số căn bệnh nghiêm trọng về nướu răng và phòng ngừa được bệnh nhiễm toan ceton nếu bạn được trang bị đầy đủ kiến thức về nó.

Những thông tin sau đây có ích cho bạn để biết được hôi miệng là triệu chứng của một bệnh nào đó hay là biến chứng của bệnh tiểu đường. Để biết thêm thông tin chẩn đoán về tình trạng hôi miệng của mình, bạn có thể tìm đến bác sĩ nha khoa để được hỗ trợ tốt nhất.

Mối liên hệ giữa chứng hôi miệng và bệnh tiểu đường

đái tháo đường tuýp 2

Vị ngọt, vị trái cây, vị lê là từ mô tả hơi thở có mùi lạ liên quan đến bệnh tiểu đường.

Mùi hơi thở có thể gợi ý về tình trạng sức khỏe của bạn. Hơi thở hôi mùi trái cây có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường, có mùi amoniac có thể là do bệnh thận. Tương tự như vậy, hơi thở có mùi trái cây thối có thể là một dấu hiệu của tình trạng chán ăn liên quan đến tâm lý. Các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh hen, xơ nang, ung thư phổi và bệnh gan đều gây ra những mùi khác nhau cho hơi thở.

Hơi thở hôi, còn gọi là chứng hôi miệng, còn có thể giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán được bệnh tiểu đường. Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng phân tích hơi thở bằng tia hồng ngoại có thể giúp xác định được bạn đang ở giai đoạn tiền tiểu đường hay tiểu đường giai đoạn đầu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Western New England đang thử nghiệm một loại dụng cụ kiểm tra nồng độ đường huyết bằng cách phân tích hơi thở.

Nguyên nhân của chứng hôi miệng tiểu đường?

chứng hôi miệng do tiểu đường

Chứng hôi miệng do bệnh tiểu đường có hai nguyên nhân chính: bệnh nha chu và nồng độ ceton trong máu cao.

Bệnh nha chu

Bệnh tiểu đường và bệnh nha chu giống như con dao hai lưỡi. Một mặt, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các bệnh về răng miệng thì ngược lại, các bệnh này cũng có thể làm bệnh tiểu đường thêm trầm trọng. Theo một báo cáo của Tạp chí Nha khoa và Y học IOSR, ước tính cứ ba người bị bệnh tiểu đường thì có một người bị bệnh nha chu. Bệnh về tim mạch và đột quỵ, là biến chứng của bệnh tiểu đường, cũng liên quan đến bệnh nha chu.

Bệnh tiểu đường có thể làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể bạn, bao gồm cả nướu răng. Nếu nướu và răng của bạn không nhận được nguồn cung cấp máu thích hợp thì có thể trở nên yếu và dễ bị nhiễm trùng hơn. Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nồng độ đường trong miệng của bạn, thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn, nhiễm trùng và hôi miệng. Bệnh ở vùng răng miệng thường sẽ nặng hơn khi đường máu cao khiến cho việc chống lại nhiễm trùng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chữa trị bệnh nướu răng trở nên phức tạp hơn nhiều.

Bệnh nha chu, còn gọi là bệnh nướu răng, bao gồm viêm lợi, viêm nha chu nhẹ và viêm nha chu mức độ nặng. Khi bạn mắc phải các bệnh này, vi khuẩn sẽ tấn công các mô và xương nâng đỡ răng. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm. Tình trạng viêm ảnh hưởng đến sự trao đổi chất và tăng lượng đường trong máu khiến cho bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu bạn mắc bệnh nha chu, bệnh có thể nặng hơn và mất nhiều thời gian để chữa lành hơn ở một người không bị tiểu đường.

Hôi miệng là một dấu hiệu thường gặp của bệnh nha chu. Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Nướu đỏ hoặc đau
  • Chảy máu nướu răng
  • Răng nhạy cảm
  • Tụt nướu

Nhiễm toan ceton

Phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1

Khi cơ thể bạn không thể sản xuất insulin, các tế bào sẽ không nhận được lượng đường cần thiết để làm năng lượng. Cơ thể sẽ bù lại lượng thiếu hụt đó bằng cách đốt cháy chất béo. Quá trình đốt cháy chất béo sẽ sản sinh ra ceton, chất này sẽ tích tụ dần dần trong máu và nước tiểu của bạn. Ceton cũng có thể được tạo ra khi bạn nhịn ăn hoặc bạn có chế độ ăn uống giàu protein và ít carbohydrate.

Nồng độ ceton cao thường gây ra hôi miệng. Ví dụ như acetone (một chất trong nhóm ceton) có thể gây ra hơi thở có mùi như sơn móng tay.

Khi hàm lượng ceton tăng vượt mức an toàn, bạn có nguy cơ bị nhiễm toan ceton máu do tiểu đường. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Hơi thở có mùi ngọt và mùi trái cây
  • Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường
  • Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đường huyết cao
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Rối loạn tri giác.

Nhiễm toan ceton là một tình trạng nguy hiểm. Bệnh này thường gặp ở những người bị tiểu đường tuýp 1 không kiểm soát được mức đường huyết. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy đi khám ngay lập tức.

Bạn có thể làm gì để kiểm soát các biến chứng?

Sức khỏe răng miệng do biến chứng bệnh tiểu đường

Cùng với bệnh thần kinh, bệnh tim mạch và những bệnh khác, nha chu là một biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa các bệnh nha chu hoặc để làm giảm bớt mức độ nặng của các biến chứng của bệnh tiểu đường. Hãy phòng tránh chứng hôi miệng bằng những mẹo hàng ngày sau đây:

  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
  • Đừng quên đánh răng hay cạo lưỡi, vì lưỡi là nơi sản sinh ra vi khuẩn có mùi hôi.
  • Uống nước nhiều và giữ miệng ẩm.
  • Sử dụng kẹo bạc hà không đường hoặc kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt.
  • Khám nha sĩ thường xuyên và làm theo lời bác sĩ tư vấn. Hãy báo cho nha sĩ biết bạn bị bệnh tiểu đường.
  • Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kê toa thuốc kích thích tiết nước bọt cho bạn.
  • Nếu bạn đeo răng giả, hãy chọn một bộ thật vừa vặn và nên gỡ chúng ra vào ban đêm.
  • Không hút thuốc.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dillon, E. L., Janghorbani, M., Angel, J. A., Casperson, S. L., Grady, J. J., Urban, R. J., Volpi, E., & Sheffield-Moore, M. (2009). Novel noninvasive breath test method for screening individuals at risk for diabetes. Diabetes Care, 32(3), 430-435. http://care.diabetesjournals.org/content/32/3/430.long. Ngày truy cập 10/11/2015

Loesche, W. J., & Kazor, C. (2002). Microbiology and treatment of halitosis. Periodontology, 28(1), 256-279. http://onlinelibrary.wiley.com/enhanced/doi/10.1034/j.1600-0757.2002.280111.x/. Ngày truy cập 10/11/2015

Oral health: Preventing cavities, gum disease, tooth loss, and oral cancers at a glance 2011. (2011).  http://www.cdc.gov/chronicdisease/resources/publications/aag/doh.htm. Ngày truy cập 10/11/2015

Singh, B., & Singh, R. (2013). Gingivitis –A silent disease. IOSR Journal of Dental and Medical Sciences, 6(5), 30-33.  http://www.iosrjournals.org/iosr-jdms/papers/Vol6-issue5/H0653033.pdf. Ngày truy cập 10/11/2015

Western New England University. (2013, November 28). Breathalyzer technology shows promise in monitoring of diabetics [Press Release]. http://www1.wne.edu/news/index.cfm?selection=doc.2507&DCIid=16160. Ngày truy cập 10/11/2015

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Giang Lê

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

Người bị hạ đường huyết nên ăn gì?

Kiểm soát tiểu đường dễ dàng với 9 biện pháp tự nhiên


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo