Thuốc và thực phẩm chức năng đều là những khái niệm quen thuộc trong việc chăm sóc sức khỏe, điều trị các triệu chứng, bệnh lý. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ và phân biệt được chúng để biết cách lựa chọn, sử dụng hợp lý.
Sử dụng thuốc để điều trị, phòng ngừa các vấn đề sức khỏe mắc phải là điều hết sức hiển nhiên. Song song đó, hiện nay trên thị trường còn có rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo với nhiều công dụng để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Đôi khi, sự “tâng bốc” sản phẩm quá đà còn khiến nhiều người nghĩ rằng thực phẩm chức năng có thể giúp chữa trị rất nhiều triệu chứng bệnh lý.
Nếu hiểu rõ bản chất hai nhóm sản phẩm này bạn sẽ biết cách lựa chọn, sử dụng đúng. Hãy cùng đọc tiếp bài viết sau đây để có cái nhìn khách quan và rõ ràng hơn.
Định nghĩa về thuốc và thực phẩm chức năng
Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán, chữa, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người. Thuốc bao gồm có thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc-xin và sinh phẩm.
Thực phẩm chức năng được dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, giúp tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh. Một số tên gọi khác của từng dạng thực phẩm chức năng gồm:
- Thực phẩm bổ sung: thực phẩm được bổ sung thêm các vi chất và yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe: được bào chế dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng khác có chứa một hoặc hỗn hợp của nhiều chất như:
- Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
- Hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, chất khoáng và nguồn gốc thực vật ở các dạng như chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa.
- Thực phẩm dinh dưỡng y học (hay thực phẩm dinh dưỡng dùng cho mục đích y tế đặc biệt): loại thực phẩm có thể ăn bằng đường miệng hoặc ống thông, được chỉ định để điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh và chỉ dùng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt: dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX). Thực phẩm này được chế biến hoặc phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo từng thể trạng hoặc tình trạng bệnh lý/ rối loạn của người dùng. Thành phần phải có khác biệt rõ rệt so với thực phẩm thông thường cùng bản chất, nếu có.
Bạn có thể quan tâm: Lưu ý khi chọn mua thực phẩm chức năng.
Cả thuốc và thực phẩm chức năng đều phải đạt được những yêu cầu chất lượng tương ứng trước khi được lưu hành trên thị trường. Vì một số thực phẩm chức có dạng bào chế giống như thuốc nên thường gây ra nhiều bối rối, nhầm lẫn cho người sử dụng.
Phân biệt thuốc và thực phẩm chức năng
Tất cả các loại thuốc không kê đơn hay kê đơn đang lưu hành trên thị trường đều được cấp phép và quản lý chặt chẽ bởi Cục Quản lý Dược. Trong khi đó, thực phẩm chức năng phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đến tay người tiêu dùng.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng không được xem là thuốc nên không cần tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt về độ an toàn và hiệu quả như thuốc. Tuy vậy, sản phẩm cần công bố rõ ràng hàm lượng chất dinh dưỡng cũng như khuyến cáo về sức khỏe theo các nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả. Dù sử dụng thực phẩm chức năng thường ít gây ra tác dụng phụ hơn và tuyên bố mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bạn cũng không nên tự ý dùng quá mức. Đặc biệt, các sản phẩm này không trực tiếp điều trị các vấn đề sức khỏe bạn đang gặp phải nên không thể thay thế cho các thuốc điều trị.
Tóm lại, thực phẩm chức năng không phải trải qua các thử nghiệm lâm sàng phức tạp và đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn chất lượng như thuốc cũng như không dùng thay thế thuốc chữa bệnh.
Nhận biết sản phẩm là thuốc
Bạn có thể phân biệt giữa thuốc và thực phẩm chức năng bằng cách tìm đọc một số thông tin trên bao bì/ nhãn sản phẩm. Đối với thuốc, trên bao bì phải in số đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp (thường ở mặt sau của hộp thuốc, trên vỉ nhôm, ở cuối tờ hướng dẫn sử dụng). Các ký hiệu trong số đăng ký thuốc thường gặp gồm:
- VD-….-yy: thuốc sản xuất trong nước
- VN-….-yy/ VN2-….-yy/ VN3-….-yy: thuốc sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam
- V…-H12-yy: thuốc từ dược liệu sản xuất ở trong nước
- VS-….-yy: thuốc dùng ngoài sản xuất trong nước
- GC-…-yy: thuốc sản xuất gia công
- QLĐB-….-yy: các thuốc được quản lý đặc biệt
- QLSP-…-yy: dành cho một số sản phẩm thuốc sinh phẩm như thuốc có chứa lợi khuẩn, thuốc sinh học
- QLVX-….-yy: dành cho vắc-xin
Hai chữ số cuối trong số đăng ký (yy) thể hiện năm cấp số đăng ký. Ví dụ, một thuốc có số đăng ký là VD-….-09 có nghĩa đó là thuốc được sản xuất ở trong nước và được cấp giấy phép lưu hành vào năm 2009, phần chữ số ở giữa (….) là số thứ tự do Cục Quản lý Dược cấp.
Các thuốc kê đơn, tức là chỉ được dùng khi được bác sĩ chỉ định trong đơn thuốc, sẽ có ký hiệu Rx hoặc dòng chữ “Thuốc kê đơn”, “Thuốc bán theo đơn” trên hộp thuốc và trong tờ hướng dẫn sử dụng.
Nhận biết sản phẩm thực phẩm chức năng
Theo quy định, bao bì và tờ hướng dẫn sử dụng của thực phẩm chức năng phải ghi rõ nhóm thực phẩm như “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”. Ngay sau phần ghi nhãn về công dụng của sản phẩm hoặc cùng chỗ với các khuyến cáo khác (nếu có) phải ghi cụm từ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Số đăng ký được in trên bao bì thực phẩm chức năng là số công bố tiêu chuẩn (SCBTC) theo mẫu: Số được cấp/số năm cấp/YT-CNTC.
Việc phân biệt được thuốc và thực phẩm chức năng sẽ giúp bạn hiểu được sản phẩm sẽ sử dụng và những lợi ích, tác dụng sẽ nhận được. Bạn có thể phối hợp dùng cả hai nhóm sản phẩm này để tăng hiệu quả điều trị, nâng cao sức khỏe, phòng ngừa một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vì có thể xảy ra tương tác dẫn đến tác dụng không mong muốn.