Ho khan (ho không có đờm) là một phản xạ không tự chủ, xảy ra do sự kích thích của đường dẫn khí trong phổi. Lựa chọn thuốc trị ho khan phải tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng đi kèm nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Nguyên nhân ho khan có thể là do nhiễm trùng gây cảm lạnh và cúm, covid -19 (nhiễm SAR-CoV-2), hậu nhiễm virus hoặc kích ứng bởi các tác nhân bên ngoài như không khí lạnh, khói bụi, hút thuốc lá… Ho khan cũng có thể triệu chứng của một trong các bệnh: hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, chứng ngưng thở khi ngủ, viêm thanh quản, ho gà, bệnh phổi kẽ hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc, suy tim, thuyên tắc phổi, ung thư phổi, …
Đối với trường hợp ho khan là triệu chứng của một bệnh nào đó thì cần phải điều trị từ căn nguyên. Còn trong trường hợp ho khan không xác định rõ nguyên nhân thì việc dùng thuốc giảm ho cũng là điều cần thiết.
Thuốc trị ho khan bao gồm những loại nào?
Các thuốc trị ho khan có công dụng ngăn chặn cơn ho khan. Một số loại đang được bày bán rộng rãi ở các hiệu thuốc, chẳng hạn như:
Thuốc ức chế cơn ho
Thuốc ức chế ho là loại thuốc trị ho khan cho người lớn phổ biến nhất hiện nay. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm giảm phản xạ ho. Các loại thuốc này thường chứa các thành phần hoạt chất bao gồm: dextromethorphan, pholcodine, codeine, dihydrocodeine và pentoxyverine. Một số loại thuốc ức chế cơn ho cần có chỉ định của bác sĩ, trong khi đó, một số loại thuốc khác có bán tại các hiệu thuốc mà không cần được kê đơn.
Các chất không kê đơn như dextromethorphan có thể giúp ức chế một phần phản xạ ho, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Riêng codein và các thuốc trị ho khan gốc codein có thể gây lệ thuộc thuốc nếu dùng dài ngày, phải có sự kê đơn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Viên ngậm trị ho khan
Một số loại thuốc trị ho khan được điều chế dưới dạng viên ngậm và được bày bán rất rộng rãi. Ngoài chứa các hoạt chất giúp ức chế cơn ho, chất gây tê cổ họng, chúng còn chứa các chất kháng khuẩn làm dịu cảm giác đau họng. Các sản phẩm này chứa nhiều sự kết hợp khác nhau giữa tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, dầu bạch đàn, mật ong và các thành phần khác nhằm làm dịu kích ứng và giảm ho khan.
Các nhóm thuốc trị nguyên nhân ho khan
Bên cạnh thuốc để cắt cơn ho, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhằm điều trị nguyên nhân gây ho (nếu có). Chẳng hạn như:
Thuốc trị ho khan do hen suyễn
Nếu bác sĩ chẩn đoán rằng nguyên nhân gây ho khan là do hen suyễn, thuốc dạng xịt corticosteroid và thuốc giãn phế quản sẽ được kê đơn để làm giảm viêm và thông thoáng đường thở.
Thuốc làm thông mũi
Thuốc làm thông mũi làm cho các mạch máu trong phổi và mũi thu hẹp (co lại), và điều này sẽ làm giảm tắc nghẽn. Chẳng hạn như: phenylephrine, pseudoephedrine, ephedrine, oxymetazoline hoặc xylometazoline.
Thuốc kháng histamine
Nếu nguyên nhân gây ho là do dị ứng, việc điều trị sẽ là tránh những tác nhân gây dị ứng và dùng thuốc kháng histamine để làm giảm phản ứng dị ứng. Thuốc kháng histamine làm giảm giải phóng histamine. Điều này làm giảm tắc nghẽn và giảm lượng dịch bài tiết của phổi. Một số loại thuốc kháng histamine được sử dụng trong điều trị ho khan như: brompheniramine, chlorphenamine, diphenhydramine, doxylamine, promethazine hoặc triprolidine.
Thuốc kháng sinh
Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc mycobacteria gây ra cơn ho, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để giải quyết tình trạng nhiễm trùng.
Thuốc kháng axit
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây ho là do chứng trào ngược axit trong dạ dày. Đối với trường hợp này, bạn có thể được điều trị bằng các loại thuốc kháng axit để trung hòa lượng axit trong dạ dày và làm giảm lượng axit mà dạ dày tiết ra. Một số người đôi khi cần phẫu thuật để điều trị tình trạng này.
Những lưu ý khi uống thuốc trị ho khan
- Không sử dụng thuốc trị ho khan không kê đơn có chứa bất kỳ các thành phần hoạt tính nào vừa đề cập ở trên để điều trị ho ở trẻ em dưới 6 tuổi. Bởi có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nên dùng các hỗn hợp trị ho đơn giản từ thiên nhiên như glycerin, mật ong và chanh.
- Hãy cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng những loại này cho trẻ em dưới 12 tuổi.
- Hoạt chất trong thuốc trị ho dextromethorphan khi dùng chung với thuốc chống trầm cảm MAOI có thể gây kích thích hoặc trầm cảm.
- Ephedrine, pseudoephedrine và phenylpropanolamine, khi dùng cùng lúc với thuốc chống trầm cảm MAOI có thể khiến huyết áp tăng rất cao.
- Một số các loại thuốc trị ho khan có chứa pholcodine và diphenhydramine có thể gây buồn ngủ, pholcodein có thể gây táo bón… Cần lưu ý tất cả những phản ứng khác lạ trong quá trình sử dụng thuốc và báo cho Dược sĩ/Bác sĩ để được hướng dẫn.
- Thuốc ho không kê đơn chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, thông thường là trong vài ngày. Hầu hết các cơn ho sẽ không kéo dài hơn 2-3 tuần, nếu có bạn nên đi khám.
- Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc trị ho khan kéo dài nào để đảm bảo an toàn.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các thuốc trị ho khan và những lưu ý khi sử dụng. Đừng để cơn ho làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn nhé!