backup og meta

Neurontin

Neurontin

Thuốc Neurontin với thành phần gabapentin, là một loại thuốc thuộc nhóm chống co giật hoặc động kinh. Neurontin được bào chế dưới dạng viên nang cứng và viên nén với các hàm lượng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là thuốc Neurontin 300mg dạng viên nang cứng. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về thuốc này trong bài viết sau đây nhé!

Tên biệt dược: Neurontin

Tên hoạt chất: Gabapentin 

Tác dụng

Thuốc Neurontin 300mg là thuốc gì, có tác dụng gì?

Thuốc Neurontin với hoạt chất chính là gabapentin, thường được chỉ định đơn trị liệu hoặc phối hợp với các thuốc khác để điều trị các vấn đề liên quan đến thần kinh, cụ thể là:

  • Điều trị cơn động kinh cục bộ có hoặc không có kèm theo các cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
  • Sử dụng như liệu pháp hỗ trợ bên cạnh thuốc khác trong điều trị các cơn động kinh cục bộ có hoặc không có kèm theo các cơn toàn thể thứ phát ở người lớn và trẻ em từ 3 tuổi trở lên.
  • Điều trị đau thần kinh ở người lớn trên 18 tuổi.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Neurontin có những dạng và hàm lượng nào?

Viên nang cứng: Neurontin 300mg, 400mg và 100mg

Viên nén: Neurontin 500mg, 600mg

Liều dùng thuốc Neurontin cho người lớn như thế nào?

Điều trị bệnh động kinh:

  • Ngày 1: khởi đầu với Neurontin 300mg
  • Ngày 2: Neurontin 300mg x 2 lần
  • Ngày 3: Neurontin 300mg x 3 lần
  • Những ngày tiếp theo có thể duy trì liều 300mg đến 600 mg x 3 lần/ ngày, tùy theo sự đáp ứng của bệnh nhân. Liều khuyến cáo tối đa là 3600mg/ ngày, chia làm 3 lần.

Điều trị đau thần kinh:

  • Khuyến cáo nên dùng thuốc Neurontin khởi đầu bằng liều 300mg x 3 lần/ ngày.
  • Sau đó có thể tăng liều khi cần thiết để giảm đau. Liều tối đa mỗi ngày là 3600mg, chia làm 3 lần.

Với bệnh nhân động kinh có kèm theo suy giảm chức năng thận, cần phải điều chỉnh tổng liều hằng ngày dựa trên chức năng thận như sau:

  • Độ thanh thải Creatinin từ 80mL/phút trở lên: 900 – 3600 mg/ngày
  • Độ thanh thải Creatinin từ 50 – 79mL/phút: 600 – 1800 mg/ngày
  • Độ thanh thải Creatinin từ 30 – 49mL/phút: 300 – 900 mg/ngày
  • Độ thanh thải Creatinin từ 15 – 29mL/phút: 150 – 300 mg/ngày
  • Độ thanh thải Creatinin dưới 15 mL/phút: 150 – 300 mg/ngày
  • Bệnh nhân thẩm phân lọc máu: khởi đầu với liều 300 – 400 mg, sau đó giảm xuống 200 – 300 mg gabapentin sau mỗi 4 giờ thẩm phân lọc máu.

Liều dùng thuốc Neurontin cho trẻ em như thế nào?

Trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi: 

  • Khởi đầu với liều 10 đến 15 mg/ kg/ ngày, chia làm 3 lần.
  • Tăng dần liều lượng lên đến 50 mg/ kg/ ngày đã được dung nạp tốt trong một nghiên cứu lâm sàng dài hạn. 

Trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể sử dụng thuốc Neurontin 300mg theo liều lượng khuyến cáo như ở người lớn. 

Cách dùng

Cách dùng thuốc neurontin

Bạn nên dùng thuốc Neurontin như thế nào?

Thuốc Neurontin 300mg được sử dụng bằng đường uống, bạn có thể dùng thuốc cùng với thức ăn hoặc không. Bạn cần lưu ý tránh dùng các thuốc kháng axit trong vòng 2 giờ trước khi uống Neurontin, bởi vì có thể khiến cơ thể bạn khó hấp thụ gabapentin hơn.

Khi giảm liều, ngừng thuốc hay thay thế bằng một thuốc khác cần phải tiến hành từ từ trong thời gian tối thiểu 1 tuần.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Độc tính cấp có khả năng đe dọa tính mạng vẫn chưa được ghi nhận khi dùng quá liều lên đến 49g gabapentin. Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm: chóng mặt, nhìn đôi, nói lắp, buồn ngủ, mất ý thức, hôn mê và tiêu chảy nhẹ.

Không xác định được liều gây chết của thuốc, tuy nhiên các biểu hiện khó thở, thở gấp, sa mí mắt, giảm hoạt động hoặc dễ bị kích động có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng ngộ độc cấp tính khi sử dụng liều cao.

Để đảm bảo an toàn, trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều bạn hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tuy nhiên, không được để khoảng cách giữa hai liều trên 12 giờ vì như vậy có thể làm bùng phát các cơn co giật.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Neurontin?

Những tác dụng phụ phổ biến của thuốc Neurontin có thể kể đến như là: 

  • Mệt mỏi, đau nhức cơ thể
  • Sốt, ớn lạnh, đau họng
  • Buồn ngủ, ngủ gà, chóng mặt, mất điều hòa.
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Rối loạn tiêu hóa (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu)
  • Giảm thị lực, nhìn đôi
  • Rung giật nhãn cầu
  • Lo lắng, mất ngủ
  • Phù ngoại vi (sưng ở mặt, chân và bàn chân)
  • Kích động, khó nói
  • Chán ăn, suy nhược

Hiếm gặp hơn có thể xuất hiện những phản ứng có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể và sức khỏe:

  • Phát ban trên da, sốt, sưng hạch
  • Bầm tím bất thường
  • Đau bụng trên, vàng da hoặc mắt. 
  • Trầm cảm, căng thẳng, bồn chồn
  • Cáu kỉnh, hung hăng
  • Có ý định tự tử hoặc tự làm tổn thương bản thân
  • Thở yếu hoặc nông
  • Da, môi, ngón tay, ngón chân có màu xanh.
  • Buồn ngủ cực độ
  • Tăng co giật
  • Rối loạn vận động, loạn trương lực cơ
  • Chuyển động mắt bất thường

Trẻ em sau khi sử dụng thuốc Neurontin có nhiều nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ liên quan đến việc thay đổi hành vi và các vấn đề về trí nhớ, bao gồm: khó tập trung, hành động bồn chồn, thù địch hoặc hung hăng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Thận trọng khi dùng neurontin

Trước khi dùng thuốc Neurontin, bạn nên lưu ý những gì?

Chống chỉ định sử dụng thuốc Neurontin cho người quá mẫn với gabapentin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thành phần thuốc Neurontin có chứa đường lactose, không nên dùng cho bệnh nhân có các vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose.

Mặc dù chưa có các bằng chứng về các cơn động kinh bùng phát do gabapentin, nhưng việc ngừng đột ngột các thuốc chống co giật ở bệnh nhân động kinh có thể dẫn đến trạng thái động kinh ở bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có thể bị tăng tần suất co giật hoặc xuất hiện các dạng co giật mới khi bắt đầu dùng thuốc Neurontin.

Thuốc Neurontin không có hiệu quả trong việc chống lại các cơn động kinh vắng ý thức và đôi khi có thể làm trầm trọng thêm cơn co giật này ở một số bệnh nhân. Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân có cơn động kinh hỗn hợp kể cả vắng ý thức.

Lưu ý, khoảng cách giữa các liều dùng thuốc không được vượt quá 12 giờ để phòng ngừa nguy cơ bùng phát các cơn co giật.

Bệnh nhân điều trị với Neurontin thường có liên quan đến chứng chóng mặt và ngủ gà. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương do tai nạn hoặc té ngã, đồng thời cũng làm giảm khả năng lái xe hay vận hành các máy móc nguy hiểm. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc thận trọng cho đến khi cơ thể thích nghi được với các ảnh hưởng của thuốc.

Phát ban hoặc xuất hiện các triệu chứng quá mẫn, như sốt hay nổi hạch trong thời gian dùng thuốc Neurontin có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng. Lúc này, bệnh nhân cần phải ngừng sử dụng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

Nên cân nhắc và xem xét việc ngừng sử dụng thuốc Neurontin nếu bệnh nhân bị viêm tụy cấp trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân bị tổn thương chức năng hô hấp, bệnh COPD, suy thận, người đang sử dụng đồng thời thuốc ức chế thần kinh trung ương và người cao tuổi thường có nguy cơ cao gặp phải những phản ứng bất lợi liên quan đến ức chế hô hấp nghiêm trọng. 

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Neurontin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Không có đầy đủ dữ liệu để kết luận chắc chắn về việc sử dụng thuốc Neurontin liệu có gây ra độc tính đối với thai nhi và trẻ bú mẹ hay không. Vì vậy, khuyến cáo không nên dùng thuốc Neurontin cho phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ và cho con bú.

Trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cân nhắc sử dụng thuốc khi mà lợi ích của việc điều trị vượt trội hơn hẳn so với nguy cơ gây hại.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc neurontin

Thuốc Neurontin có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Neurontin có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có khả năng xảy ra tương tác với Neurontin mà bạn cần lưu ý bao gồm: 

  • Morphin và các opioid khác
  • Thuốc kháng acid có chứa muối nhôm và muối magnesi.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương.

Thuốc Neurontin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Neurontin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Neurontin như thế nào?

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, dưới 30°C.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc những nơi ẩm ướt.

Để xa tầm tay của trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Neurontin. https://drugbank.vn/thuoc/Neurontin&VN-16857-13. Ngày truy cập 26/10/2021

Neurontin 300 mg Hard Capsules. https://www.medicines.org.uk/emc/product/3195/smpc#gref. Ngày truy cập 26/10/2021

Neurontin. https://www.pfizer.com/products/product-detail/neurontin. Ngày truy cập 26/10/2021

Neurontin side effects: How do I manage them? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epilepsy/expert-answers/neurontin-side-effects/faq-20057893. Ngày truy cập 26/10/2021

Neurontin https://www.mims.com/malaysia/drug/info/neurontin?type=full Ngày truy cập 17/04/2023

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Vắc-xin HPV

Depakine®


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo