backup og meta

Thuốc hạ sốt Sara hương dâu dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

Thuốc hạ sốt Sara hương dâu dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

Thuốc hạ sốt Sara hương dâu tây với xuất xứ từ Thái Lan, là một lựa chọn của nhiều mẹ khi cần giảm đau, hạ sốt cho trẻ nhỏ. Với dạng bào chế siro mùi thơm dịu và vị ngọt giúp trẻ dễ uống hơn. Đồng thời hiệu quả trong việc giảm đau, hạ sốt. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về công dụng và những lưu ý khi dùng thuốc này nhé!

Tác dụng

Tác dụng của thuốc hạ sốt Sara là gì?

Thuốc hạ sốt Sara với thành phần chính là paracetamol được chỉ định trong các trường hợp hạ sốt và giảm đau cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

tác dụng của thuốc hạ sốt SaRa

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc hạ sốt Sara cho trẻ em như thế nào?

Trẻ em 4 tháng – 1 tuổi: 1/2 thìa cà phê (2.5ml)/ lần.

Trẻ em 1 – 2 tuổi: 1 thìa cà phê (5ml)/ lần.

Trẻ em 2 – 6 tuổi: 1 – 2 thìa cà phê (5- 10ml)/lần.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc hạ sốt Sara như thế nào?

Uống mỗi 4 – 6 giờ khi cần thiết nhưng không quá 5 lần/ngày.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Quá liều xảy ra khi dùng một liều độc duy nhất hoặc uống lặp lại liều lớn paracetamol (7,5 – 10g/ngày x 1 – 2 ngày) hoặc do uống thuốc dài ngày.

Triệu chứng quá liều: Buồn nôn, nôn, đau bụng, xanh tím da, niêm mạc, móng tay. Hoại tử gan phụ thuộc liều là tác dụng độc tính cấp nghiêm trọng nhất do quá liều. Tổn thương gan trở nên rõ rệt trong vòng 2 – 4 ngày sau khi uống liều độc.

Xử trí: Rửa dạ dày, uống hoặc tiêm tĩnh mạch N-acetylcystein để giải độc paracetamol. Nếu không có N-acetylcystein có thể dùng methionin, than hoạt tính và/ hoặc thuốc tẩy muối.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

cách dùng thuốc hạ sốt SaRa

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc hạ sốt Sara?

Sử dụng theo chỉ dẫn hiếm khi gây ngộ độc trầm trọng hay phản ứng phụ.

  • Phản ứng quá mẫn: Phát ban, nổi mày đay, sốt.
  • Các bệnh về máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu.
  • Các phản ứng phụ khác: Giảm glucose huyết, vàng da.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc hạ sốt Sara, bạn nên lưu ý những gì?

Chống chỉ định dùng thuốc hạ sốt Sara trong các trường hợp

  • Mẫn cảm với paracetamol hay bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân nhiều lần thiếu máu hay có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan.
  • Bệnh nhân thiếu hụt glucose-6 phosphate dehydrogenase-G6PD.

Thận trọng khi dùng thuốc

Paracetamol tương đối không độc ở liều điều trị. Tuy nhiên không được dùng thuốc quá 5 ngày. 

Nếu có phản ứng mẫn cảm xảy ra phải ngừng thuốc.

Nếu đau nặng hay tái diễn, sốt cao hay sốt liên tục thì bệnh đã trầm trọng và cần được bác sĩ chẩn đoán. Nếu đau dai dẳng quá 5 ngày, xuất hiện sưng đỏ khớp hay bị thấp khớp ở trẻ < 12 tuổi thì phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

Tỷ lệ mắc phải phản ứng phụ nghiêm trọng trên da không cao nhưng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng bao gồm hội chứng Steven-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).

Triệu chứng của các hội chứng trên được mô tả như sau:

  • Hội chứng Steven-Johnson (SJS): Là dị ứng thuộc thể bọng nước, bọng nước khu trú ở quanh các hốc tự nhiên: mắt, mũi, miệng, tai, bộ phận sinh dục và hậu môn, có thể kèm sốt cao, viêm phổi, rối loạn chức năng gan thận. Chẩn đoán hội chứng Steven-Johnson (SJS) khi có ít nhất 2 hốc tự nhiên bị tổn thương.
  • Hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN): là thể dị ứng thuốc nặng nhất, gồm: Các tổn thương đa dạng ở da (ban dạng sởi, ban dạng tinh hồng nhiệt, hồng ban hoặc các bọng nước bùng nhùng, các tổn thương nhanh chóng lan tỏa khắp người); tổn thương niêm mạc mắt (viêm giác mạc, viêm kết mạc mủ, loét giác mạc); tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa (viêm miệng, trợt niêm mạc miệng, loét hầu, họng, thực quản, dạ dày, ruột) và tổn thương niêm mạc đường sinh dục, tiết niệu.
  • Hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP): Mụn mủ vô trùng nhỏ phát sinh trên nền hồng ban lan rộng. Tổn thương thường xuất hiện ở các nếp gấp như nách, bẹn và mặt, sau đó có thể lan rộng toàn thân. Triệu chứng toàn thân thường có là sốt, xét nghiệm máu bạch cầu múi trung tính tăng cao.

Khi phát hiện những dấu hiệu của các phản ứng quá mẫn như trên, bệnh nhân phải ngừng sử dụng thuốc ngay. Người đã từng bị phản ứng trên da nghiêm trọng do paracetamol thì không được dùng thuốc trở lại và khi đến khám chữa bệnh cần phải thông báo cho nhân viên y tế biết về vấn đề này.

Tương tác thuốc

Thuốc hạ sốt Sara có thể tương tác với những thuốc nào?

Uống dài ngày liều cao paracetamol làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion.

Dùng các thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturate, carbamazepine), isoniazid hoặc uống nhiều rượu làm tăng độc tính đối với gan.

Thuốc hạ sốt Sara có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc hạ sốt Sara?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc hạ sốt Sara như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thuốc Sara (hương dâu tây)

https://cdn.drugbank.vn/1556168710075_138(195).pdf

Ngày truy cập 26/11/2023

Paracetamol – uses, side effects and how to take it | healthdirect

https://www.healthdirect.gov.au/paracetamol

Ngày truy cập 26/11/2023

Paracetamol – Tests & treatments | NHS inform

https://www.nhsinform.scot/tests-and-treatments/medicines-and-medical-aids/types-of-medicine/paracetamol/

Ngày truy cập 26/11/2023

Safe Use Of Paracetamol In Children | KidsHealth NZ

https://www.kidshealth.org.nz/safe-use-paracetamol-children

Ngày truy cập 26/11/2023

Acetaminophen: Uses, Interactions, Mechanism of Action | DrugBank Online

https://go.drugbank.com/drugs/DB00316

Ngày truy cập 26/11/2023

Phiên bản hiện tại

28/11/2023

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Khăn hạ sốt Dr Papie là gì? Cách dùng ra sao?

Thuốc hạ sốt Hapacol 150 cho trẻ bao nhiêu kg thì an toàn, hiệu quả?


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 28/11/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo