backup og meta

Vảy nến bôi thuốc gì? Các loại thuốc bôi vảy nến thường gặp

Vảy nến bôi thuốc gì? Các loại thuốc bôi vảy nến thường gặp

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, đa số người bệnh vảy nến đều cần điều trị với thuốc bôi trực tiếp ngoài da. Vậy nên bị vảy nến nên bôi thuốc gì thì nhanh khỏi là một trong các câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm. Trong bài viết này, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các loại thuốc bôi vảy nến và cách dùng sao cho đúng nhé! 

Vảy nến là bệnh lý da liễu đặc trưng với những mảng vảy màu trắng bạc bao quanh da, những mảng đỏ hồng gây bong tróc, ngứa ngáy và khó chịu. Cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu xác định chính xác nguyên nhân gây ra vảy nến nên các biện pháp điều trị chủ yếu là nhằm cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa lan tỏa và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh. Các lựa chọn điều trị hiện nay bao gồm thuốc bôi vảy nến (kem, thuốc mỡ,…), liệu pháp ánh sáng, thuốc uống hoặc thuốc tiêm. 

Các loại thuốc bôi trị vảy nến không kê đơn 

Các loại thuốc bôi vảy nến không kê đơn chứa thành phần hắc ín hoặc hydrocortisone đã được sử dụng nhiều năm trong điều trị. Dưới đây là một số hoạt chất thường thấy trong thuốc bôi vảy nến không kê đơn: 

Hydrocortisone 

Hydrocortisone là một “đại diện” corticosteroid nhẹ có thể dùng trị các mảng vảy nến nhỏ mà không cần đơn thuốc từ bác sĩ. Thuốc bôi vảy nến này sẽ có hiệu quả giảm ngứa, kháng viêm tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu có nhiều hơn các mảng vảy nến, có thể bạn cần dùng đến thuốc corticosteroid kê đơn để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn. 


Nếu bạn bị nứt da hoặc chảy máu, hãy chọn thuốc mỡ thay vì kem nhé! Thuốc mỡ thường có xu hướng nhẹ nhàng và ít gây kích ứng cho da hơn. 

Thuốc bôi vảy nến hydrocortisone

Bị vảy nến nên bôi kem gì? Kem dưỡng ẩm là điều cần thiết 

Bệnh vảy nến thường gây khô và bong tróc da nên một trong những mục tiêu quan trọng trong điều trị là cần giữ nước trong da. Vì thế, các bác sĩ da liễu thường khuyên bệnh nhân tăng cường cấp ẩm, giúp giảm khô và tăng tốc độ làm lành da. 

Để hỗ trợ điều trị vảy nến hiệu quả, bạn cần theo ý một số tiêu chí sau khi chọn kem dưỡng ẩm: 

  • Nên chọn các loại kem đặc, thuốc mỡ hoặc dầu thay vì sữa dưỡng. 
  • Nên chọn các loại kem dưỡng không chứa hương liệu. 
  • Ưu tiên chọn lựa theo sở thích cá nhân (về thương hiệu chẳng hạn) để đảm bảo bạn sẽ dùng kem dưỡng ẩm này thường xuyên. 

3 phút sau khi tắm và rửa tay là thời gian “vàng” để bạn cấp ẩm cho da. 

Thuốc bôi làm mềm vảy nến: Axit salicylic 

Các loại thuốc bôi vảy nến chứa hoạt chất axit salicylic có công dụng làm mềm và bong tróc vảy đồng thời giảm viêm. Những trường hợp có mảng vảy trên da dày như vảy nến da đầu, cũng được điều trị với axit salicylic. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý về thời gian và liều lượng sử dụng, để hạn chế gặp phải các tác dụng phụ khi dùng axit salicylic như: khô da, đỏ và gây ngứa da. 


Bạn nên tắm với nước nóng trong 15 phút trước khi dùng thuốc làm mềm và bong sừng, bạc vảy như axit salicylic. 

Các sản phẩm chống ngứa 

Ngứa là một trong những nỗi “ám ảnh” với người bệnh vảy nến. Người bệnh có thể tìm mua một số loại thuốc có chứa thành phần hoạt chất calamine, long não, hydrocortison hoặc tinh dầu bạc hà,…để cải thiện triệu chứng ngứa ngáy khó chịu do bệnh gây ra. 


Lưu ý: thuốc bôi vảy nến giảm ngứa thường gây khô da và có nguy cơ gây kích ứng. Vì thế, hãy chọn những loại thuốc có bổ sung thành phần dưỡng ẩm hoặc sử dụng kem chống ngứa kết hợp với các loại kem dưỡng ẩm, làm dịu da bạn nhé! 

Những loại thuốc bôi vảy nến kê đơn 

Thuốc bôi vảy nến kê đơn

Trường hợp có nhiều hơn các mảng vảy nến, các mảng bong da có kích thước lớn, bị nứt da, chảy máu,…thì có thể bạn cần phải đến gặp bác sĩ da liễu sớm để được kê đơn thuốc phù hợp. Một số loại thuốc bôi vảy nến mà bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân bao gồm: 

Corticoid

Bên cạnh thuốc bôi hydrocortison không kê đơn thì một số loại thuốc corticoid mạnh khác như triamcinolone hoặc clobetasol cũng được chỉ định bôi ngoài da trong điều trị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, lạm dụng hoặc sử dụng corticosteroid mạnh thời gian dài có thể làm mỏng da. 

Cách sử dụng corticoid được nhiều bác sĩ da liễu hướng dẫn như sau: 

  • Nên sử dụng thuốc bôi corticoid nhẹ hoặc vừa theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Bôi một đợt từ 20-30 ngày, sau đó nghỉ một thời gian rồi bôi đợt tiếp theo. 
  • Có thể dùng thuốc mỡ corticoid xen kẽ các thuốc khác có hiệu quả tương đương.
  • Không bôi thuốc trên diện tích lớn, thời gian dài. 

Retinoids

Retinoids dạng kem hoặc thuốc mỡ bôi ngoài da thường được chỉ định một hoặc hai lần mỗi ngày để điều trị bệnh vảy nến. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là tăng nhạy cảm với ánh sáng và kích ứng da. 


Lưu ý: Không dùng thuốc bôi vảy nến chứa retinoids cho phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc có ý định mang thai.

Xem thêm: Thuốc bôi ngoài da: Hiểu rõ để dùng đúng!

Các chế phẩm tương tự vitamin D 

Bác sĩ có thể chỉ định vitamin D đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại corticosteroid trong điều trị bệnh vảy nến. Những chế phẩm tương tự vitamin D bao gồm calcitriol và calcipotriene. Những loại vitamin D tổng hợp này đều có tác dụng làm chậm và ngăn chặn quá trình tăng sinh tế bào da. 

Thuốc ức chế calcineurin

Các loại thuốc bôi vảy nến nhóm ức chế calcineurin như tacrolimuspimecrolimus có tác dụng làm dịu phát ban và làm giảm tình trạng đóng vảy trên da. Đặc biệt, có tác dụng hiệu quả cho các vùng da mỏng như da dưới mí mắt – nơi mà các loại kem chứa corticosteroid bị hạn chế dùng vì nguy cơ gây kích ứng cao. 


Thuốc ức chế calcineurin không được khuyến cáo khi bạn đang mang thai hoặc cho con bú hoặc nếu bạn có ý định mang thai. Thuốc này cũng không được dùng lâu dài vì có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và ung thư hạch.

Thuốc bôi vảy nến: Anthralin

Anthralin là một loại thuốc kê đơn thường được dùng với dạng kem bôi hoặc dầu gội đầu, có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào da, làm bong tróc lớp vảy nến, nhờ đó giúp da mịn màng hơn. 

Bên cạnh sử dụng thuốc theo chỉ dẫn từ bác sĩ, bạn cũng cần lưu ý không dùng kem anthralin cho bộ phận sinh dục và mắt. Khi bôi thuốc nên đeo găng tay để hạn chế làm ố bàn tay và móng tay. Không để thuốc tiếp xúc với mắt. Không tự ý dùng thuốc nhiều hơn liều lượng chỉ dẫn.

Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc bôi vảy nến và tự trả lời được câu hỏi bị vảy nến nên bôi thuốc gì nhé! Lưu ý không nên tự ý chẩn đoán và điều trị các bệnh lý da liễu như vảy nến tại nhà. Khi có các dấu hiệu liên quan đến bệnh lý về da, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được kiểm tra và hướng dẫn cách chăm sóc da sao cho đúng, bạn nhé!  

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Psoriasis – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/psoriasis/diagnosis-treatment/drc-20355845

Ngày truy cập: 15/11/2022

Psoriasis

https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/treatment/medications

Ngày truy cập: 15/11/2022

Anthralin topical cream | Cleveland Clinic

https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/18499-anthralin-topical-cream

Ngày truy cập: 15/11/2022

Psoriasis – Treatment – NHS

https://www.nhs.uk/conditions/psoriasis/treatment/

Ngày truy cập: 15/11/2022

Thuốc trị vảy nến 

http://nhidongcantho.org.vn/Default.aspx?tabid=556&ch=4794&thuoc-tri-vay-nen.html

Ngày truy cập: 15/11/2022

Phiên bản hiện tại

27/11/2022

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Vi Quỳnh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

Cách trị vảy nến bằng dầu và tinh dầu


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 27/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo