Tên hoạt chất: Sorbitol
Trong y học, thuốc sorbitol (hay còn có một số tên gọi khác như D-sorbitol, E420, D-glucitol) được bào chế thành thuốc nhuận tràng.
Tác dụng
Tác dụng của thuốc sorbitol là gì?
Thuốc sorbitol là thuộc nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu theo cơ chế tăng tiết cholecystokinin – pancreazymin đẻ làm tăng nhu động ruột. Thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, táo bón và khó tiêu.
Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, sorbitol còn được dùng như một tá dược tạo ngọt trong một số viên nhai hoặc chất hóa dẻo cho gelatin trong vỏ viên nang, có trong thành phần dịch truyền để thay thế glucose trong việc cung cấp năng lượng, giữ ẩm và tạo hương trong mỹ phẩm, giữ ẩm cho kem đánh răng…
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Dạng bào chế và hàm lượng thuốc sorbitol
Thuốc có nhiều dạng bào chế và hàm lượng khác nhau
- Gel thụt nhuận tràng chứa sorbitol 1,875g và natri citrat 0,27g
- Gel thụt trực tràng
- Sorbitol 5g thuốc bột
Liều dùng thuốc sorbitol cho người lớn như thế nào?
Tùy theo dạng bào chế mà liều dùng và cách dùng của thuốc có thể khác nhau, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn và trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng. Liều dùng sau đây chỉ mang tính chất tham khảo.
- Trị khó tiêu: uống 1–3 gói sorbitol 5g mỗi ngày, uống trước ăn hoặc khi có dấu hiệu khó tiêu.
- Trị táo bón: uống 1 gói sorbitol 5g vào buổi sáng, khi đói.
- Liều dùng dạng gel thụt trực tràng điều trị táo bón do nguyên nhân ở vùng trực tràng hậu môn: dùng 1 tuýp thuốc sorbitol 50% một ngày, trước thời điểm dự định đi đại tiện 5–20 phút.
Với người bị bệnh kết tràng cần phải giảm liều.
Liều dùng thuốc sorbitol cho trẻ em như thế nào?
Trẻ em thường dùng với liều lượng bằng một nửa người lớn. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn nếu muốn dùng thuốc này cho trẻ.
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc sorbitol như thế nào?
Hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. Mỗi dạng bào chế sẽ có cách sử dụng khác nhau như:
- Thuốc bột uống: pha 1 gói thuốc vào khoảng 1/2 cốc nước và uống ngay.
- Gel thụt trực tràng: mở nắp rồi đưa đầu tuýp thuốc vào trực tràng, sau đó bóp hết thuốc trong tuýp vào trong trực tràng. Khi rút tuýp thuốc ra ngoài vẫn giữ nguyên động tác bóp, nếu vẫn chưa bóp hết thuốc thì thực hiện lại thao tác. Khi dùng thuốc dạng này, người bệnh nên ở tư thế nằm hoặc để phần hậu môn nâng cao lên, tránh để thuốc chảy ra ngoài
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về cách sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn chính xác.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Khi dùng nhiều liều thuốc lặp lại có thể gây ra rối loạn nước và điện giải. Quá liều được điều trị bằng cách bù nước và điện giải néu cần thiết.
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế địa phương gần nhất.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc sorbitol?
Một số tác dụng phụ được ghi nhận ở một số người dùng thuốc này gồm:
- Tiêu chảy, đau bụng, đặc biệt ở người có hội chứng ruột kích thích, bệnh kết tràng chức năng
- Đầy hơi
- Buồn nôn nhẹ
- Dạng gel thụt trực tràng dùng kéo dài có thể gây kích ứng trực tràng, nóng rát tại chỗ, hiếm khi gây viêm đại tràng xuất huyết
Hãy ngừng sử dụng và gọi ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng nghiêm trọng của tác dụng phụ như dị ứng thuốc (nổi phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng); co thắt dạ dày nặng, nôn mửa, tiêu chảy nặng, phân đen có máu hoặc đen sệt, chảy máu trực tràng, mót đi ngoài thường xuyên, chóng mặt, suy nhược.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác động không mong muốn nào khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Thận trọng/ Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc sorbitol bạn nên biết những gì?
Chống chỉ định dùng thuốc cho các trường hợp sau:
- Các bệnh thực thể viêm ruột non, viêm loét đại – trực tràng, bệnh Crohn, tắc ruột
- Hội chứng đau bụng chưa rõ nguyên nhân
- Người không dung nạp fructose do di truyền
- Tắc đường dẫn mật
- Vô niệu
- Trong đợt trĩ cấp, rò hậu môn, viêm đại tràng xuất huyết (dạng gel thụt)
Hãy nói với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng bất kỳ thứ gì trước đây, buồn nôn, nôn, đau dạ dày và khi thói quen đi đại tiện đột ngột thay đổi trong 2 tuần gần đây.
Đối với người bị bệnh kết tràng, tránh dùng lúc đói và cần giảm liều. Người bị phình đại tràng cần thận trọng khi dùng sorbitol vì nhu động đại tràng có thể bị thay đổi, gây u phân. Nếu có phản ứng kích ứng hoặc mẫn cảm, bạn cần ngưng dùng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ.
Bạn lưu ý không nên sử dụng thuốc nhuận tràng lâu dài. Điều trị táo bón bằng thuốc chỉ để hỗ trợ trong điều trị bằng chế độ ăn uống.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác thuốc
Thuốc sorbitol có thể tương tác với thuốc nào?
Khi dùng chung sorbitol với các thuốc nhuận tràng khác, thuốc làm mềm phân hoặc natri polystyrene sulfonate có thể tăng cường tác dụng nhuận tràng và/hoặc tăng nguy cơ rối loạn điện giải và nước.
Hãy liệt kê danh sách tất cả thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin mà bạn đang dùng để thầy thuốc xem xét. Có thể họ sẽ giảm liều, đổi thuốc hoặc có phương án phù hợp hơn. Nếu muốn sử dụng một thuốc mới cũng cần thông báo với bác sĩ.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc sorbitol?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Bạn nên báo cho bác sĩ biết nếu mình có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là các trường hợp được đề cập ở trên phần Thận trọng/ Cảnh báo.
Bảo quản
Bạn nên bảo quản thuốc sorbitol như thế nào?
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.