backup og meta

PAROCONTIN

PAROCONTIN

Tên biệt dược: Parocontin, Parocontin F

Tên hoạt chất: Paracetamol – Methocarbamol

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Parocontin là gì?

Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau trong các chứng đau nhẹ và vừa, hiệu quả nhất đối với các cơn đau có nguồn gốc không phải nội tạng. 

Methocarbamol là chất ức chế hệ thần kinh trung ương với đặc tính làm dịu thần kinh và giãn cơ – xương. 

Với sự kết hợp giữa hai hoạt chất trên, thuốc Parocontin thường được chỉ định để giảm đau trong các trường hợp đau có liên quan đến co thắt cơ – xương như:

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Parocontin có những dạng và hàm lượng nào?

Viên nén bao phim:

  • Parocontin (paracetamol 325mg, methocarbamol 400mg).
  • Parocontin F (paracetamol 500mg, methocarbamol 400mg).

Liều dùng thuốc Parocontin cho người lớn như thế nào?

Liều khuyến cáo đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:

  • 2 viên x 4 lần/ ngày, cách 4 – 6 giờ uống 1 lần. 
  • Liều tối đa 3 viên x 4 lần/ ngày đối với một số trường hợp nặng và chỉ nên uống trong thời gian từ 1 đến 3 ngày.

Liều dùng tối đa trong vòng 24 giờ được khuyến nghị như sau:

  • Methocarbamol: 3,2 g – 4,8 g.
  • Paracetamol: không quá 4g.

Liều dùng thuốc Parocontin cho trẻ em như thế nào?

Không khuyến cáo sử dụng thuốc Parocontin cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Parocontin như thế nào?

Thuốc Parocontin được sử dụng bằng đường uống với một ít nước. Bạn có thể dùng thuốc cùng với thức ăn hoặc không, tuy nhiên thời điểm uống thuốc tốt nhất được khuyến cáo là sau bữa ăn.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Thông tin về độc tính cấp của methocarbamol vẫn chưa được ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng quá liều methocarbamol có thể xảy ra sau khi dùng chung với rượu hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác. Một số triệu chứng quá liều bao gồm: buồn nôn, buồn ngủ tột độ, ngất xỉu, huyết áp thấp, co giật hoặc hôn mê.

Trong khi đó, quá liều paracetamol được nhận thấy sau khi sử dụng một lượng thuốc lớn (7,5 – 10g paracetamol mỗi ngày, trong 1 – 2 ngày hoặc uống thuốc dài ngày) có khả năng làm hoại tử gan phụ thuộc liều, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và gây methemoglobin – máu, dẫn đến chứng xanh tím da, niêm mạc, móng tay, suy thận cấp và có thể kích thích hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương.

Để đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn nên gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Sau đó, bạn cần chờ ít nhất từ 4 – 6 tiếng mới dùng liều kế tiếp. Ngoài ra, bạn cần lưu ý không được dùng nhiều hơn liều lượng tối đa được khuyến cáo trong vòng 24 giờ. 

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thuốc parocontin

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Parocontin?

Thường gặp:

  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Biếng ăn, khó chịu ở dạ dày.
  • Cảm thấy nhức đầu, chóng mặt và buồn ngủ.
  • Mệt mỏi.
  • Bồn chồn, lo âu.
  • Nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt.
  • Sốt.
  • Đỏ bừng.
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ.
  • Run, co giật.

Hiếm khi xảy ra, nhưng một số người có thể gặp các tác dụng phụ rất nghiêm trọng sau khi dùng thuốc Parocontin. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được trợ giúp ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây:

  • Phát ban, nổi mề đay, da đỏ, ngứa, sưng, phồng rộp hoặc bong tróc (có hoặc không kèm theo sốt).
  • Đỏ mắt, viêm kết mạc.
  • Bị kích thích hoặc lở loét trong miệng, cổ họng, mũi hoặc mắt.
  • Khó thở, thở khò khè, tức ngực.
  • Khó nuốt hoặc khó nói chuyện, khàn giọng bất thường.
  • Sưng phù ở miệng, mặt, môi, lưỡi, hoặc cổ họng.
  • Chóng mặt nghiêm trọng và ngất xỉu.
  • Nhịp tim chậm.
  • Không thể đi tiểu hoặc thay đổi lượng nước tiểu.
  • Các dấu hiệu bất thường ở gan như: nước tiểu sẫm màu, cảm thấy rất mệt mỏi, phân màu nhạt, nôn mửa, da hoặc mắt vàng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Parocontin, bạn nên lưu ý những gì?

Thuốc Parocontin không được dùng trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân quá mẫn với methocarbamol, paracetamol hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Người có tiền sử nhiều lần thiếu máu hoặc có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan.
  • Người thiếu hụt glucose – 6 – phosphat dehydrogenase (G6PD)
  • Bệnh nhân hôn mê, giai đoạn tiền hôn mê, tổn thương não, nhược cơ hoặc có tiền sử động kinh.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Parocontin cho trẻ em dưới 12 tuổi và bệnh nhân có các vấn đề về gan hoặc thận.

Methocarbamol có thể làm giảm sự tập trung và khả năng phản ứng của bạn. Do đó, nên tránh lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi cơ thể bạn quen với sự ảnh hưởng của thuốc.

Không dùng thuốc nhiều hơn liều lượng chỉ định của bác sĩ và cần lưu ý tránh dùng đồng thời với các sản phẩm khác có chứa thành phần paracetamol (acetaminophen).

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Parocontin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Thuốc này không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú. Bởi vì chưa xác định được tính an toàn của thuốc đối với thai nhi và trẻ sơ sinh.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc parocontin

Thuốc Parocontin có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Parocontin có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Parocontin bao gồm: 

  • Thuốc có tác dụng ức chế thần kinh trung ương
  • Thuốc chống co giật: phenytoin, barbiturat, carbamazepin
  • Thuốc điều trị lao: isoniazid
  • Thuốc ngủ
  • Thuốc kháng histamin
  • Thuốc ức chế thần kinh cơ khác
  • Thuốc chống đông máu: warfarin
  • Pyridostigmine

Thuốc Parocontin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Không nên sử dụng rượu hoặc thức uống có cồn trong quá trình dùng thuốc Parocontin hoặc bất kỳ loại thuốc nào có chứa thành phần methocarbamol. 

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Parocontin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Parocontin như thế nào?

Bảo quản trong bao bì kín ở nhiệt độ phòng, không quá 30°C.

Tránh ánh sáng trực tiếp.

Để xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Parocontin. https://drugbank.vn/thuoc/Parocontin&QL%C4%90B-353-12. Ngày truy cập 05/11/2021

Parocontin F. https://drugbank.vn/thuoc/Parocontin-F&VD-27064-17. Ngày truy cập 05/11/2021

Acetaminophen and Methocarbamol. https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/acetaminophen-and-methocarbamol. Ngày truy cập 05/11/2021

Paracetamol for adults. https://www.nhs.uk/medicines/paracetamol-for-adults/. Ngày truy cập 05/11/2021

Methocarbamol. https://www.drugs.com/methocarbamol.html. Ngày truy cập 05/11/2021

Phiên bản hiện tại

07/11/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Meloxicam

Methylprednisolone


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 07/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo