backup og meta

PANALGANEFFER

PANALGANEFFER

Tên biệt dược: Panalganeffer 500, Panalganeffer 250, Panalganeffer 150mg, Panalganeffer 80mg.

Tên hoạt chất: Paracetamol.

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Panalganeffer là gì?

Paracetamol (Panalganeffer 500mg, 250mg, 150mg, 80mg) là một loại thuốc không kê đơn có tác dụng giảm đau và hạ thân nhiệt. Thuốc thường được sử dụng để hạ sốt và điều trị các cơn đau mức độ từ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như: đau đầu, đau cơ, đau lưng, đau răng, đau họng, đau nhức do cúm, cảm lạnh. Không dùng thuốc này trị đau do thấp khớp hoặc các cơn đau có nguồn gốc nội tạng.

Ngoài ra còn có dạng phối hợp giữa paracetamol và codein, là biệt dược Panalganeffer Codein dùng trong các trường hợp đau nặng.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí chỉ khi có chỉ định của bác sĩ. 

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Panalganeffer có những dạng và hàm lượng nào?

  • Viên nén sủi bọt: Panalganeffer 500mg, Panalganeffer Codein (dạng kết hợp giữa paracetamol 500mg và codein 30mg).
  • Thuốc bột sủi bọt: Panalganeffer 80mg, 150mg.
  • Thuốc cốm sủi bọt: Panalganeffer 250mg.

Liều dùng thuốc Panalganeffer cho người lớn như thế nào?

Liều khuyến cáo ở người lớn và trẻ em từ 12 tuổi là: 

  • Panalganeffer 500mg x 4 – 6 lần/ ngày, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ.
  • Trường hợp cần thiết có thể sử dụng 2 viên 500mg/ lần.
  • Liều tối đa: 60mg/ kg/ ngày, tương đương với khoảng 6 viên Panalganeffer 500mg.

Đối với bệnh nhân suy thận nặng, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu là 8 giờ.

Liều dùng thuốc Panalganeffer cho trẻ em như thế nào?

  • Trẻ sơ sinh < 12 tuần tuổi: sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.
  • Trẻ sơ sinh < 3 tháng tuổi (3 – 5kg): 40mg/ lần tức là nửa gói Panalganeffer 80mg.
  • Trẻ em từ 4 – 11 tháng tuổi (5 – 7kg): 80mg/ lần (1 gói Panalganeffer 80mg).
  • Trẻ em từ 1 – 2 tuổi (8 – 10kg): 120mg/ lần (1.5 gói Panalganeffer 80mg).
  • Trẻ em từ 2 – 3 tuổi (11 – 15kg): 160mg/ lần (2 gói Panalganeffer 80mg).
  • Trẻ em từ 4 – 5 tuổi (16 – 21kg): 240 – 250mg/ lần.
  • Trẻ em từ 6 – 8 tuổi (22 – 26kg): 320 – 325mg/ lần.
  • Trẻ em từ 9 – 11 tuổi (27 – 43kg): 375 – 500mg/ lần.

Lưu ý: không được dùng quá 4 lần/ 24 giờ và mỗi lần phải cách nhau 4 – 6 giờ.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Panalganeffer như thế nào?

Thuốc được sử dụng bằng đường uống, thời điểm tốt nhất là sau bữa ăn. Trước khi uống, bạn cần hòa tan viên nén (bột thuốc, cốm) với một lượng nước vừa đủ và chờ đến khi sủi bọt hết. 

Cách dùng thuốc panalganeffer

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều thuốc Panalganeffer?

Buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng là các biểu hiện thường xảy ra trong vòng 2 – 3 giờ từ khi uống quá liều paracetamol. Sau 2 – 4 ngày, tổn thương gan sẽ trở nên rõ rệt và đôi khi có thể làm hoại tử ống thận cấp.

Trường hợp nhiễm độc cấp tính có thể gây ra methemoglobin – máu, dẫn đến chứng xanh tím ở da, niêm mạc và móng tay. Ngộ độc nặng có thể gây kích thích hệ thần kinh trung ương, kích động và mê sảng. Kèm theo đó là các phản ứng ức chế bao gồm: sững sờ, hạ thân nhiệt, mệt lả, thở nhanh, nông, mạch nhanh yếu không đều, huyết áp thấp và sốc. Co giật nghẹt thở gây tử vong cũng có thể xảy ra. 

Để đảm bảo an toàn, trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, bạn cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên uống một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Sau đó, bạn nên đợi từ 4 – 6 tiếng rồi mới dùng liều kế tiếp. Không dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo tối đa mỗi ngày.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Panalganeffer?

Panalganeffer tương đối không độc khi sử dụng ở liều điều trị. Tuy nhiên, dùng liều cao và kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
  • Ban da, mày đay.
  • Buồn nôn, nôn. 
  • Rối loạn tạo máu, thiếu máu. 
  • Độc tính trên thận khi lạm dụng dài ngày. 

Trong một số trường hợp hiếm gặp, thuốc Panalganeffer có thể gây ra phản ứng da nghiêm trọng có nguy cơ tử vong như: hội chứng Stevens – Johnson, hội chứng Lyell, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mụn mủ ban đỏ toàn thân cấp. Bệnh nhân cần ngừng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau đây:

  • Sốt, xuất hiện bọng nước quanh các hốc tự nhiên.
  • Da bị mẩn đỏ hoặc phát ban lan rộng, phồng rộp và bong tróc.
  • Khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
  • Đau ở vùng bụng phía trên bên phải.
  • Ăn mất ngon, mệt mỏi, ngứa ngáy.
  • Nước tiểu sẫm màu, phân màu đất sét.
  • Vàng da hoặc mắt.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Panalganeffer và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Thận trọng khi dùng thuốc panalganeffer 500

Trước khi dùng thuốc Panalganeffer, bạn nên lưu ý những gì?

Chống chỉ định sử dụng thuốc Panalganeffer 500mg (hoặc 80mg, 150mg, 250mg) cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với paracetamol hoặc bất kỳ các thành phần nào của thuốc.
  • Người mắc bệnh gan nặng, bệnh thận, bệnh tim, bệnh phổi.
  • Có tiền sử thiếu máu nhiều lần. 
  • Thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD).

Không sử dụng đồng thời với các loại thuốc khác có chứa paracetamol, hay còn gọi là acetaminophen (APAP) để tránh xảy ra tình trạng quá liều dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. 

Một số chế phẩm Panalganeffer có thể chứa thành phần aspartam, không thích hợp để sử dụng cho người bị phenylceton – niệu.

Bệnh nhân thiếu máu cần thận trọng khi dùng thuốc Panalganeffer, bởi vì các biểu hiện của chứng xanh tím có thể không được rõ ràng, mặc dù nồng độ methemoglobin trong máu ở mức độ cao nguy hiểm.

Thận trọng khi dùng thuốc cho bệnh nhân đang cần hạn chế muối.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Panalganeffer trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu nhận định về tính an toàn của paracetamol trong giai đoạn thai kỳ, đồng thời chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng có hại nào xảy ra ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Tuy nhiên, khuyến cáo phụ nữ có thai và đang cho con bú chỉ nên sử dụng Panalganeffer khi thật sự cần thiết.

Tương tác thuốc

Thuốc Panalganeffer có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc Panalganeffer 500mg (80mg, 150mg, 250mg) có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

tương tác thuốc panalganeffer là thuốc gì

Những thuốc có thể tương tác với thuốc Panalganeffer bao gồm:

Thuốc Panalganeffer có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Trong thời gian sử dụng thuốc Panalganeffer, bạn nên tránh rượu bia và các loại thức uống có chứa cồn, do có thể làm tăng độc tính của thuốc đối với gan.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Panalganeffer?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt đã được đề cập trong mục Thận trọng/Cảnh báo.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Panalganeffer như thế nào?

Bảo quản nơi khô mát, nhiệt độ không quá 30°C.

Tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.

Để xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Panalganeffer. https://drugbank.vn/tim-kiem?search=panalganeffer&entity=tenThuoc&page=1&size=12. Ngày truy cập 27/12/2021

Panalganeffer 150mg. https://drugbank.vn/thuoc/Panalganeffer-150mg&VD-16523-12. Ngày truy cập 27/12/2021

Panalganeffer 500. https://drugbank.vn/thuoc/Panalganeffer-500&VD-17904-12. Ngày truy cập 27/12/2021

Panalganeffer 80mg. https://drugbank.vn/thuoc/Panalganeffer-80mg&VD-16524-12. Ngày truy cập 27/12/2021 

Panalganeffer 250. https://drugbank.vn/thuoc/Panalganeffer-250&VD-25671-16. Ngày truy cập 27/12/2021

Acetaminophen. https://www.drugs.com/acetaminophen.html. Ngày truy cập 27/12/2021

Acetaminophen safety: Be cautious but not afraid. https://www.health.harvard.edu/pain/acetaminophen-safety-be-cautious-but-not-afraid. Ngày truy cập 27/12/2021

Acetaminophen Dosing Tables for Fever and Pain in Children. https://www.healthychildren.org/English/safety-prevention/at-home/medication-safety/Pages/Acetaminophen-for-Fever-and-Pain.aspx . Ngày truy cập 27/12/2021

Acetaminophen (Tylenol, etc.) Dosage Tablet. https://www.uhhospitals.org/rainbow/health-information/health-and-wellness-library/pediatric-drug-dosage-information/acetaminophen-tylenol-etc-dosage-table. Ngày truy cập 27/12/2021

Phiên bản hiện tại

29/12/2021

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Paracetamol + codeine

Domperidone + Paracetamol


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 29/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo