backup og meta

Mekocetin

Mekocetin

Tên biệt dược: Mekocetin

Tên hoạt chất: Betamethasone 0,5mg

Tá dược: Lactose, tinh bột ngô, talc, màu patent blue, natri starch glycolat, magnesi stearat, colloidal silicon dioxyd, tinh bột biến tính.

Dạng bào chế: Viên nén

Tác dụng

Tác dụng của thuốc Mekocetin là gì?

Mekocetin được dùng để điều trị các bệnh có đáp ứng với liệu pháp corticosteroid. Một số chỉ định chính như sau:

  • Hen phế quản, dị ứng nghiêm trọng, sốc phản vệ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm bì cơ, rối loạn mô liên kết hỗn hợp (trừ xơ cứng bì toàn thể), viêm đa động mạch nút.
  • Những rối loạn viêm da gồm Pemphigus thông thường, pemphigoid bọng nước, viêm da mủ hoại thư.
  • Hội chứng thận hư do sang thương tối thiểu, viêm thận kẽ cấp tính.
  • Viêm loét ruột kết, bệnh Crohn, bệnh u hạt, bệnh thấp tim.
  • Thiếu máu tan máu tự miễn, bệnh bạch cầu lympho và bệnh bạch cầu cấp tính, u lympho ác tính, đa u tủy xương, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
  • Ức chế miễn dịch trong phẫu thuật cấy ghép.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Phải dùng liều betamethasone thấp nhất có thể được để kiểm soát bệnh đang điều trị; khi giảm liều, phải giảm dần từng bước để tránh nguy cơ xuất hiện suy thượng thận cấp. Trong suốt quá trình điều trị kéo dài, liều dùng nên được tăng lên tạm thời trong giai đoạn stress hoặc khi bệnh diễn biến xấu đi.

Liều có thể nhắc lại 3 hoặc 4 lần trong 24 giờ, nếu cần thiết, tùy theo tình trạng bệnh đang điều trị và đáp ứng lâm sàng. Liều duy trì hàng ngày có thể được dùng một lần vào mỗi sáng sớm trước 9 giờ.

Liều dùng thuốc cụ thể tùy thuộc vào bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh và đáp ứng điều trị thu được. Dưới đây là liều tham khảo:

Liều dùng thuốc Mekocetin cho người lớn như thế nào?

  • Điều trị ngắn hạn: 2-3 mg/ngày cho những ngày đầu tiên, sau đó giảm xuống 0,25 mg hoặc 0,5 mg/ngày trong 2-5 ngày, phụ thuộc vào đáp ứng thuốc
  • Viêm khớp dạng thấp: 0,5-2 mg/ngày. Liều duy trì là liều thấp nhất có hiệu lực
  • Điều trị bệnh khác: 1,5-5 mg/ngày trong 1-3 tuần, sau đó giảm xuống mức liều thấp nhất có hiệu lực. Những bệnh nhân rối loạn mô liên kết hỗn hợp và viêm loét ruột kết có thể cần liều lớn hơn.

Liều dùng thuốc Mekocetin 0,5mg cho trẻ em như thế nào?

Bệnh nhi có thể sử dụng liều theo tỉ lệ của người lớn:

  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: 75% liều người lớn
  • Trẻ từ 7 tuổi trở lên: 50% liều người lớn
  • Trẻ từ 1 tuổi trở lên: 25% liều người lớn.

Tuy nhiên, những điều kiện lâm sàng nên được đưa ra dựa vào cân nặng. Có thể xem xét việc uống một liều đơn cách ngày cũng được.

liều dùng thuốc mekocetin

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Mekocetin như thế nào?

Bạn uống thuốc với nước lọc hoặc có thể uống cùng với thức ăn hoặc sữa để tránh sự khó chịu của dạ dày.

Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác. Đặc biệt, bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Uống một lần corticoid quá liều có lẽ không gây ra triệu chứng ngay lập tức, mà triệu chứng chỉ xuất hiện khi dùng liều cao liên tiếp.

Triệu chứng quá liều Mekocetin 0,5mg trường diễn xảy ra toàn thân gồm:

  • Giữ natri và nước
  • Tăng thèm ăn
  • Huy động calci và phospho kèm theo loãng xương
  • Mất nitơ 
  • Tăng đường huyết
  • Giảm tái tạo mô
  • Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
  • Nhiễm nấm thứ phát
  • Suy thượng thận
  • Tăng hoạt động vỏ thượng thận
  • Rối loạn tâm thần và thần kinh
  • Yếu cơ.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Mekocetin?

Tác dụng không mong muốn của thuốc Mekocetin 0,5mg liên quan đến cả liều lượng và thời gian điều trị. Gồm có:

Thường gặp (1/1000

  • Rối loạn cảm xúc (dễ bị kích thích, phấn khích, chán nản, tâm trạng không ổn định và có ý định tự tử)
  • Những phản ứng tâm thần (điên cuồng, ảo giác, hoang tưởng, chứng tâm thần phân liệt xấu đi)
  • Rối loạn hành vi
  • Dễ bị kích động
  • Lo âu
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn chức năng nhận thức (lẫn lộn, quên)

Những tác dụng phụ của Mekocetin thường xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Sau khi ngưng dùng thuốc vẫn có thể gặp những ảnh hưởng tâm thần (tăng áp lực nội sọ với phù gai thị ở trẻ em, tâm lý phụ thuộc, làm nặng thêm chứng động kinh) với tần suất chưa rõ.

Không rõ tần suất:

  • Dễ nhiễm trùng hơn và tăng mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, nhiễm trùng cơ hội, tái phát bệnh lao tiềm ẩn
  • Suy yếu trục HPA, ức chế sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên
  • Kinh nguyệt thất thường, mất kinh
  • Hội chứng dạng Cushing, rậm lông, tăng cân, giảm dung nạp carbohydrate với yêu cầu ngày càng tăng đối với điều trị đái tháo đường
  • Tăng áp suất nội nhãn, tăng nhãn áp, phù gai thị, đục thủy tinh thể dưới bao sau, mỏng giác mạc và màng cứng, bệnh viêm mắt do nấm và vi rút tiến triển nặng hơn
  • Vỡ tim sau cơn nhồi máu cơ tim không lâu
  • Trướng bụng, loét thực quản, buồn nôn, khó tiêu, loét thủng và xuất huyết dạ dày, viêm tụy cấp, nhiễm nấm Candida
  • Khả năng phục hồi suy giảm, teo da, đau, chứng giãn mao mạch, rạn, mụn, hội chứng Stevens-Johnson
  • Loãng xương, gãy xương cột sống và xương dài, hoại tử vô mạch xương, đứt gân
  • Quá mẫn, bao gồm cả sốc phản vệ
  • Tăng bạch cầu
  • Nghẽn mạch huyết khối
  • Suy nhược
  • Nấc cụt
  • Khi ngưng thuốc: Việc giảm liều quá nhanh sau điều trị dài ngày có thể gây suy tuyến thượng thận cấp, hạ huyết áp và tử vong
  • Hội chứng ngưng thuốc có thể xuất hiện gồm sốt, đau cơ, đau khớp, viêm mũi, viêm màng kết, đau, ngứa da, nổi những u nhỏ, sụt cân.

Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

tác dụng phụ thuốc mekocetin

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Mekocetin, bạn nên lưu ý những gì?

Bạn không nên dùng thuốc này nếu bạn:

  • Mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc hoặc các thuốc corticosteroid khác;
  • Nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhiễm nấm toàn thân;
  • Tiểu đường, tâm thần.

Nên sử dụng liều điều trị thấp nhất, có hiệu lực, thời gian ngắn nhất, uống một liều duy nhất vào buổi sáng hay liều đơn buổi sáng cách ngày có thể giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ xuống tối đa. Nên thường xuyên theo dõi bệnh nhân để điều chỉnh liều thích hợp tùy theo tình trạng bệnh.

Cần cẩn trọng khi dùng Mekocetin cho những đối tượng sau đây:

  • Người mới bị nhồi máu cơ tim gần đây do nguy cơ vỡ cơ tim
  • Người suy giáp hoặc nhược cơ
  • Người đang điều trị bệnh nhiễm trùng, cẩn thận Mekocetin có thể che giấu hoặc làm mờ các triệu chứng của nhiễm trùng nghiêm trọng như lao phổi, nhiễm trùng máu
  • Người bệnh thủy đậu, đặc biệt là người bị suy giảm miễn dịch chỉ cần bị thủy đậu nhẹ cũng có thể gây tử vong
  • Không sử dụng vắc xin sống khi đang điều trị bằng corticoid mà có thể dùng vắc xin chết hoặc giải độc tố
  • Người bị loãng xương, phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao
  • Cao huyết áp, suy tim sung huyết
  • Tiền sử rối loạn cảm xúc nghiêm trọng (trầm cảm hoặc vui quá mức – trầm cảm và chứng loạn tâm thần steroid)
  • Tiểu đường hoặc tiền sử gia đình có người bị tiểu đường
  • Tiền sử bệnh lao
  • Tăng nhãn áp hoặc tiền sử gia đình bị tăng nhãn áp
  • Chứng đau cơ do corticoid gây ra trước đó
  • Suy gan
  • Suy thận
  • Động kinh
  • Loét tiêu hóa
  • Bệnh nhân và người chăm sóc nên được cảnh báo rằng các phản ứng có hại tiềm tàng về tâm thần có thể xảy ra với steroid cục bộ (trạng thái chán nản, có ý định tự tử,…)
  • Trẻ em: Để giảm thiểu sự ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA) và chậm phát triển, nên cân nhắc việc dùng liều đơn cách ngày.
  • Người cao tuổi cần theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ.

Lưu ý khác:

  • Nên chăm sóc đặc biệt, tránh bệnh nhân phơi nhiễm với sởi và phải đi khám ngay nếu có tiếp xúc với người bệnh sởi.
  • Có thể gặp ức chế tuyến thượng thận phát triển trong suốt quá trình điều trị kéo dài và tiếp tục trong nhiều năm sau khi đã ngừng điều trị
  • Người dùng liều 2 viên Mekocetin/ ngày trở lên trong hơn 3 tuần không nên ngưng thuốc đột ngột mà cần giảm liều từ từ. Tốc độ và mức độ giảm liều căn cứ vào việc bệnh có khả năng tái phát khi giảm hay không.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Mekocetin trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

  • Sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai cần cân nhắc kĩ giữa lợi ích và nguy cơ
  • Thuốc đi vào sữa mẹ và có thể gây chậm phát triển cùng những tác dụng không mong muốn khác. Vì vậy, lợi ích cho người mẹ phải được cân nhắc với khả năng nguy hại cho trẻ.
  • Trong thời gian điều trị kéo dài bất kì chấn thương, thủ thuật, phẫu thuật đều phải yêu cầu tăng liều Mekocetin tạm thời. Nếu Mekocetin đã được ngưng lại sau điều trị kéo dài có thể cần phải được sử dụng lại tạm thời.

Tương tác thuốc

Thuốc Mekocetin có thể tương tác với những thuốc nào?

tương tác thuốc mekocetin là thuốc gì

Thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan khi dùng với paracetamol liều cao hoặc lâu ngày, làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông của các thuốc chống đông loại coumarin, làm tăng khả năng loạn nhịp tim hoặc độc tính của glycosid digitalis kèm với hạ kali huyết, làm tăng nồng độ salicylat trong máu.

Thuốc này cũng làm tăng nồng độ của glucose trong máu, nên bác sĩ phải điều chỉnh liều của thuốc chống đái tháo đường hoặc insulin.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm tăng các rối loạn tâm thần.

Phenobarbital, phenytoin, rifampicin hoặc ephedrin có thể làm giảm tác dụng điều trị của corticosteroid.

Thận trọng khi dùng phối hợp với aspirin trong trường hợp giảm prothrombin huyết.

Estrogen có thể làm tăng tác dụng điều trị và độc tính của glucocorticoid.

Việc phối hợp thuốc kháng viêm không steroid hoặc rượu với glucocorticoid có thể gây ra loét đường tiêu hóa hoặc làm tình trạng này nghiêm trọng hơn.

Betamethasone có thể làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của thuốc ức chế cholinesterase, amphotericin B, cyclosporin, lợi tiểu quai, natalizumab, lợi tiểu nhóm thiazid.

Các thuốc có thể làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của betamethasone như: thuốc chống nấm hoặc dẫn xuất azol, thuốc chẹn kênh calci, kháng sinh nhóm quinolon, macrolid, trastuzumab.

Thuốc Mekocetin có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Không dùng thuốc này với rượu.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Mekocetin?

Rất nhiều tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến việc dùng thuốc Mekocetin. Bạn nên báo cho bác sĩ nếu gặp phải bất kì vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Mekocetin như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ không quá 30°C, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi. Nếu không chắc chắn về cách bảo quản thuốc, bạn nên hỏi ý kiến thầy thuốc để được tư vấn.

Mekocetin là thuốc kê đơn, bạn chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ mọi hướng dẫn của họ. Việc dùng thuốc sai cách có thể để lại nhiều rủi ro lâu dài cho sức khỏe, vì vậy, đừng tự ý sử dụng nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mekocetin. http://www.mekophar.com/Mekocetin-325.htmlx. Ngày truy cập 19/07/2017

Mekocetin. https://drugbank.vn/thuoc/Mekocetin&VD-32144-19. Ngày truy cập 08/04/2023

How and when to take betamethasone tablets https://www.nhs.uk/medicines/betamethasone-tablets/how-and-when-to-take-betamethasone-tablets/ Ngày truy cập 08/04/2023

Betamethasone 500 microgram Soluble Tablets https://www.medicines.org.uk/emc/product/9098/smpc#gref Ngày truy cập 08/04/2023

Betamethasone YSP https://www.mims.com/malaysia/drug/info/betamethasone%20ysp Ngày truy cập 08/04/2023

Betamethasone Betamethasone Sodium Phosphate And Betamethasone Acetate (Injection Route) https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/betamethasone-sodium-phosphate-and-betamethasone-acetate–injection-route/description/drg-20425905 Ngày truy cập 08/04/2023

Phiên bản hiện tại

15/04/2023

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Methylprednisolone

Thuốc kháng viêm corticoid và những điều cần biết


Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 15/04/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo