Kháng sinh đồ được biết đến như là một “trợ thủ đắc lực” của bác sĩ trong điều trị các bệnh nhiễm trùng. Kỹ thuật này giúp xác định nguyên nhân nhiễm trùng để bác sĩ lựa chọn kháng sinh có hiệu quả, đưa ra được phác đồ điều trị tối ưu nhất cho từng bệnh nhân.
Vậy kỹ thuật kháng sinh đồ là gì? Chi phí có mắc không và bệnh nhân có thể làm ở đâu?
Kháng sinh đồ là gì?
Đây là phương pháp xác định mức độ nhạy cảm của các kháng sinh thử nghiệm đối với vi khuẩn gây bệnh. Hay nói cách khác, thông qua kháng sinh đồ chúng ta sẽ nhận biết được loại kháng sinh cụ thể sẽ có hiệu quả đối với vi khuẩn, đồng thời xem xét được vi khuẩn đã phát triển khả năng đề kháng với một số loại kháng sinh nhất định hay chưa.
Nhờ có kháng sinh đồ mà nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống và giảm tỷ lệ kháng kháng sinh.
Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp bệnh nhân:
- Nhiễm khuẩn nặng
- Nhiễm khuẩn thông thường nhưng không đáp ứng tốt khi điều trị bằng các thuốc kháng sinh trước đó, cần điều chỉnh hoặc phối hợp thuốc kháng sinh.
- Có triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn và chưa sử dụng kháng sinh.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đều làm kháng sinh đồ. Chẳng hạn như:
- Một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng như viêm màng não mủ thì cần phải điều trị ngay, không có thời gian chờ kết quả cấy vi khuẩn và thử kháng sinh.
- Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa – viêm tai trong cũng không được thực hiện phương pháp này, bởi vì có thể không lấy được mẫu bệnh phẩm. Thay vào đó, bác sĩ sẽ lựa chọn liệu pháp điều trị che phủ, chọn các kháng sinh phổ rộng có tác dụng với hầu hết các mầm bệnh phổ biến nhất.
- Các vi khuẩn đã đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, ví dụ như viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A sẽ điều trị trực tiếp bằng ampicillin…
Vì sao cần làm kháng sinh đồ?
Mặc dù kháng sinh là thuốc có tác dụng ức chế và tiêu diệt vi khuẩn một cách đặc hiệu, nhưng một số vi khuẩn có thể đề kháng lại kháng sinh theo một trong hai con đường:
- Đề kháng tự nhiên: Tốc độ sinh sôi của vi khuẩn rất nhanh, chúng trải qua nhiều thế hệ trong một khoảng thời gian ngắn. Do đó, vi khuẩn luôn có khả năng đề kháng lại thuốc kháng sinh thông qua sự thay đổi gen (đột biến). Nếu sự thay đổi này mang lại lợi thế sống sót cho vi khuẩn, nó có thể được truyền sang các thế hệ tiếp theo một cách nhanh chóng.
- Đề kháng chọn lọc: Khi bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, những vi khuẩn nhạy cảm nhất sẽ là đối tượng bị tiêu diệt đầu tiên. Nếu bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc trước khi tất cả các mầm bệnh bị tiêu diệt, thì những vi khuẩn sống sót sẽ có thể phát triển khả năng đề kháng với loại kháng sinh đó.
Bởi vì sự kháng thuốc ở vi khuẩn ngày càng phổ biến rộng rãi và nếu sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp có thể dẫn đến một số hậu quả nhất định, chẳng hạn như: tăng tác dụng phụ, nhiễm trùng thứ phát, tốn kém và kéo dài thời gian điều trị. Trong đó, nhiễm trùng huyết thứ phát do vi khuẩn là tình trạng nghiêm trọng, theo thống kê trên toàn thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Cách duy nhất để ngăn chặn những điều này là cố gắng tìm ra một loại kháng sinh phù hợp có thể tiêu diệt vi khuẩn ngay từ đầu hoặc xây dựng được phác đồ phối hợp thuốc kháng sinh có hiệu quả tương tự. Làm kháng sinh đồ là công cụ giúp bác sĩ lựa chọn được loại kháng sinh phù hợp nhất cho bệnh nhân về hiệu quả điều trị với chi phí hợp lý nhất, hạn chế tối đa việc lạm dụng kháng sinh để giảm thiểu sự đề kháng ở vi khuẩn.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp người bệnh bị tấn công bởi nhiều loại vi khuẩn khác nhau, chẳng hạn như nhiễm trùng vết thương. Dữ liệu từ nuôi cấy vi khuẩn và thử nghiệm kháng sinh sẽ có thể giúp bác sĩ lựa chọn sơ đồ phối hợp thuốc kháng sinh có hiệu quả nhất để tiêu diệt hết chúng.
Cách đọc kháng sinh đồ
Khi bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy từ những vị trí có khả năng nhiễm trùng. Thường là vết thương, nước tiểu, máu, đờm, dịch mũi,… Sau khi nuôi cấy và phân lập, nếu xác định được vi khuẩn gây bệnh sẽ tiến hành làm kháng sinh đồ để quyết định loại kháng sinh điều trị.
Hai phương pháp làm kháng sinh đồ phổ biến nhất là:
- Định lượng nồng độ tối thiểu ức chế vi khuẩn (MIC)
- Định tính khoanh giấy kháng sinh khuếch tán trên thạch (Kirby Bauer)
Trong đó, phương pháp sử dụng khoanh giấy kháng sinh được sử dụng rộng rãi nhất, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều quy mô phòng xét nghiệm khác nhau. Kháng sinh ở các nồng độ khác nhau được tẩm lên các khoanh giấy rồi đặt vào đĩa thạch đã được cấy vi khuẩn. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ đo đường kính vòng vô khuẩn được tạo ra bởi kháng sinh.
Thời gian có kết quả kháng sinh đồ thường là 24 – 48 giờ sau khi tiến hành nuôi cấy mẫu bệnh phẩm. Cách đọc kết quả kháng sinh đồ sẽ dựa trên kích thước (mm) vùng ức chế sự phát triển của vi khuẩn trên đĩa thạch. Kết quả được ghi nhận có thể là:
- Nhạy cảm: vi khuẩn có thể sẽ đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh được thử nghiệm ở liều lượng tiêu chuẩn.
- Trung bình: khả năng có hiệu quả nếu sử dụng thuốc với liều lượng cao hơn hoặc chỉ hiệu quả ở những vị trí cụ thể, nơi trong cơ thể được phân bố đủ nồng độ kháng sinh.
- Kháng thuốc: kháng sinh được lựa chọn không có hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong thử nghiệm.
Chi phí làm kháng sinh đồ có thể khác nhau tùy vào mục đích, loại bệnh nhiễm trùng và địa điểm thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hiện nay, chi phí nuôi cấy mẫu và làm kháng sinh đồ thường rơi vào khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng.
Khi có nhu cầu hoặc được bác sĩ chỉ định làm kháng sinh đồ, bạn nên tham khảo và lựa chọn những nơi cung cấp dịch vụ có uy tín để đảm bảo tính chính xác của kết quả.
Kháng sinh đồ là giải pháp tối ưu nhất để hỗ trợ cho việc sử dụng kháng sinh đạt hiệu quả cao, giảm tỷ lệ kháng thuốc và góp phần cứu sống nhiều ca bệnh liên quan đến nhiễm trùng. Ngoài ra, tổng hợp thông tin về sự đề kháng của vi khuẩn đối với các loại kháng sinh hiện có sẽ mang lợi ích rất nhiều trong việc xây dựng phác đồ sử dụng thuốc kháng sinh cho các bệnh nguy hiểm cần phải điều trị ngay.