backup og meta

Imiquimod

Imiquimod

Tên hoạt chất: Imiquimod

Phân nhóm: Thuốc thay đổi đáp ứng miễn dịch

Tác dụng

Tác dụng của imiquimod là gì?

Imiquimod thuộc nhóm thuốc thay đổi đáp ứng miễn dịch. Thuốc hoạt động bằng cách giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn chống lại những tăng trưởng bất thường trên da.  Thuốc imiquimod là một loại thuốc kê đơn được sử dụng tại chỗ để điều trị:

  • Dày sừng quang hóa (một tình trạng có thể tiến triển thành ung thư da)
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy (một loại ung thư da)
  • Mụn cóc ở mặt ngoài của bộ phận sinh dục hoặc quanh hậu môn

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Imiquimod có những hàm lượng nào?

Thuốc imiquimod được bào chế dưới những dạng và hàm lượng sau:

  • Kem bôi, thuốc thoa ngoài da imiquimod: 2,5%, 3,75% và 5%.

Liều dùng cho người lớn là bao nhiêu?

Liều dùng thông thường cho người lớn mắc chứng dày sừng quang hóa

Chứng dày sừng quang hóa:

  • Kem 2,5% và 3,75%: Kem nên được thoa một lớp mỏng lên toàn bộ khu vực điều trị. Giữ kem trong khoảng 8 giờ và sau đó rửa sạch với xà phòng dịu nhẹ và nước. Điều trị 2 tuần, sau đó nghỉ không dùng thuốc trong 2 tuần.
  • Kem bôi imiquimod 5%: Thoa một lớp kem mỏng tại khu vực điều trị 2 lần mỗi tuần trước khi đi ngủ, điều trị trong đủ 16 tuần.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị mụn cóc sinh dục/hậu môn

  • Kem 3,75%: Thoa một lớp mỏng lên mụn cóc tại bộ phận sinh dục/quanh hậu môn mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ. Để thuốc lưu lại trên da trong 8 giờ, sau đó rửa sạch bằng xà phòng dịu nhẹ hoặc nước
  • Kem imiquimod 5%: Thoa một lớp mỏng tại mụn cóc ở bộ phận sinh dục/quanh hậu môn 3 lần mỗi tuần trước khi đi ngủ.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn mắc ung thư biểu mô tế bào

  • Kem bôi imiquimod 5%: thoa tại vị trí đã xác định khối u 5 lần mỗi tuần trước khi đi ngủ trong vòng 6 tuần.

Liều dùng imiquimod cho trẻ em là gì?

Thuốc imiquimod không được dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi vì chưa có nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn.

Liều dùng thông thường cho trẻ em trên 12 tuổi bị mụn cóc sinh dục:

  • Kem 3,75%: Thoa một lớp mỏng quanh mụn cóc ở bộ phận sinh dục hoặc bên ngoài hậu môn 1 lần mỗi ngày trước khi đi ngủ. Lưu thuốc trên da khoảng 8 giờ rồi rửa lại bằng xà phòng dịu nhẹ hoặc nước sạch.
  • Kem bôi imiquimod 5%: Bôi lên mụn cóc 3 lần mỗi tuần (bôi cách ngày) cho đến khi hết mụn hoặc tối đa 16 tuần. Lưu thuốc trên da khoảng 6 – 10 giờ rồi rửa lại bằng xà phòng dịu nhẹ hoặc nước sạch

Cách dùng

Bạn nên dùng imiquimod như thế nào?

Cách dùng thuốc imiquimod

Thuốc chỉ dùng ngoài da. Thoa thuốc lên các khu vực bị ảnh hưởng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Số lần và thời gian dùng thuốc phụ thuộc vào các vấn đề về da cụ thể mà bạn đang gặp phải.

Không thoa thuốc vào các vùng khác như mắt, mũi, miệng, hậu môn hay âm đạo. Nếu thuốc dính vào những khu vực trên, rửa sạch với nước nhiều lần. Nếu thấy khó chịu, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức.

Sử dụng thuốc này theo đúng chỉ định để có hiệu quả tốt nhất. Để giúp ghi nhớ, sử dụng lịch để đánh dấu ngày dùng thuốc mỗi tuần. Trước khi dùng thuốc nên rửa sạch vùng được điều trị bằng xà phòng và nước, sau đó để khô. Sử dụng gói kem thoa mới cho mỗi lần sử dụng. Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ trước khi đi ngủ. Rửa tay bằng xà phòng và nước sau mỗi lần dùng thuốc xong.

Không che phủ vùng điều trị bằng băng hoặc gạc chống thấm nước. Có thể che phủ bằng bông gạc hoặc bông lót nếu điều trị bộ phận sinh dục. Để kem qua đêm, thường là khoảng 8 giờ nếu điều trị chứng dày sừng quang hóa hoặc ung thư biểu mô tế bào đáy, hoặc 6-10 giờ cho mụn cóc theo chỉ dẫn. Vào buổi sáng, nên rửa sạch vùng điều trị bằng xà phòng và nước để loại bỏ kem. Không rửa hoặc làm ướt vùng điều trị trước thời điểm có thể rửa thuốc theo quy định. Không để kem imiquimod trên da lâu hơn quy định. Vứt bỏ phần thuốc thừa.

Hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bạn vẫn tiếp diễn, nặng hơn hoặc xuất hiện tình trạng mới trong thời gian điều trị.

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Những triệu chứng quá liều bao gồm:

  • Ngất
  • Chóng mặt
  • Mờ mắt
  • Nôn

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng imiquimod?

Gọi cấp cứu nếu bạn có bất cứ dấu hiệu dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.

Rửa sạch thuốc và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có phản ứng da nghiêm trọng như ngứa, rát, chảy máu hoặc thay đổi khác thường ở vùng da thoa thuốc. Ngừng sử dụng kem bôi imiquimod và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có các tác dụng phụ nghiêm trọng như các triệu chứng cúm (sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, cảm giác mệt mỏi, sưng hạch).

Khi điều trị mụn cóc sinh dục xung quanh âm đạo, nếu bạn bị sưng hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng khi đi tiểu, ngừng sử dụng imiquimod và gọi bác sĩ ngay.

Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:

  • Kích ứng da nhẹ, ngứa, khô, bong, đóng vảy, cứng, đỏ, hoặc xơ cứng vùng da nơi thoa thuốc
  • Thay đổi màu da được điều trị
  • Đau đầu, chóng mặt, đau ngực, đau lưng, đau nhức cơ thể
  • Vết loét lạnh, sốt mụn nước
  • Triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng
  • Buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn
  • Cứng hoặc sưng khớp, yếu ở một cánh tay hoặc một chân
  • Đi tiểu khó, rát buốt hoặc đau, đi tiểu thường xuyên
  • Nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều
  • Ngứa âm đạo hoặc tiết dịch.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng imiquimod bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng imiquimod, bạn nên:

  • Nói với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với imiquimod, bất kỳ thành phần trong kem bôi imiquimod, hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Nói với bác sĩ và dược sĩ về các thuốc kê toa và không kê toa khác, vitamin, các thực phẩm chức năng, và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định dùng, đặc biệt là các thuốc có cùng chỉ định với imiquimod cream.
  • Nói với bác sĩ nếu bạn bị cháy nắng hoặc nếu bạn đã từng bị nhạy cảm khác thường với ánh sáng mặt trời, bất cứ bệnh về da như bệnh vẩy nến, ký sinh trùng, phẫu thuật tại khu vực bị ảnh hưởng hoặc bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch (chẳng hạn như HIV/AIDS).
  • Nói với bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong khi sử dụng imiquimod, hãy thông báo với bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt và mặc quần áo bảo hộ (như mũ, kính mát, kem chống nắng) nếu bạn đi ra ngoài vào ban ngày. Không sử dụng giường tắm nắng hoặc đèn cực tím. Kem bôi imiquimod có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
  • Kem bôi imiquimod có thể gây ra những thay đổi về màu da. Những thay đổi này có thể không biến mất sau khi bạn hoàn thành điều trị. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi màu da nào.

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Không dùng thuốc imiquimod cho phụ nữ có thai

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc C đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:

  • A = Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Imiquimod có thể tương tác với thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Kem bôi imiquimod có thể tương tác với một số thuốc như:

  • Acid aminolevulinic
  • Methoxsalen
  • Methyl aminolevulinate (dùng tại chỗ)
  • Porfimer
  • Verteporfin

Thức ăn và rượu bia có tương tác tới thuốc không?

Thức ăn, rượu bia và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Có tiền sử bị rối loạn tự miễn
  • Nhiễm trùng da tại vị trí bôi thuốc
  • Vết loét lớn, tổn thương da hoặc chấn thương da nghiêm trọng tại vị trí bôi thuốc
  • Viêm khớp dạng thấp ở thanh thiếu niên hoặc người lớn (mạn tính, luôn luôn hiện diện)
  • Phơi nhiễm ánh nắng mặt trời, bao gồm đèn cực tím
  • Phẫu thuật tại vị trí bôi thuốc gần đây
  • Đã từng hoặc đang mắc lupus ban đỏ hệ thống
  • Sưng âm hộ (sưng gần cửa âm đạo) – Khả năng tác dụng phụ có thể tăng.
  • Hội chứng Gorlin
  • Bệnh do virus HPV ở cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, niệu đạo
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Khô da sắc tố (bệnh da di truyền hiếm gặp).

Bảo quản

Bạn nên bảo quản imiquimod như thế nào?

Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và ánh sáng. Không bảo quản trong tủ lạnh. Không sử dụng một gói kem nhiều lần.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Imiquimod. https://clinicalinfo.hiv.gov/en/drugs/imiquimod/patient Ngày truy cập 19/07/2021

IMIQUIMOD: A TREATMENT FOR SOME SKIN CANCERS, GENITAL WARTS https://www.aad.org/public/diseases/skin-cancer/imiquimod-skin-cancer-treatment Ngày truy cập 19/07/2021

Imiquimod (Topical Route) https://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/imiquimod-topical-route/description/drg-20067474 Ngày truy cập 19/07/2021

Imiquimod https://dermnetnz.org/topics/imiquimod/ Ngày truy cập 19/07/2021

Imiquimod Topical https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a698010.html Ngày truy cập 19/07/2021

Medications known to interact with imiquimod topical https://www.drugs.com/drug-interactions/imiquimod-topical.html Ngày truy cập 19/07/2021

Imiquimod Topical Dosage https://www.drugs.com/dosage/imiquimod-topical.html Ngày truy cập 19/07/2021

Phiên bản hiện tại

19/07/2021

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

8 điều bạn cần biết về bệnh mụn cóc sinh dục

Mách bạn 7 cách trị mụn cóc sinh dục nữ tại nhà đơn giản


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 19/07/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo