backup og meta

Evra

Evra

Biệt dược: Evra

Hoạt chất: Trong mỗi miếng dán thấm qua với diện tích 20cm² có chứa:

  • Norelgestromin (NGMN) 6mg
  • Ethinyl estradiol (EE) 600mcg

Dạng bào chế: Miếng dán thấm qua da

Tìm hiểu chung

Tác dụng, công dụng của thuốc Evra là gì?

Evra là miếng dán tránh thai (ngừa thai) dành cho nữ. Thuốc dán này được dùng cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Tính an toàn và hiệu lực đã được xác lập ở phụ nữ từ 18–45 tuổi.

Đây là thuốc chỉ dùng theo đơn của bác sĩ. Khi quyết định kê đơn, bác sĩ cần xem xét các yếu tố nguy cơ hiện tại của từng người, đặc biệt là những người có thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, xem xét nguy cơ này khi dùng Evra so với các thuốc tránh thai nội tiết kết hợp khác.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng miếng dán tránh thai Evra cho người lớn là bao nhiêu?

Để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn. Mỗi lần chỉ cần dán 1 miếng dán tránh thai Evra.

Khi lột bỏ miếng dán cũ thì thay ngay miếng dán mới cùng một ngày trong tuần (gọi là Ngày thay miếng dán) vào ngày 8, ngày 15 của chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể thay miếng dán vào bất cứ lúc nào trong Ngày thay miếng dán đã định. Tuần thứ tư không cần dán thuốc, tuần này bắt đầu từ ngày 22 của chu kỳ kinh nguyệt.

Một chu kỳ tránh thai mới bắt đầu vào ngày đầu tiên sau khi hết tuần thứ tư (tuần không dùng miếng dán tránh thai). Lúc đó, bạn cần dán một miếng mới cho dù chưa có kinh nguyệt hay kinh nguyệt vẫn còn. Lưu ý, không để xảy ra tình trạng không dùng miếng dán lâu hơn 7 ngày vì có thể sẽ mất tác dụng tránh thai. Khi ấy, bạn phải áp dụng cùng lúc biện pháp tránh thai không dùng nội tiết tố trong thời gian 7 ngày. Nguy cơ phóng noãn gia tăng từng ngày sau thời gian không dùng thuốc được yêu cầu. Nếu có giao hợp trong thời gian này thì cần xét đến khả năng thụ thai.

Hiệu lực ngừa thai có thể giảm ở phụ nữ có cân nặng ≥ 90kg.

Liều dùng miếng dán tránh thai Evra cho trẻ em là bao nhiêu?

Tính an toàn và hiệu lực của thuốc này chưa được thiết lập ở thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Không có dữ liệu liên quan đến việc dùng thuốc này ở trẻ em và thanh thiếu niên trước khi có kinh lần đầu tiên trong đời.

Cách dùng

Bạn nên dùng miếng dán ngừa thai Evra như thế nào?

Bạn nên dán thuốc vào bề mặt da lành lặn, khô sạch và không có lông ở vùng mông, bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên. Dán ngay khi mở gói bảo vệ miếng dán. Không dán lên vú hoặc vùng da đang bị đỏ, kích ứng hoặc trầy xước. Mỗi một miếng dán tiếp theo nên được dán tránh với vị trí đã dán trước đó để tránh kích ứng nhưng có thể dán cùng một vùng cơ thể. Khi dán, hãy ấn chặt miếng dán cho đến khi bờ của miếng dán dính chắc vào da.

Để tránh ảnh hưởng đến tính chất kết dính của miếng dán thấm qua da, không nên trang điểm, sử dụng các loại kem bôi, sữa dưỡng da, phấn hoặc các sản phẩm khác lên vùng da đang dán miếng dán, và lên vùng da sắp được dán.

Người sử dụng nên nhìn kiểm tra hàng ngày để đảm bảo miếng dán vẫn dính tốt vào da. Không được cắt, làm hỏng hoặc thay đổi miếng dán trong bất kỳ cách nào vì có thể làm giảm hiệu quả ngừa thai.

Cần vứt bỏ miếng dán thấm qua qua da đã sử dụng một cách cẩn thận theo những hướng dẫn khi sử dụng, xử lý và hủy bỏ.

Các trường hợp sử dụng miếng dán ngừa thai Evra và lưu ý khi dùng

Evra

Khi không sử dụng thuốc tránh thai nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt lần trước

Bắt đầu dùng Evra vào ngày đầu tiên có kinh nguyệt. Mỗi miếng dán thấm qua da được dán liên tục trong 1 tuần (7 ngày). Ngày dùng miếng dán thấm qua da lần đầu tiên (Ngày 1/ Ngày bắt đầu) sẽ quyết định những Ngày thay miếng dán kế tiếp. Ngày thay miếng dán thấm qua da sẽ cùng ngày trong mỗi tuần (ngày 8, 15, 22 của chu kỳ hiện tại và ngày 1 của chu kỳ kinh nguyệt kế tiếp). Tuần thứ tư không cần dùng miếng dán thấm qua da, tuần này bắt đầu từ ngày 22 của chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu bắt đầu dùng thuốc sau ngày đầu tiên có kinh nguyệt cho chu kỳ đầu tiên, cần áp dụng cùng lúc biện pháp tránh thai không dùng nội tiết trong 7 ngày liên tiếp đầu tiên của chu kỳ điều trị đầu tiên này.

Khi chuyển từ thuốc tránh thai đường uống kết hợp sang dùng Evra

Bắt đầu dùng Evra vào ngày đầu tiên thấy kinh do ngừng thuốc. Nếu không thấy kinh trong vòng 5 ngày sau khi dùng viên thuốc tránh thai có hoạt tính (chứa nội tiết) cuối cùng thì phải loại trừ tình trạng có thai trước khi dùng miếng dán này. Nếu bắt đầu dùng miếng dán sau ngày đầu tiên thấy kinh do ngừng thuốc thì phải áp dụng cùng lúc phương pháp tránh thai không dùng nội tiết trong thời gian 7 ngày.

Nếu quá 7 ngày sau khi dùng viên thuốc tránh thai có hoạt chất cuối cùng, người dùng có thể đã rụng trứng và do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu trị liệu với Evra. Nếu có giao hợp trong thời gian này thì cần nghĩ đến khả năng thụ thai.

Khi chuyển từ phương pháp tránh thai chỉ có progestogen sang miếng dán

Bạn có thể chuyển sang dùng miếng dán bất cứ ngày nào khi đang dùng viên tránh thai chỉ có progestogen (hoặc bắt đầu dùng từ ngày lấy que cấy tránh thai ra, từ ngày đến kỳ hạn dùng liều thuốc tiêm tránh thai tiếp theo), nhưng phải dùng một phương pháp tránh thai dự phòng trong suốt 7 ngày đầu.

Sau khi đình chỉ thai hoặc sẩy thai

Sau khi đình chỉ hoặc sẩy thai trước 20 tuần đầu thai kỳ, có thể dùng miếng dán ngừa thai Evra ngay. Không cần dùng thêm phương pháp tránh thai khác nếu dùng ngay miếng dán này. Hiện tượng phóng noãn có thể xảy ra trong vòng 10 ngày đầu sau khi đình chỉ thai hoặc sẩy thai.

Sau khi đình chỉ hoặc sẩy thai ngay lúc hoặc sau 20 tuần của thai kỳ hoặc sau đó, có thể dùng Evra vào ngày 21 sau đình chỉ thai nghén hoặc vào ngày đầu tiên của kinh nguyệt tự phát đầu tiên tùy vào tình trạng nào đến trước. Chưa rõ tỉ lệ rụng trứng vào ngày thứ 21 sau khi đình chỉ thai nghén (ở thai 20 tuần tuổi).

Sau khi sinh con

Người dùng sau khi sinh nếu không cho con bú thì bắt đầu tránh thai bằng Evra sớm nhất là 4 tuần sau khi sinh. Nếu bắt đầu dùng muộn hơn, người dùng nên sử dụng thêm một phương pháp tránh thai trong 7 ngày đầu. Tuy nhiên, nếu đã có giao hợp, cần loại trừ khả năng có thai trước khi chính thức bắt đầu trị liệu với Evra hoặc người phụ nữ phải chờ đến chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi sinh.

Bạn cần làm gì nếu miếng dán bị bong hẳn hoặc bong một phần?

Nếu miếng dán EVRA bị bong một phần hoặc bong hẳn ra và không dán lại được thì thuốc không được phóng thích đầy đủ.

Nếu miếng dán EVRA còn dính nhưng đã bong ra một phần:

  • Kéo dài dưới 1 ngày (lên đến 24 giờ); cần dán lại ngay miếng dán này tại vị trí cũ hoặc thay miếng dán mới ngay. Không cần áp dụng thêm phương pháp tránh thai nào khác. Miếng dán tiếp theo được thay theo đúng “Ngày thay miếng dán” thường lệ.
  • Kéo dài lâu hơn 1 ngày (24 giờ hoặc hơn) hoặc khi người dùng không biết được miếng dán đã bong ra một phần khi nào: có thể không được bảo vệ tránh thai, cần dừng ngay chu kỳ tránh thai hiện tại và bắt đầu lại ngay chu kỳ tránh thai mới bằng miếng dán mới. Khi đó, bạn sẽ có “Ngày 1″ mới và “Ngày thay miếng dán” mới của chu kỳ tránh thai mới. Lúc này, người dùng phải áp dụng cùng lúc phương pháp tránh thai không nội tiết trong thời gian 7 ngày đầu tiên của chu kỳ tránh thai mới.

Không nên dán lại miếng dán cũ nếu độ kết dính đã mất, cần thay miếng dán khác ngay. Không nên dùng thêm keo dính hoặc băng keo để cố gắng giữ miếng dán ngừa thai Evra trên da.

Nếu Ngày thay miếng dán kế tiếp bị muộn:

Vào lúc bắt đầu một chu kỳ tránh thai mới (Tuần 1/ Ngày 1):

  • Người dùng có thể không được bảo vệ tránh thai, cần dán miếng dán đầu tiên của chu kỳ mới ngay khi nhớ ra. Lúc này chu kỳ tránh thai có “Ngày thay miếng dán” mới và “Ngày 1″ mới khác với chu kỳ tránh thai trước. Người dùng phải áp dụng cùng lúc biện pháp tránh thai không nội tiết trong thời gian 7 ngày đầu tiên của chu kỳ tránh thai mới. Nếu có giao hợp trong thời gian dùng muộn này thì khả năng thụ thai có thế xảy ra.

Vào giữa chu kỳ: (Tuần 2/ Ngày 8 hoặc Tuần 3/ Ngày 15):

  • Kéo dài dưới 1–2 ngày (lên đến 48 giờ): cần dán miếng dán mới ngay. Miếng dán tiếp theo được thay theo đúng “Ngày thay miếng dán” thường lệ. Không cần áp dụng thêm phương pháp tránh thai nào khác.
  • Kéo dài trên 2 ngày (48 giờ hoặc hơn): người dùng có thể không được bảo vệ tránh thai, cần dừng ngay chu kỳ tránh thai hiện tại và bắt đầu lại ngay chu kỳ tránh thai bốn tuần mới với miếng dán Evra mới. Lúc này, bạn sẽ có “Ngày 1″ mới và “Ngày thay miếng dán” mới của chu kỳ mới. Và người dùng phải áp dụng cùng lúc phương pháp tránh thai không nội tiết trong thời gian 7 ngày liên tiếp đầu tiên của chu kỳ tránh thai mới.

Vào cuối chu kỳ tránh thai (Tuần 4/ Ngày 22):

  • Nếu không lột bỏ miếng dán Evra vào ngày đầu tiên của Tuần 4 (Ngày 22) thì cần gỡ bỏ miếng dán này càng sớm càng tốt. Chu kỳ tránh thai tiếp theo nên bắt đầu vào “Ngày thay miếng dán” như bình thường, tức là ngày kế tiếp của ngày 28. Không cần áp dụng thêm biện pháp tránh thai nào khác.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Sử dụng quá liều có thể gây buồn nôn và nôn, chảy máu âm đạo. Trong trường hợp nghi ngờ dùng thuốc quá liều, phải lột bỏ miếng dán tránh thai thấm qua da và điều trị triệu chứng.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi sử dụng miếng dán Evra?

Evra

Các phản ứng phụ không mong muốn được báo nhiều nhất trong thử nghiệm lâm sàng là nhức đầu, buồn nôn, vú nhạy cảm đau. Các phản ứng khác có thể xảy ra lúc bắt đầu điều trị nhưng thường giảm sau 3 chu kỳ đầu tiên bao gồm rong huyết, vú nhạy cảm đau và buồn nôn.

Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác được ghi nhận gồm:

  • Thường gặp: viêm âm đạo (âm hộ) do nấm, vọp bẻ (co rút cơ), đau bụng kinh, chảy máu âm đạo và rối loạn kinh nguyệt, co thắt tử cung, tiết dịch âm đạo, vú nhạy cảm đau, khó chịu, mệt mỏi, phản ứng tại chỗ dán thuốc (ban đỏ, kích ứng, ngứa, phát ban), tăng cân.
  • Ít gặp: phản ứng quá mẫn, hiện tượng chảy sữa tự phát, hội chứng tiền kinh nguyệt, khô âm hô – âm đạo, phù toàn thân, phù ngoại biên, tăng huyết áp, rối loạn lipid.
  • Hiếm gặp: phát ban có mụn mủ, mụn mủ tại chỗ dán, u gan tân sinh, ung thư vú, u xơ tử cung, u xơ tuyến vú, phù mạch, ban đỏ, ngứa toàn thân, viêm da tiết bã, loạn sản tử cung, mất sữa, phù mặt, phù ấn lõm, sưng nề, phản ứng tại chỗ dán (áp xe, bào mòn da), rối loạn đường huyết.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Bạn nên lưu ý những gì khi dùng miếng dán thấm qua da Evra?

Nếu miếng dán gây kích ứng da khó chịu, có thể dùng một miếng dán mới vào vị trí khác cho đến Ngày thay miếng dán tiếp theo. Lúc nào cũng chỉ dùng một miếng dán trên da mà thôi.

Sau khi ngừng dùng miếng dán ngừa thai, phụ nữ có thể chậm có thai.

miếng dán tránh thai

Chống chỉ định sử dụng miếng dán Evra trong các trường hợp sau:

  • Đang có hoặc có nguy cơ nghẽn tĩnh mạch do huyết khối (thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch)
  • Đang có hoặc có nguy cơ nghẽn động mạch do huyết khối (thuyên tắc huyết khối động mạch)
  • Quá mẫn với bất kỳ hoạt chất hay tá dược nào của thuốc
  • Ung thư biểu mô vú đã biết hoặc nghi ngờ
  • Ung thư biểu mô nội mạc tử cung hoặc u tân sinh khác phụ thuộc estrogen đã biết hoặc nghi ngờ
  • Bất thường chức năng gan liên quan đến bệnh tế bào gan cấp hoặc mạn tính
  • Ung thư biểu mô hoặc ung thư tuyến của gan
  • Chảy máu sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán.

Trong trường hợp tình trạng bệnh nặng hơn, hoặc lần đầu xuất hiện bất kỳ các tình trạng bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ, người dùng cần liên hệ với bác sĩ để xác định có nên tiếp tục sử dụng Evra hay không. Không có bằng chứng lâm sàng cho thấy miếng dán tránh thai thấm qua da an toàn hơn so với thuốc uống tránh thai kết hợp ở bất kỳ khía cạnh nào.

Trước khi bắt đầu hoặc dùng lại Evra, người dùng nên kiểm tra tiền sử bệnh đầy đủ (bao gồm cả tiền sử gia đình) và phải loại trừ khả năng đang có thai, cần đo huyết áp và khám thực thể hướng đến các tình trạng bệnh lý chống chỉ định và cần thận trọng khi dùng thuốc.

Bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy trao đổi với bác sĩ.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chống chỉ định dùng miếng dán Evra ở phụ nữ có thai.

Các phương pháp tránh thai nội tiết kết hợp có thể gây ảnh hưởng đến việc cho con bú vì có thể làm giảm số lượng và thay đổi các thành phần Chất lượng của sữa mẹ. Do đó, không khuyến cáo dùng miếng dán này cho đến khi trẻ hoàn toàn cai sữa mẹ.

Tương tác thuốc

Thuốc có thể tương tác với những thuốc nào?

miếng dán Evra

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số tương tác có thể xảy ra khi dùng chung Evra với các thuốc khác như:

  • Phenobarbital, primidone, rifampicin, rifabutin, bosentan, (fos) aprepitant
  • Một số thuốc chống động kinh (như là carbamazepine, eslicarbazepine acetate, felbamate, oxcarbazepine, phenytoin, rufinamide, topiramate)
  • Một số thuốc kháng HIV (nelfinavir, ritonavir, nevirapine, efavirenz)
  • Griseofulvin
  • Penicillin, tetracycline
  • Etoricoxib
  • Ciclosporin
  • Lamotrigine

Thuốc này có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, như:

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản miếng dán tránh thai Evra như thế nào?

Bảo quản miếng dán trong từng gói bảo vệ để trong hộp thuốc, ở nhiệt độ không quá 30ºC. Không để thuốc vào tủ lạnh hoặc đông lạnh. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Hướng dẫn xử lý và hủy bỏ miếng dán Evra:

Sau khi sử dụng, miếng dán thấm qua da vẫn còn chứa một lượng đáng kể các thành phần hoạt chất. Các thành phần hoạt chất nội tiết còn lại trong miếng dán có thể có tác dụng gây hại nếu chạm vào môi trường có nước. Vì vậy, cần cẩn thận khi vứt bỏ miếng dán thấm qua da đã dùng:

  • Bóc miếng nhãn dùng để xử lý sản phẩm ra khỏi mặt ngoài của gói đựng sản phẩm.
  • Đặt miếng dán đã dùng vào trong miếng nhãn xử lý mở rộng sao cho bề mặt dính của miếng dán che phủ vùng bóng mờ trên gói đựng sản phẩm.
  • Xếp chặt miếng nhãn để niêm kín miếng dán thấm qua da đã dùng nằm bên trong.

Bất kỳ sản phẩm thuốc chưa sử dụng hoặc chất thải đều phải được tiêu hủy phù hợp với yêu cầu của địa phương. Không được vứt miếng dán đã dùng vào trong bồn cầu cũng như không được đặt trong các hệ thống xử lý chất thải lỏng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Evra. https://www.mims.com/vietnam/drug/info/evra. Ngày truy cập 23/5/2021.

Estrogen and Progestin (Transdermal Patch Contraceptives). https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a602006.html. Ngày truy cập 23/5/2021.

Evra.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1329453/. Ngày truy cập 23/5/2021.

Evra. https://www.medicines.org.uk/emc/medicine/12124. Ngày truy cập 23/5/2021.

Evra. https://www.drugs.com/uk/evra.html. Ngày truy cập 23/5/2021.

Phiên bản hiện tại

25/05/2021

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

Cảnh báo tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo