backup og meta

Acriptega

Acriptega

Tên biệt dược: Acriptega.

Tên hoạt chất: Dolutegravir, lamivudine, tenofovir disoproxil fumarate.

Tác dụng

Acriptega là thuốc gì?

Thuốc Acriptega là sự kết hợp liều cố định của ba hoạt chất bao gồm: lamivudine, tenofovir disoproxil fumarate và dolutegravir, được chỉ định cho người lớn và thanh thiếu niên (từ 12 tuổi và cân nặng ≥ 40 kg) để điều trị nhiễm virus HIV-1 gây suy giảm miễn dịch ở người. Bệnh nhân phải không bị thất bại về virus học trên phác đồ kháng retrovirus trước đó.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc Acriptega có những dạng và hàm lượng nào?

Viên nén bao phim Acriptega chứa 50 mg dolutegravir (dưới dạng dolutegravir natri), 300 mg lamivudine USP và 300 mg tenofovir disoproxil fumarate (tương đương với 245 mg tenofovir disoproxil).

Liều dùng thuốc Acriptega cho người lớn như thế nào?

Liều khuyến cáo dành cho người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên có cân nặng ≥ 40 kg là: 1 viên x 1 lần/ ngày.

Không dùng dạng phối hợp này cho bệnh nhân dưới 40 kg.

Liều dùng thuốc Acriptega cho trẻ em như thế nào?

Viên nén Acriptega không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi do thiếu dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Acriptega như thế nào? 

Thuốc Acriptega có thể sử dụng bằng cách nuốt toàn bộ viên nén cùng với nước, không nhai nghiền hoặc bẻ nhỏ viên thuốc. Bệnh nhân chỉ dùng thuốc này khi được chỉ định và theo dõi bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị nhiễm HIV. 

Cách dùng thuốc acriptega

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều thuốc Acriptega?

Nếu quá liều thuốc Acriptega, bệnh nhân phải được theo dõi cẩn thận và điều trị hỗ trợ khi cần thiết. Để đảm bảo an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc nghi ngờ quá liều, bạn cần gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất để được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều thuốc Acriptega?

Nếu bạn quên một liều thuốc Acriptega, hãy dùng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Acriptega?

Tác dụng phụ của thuốc Acriptega có thể là do thành phần dolutegravir hoặc lamivudine/tenofovir gây ra. Nhìn chung, bệnh nhân khả năng gặp phải một số triệu chứng như sau:

Rất phổ biến (ADR ≥ 1/10)

  • Đau đầu.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau bụng, đầy hơi, khó chịu ở bụng.
  • Tiêu chảy.

Phổ biến (1/10 > ADR ≥ 1/100)

  • Chóng mặt.
  • Mất ngủ, phiền muộn, gặp giấc mơ bất thường.
  • Mệt mỏi, khó chịu, sốt.
  • Ho, sổ mũi.
  • Phát ban, ngứa, rụng tóc.
  • Đau khớp, chuột rút, rối loạn cơ.
  • Tăng ALT và/hoặc AST, creatine phosphokinase (CPK).

Không phổ biến (1/100 > ADR ≥ 1/1000)

  • Giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, giảm tiểu cầu.
  • Viêm gan.
  • Quá mẫn.
  • Có ý định hoặc cố gắng tự tử (đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử trầm cảm hoặc bệnh lý tâm thần).
  • Hạ kali máu.
  • Gan nhiễm mỡ.
  • Tiêu cơ vân, yếu cơ, bệnh cơ, hoại tử xương.
  • Viêm thận (bao gồm cả viêm thận kẽ cấp tính).
  • Đái tháo nhạt do thận.
  • Hội chứng phục hồi miễn dịch.

Tác dụng phụ của thuốc acriptega

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ của thuốc Acriptega và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Acriptega, bạn nên lưu ý những gì?

Chống chỉ định sử dụng thuốc Acriptega cho bệnh nhân mẫn cảm với tenofovir, lamivudine, dolutegravir hoặc bất kỳ tá dược nào có trong công thức.

Cần thận trọng và thường xuyên theo dõi độ thanh thải creatinin khi dùng thuốc Acriptega ở bệnh nhân suy thận hoặc có nguy cơ suy thận. Khuyến cáo không nên dùng thuốc này nếu bệnh nhân có độ thanh thải creatinin < 50 ml/ phút.

Mặc dù hiệu quả của việc ức chế virus bằng thuốc có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục hoặc truyền máu. Tuy nhiên, không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh. Bệnh nhân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để ngăn ngừa lây truyền HIV. 

Sản phẩm thuốc Acriptega có chứa thành phần lactose, không phù hợp để sử dụng cho bệnh nhân mắc các vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Acriptega trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chưa có đủ bằng chứng để khẳng định thuốc Acriptega có tác dụng gì gây hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển của thai nhi và bản thân người mẹ hay không. Thuốc Acriptega chỉ được sử dụng cho phụ nữ mang thai khi việc điều trị đem lại lợi ích vượt trội hơn hẳn so với nguy cơ có hại, đặc biệt thận trọng ở ba tháng đầu của thai kỳ.

Ngoài ra, nên thực hiện các biện pháp thử thai trước khi bắt đầu dùng thuốc này ở thanh thiếu niên và người lớn có khả năng sinh đẻ.

Mặc dù không rõ thuốc Acriptega có bài tiết qua sữa mẹ hay không, tuy nhiên theo như khuyến cáo hiện nay, phụ nữ nhiễm HIV không nên cho trẻ bú mẹ trong bất kỳ trường hợp nào để tránh lây truyền HIV.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc acriptega

Thuốc có thể tương tác với Acriptega là thuốc gì? 

Thuốc Acriptega có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của các thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Các thuốc có thể tương tác với thuốc Acriptega bao gồm:

  • Didanosine.
  • Cidofovir.
  • Aminoglycosid.
  • Amphotericin B.
  • Foscarnet.
  • Ganciclovir.
  • Pentamidine.
  • Vancomycin. 
  • Interleukin-2.
  • Tacrolimus.
  • Adefovir.
  • Atazanavir/Ritonavir.
  • Dofetilide.
  • Metformin.
  • Thuốc kháng acid có chứa nhôm, magnesi.
  • Calci, sắt hoặc multivitamin.

Thuốc Acriptega có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thuốc phải được dùng chung với thức ăn để tăng sinh khả dụng của thành phần tenofovir.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Acriptega?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc Acriptega. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt đã được đề cập trong mục Thận trọng/Cảnh báo.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Acriptega như thế nào?

Bảo quản nơi khô mát, nhiệt độ không quá 30°C.

Tránh ẩm và ánh sáng trực tiếp.

Để xa tầm tay trẻ em.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Acriptega. https://drugbank.vn/thuoc/Acriptega&VN3-241-19. Ngày truy cập 04/03/2022

Acriptega. https://www.mims.com/thailand/drug/info/acriptega?type=full. Ngày truy cập 04/03/2022

Tenofovir, Lamivudine, and Dolutegravir (TLD) Transition. https://www.fhi360.org/sites/default/files/media/documents/linkages-tld-transition-information.pdf. Ngày truy cập 04/03/2022

Drug Database: Dolutegravir https://clinicalinfo.hiv.gov/en/drugs/dolutegravir/patient Ngày truy cập 07/03/2022

Lamivudine https://www.drugs.com/mtm/lamivudine.html Ngày truy cập 07/03/2022

Tenofovir disoproxil fumarat https://clinicalinfo.hiv.gov/en/drugs/tenofovir-disoproxil-fumarate/patient Ngày truy cập 07/03/2022

Phiên bản hiện tại

07/03/2022

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tác dụng phụ và biến chứng khi dùng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI

Thuốc PEP là gì? Dùng điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV sao cho đúng?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 07/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo