Bụi trong nhà là một ma trận phức tạp, có thể bao gồm các hạt vật chất siêu nhỏ mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt. Chính vì vậy, bên cạnh những cách vệ sinh thông thường, bạn cần bỏ túi thêm một vài mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa hữu ích để “đánh bay” bụi từng ngóc ngách.
Vệ sinh nhà cửa là công việc mà chúng ta làm hằng ngày, hằng tuần. Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi liệu cách dọn dẹp nhà cửa của mình đã thật sự hiệu quả? Nếu bạn vẫn chưa có câu trả lời, đừng ngần ngại xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để “bỏ túi” thêm một vài mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa hữu ích, giúp đảm bảo bụi không tài nào “ẩn náu” trong ngôi nhà của bạn.
Bụi trong nhà có thể khó làm sạch hơn bạn nghĩ
Bụi trong nhà là hỗn hợp các thành phần được tạo thành từ nhiều nguồn khác nhau như:
- Tế bào da người
- Sợi vải từ thảm, đồ nội thất bọc đệm
- Nước bọt, nước tiểu, lông và vảy da của vật nuôi
- Các vi sinh vật như mạt bụi, vi khuẩn, virus, nấm mốc hoặc bào tử nấm mốc
- Phấn hoa, khói, khí thải, cát từ bên ngoài lọt vào nhà
- Khói và chất thải từ các hoạt động sinh hoạt như nấu ăn bằng bếp củi, sử dụng lò sưởi, hút thuốc lá, đốt nến hoặc nhang…
Do thành phần vô cùng đa dạng nên các hạt bụi sẽ có nhiều kích thước khác nhau. Một số hạt bụi to, có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường nên việc vệ sinh khá đơn giản. Trong khi đó, các hạt bụi khác lại vô cùng nhỏ, bay lơ lửng trong không khí và bám trên các bề mặt như sàn nhà, ghế sofa, giường…
Với các hạt bụi siêu nhỏ, bạn rất khó để biết liệu mình đã loại bỏ hết chúng hay chưa. Không những thế, những hạt bụi “vô hình” này còn có thể bị phân tán ngược lại vào môi trường xung quanh khi bạn vệ sinh nhà cửa. Chẳng hạn như khi quét nhà bằng chổi, các hạt bụi nhỏ, bụi mịn có thể bay trở lại vào không khí. Hoặc như khi lau chùi, cây lau nhà và khăn vải sẽ đẩy các hạt bụi này vào kẽ hở của sàn hoặc vật dụng.
Bên cạnh đó, các hạt bụi nhỏ cũng có thể bám vào những vị trí, vật dụng khó vệ sinh hoặc dễ bị bỏ qua trong quá trình dọn dẹp nhà cửa, chẳng hạn như:
- Rèm cửa, nhất là thanh treo rèm ở trên cao
- Mặt sau đồ điện tử như máy tính, TV…
- Quạt trần và các thiết bị chiếu sáng
- Mặt trên của cửa ra vào, cửa sổ và tủ. Đây là những bề mặt ở vị trí cao, khuất tầm nhìn nên dễ bị bỏ qua trong quá trình vệ sinh nhà cửa.
- Bọc ghế, giường, đệm, sofa, những vị trí “trú ngụ” lý tưởng của mạt bụi, lông thú cưng và vảy da. Theo ước tính, giường, chiếu có thể chứa từ 100.000 đến 1 triệu con mạt bụi.
- Sàn nhà và thảm trải sàn: Bụi bẩn, phấn hoa và các chất gây ô nhiễm ngoài trời thường len lỏi qua các khe cửa và bám nhiều tại đây.
Mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa giúp “đánh bay” bụi từng ngóc ngách
Để đảm bảo loại bỏ hết bụi bẩn trong nhà, bạn nên chia nhà ra thành nhiều khu vực để dễ dọn dẹp và kiểm soát. Dưới đây là một số mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa theo từng khu vực giúp bạn “quét sạch” bụi từng ngóc ngách:
Phòng ngủ
- Giường, đệm, chăn, gối, ga trải giường: Bạn nên sử dụng các loại vỏ bọc chống mạt bụi. Hãy giặt ga trải giường, vỏ gối và chăn ít nhất 1 lần/tuần với nước có nhiệt độ tối thiểu 54°C. Bạn có thể thay vật dụng được làm từ len, lông vũ bằng các vật dụng từ vật liệu tổng hợp.
- Sàn: Thay vì dùng thảm, bạn nên lót sàn gỗ. Nếu vẫn muốn dùng thảm thì bạn cần hút bụi hàng tuần và giặt thảm thường xuyên.
- Màn và rèm cửa: Hãy sử dụng các loại rèm có thể giặt được làm từ vải cotton trơn hoặc vải tổng hợp. Chú ý hút bụi hàng tuần và giặt rèm thường xuyên.
- Cửa và cửa sổ: Hút bụi khung cửa, các khe cửa để làm sạch nấm mốc, lau sạch hơi nước đọng lại xung quanh cửa. Bạn nên đóng cửa sổ và dùng điều hòa vào những ngày không khí ô nhiễm nặng.
- Tủ quần áo: Một cách làm sạch bụi trong phòng ngủ là vệ sinh mặt trên cùng của tủ quần áo. Bạn hãy thử dùng máy hút bụi có thể thay đổi độ dài đầu hút để dễ dàng vệ sinh khu vực này.
- Vật dụng nhỏ: Loại bỏ các vật dụng cũ, dễ bám bụi và không còn sử dụng như đồ trang trí, sách, tạp chí cũ ra khỏi phòng. Đồng thời, hãy cất đồ chơi trẻ em và thú nhồi bông trong thùng nhựa.
- Vật nuôi: Không để vật nuôi vào phòng ngủ.
Phòng khách
- Vật dụng: Sắp xếp các vật dụng ngăn nắp, gọn gàng và loại bỏ những đồ dùng thừa. Khi lau dọn nhà cửa, bạn nên vệ sinh các vật dụng theo thứ tự từ cao xuống thấp (nếu dùng quạt trần thì nên lau chùi trước).
- Sofa: Cân nhắc thay sofa bọc đệm bằng đồ nội thất bằng da, gỗ, kim loại… Hãy hút bụi cho sofa thường xuyên vì đây là một trong những nơi rất dễ bám bụi.
- Sàn: Vệ sinh sàn nhà hàng ngày, nhất là những ngóc ngách nhỏ, kẽ hở. Mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa hữu ích là bạn nên dùng các loại máy hút bụi có công cụ hút khe kẽ để có thể tiếp cận những vị trí này.
- Thiết bị điện tử: Bạn đừng quên vệ sinh các vật dụng như điều khiển TV, máy lạnh, bàn phím máy tính…
Ngoài ra, trong quá trình dọn dẹp phòng khách, bạn đừng quên lau sạch các bề mặt như tay nắm cửa, công tắc đèn, những vị trí mà chúng ta chạm tay vào mỗi ngày nhưng thường bị bỏ qua. Đồng thời, bạn cũng cần chú ý vệ sinh rèm, cửa và cửa sổ giống như phòng ngủ nhé.
Phòng bếp
Đối với phòng bếp, bạn nên:
- Sử dụng quạt thông gió để loại bỏ khói bếp và giảm độ ẩm
- Vệ sinh bồn rửa, vòi nước hằng ngày để loại bỏ nấm mốc và mảnh vụn thức ăn
- Đối với thức ăn thừa, bạn cần bỏ vào thùng rác có nắp đậy, đổ rác hằng ngày để tránh gián và chuột
- Làm sạch tủ và mặt bàn bằng chất tẩy rửa và nước. Kiểm tra các tủ phía dưới bồn rửa thường xuyên để xem có rò rỉ đường ống dẫn nước hay không
Phòng tắm, nhà vệ sinh
- Sử dụng quạt thông gió để giảm độ ẩm trong phòng tắm
- Hạn chế sử dụng giấy dán tường, thay vào đó, bạn nên lát gạch hoặc sơn men chống ẩm mốc
- Lau khô bồn tắm sau khi sử dụng. Vệ sinh bồn tắm, vòi hoa sen, vòi nước, bồn rửa tay và bồn cầu bằng thuốc tẩy thường xuyên
- Làm sạch hoặc thay rèm tắm định kỳ
- Kiểm tra hệ thống ống nước để phát hiện sớm tình trạng rò rỉ
Lưu ý cần nhớ khi dọn dẹp nhà cửa
Bên cạnh các mẹo vặt dọn dẹp nhà cửa trên thì bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để hạn chế bụi tích tụ cũng như giúp việc vệ sinh nhà cửa hiệu quả hơn:
- Nhiệt độ nóng, ẩm có thể tạo điều kiện thuận lợi để mạt bụi và nấm mốc sinh sôi. Do đó, bạn nên duy trì nhiệt độ trong nhà từ 20 – 22°C, độ ẩm không cao quá 50%. Chú ý làm sạch máy điều hòa trong phòng ít nhất 1 tháng/lần.
- Hạn chế gián và chuột bằng các sản phẩm cơ học. Bịt kín kẽ hở và vết nứt để tránh các động vật này chui vào nhà.
- Lau dọn nhà cửa từ cao xuống thấp trong quá trình vệ sinh. Đối với việc hút bụi thảm hay lau chùi nhà, bạn nên lau theo thứ tự và lui dần ra khỏi phòng để tránh lau lặp lại.
- Giữ nhà cửa thông thoáng, mát mẻ. Bạn có thể mở cửa sổ vào những thời điểm nhất định để không khí trong nhà được lưu thông
- Không hút thuốc lá ở bất cứ khu vực nào trong nhà
- Bạn nên duy trì thói quen lau dọn nhà cửa hàng tuần
Ngoài ra, việc vệ sinh nhà cửa bằng các dụng cụ thông thường như khăn, chổi và cây lau nhà thường không hiệu quả, đặc biệt ở những vị trí bám nhiều bụi. Các dụng cụ này ngược lại có thể làm bụi phân tán vào không khí. Vì vậy, để việc dọn dẹp nhà cửa mang lại hiệu quả tốt nhất thì bạn nên trang bị cho gia đình mình một chiếc máy hút bụi. Máy hút bụi được xem là trợ thủ “đắc lực” trong việc dọn dẹp, nhất là với các vật dụng và vị trí khó vệ sinh như bề mặt sofa, đệm, rèm cửa, thảm, các ngóc ngách, kẽ hở trên sàn hoặc các bề mặt ở vị trí cao.
Vệ sinh nhà cửa không đơn giản như bạn nghĩ. Tuy nhiên, với những chia sẻ trên, Hello Bacsi hi vọng có thể phần nào giúp bạn “đánh bay” bụi ở từng ngóc ngách trong nhà. Đừng để bụi bẩn trở thành nỗi lo đối với sức khỏe cả gia đình bạn.
[embed-health-tool-bmi]