Ô nhiễm không khí gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trong đó, bụi mịn là một “sát thủ” lợi hại có thể âm thầm hủy hoại các tế bào trong cơ thể. Thế nhưng, liệu mấy ai hiểu hết về bụi mịn cũng như cách mà chúng “ẩn náu” bên trong ngôi nhà tưởng chừng như sạch sẽ của bạn.
Mỗi ngày, chúng ta hít vào khoảng 10.000 lít không khí và dù bạn có cẩn thận đến đâu thì trong từng ấy không khí vẫn sẽ trộn lẫn ít nhiều bụi mịn. Bụi mịn có thể tồn tại ngay trong nhà và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu một số thông tin hữu ích về bụi mịn, chẳng hạn như bụi mịn là gì, bụi mịn trong nhà đến từ đâu và làm thế nào để xử lý chúng trong bài viết này nhé.
Bụi mịn là gì?
Bụi mịn là thuật ngữ dùng để chỉ một hỗn hợp phức tạp gồm các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn có khả năng bay lơ lửng trong không khí. Các hạt này có thể khác nhau về hình dạng, thành phần nhưng đặc điểm chung là kích thước khá nhỏ và đôi khi chỉ được phát hiện bằng kính hiển vi.
Nhắc đến bụi mịn, bạn sẽ nghe nhiều đến các chỉ số như PM 10, PM 2.5, PM 1.0. Đây là các chỉ số cho biết kích thước của hạt bụi. Cụ thể:
- PM – viết tắt của Particulate Matter, có nghĩa là các hạt vật chất lỏng hoặc rắn.
- Con số 10, 2.5, 1.0 cho biết kích thước của hạt bụi: PM10, PM 2.5, PM 1.0 là các hạt bụi có kích thước tương ứng nhỏ hơn 10μm, 2,5μm và 1μm.
Bụi mịn trong nhà có nguồn gốc từ đâu?
Về nguồn gốc, bụi mịn được tạo thành từ hàng trăm chất khác nhau trong tự nhiên hoặc từ các hoạt động sinh hoạt của con người như quá trình sản xuất, khí thải máy móc, phương tiện giao thông, cháy rừng, hỏa hoạn…Chính vì lẽ đó, mỗi ngày, chúng ta có thể hít phải một lượng bụi mịn vô cùng lớn, nhất là nếu sống ở những thành phố có nền công nghiệp phát triển mạnh, mật độ giao thông cao. Thế nhưng, điều đáng sợ nhất là chúng ta không chỉ tiếp xúc với bụi mịn khi đi ra ngoài mà chúng có thể tồn tại ngay trong nhà.
Bụi mịn trong nhà được tạo thành từ nhiều hoạt động như nấu ăn bằng bếp củi, sử dụng lò sưởi, hút thuốc lá, đốt nến hoặc nhang… Bên cạnh đó, một lượng lớn bụi mịn trong nhà có thể bắt nguồn từ:
- Tế bào da người, bởi trung bình một người có thể mất đến 28g da mỗi tuần
- Mạt bụi và phân của mạt bụi. Mạt bụi có thể phát triển rất nhanh trong điều kiện tối, ẩm và nhiều bụi bẩn. Mỗi con mạt bụi thải ra khoảng 20 hạt phân mỗi ngày. Hạt phân và chất tiết của mạt bụi rất nhẹ (kích thước đôi khi nhỏ đến 10μm) và có thể bay lơ lửng trong không khí.
- Các protein được tìm thấy trong nước bọt, nước tiểu và lông của vật nuôi
- Các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc bào tử nấm mốc. Bạn có biết, hơn 2000 loài vi sinh vật đang tồn tại trong nhà chúng ta.
Ngoài ra, bụi mịn cũng có thể từ bên ngoài lọt vào nhà qua các khe hở, mỗi lần đóng – mở cửa hoặc do chúng ta mang về nhà sau khi ra ngoài.
Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe
Bụi mịn trong nhà được mệnh danh là “kẻ sát nhân” thầm lặng. Độ nguy hiểm của bụi mịn phụ thuộc nhiều vào kích thước của chúng. Loại bụi lớn hơn 10μm khó đi sâu vào đường hô hấp nhưng lại có thể gây kích ứng da và mắt, làm tăng nguy cơ dị ứng, viêm kết mạc và nhiễm trùng mắt.
Hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10μm mới thật sự là mối nguy hại lớn. Chúng có thể đi vào và bị kẹt lại ở mũi, miệng hoặc đường hô hấp trên. Điều này làm tăng nguy cơ mắc phải hoặc làm nặng thêm một số bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi và bệnh bụi phổi silic. Nghiêm trọng hơn, các hạt bụi càng nhỏ, càng mịn thì càng dễ đi sâu vào đường hô hấp dưới. Chúng có thể xâm nhập vào phổi và thậm chí đi vào máu, gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý về tim mạch. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì các hạt bụi mịn trong nhà có thể có kích thước vô cùng nhỏ, chỉ từ 0,5-5μm.
Một số bệnh truyền nhiễm cũng được lây truyền qua việc tiếp xúc với vi sinh vật (một thành phần của bụi mịn) có trong không khí, tiêu biểu nhất là viêm màng não mô cầu. Ngoài ra, việc hít phải bụi mịn trong thời tiết khô nóng cũng có thể làm tổn thương niêm mạc mũi và họng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây nhiễm vi khuẩn.
Tác hại của bụi mịn không “chừa” một ai. Những người tiếp xúc càng nhiều với bụi mịn thì nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe càng lớn. Trong đó, nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm với bụi mịn là:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bụi mịn cao gấp 100 lần người lớn
- Người từ 65 tuổi trở lên
- Những người có tiền sử mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản
- Người có thói quen hút thuốc
- Người có tiền sử mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi
Cách xử lý bụi trong nhà hiệu quả
Bụi mịn có nguồn gốc vô cùng đa dạng nên rất khó để loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để hạn chế bụi mịn trong nhà:
- Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng thường xuyên. Chú ý dọn dẹp và để ngăn nắp các vật dụng trong nhà để tránh bụi tích tụ.
- Đóng bớt cửa sổ để hạn chế bụi mịn bên ngoài bay vào trong nhà. Nếu muốn mở cửa sổ để nhà thông thoáng, bạn nên nghĩ đến việc lắp thêm lưới chống bụi. Hai việc này đặc biệt cần thiết nếu bạn đang sống ở nơi có mật độ giao thông đông đúc hoặc không khí ô nhiễm nặng.
- Để giày dép bên ngoài hoặc ở 1 góc nhỏ gần cửa và thay quần áo sau khi ra ngoài để tránh bụi từ quần áo, giày dép xâm nhập vào nhà.
- Chải lông và tắm rửa cho vật nuôi thường xuyên để tránh tình trạng bụi sản sinh và phát tán nhiều trong nhà. Bạn nên chải lông cho vật nuôi trong phòng tắm hoặc ngoài sân thay vì phòng khách hoặc phòng ngủ.
- Giặt chăn, ga giường 1 lần/tuần bởi đây là các vật dụng dễ tích tụ bụi nhất. Không những vậy, mạt bụi cũng tồn tại rất nhiều trên các vật dụng này nên bạn cần lưu ý khi vệ sinh. Theo nghiên cứu, trên giường, chiếu có thể chứa từ 100.000 đến 1 triệu con mạt bụi.
- Tối giản các vật dụng trong nhà, bởi đồ đạc quá nhiều có thể tạo ngóc ngách cho bụi bẩn đọng lại. Với những vật dụng nhỏ, bạn nên cất gọn sau khi sử dụng. Những đồ vật không còn dùng nữa, nhất là sách, báo, tạp chí cũ cần được loại bỏ vì đây là nơi bụi bẩn dễ tích tụ.
- Tránh hút thuốc và sử dụng các thiết bị đốt bằng nhiên liệu. Đây là những hoạt động có thể tạo ra nhiều bụi và các chất độc hại trong nhà.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện các biện pháp kể trên thì bạn cũng rất khó hạn chế hoàn toàn bụi mịn trong nhà. Vì vậy, một điều quan trọng khác bạn cần lưu ý là làm sạch bụi hiệu quả trong quá trình vệ sinh nhà cửa.
Bụi rất dễ bám trên các bề mặt như sàn nhà, ghế sofa, đệm, rèm cửa và các ngóc ngách. Thế nhưng, do kích thước bụi quá nhỏ và những vị trí này rất khó vệ sinh nên việc loại bỏ bụi mịn bằng những cách thông thường như quét bụi hay lau bằng khăn là không triệt để. Thậm chí, nếu vệ sinh không đúng thì những hạt bụi li ti có thể phát tán ra không khí, khiến chúng ta càng dễ hít phải.
Do đó, một trong những giải pháp tốt nhất bạn có thể cân nhắc là đầu tư cho mình một chiếc máy hút bụi. Máy hút bụi sẽ giúp bạn làm sạch bụi ở mọi ngóc ngách, nhất là những nơi khó vệ sinh như sàn nhà, ghế sofa, đệm, rèm cửa. Đặc biệt, các dòng máy cầm tay, không dây rất nhẹ, linh hoạt và có thể di chuyển dễ dàng đến bất kỳ vị trí nào.
Sau khi hút bụi, bạn có thể dùng khăn ướt lau lại sàn nhà và các vật dụng. Ngoài ra, bạn cần vệ sinh theo trình tự từ trên xuống, bắt đầu từ các đồ vật trên cao, sau đó di chuyển xuống dưới để không phủ bụi 2 lần.
Bụi mịn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp hạn chế cũng như dọn dẹp nhà cửa thường xuyên để loại bỏ chúng. Hãy cân nhắc sắm ngay cho mình một chiếc máy hút bụi để việc vệ sinh hiệu quả hơn nhé.
[embed-health-tool-bmi]