backup og meta

Thiết bị y tế gia đình: Bạn nên chuẩn bị gì?

Thiết bị y tế gia đình: Bạn nên chuẩn bị gì?

Thiết bị y tế gia đình là những vật dụng bạn nên có trong nhà để đảm bảo sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Những thiết bị này có thể giúp bạn theo dõi cơ thể và nhận ra tình trạng bất bình thường để chữa trị kịp thời đấy!

Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 5 thiết bị y tế gia đình bạn nên chuẩn bị để đảm bảo sức khỏe nhé!

1. Cân điện tử

Cân sức khỏe là các sản phẩm nhằm kiểm tra trọng lượng con người để đánh giá thể trạng, cân nặng và tình hình sức khỏe cơ bản của chúng ta. Hiện nay trên thị trường có hai loại cân sức khỏe đó là cân cơ học và cân điện tử.

• Cân cơ học: Thường chỉ có chức năng kiểm tra cân nặng, giá thành thấp, dễ dùng, không phải thay pin, độ bền cao.

• Cân điện tử: Với công nghệ cảm biến hiện đại nên cho kết quả trọng lượng cơ thể chính xác hơn. Bên cạnh đó còn có thể có thêm một số chức năng khác như đo lượng nước, lượng mỡ trong cơ thể, khả năng lưu lại thông số cân đo của nhiều người trong những lần khác nhau, tính chỉ số khối cơ thể (BMI)…

Tùy thuộc vào mô hình sử dụng mà bạn có thể lựa chọn loại cân sức khỏe khác nhau. Nếu bạn muốn lựa chọn thiết bị y tế gia đình, cân điện tử là sự quyết định hợp lý vì có nhiều chức năng giúp kiểm tra sức khỏe tốt hơn.

2. Nhiệt kế điện tử

Nhiệt kế là thiết bị y tế gia đình không thể thiếu được sử dụng để đo nhiệt độ cơ thể. Có 2 loại nhiệt kế được sử dụng phổ biến là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử.

Nhiệt kế thủy ngân

Loại nhiệt kế này giúp cho kết quả đo nhiệt độ chính xác. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiệt kế thủy ngân khi đo cho trẻ em thường rất khó, bởi trẻ hay cựa quậy, quấy khóc không chịu đo. Bên cạnh đó, nếu vô tình làm vỡ nhiệt kế thủy ngân, mặc dù lượng thủy ngân trong nhiệt kế rất ít nhưng khi hít phải hơi thủy ngân sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe những người xung quanh.

Nhiệt kế điện tử

Nhiệt kế điện tử là máy đo nhiệt độ cơ thể cho kết quả nhanh hơn nhiệt kế thủy ngân. Loại nhiệt kế này được chia thành 2 loại gồm nhiệt kế hồng ngoại và nhiệt kế điện tử thông thường. Nhiệt kế hồng ngoại cho phép đo mà không cần chạm vào người dựa trên nguyên lý đo lượng hồng ngoại cơ thể tỏa ra. Nhiệt kế hồng ngoại có thể dùng để đo trán, tai hoặc cả hai. Nhiệt kế điện tử thông thường sử dụng công nghệ điện tử để cho kết quả đo nhanh.

Nhiệt kế điện tử là vật dụng dễ thao tác và cho kết quả nhanh chỉ từ 10 giây đến 1 phút. Kết quả cũng dễ đọc nhờ hiển thị trên màn hình rõ nét. Bạn có thể đo tại nhiều vị trí khác nhau như trán, nách, tai, hậu môn. Nhiệt kế điện tử có khả năng chống sốc và chống va đập tốt hơn, vì thế sẽ hạn chế được khả năng bị vỡ hoặc ngộ độc do dùng nhiệt kế thủy ngân.

3. Máy đo huyết áp

thiết bị y tế gia đình

Theo số liệu thống kê trên toàn thế giới, có 51,6% số người tăng huyết áp không biết mình bị bệnh. Theo Hội tim mạch học Việt Nam năm 2016, khoảng 48% người bị tăng huyết áp nhưng không biết mình bị tình trạng này. Tình trạng huyết áp cao thường diễn biến chậm và âm thầm, không để lại bất kỳ triệu chứng cụ thể khiến nhiều người bệnh chủ quan.

Nếu để tình trạng tăng huyết áp kéo dài sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe, tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ… Máy đo huyết áp là thiết bị y tế gia đình giúp bạn kiểm soát huyết áp ở mức an toàn, từ đó giảm thiểu được nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.

Bạn có thể thấy trên thị trường hiện nay có 2 loại máy đo huyết áp cơ và máy đo huyết áp điện tử:

Máy đo huyết áp cơ: Loại máy này tuy quen thuộc, cấu tạo và nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng quá trình sử dụng lại khá phức tạp. Người bệnh thường không thể tự đo được cho bản thân mà phải nhờ người khác hỗ trợ.

Máy đo huyết áp điện tử: Đây là thiết bị đo tại nhà với quy trình đo đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng sử dụng, màn hình hiển thị rõ ràng với kết quả đo nhanh chóng và độ chính xác cao.

4. Máy đo đường huyết

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có khoảng 3,53 triệu người đang mắc bệnh tiểu đường. Trong đó, có tới 70% người Việt nam mắc bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán. Hơn nữa, trong số người đã phát hiện bệnh chỉ có khoảng 29% đang được điều trị.

Vì thế, quyết định mua máy đo đường huyết để theo dõi chỉ số đường huyết là điều vô cùng quan trọng đối với người bệnh tiểu đường. Loại thiết bị y tế gia đình này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu kiểm soát chỉ số HbA1c, nhận biết tình trạng hạ hoặc tăng đường huyết cấp tính. Đồng thời, việc kiểm tra đường huyết giúp thúc đẩy người bệnh hướng tới lối sống lành mạnh và điều trị bệnh khoa học hơn.

5. Máy xông mũi họng

thiết bị y tế gia đình

Tại Việt Nam, thời tiết thay đổi thất thường và không khí nhiều khói bụi khiến cho việc mắc phải các bệnh về đường hô hấp là chuyện không thể tránh khỏi. Đặc biệt là ở trẻ em, hệ hô hấp yếu hơn so với người trưởng thành, tình trạng tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm sẽ dễ bị mắc bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm xoang, viêm mũi dị ứng…

Chiếc máy xông mũi họng tại nhà có thể giúp đưa thuốc trực tiếp đến các niêm mạc ở vùng mũi họng, chỉ khoảng 5 phút sử dụng là thuốc sẽ hấp thu vào được trong cơ thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn nhanh chóng. Trong khi đó, việc sử dụng thuốc qua đường uống phải mất từ khoảng 30 – 60 phút và đường tiêm phải mất 15 – 30 phút để thuốc bắt đầu có tác dụng.

Hiện nay có rất nhiều thiết bị y tế gia đình được bày bán ở khắp nơi, vì thế bạn cần đến những trung tâm, nơi bán có uy tín, có bảo hành để mua được sản phẩm độ bền, chính xác cao và đảm bảo an toàn.

Những thiết bị y tế gia đình trên thường không quá đắt đỏ, vì thế bạn nên trang bị trong nhà để có thể kiểm soát các chỉ số sức khỏe đúng cách. Việc phát hiện sớm các chỉ số cơ thể bất thường không những giúp bạn và người thân phòng ngừa các bệnh tiềm ẩn, mà còn góp phần thúc đẩy lối sống lành mạnh nữa đấy!

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Medical Devices in Home Health Care
https://www.nap.edu/read/12927/chapter/11
Ngày truy cập 11.07.2019

How to Decide Whether to Buy New Medical Equipment
https://www.aafp.org/fpm/2004/0300/p53.html
Ngày truy cập 11.07.2019

Medical equipment: Should practices buy or lease?
https://www.medicaleconomics.com/practice-expansion/medical-equipment-should-practices-buy-or-lease
Ngày truy cập 11.07.2019

Phiên bản hiện tại

22/01/2020

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nứt gót chân phải làm sao?

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 22/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo