Nếu không cẩn thận, vết dằm đâm tay sẽ bị tụt sâu vào da hơn và khiến bạn khó lấy ra, dẫn đến dễ nhiễm trùng nếu để lâu. Bạn hãy tham khảo các cách sau để lấy dằm nhanh chóng và an toàn nhé.
Làm vườn hoặc dọn nhà mà không có găng tay có thể khiến bạn bị dằm đâm trên da. Những mảnh dằm này dù nhỏ nhưng lại gây rất nhiều khó chịu và phiền toái. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng, có rất nhiều cách lấy dằm ra khỏi tay mà bạn có thể áp dụng ngay lập tức. Quan trọng là bạn phải nhớ vệ sinh khu vực bị dằm sạch sẽ trước và sau khi loại bỏ để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau đây Hello Bacsi sẽ cung cấp một số thông tin cần lưu ý và cách lấy dằm ra khỏi tay hiệu quả.
Cách lấy dằm ra khỏi tay tại nhà
1. Vệ sinh sạch sẽ tay khi bị dằm đâm
Trước khi thử bất kỳ biện pháp loại bỏ nào, điều quan trọng nhất bạn cần làm chính là làm sạch khu vực nơi bị dằm đâm. Bạn có thể sử dụng xà bông nhẹ nhàng rửa bằng nước ấm trước khi bắt đầu quá trình loại bỏ chúng. Lưu ý:
- Không cọ rửa khu vực bị dằm đâm quá mạnh vì hành động này của bạn có thể đẩy nó vào sâu hơn.
- Sau khi rửa sạch, lau nhẹ nhàng khu vực bị dằm đâm vào tay thật khô bằng vải sạch.
2. Không nhấn vào xung quanh vết dằm đâm tay
Bạn có thể nghĩ rằng cách lấy dằm ra khỏi tay là nhấn vào những khu vực xung quanh vết dằm. Tuy nhiên, điều này sẽ làm phá vỡ dằm thành miếng nhỏ hơn, khiến cho vấn đề sơ cứu trở nên khó khăn. Bạn nên bình tĩnh, để yên vết dằm đâm và cố gắng thử các phương pháp tốt hơn để đưa nó ra ngoài.
3. Kiểm tra vết dằm đâm tay một cách kỹ càng
Kiểm tra góc và chiều sâu của dằm để tìm ra cách loại bỏ nó tốt nhất. Các loại dằm ở các góc độ và độ sâu khác nhau sẽ có những phương pháp khác nhau tốt hơn để loại bỏ một cách an toàn.
- Nếu vết dằm thò ra, bạn có thể loại bỏ nó với nhíp. Đối với những vết dằm nhỏ còn phần đầu nhô ra ngoài nhưng nhíp không gắp được, bạn có thể dùng băng dính bằng cách miết nhẹ băng rồi kéo mạnh.
- Nếu dằm bị nhúng sâu vào bên trong da, bạn cần kéo chúng ra một cách từ từ.
- Nếu dằm đã được bao phủ bởi một da mới, bạn có thể cần sử dụng kim hoặc dao cạo để đẩy chúng ra ngoài.
Trước khi dùng kim hay nhíp để lấy vết dằm ra, bạn cần khử trùng kim và nhíp bằng cách nhúng các đầu trong nước sôi, sau đó lau khô bằng bông sạch. Kế đến, bạn cần rửa sạch chỗ bị đâm với xà phòng và nước, rồi băng lại để tránh nhiễm trùng.
Bạn có thể tham khảo bài viết: Xử lí vết thương bị nhiễm trùng đúng cách
4. Cách lấy dằm ra khỏi tay bằng khoai tây
Bạn cũng có thể thái lát khoai tây sống rồi áp vào vùng da bị dằm đâm, sau đó dùng băng gạc cố định lại. Sau 1 giờ, độ ẩm của khoai tây sẽ kích thích miếng dằm bong ra. Đối với mảnh dằm lớn hơn ghim sâu dưới da, có thể băng qua đêm.
5. Cách lấy dằm ra khỏi tay bằng giấm
Cho giấm vào bát, nhúng vùng tay bị dằm đâm vào khoảng 10-15 phút. Cách này giúp dằm được đẩy trồi lên trên da giúp bạn có thể gắp ra dễ dàng.
Cùng tham khảo bài viết này nhé: Diệu kỳ những tác dụng của giấm bạn không thể ngờ tới
6. Cách lấy dằm đâm tay bằng vỏ chuối
Lấy vỏ quả chuối, chà xát phần bên trong của vỏ lên chỗ bị dằm đâm, sau đó quấn băng lại để qua đêm, đây là cách lấy dằm ra khỏi tay dễ dàng thực hiện.
7. Cách lấy dằm đâm tay bằng bình thủy tinh
Khi bị dằm đâm phải, việc bạn cần làm là chuẩn bị bình thủy tinh miệng rộng đổ gần đầy nước nóng. Sau đó hãy ấn mạnh vùng da bị dằm đâm vào miệng bình. Nhờ áp suất của hơi nóng trong bình sẽ kéo miếng dằm tuột ra.
8. Cách lấy dằm đâm tay bằng baking soda
Hòa một muỗng baking soda trong chén nước nhỏ rồi ngâm vùng bị dằm vào hai lần một ngày. Nhiều dằm sẽ tự ra ngoài sau vài ngày áp dụng cách này.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Công dụng tuyệt vời của baking soda mà bạn nên biết
Bạn có thể cần chăm sóc y tế khi bị dằm đâm vào tay:
- Quá lớn
- Bị đâm sâu trong da
- Khó lấy ra khỏi da
- Đã bị lấy ra một phần và một phần của nó vẫn còn mắc trong vết thương hoặc nếu bạn không chắc chắn đã được gỡ bỏ.
Khi nào cần tham khảo bác sĩ về cách lấy dằm trong tay?
Nếu dằm đã ở trong da bạn tầm vài ngày và bạn thấy có dấu hiệu bị nhiễm trùng, hãy đi khám bác sĩ ngay để bác sĩ giúp lấy chúng ta. Trong trường hợp như vậy, tốt hơn là bạn không nên cố gắng tự mình loại bỏ ra, vì có thể vết xước sẽ phát triển thành uốn ván. Bác sĩ sẽ loại bỏ một cách an toàn, giúp băng bó vết thương và chữa lành nhiễm trùng.
Dù dằm đâm không phải là tình trạng nguy hiểm, bạn vẫn cần đến gặp bác sĩ trong một số trường hợp để được điều trị kịp thời:
- Trường hợp chỗ dằm đâm bị rò rỉ mủ hoặc máu.
- Trường hợp khu vực dằm bị ngứa, đỏ và sưng.
Ngay cả khi viết gai đâm không làm bạn đau, bạn nên lấy chúng ra đúng cách để tránh bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu dằm đâm tay quá sâu và rất khó để loại bỏ, bạn hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ có thiết bị để loại bỏ chiếc gai nhỏ bé này một cách dễ dàng với nguy cơ nhiễm trùng thấp.
[embed-health-tool-bmi]