backup og meta

Cùng MC Nguyên Trân lan tỏa 4 cách duy trì năng lượng tích cực

Cùng MC Nguyên Trân lan tỏa 4 cách duy trì năng lượng tích cực

Để duy trì năng lượng tích cực, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn là điều không hề dễ dàng. Những chia sẻ của MC/host Nguyên Trân cùng với góc nhìn từ tham vấn viên tâm lý Phạm Tiến Dũng  sẽ mang lại thông tin hữu ích để bạn có thể duy trì nạp thêm năng lượng tích cực mỗi ngày.    

Nguyên Trân đã có kinh nghiệm 10 năm theo đuổi nghề MC và được biết đến như một cô MC tóc ngắn năng động, nhiệt huyết, luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Bí quyết nào để cô ấy duy trì năng lượng tích cực, vui vẻ mỗi ngày?

1. Học cách yêu thương chính mình để củng cố năng lượng tích cực

Tuy được mọi người biết đến như người phụ nữ nhiệt huyết và luôn tràn đầy năng lượng tích cực nhưng cũng có lúc chị phải đối diện với cảm giác chông chênh, cạn kiệt năng lượng. 

Cách để Trân vượt qua những lúc “hết pin’ đó là trung thực với cảm xúc của bản thân và cho phép bản thân được chìm hẳn vào nỗi buồn đó. Chị dành ra một khoảng thời gian nhất định để buồn thoải mái, sẵn sàng khóc thật to để giải tỏa thay vì gồng mình cố gắng cho rằng mình vẫn ổn. Sau mỗi lần như vậy, chị cảm thấy nhẹ lòng và nhìn nhận mọi chuyện sáng suốt hơn. 

Bên cạnh đó, chị học cách kết nối với cơ thể nhiều hơn bằng cách dành ra 4-5 lần/tuần cho các buổi tập yoga và bơi lội xen kẽ. Đây là 2 hoạt động yêu thích giúp chị giải tỏa năng lượng thừa cũng như giúp cơ thể dẻo dai hơn. 

Suy nghĩ của chúng ta có thể “du lịch” đến tương lai hoặc về quá khứ nhưng cơ thể chúng ta luôn hiện diện ở hiện tại. Do đó việc học cách kết nối cơ thể thông qua các hoạt động thể chất là cách để bạn sống trong hiện tại và cảm nhận những biến chuyển trong cơ thể mình.

năng lượng tích cực

Góc nhìn chuyên gia:

Theo tham vấn viên tâm lý Phạm Tiến Dũng, việc cho phép bản thân ngồi lại với những cảm xúc khó chịu như buồn, lo, tức giận và bộc lộ chúng một cách thích hợp như chị Trân chia sẻ là rất cần thiết để tái tạo năng lượng tích cực. Lý do là vì việc né tránh những cảm xúc tiêu cực  không làm chúng biến mất mà còn có khả năng khiến chúng tích tụ, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cá nhân cũng như những mối quan hệ hay việc làm trong ngày.

Chỉ khi nhìn nhận chính xác bản thân đang cảm thấy gì, lý do xuất phát từ đâu thì bạn mới biết được điều mình đang cần và cách đáp ứng điều đó. Ví dụ như khi có mất mát về người thân, công việc hay thay đổi lớn trong thói quen…, một người có thể thấy buồn bã hay tuyệt vọng. Họ có thể cần được khóc, được xoa dịu, được có người ở bên, hoặc đôi lúc là được ở một mình. Chỉ khi họ bước vào trong nỗi buồn của mình rồi thì họ mới có thể bước ra khỏi nó.

Việc tập yoga hay bơi lội là những hoạt động thể chất rất hữu ích cho việc giữ sức khỏe, củng cố năng lượng tích cực và tâm trạng trong ngày. Ngoài ra, để xoa dịu nỗi buồn thì một người có thể tự chăm sóc bản thân bằng cách làm những điều mình thích/giữ ăn ngủ ổn định, hoặc chia sẻ nỗi buồn với người mà mình tin tưởng và thấy thoải mái khi trò chuyện.

Hãy đọc thêm: [Infographic] 8 thói quen tạo nên cách sống hạnh phúc.

2. Ở bên những người “cùng tần số” để lan tỏa năng lượng tích cực

Hẳn bạn đã nghe đến câu nói “Bạn là trung bình của 5 người bạn thường gặp”. Chị Trân đã áp dụng điều tương tự trong cuộc sống để duy trì năng lượng tích cực. Chị học cách chọn lọc cho mình những mối quan hệ chất lượng.

Khi ở bên những người cùng tần số với mình, tức là những người có quan điểm sống phù hợp với hệ giá trị của bạn, bạn mới đúng là mình và không cần phải gượng ép.

Khi nhận thấy một người không hợp với mình, chị sẽ tạo khoảng cách dứt khoát để không bị ảnh hưởng tiêu cực, không tốt cho cả hai. Có thể giải pháp này hơi cực đoan nhưng chị Trân chia sẻ bản thân cũng rất may mắn khi có nhiều người bạn hợp với mình để chia sẻ trong những lúc khó khăn. Bên cạnh đó, nếu bạn không phải là người dễ dàng chia sẻ và mở lòng với người khác, việc lựa chọn được người bạn đời chia sẻ là rất quan trọng.

3. Rèn luyện sự trưởng thành trong cảm xúc (EQ)

Đối với Nguyên Trân, việc hiểu bản thân, biết mình là ai, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì là rất quan trọng trong việc duy trì năng lượng tích cực. Vì việc hiểu và chấp nhận bản thân chính là điều kiện đầu tiên giúp cân bằng cảm xúc. Mỗi người đều có những thế mạnh và điểm yếu, nếu bạn biết chấp nhận bản thân, hiểu rõ giá trị của chính mình, thì bạn sẽ không đi lạc trong những suy nghĩ so sánh, ganh ghét trước thành quả của người khác. Bạn cũng sẽ bớt dằn vặt bản thân trước những thất bại, thay vào đó bạn biết mình ở đâu, là ai, để sống hạnh phúc với những gì mình đang có.

năng lượng tích cực

Góc nhìn chuyên gia:

Ở góc độ chuyên môn về tâm lý, việc hiểu rõ giá trị bản thân và chấp nhận những điều mình đang làm tốt hoặc cần thay đổi là rất quan trọng trong việc ổn định cảm xúc và hướng đến những hành động có ý nghĩa/ hiệu quả cho bản thân. Giống như việc bước vào một khu rừng với bản đồ trong tay, bạn sẽ biết mình nên đi về hướng nào thay vì đứng yên một chỗ vì lo sợ hoặc đi lạc trong đó. Ví dụ, khi bạn muốn mình là một người vợ/ chồng luôn yêu thương, hỗ trợ bạn đời của mình, những hành động của bạn sẽ đi theo hướng giá trị đó (thể hiện qua lời nói, cử chỉ, thái độ). Nếu có đôi lúc bạn thấy mình đang đi chệch hướng, bạn cũng có thể nhận ra và tìm cách quay trở lại.

Để rèn luyện khả năng hiểu bản thân về cảm xúc và giá trị, một người cần thường xuyên tự soi nhìn chính mình trong hiện tại. Thêm vào đó, việc tìm tòi, học hỏi, rèn luyện luôn cần được diễn ra. Chẳng hạn như dành thời gian chậm lại để xem mình đã và đang cảm thấy gì trong ngày hôm nay, mình có thấy khó chịu gì ngay lúc này không, mình cần gì, mình muốn làm gì. Đó có thể là thời điểm sáng vừa thức dậy, khi đang ở yên một chỗ hay tối trước khi đi ngủ. Nếu có thể ghi nhận lại những điều này vào đâu đó (quyển sổ, điện thoại, ghi âm… ), bạn sẽ nhận diện chúng xuống một cách rõ ràng hơn, và cũng có thể đối chiếu lại khi cần.

Hãy đọc thêm: 4 cách giúp bạn từ bỏ một thói quen xấu.

4. Linh hoạt thích nghi với hoàn cảnh là cách tái tạo năng lượng tích cực

Đôi khi cuộc sống có những biến động nằm ngoài tầm kiểm soát, đòi hỏi bạn phải linh hoạt thay đổi để thích nghi, nếu không bạn sẽ dễ bị những căng thẳng và tiêu cực xâm chiếm. Điển hình như cách đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp.

Đối diện với điều này, chị Trân chia sẻ: “Nói thật là lúc đầu đón nhận những luồng tin tiêu cực từ đại dịch Covid, mình rất buồn. Mình cảm thấy bản thân vô dụng vì ngày ngày đi ra đi vào hết giờ mà chưa làm được gì. Mình muốn được đi dẫn chương trình, mình nhớ sân khấu, nhớ những ngày lịch quay bận rộn”.

Trân cũng chia sẻ thêm rằng để tái tạo lại năng lượng tích cực, chị tự vực lại tinh thần, chuyển hướng tập trung sang việc chăm sóc gia đình, dành nhiều thời gian hơn cho con, chăm sóc cây xanh, sáng tạo các món ăn ngon và cùng chồng tạo ra sân chơi cho bé ngay tại nhà. Giữ một lịch trình bận rộn tại nhà như vậy giúp chị tỉnh táo, sử dụng thời gian hữu ích và tránh cho suy nghĩ tiêu cực cùng sự buồn chán luồn lách vào tâm trí.

Vậy nên, khi linh hoạt đối phó với những tình huống không mong muốn, bạn sẽ tự rèn luyện cho mình sức dẻo dai, tìm đến sức mạnh từ bên trong, trân quý hơn những điều rất đỗi bình thường mà hàng ngày bạn quá bận rộn không để mắt tới, và biết ơn hơn vì gia đình, bản thân vẫn còn khỏe mạnh. 

Góc nhìn chuyên gia:

Theo anh Dũng, điều quan trọng giúp giữ tâm trí lạc quan cùng nguồn năng lượng tích cực là khả năng thích nghi với thay đổi trong hiện tại. Chính việc chấp nhận thay đổi và tìm ra những việc làm giúp đem lại hiệu quả và ý nghĩa cho cuộc sống là điều có thể giúp bạn ổn định tâm trí và sống vui khỏe hơn. 

Do đó, để giữ cho thân-tâm-trí khỏe mạnh trong những bối cảnh khó khăn như dịch COVID, bạn có thể nhớ 5 chữ K sau:

  • Khỏe: ăn, ngủ, sinh hoạt, rèn luyện thể chất ổn định.
  • Khoảng lặng cho bản thân: chú ý tới suy nghĩ/ cảm xúc ở hiện tại, làm điều mình thích, nghỉ ngơi.
  • Kết nối: chia sẻ, lắng nghe, quan tâm tới những người mình yêu quý.
  • Khả năng kiểm soát: biết điều gì mình có thể kiểm soát được, chấp nhận những điều nằm ngoài khả năng hay không phải trách nhiệm của mình.
  • Không gian thông tin lành mạnh: giảm bớt việc tiếp nhận thông tin gây căng thẳng không cần thiết, dành thời gian cho những điều hữu ích/đem lại niềm vui.

Hãy đọc thêm: 5 thói quen hàng ngày giúp ngăn ngừa bệnh trầm cảm.

Việc rèn cho mình một tinh thần tích cực và rắn rỏi cũng cần thiết như việc luyện tập thể thao mỗi ngày. Khi tinh thần trở nên lành mạnh, bạn sẽ tự tạo cho mình một “tấm khiên” để chống chọi với những khó khăn và biến động khó lường của cuộc sống. Hy vọng bài viết sẽ đem lại những cách thức hiệu quả giúp bạn duy trì năng lượng tích cực mỗi ngày. 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Positive thinking: Stop negative self-talk to reduce stress.
mayoclinic.org/healthy-lifestyle/stress-management/in-depth/positive-thinking/art-20043950

Gratitude and well being: The benefits of appreciation.
ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3010965/

Developing a Positive Attitude

clarke.edu/campus-life/health-wellness/counseling/articles-advice/developing-a-positive-attitude/

Five Keys To Maintaining A Positive Mindset

forbes.com/sites/forbescoachescouncil/2020/06/16/five-keys-to-maintaining-a-positive-mindset/

What is Positive Mindset: 89 Ways to Achieve a Positive Mental Attitude

positivepsychology.com/positive-mindset/

Ngày truy cập: 21/09/2021

Phiên bản hiện tại

19/05/2022

Tác giả: Le Minh Phuong

Tham vấn chuyên môn: Tham vấn viên tâm lý Phạm Tiến Dũng

Cập nhật bởi: HBMarketing


Bài viết liên quan

Băng hay để hở: Cách nào giúp vết thương nhanh lành hơn?

Khử trùng liệu đã đủ? Cách điều trị vết thương, vết cắt và vết bỏng nhẹ


Tham vấn chuyên môn:

Tham vấn viên tâm lý Phạm Tiến Dũng

Tham vấn tâm lý · Psychub


Tác giả: Le Minh Phuong · Ngày cập nhật: 19/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo