backup og meta

9 bí quyết giúp bạn giữ sức khỏe để làm việc hiệu quả hơn

9 bí quyết giúp bạn giữ sức khỏe để làm việc hiệu quả hơn

Công việc bề bộn có thể khiến bạn quên chú ý giữ sức khỏe để làm việc hiệu quả. Làm sao bạn chăm sóc bản thân ngay cả khi bận rộn với deadline gấp rút?

Khi bị cuốn theo công việc, bạn sẽ chẳng còn nhớ đến những điều nên và không nên làm để bảo đảm sức khỏe. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó cơ thể của bạn sẽ “đình công’ vì quá sức chịu đựng.

Bạn không muốn đánh đổi sức khỏe để phát triển sự nghiệp? Hãy áp dụng các bí quyết giữ sức khỏe để làm việc hiệu quả hơn nhé!

1. Rời khỏi bàn làm việc thường xuyên

Có lẽ bạn đã từng đọc qua hàng loạt bài báo về tác hại khôn lường của việc ngồi quá lâu đối với sức khỏe. Đặc biệt, đối với nhân viên văn phòng hay công sở, với yêu cầu công việc là ngồi trên ghế 8 tiếng mỗi ngày trong suốt 5 ngày một tuần, điều này thực sự sẽ hủy hoại cơ thể bạn về lâu dài.

Thực tế, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng việc ngồi quá lâu có thể tăng nguy cơ gây chứng nghẽn mạch máu hoặc khiến sức khỏe tim mạch và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể trở nên suy yếu. Vấn đề không chỉ là về thời gian ngồi quá lâu, mà còn là về việc ngồi trên ghế liên tục mà không hề di chuyển hoặc vận động. Quá trình làm việc liên tục có thể khiến bạn phớt lờ đi cảm giác tê cứng của đôi chân và chịu đựng trong vòng vài tiếng liền.

Bí quyết: Cứ cách mỗi 30 phút, bạn nên đứng lên hoạt động cơ thể như thực hiện một bài tập đơn giản như vặn mình hoặc xoay hông. Ngoài ra, cách mỗi 90 phút, bạn nên đi bộ vòng quanh bàn làm việc hoặc lên xuống cầu thang. Nếu bạn có thể sử dụng bàn đứng, điều này cũng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không thể, điều tối thiểu bạn cần là hãy tìm dạng bàn có vị trí cao so với mặt đất để thỉnh thoảng bạn có thể đứng và làm việc trong vòng 5-10 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, mỗi lần có điện thoại, thuyết trình hoặc báo cáo trong cuộc họp, bạn có thể đứng lên và đi bộ qua lại để hỗ trợ quá trình lưu thông máu ở đôi chân nhé.

2. Đi cầu thang bộ thay vì thang máy

Đi thang bộ

Đối với những nhân viên làm việc tại những tòa nhà hiện đại hoặc cao tầng, rất nhiều người có thói quen sử dụng thang máy trong khi di chuyển tới tầng làm việc. Thực tế, thang máy quả thật là phương tiện hỗ trợ di chuyển tiện lợi và thích hợp cho những người có tình trạng thể chất kém.

Tuy nhiên, việc sử dụng thang máy hằng ngày đã khiến bạn mất đi một cơ hội để rèn luyện sức khỏe đấy. Suốt cả quá trình ngồi xe đến nơi làm việc, đi thang máy lên công ty và sau đó lại ngồi lì tại bàn trong suốt 8 tiếng chính là nguyên nhân khiến bạn dần trở nên lười vận động.

Bí quyết: Thay vào thói quen đi thang máy mỗi ngày, bạn nên sử dụng cầu thang bộ để đến tầng làm việc. Tuy nhiên, nếu công ty của bạn ở tầng quá cao, chẳng hạn như tầng 15, bạn có thể đi thang máy lên tầng 8 hoặc 9 và sau đó lại tiếp tục đi thang bộ lên tầng 15. Điều này sẽ giúp bạn vừa không tốn nhiều thời gian mà vẫn có thể rèn luyện thể chất.

3. Mang theo thức ăn tự chuẩn bị ở nhà

Tình trạng ăn không kiểm soát chính là nguyên nhân phổ biến khiến một số nhân viên công sở thường mắc phải chứng thừa cân, hay thậm chí là bệnh béo phì. Với lượng công việc quá tải, bạn có thể sẽ phải ăn trưa ngay tại bàn làm việc.

Liệu bạn có biết rằng thói quen nhai thức ăn trong khi não bộ đang tập trung làm một việc khác sẽ khiến bạn không thể lưu ý đến khẩu phần ăn? Chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều và có thể gây chướng bụng hoặc khó tiêu. Ngoài ra, nếu bạn hấp thu lượng calo từ khẩu phần ăn nhiều hơn lượng calo cơ thể tiêu hao thì lượng calo còn thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ chính là nguyên nhân gây thừa cân.

Bí quyết: Bạn nên tự khuyến khích bản thân mang theo sẵn hộp thức ăn trưa cũng như đồ ăn vặt nhằm mục đích có thể kiểm soát khẩu phần ăn của bản thân. Ngoài ra, việc ăn thức ăn chuẩn bị sẵn tại nhà còn giúp bạn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, bạn có thể mời đồng nghiệp cùng ăn trưa chung với bạn để có thể tránh tình trạng ăn ngay tại bàn làm việc, đồng thời có thể chú tâm nhiều đến việc ăn uống hơn. Ăn chậm nhai kỹ chính là bí quyết không chỉ giúp bạn no lâu hơn mà còn hỗ trợ tiêu hóa đấy!

4. Tránh xa các loại thức ăn chế biến sẵn

Tránh xa các loại thức ăn chế biến sẵn

Nếu bạn thường xuyên ăn trưa tại cửa hàng thức ăn nhanh cạnh nơi làm việc và ăn những món như pizza, khoai tây chiên, gà rán, đã đến lúc bạn nên từ bỏ thực đơn này.

Ngoài ra, nếu bàn làm việc của bạn luôn luôn có một hũ kẹo hoặc hộp bánh ngọt, thì đây chính là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Thực phẩm bạn chọn ăn hằng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng cơ thể, cũng như bổ sung năng lượng đảm bảo các hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, thức ăn nhanh và bánh kẹo ngọt lại là những sự lựa chọn kém dinh dưỡng đấy.

Bí quyết: Lời khuyên cho bạn là hãy cất hết những loại thức ăn không lành mạnh tránh khỏi tầm mắt, đặc biệt là những nơi dễ thấy như bàn làm việc hoặc ngăn tủ nhé. Nếu bạn thường dễ cảm thấy đói bụng và hay ăn vặt, hãy chuẩn bị sẵn hộp thức ăn nhẹ gồm trái cây tươi hoặc salad trộn. Ngoài ra, bạn có thể cho các loại hạt, quả hạch bạn ưa thích vào một hũ nhựa và để ngay bàn làm việc. Hãy tránh xa các thực phẩm chế biến sẵn kém dinh dưỡng hay các món điểm tâm ngọt nếu không muốn tăng cân nhé.

5. Thu xếp bàn làm việc gọn gàng

Những chồng giấy tờ, thư từ xung quanh bàn làm việc thường là những vị trí tồn tại nhiều bụi bẩn và bụi giấy đặc biệt nếu bạn lưu giữ một chỗ trong một vài ngày. Đối với rất nhiều người, đây có thể là tác nhân gây nên một số tình trạng dị ứng nghiêm trọng hoặc hen suyễn.

Điều bất ngờ là vào năm 2009, một nghiên cứu đã tìm ra rằng cứ mỗi 2 trong 5 tờ giấy được in ra là được sử dụng hằng ngày. Trong khi đó, những loại giấy tờ còn lại, chẳng hạn như thư từ, fax hoặc báo cáo, chỉ được sử dụng một lần. Nếu bạn để bàn làm việc trở nên đầy bụi bặm do không dọn dẹp giấy tờ thường xuyên, điều này sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn chút nào. Không chỉ như thế, việc để giấy tờ bừa bộn khắp bàn làm việc còn khiến bạn cảm thấy lượng công việc tích tụ quá nhiều, dễ gây stress và mệt mỏi đấy.

Bí quyết: Để loại bỏ tình trạng bụi bẩn tích tụ, bạn nên dọn dẹp bàn làm việc và sắp xếp lại giấy tờ mỗi tuần một lần. Với những giấy tờ không cần sử dụng nữa, hãy gom lại và bỏ đi. Bạn sẽ nhận thấy bàn làm việc trở nên rộng rãi và gọn gàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm bạn có thể phân loại lại các loại giấy tờ để dễ dàng tìm kiếm hơn. Thói quen tốt này sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả làm việc và lưu trữ thông tin.

6. Cho phép bản thân nghỉ ngơi khi về nhà

Cho phép bản thân nghỉ ngơi khi về nhà

Vì để hoàn thành công việc sớm, có rất nhiều người có xu hướng mang tài liệu về nhà để làm thêm ngoài giờ. Ngoài ra, một số người khác lại có thói quen kiểm tra thư từ trong điện thoại liên tục để kịp thời liên lạc với khách hàng, thay vì dành thời gian để thư giãn đầu óc vào buổi tối. Chính điều này có thể khiến bạn thức khuya và ngủ muộn hơn so với bình thường trong khi bạn vẫn phải dậy sáng sớm sau đó.

Chất lượng giấc ngủ kém và thói quen thức khuya sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải và cạn kiệt năng lượng khi làm việc vào ngay sáng hôm sau. Không chỉ như thế, lối sinh hoạt kém lành mạnh này còn làm giảm hiệu quả làm việc của bạn về lâu dài.

Bí quyết: Nếu bạn thực sự muốn giữ sức khỏe, hãy dừng mọi công việc còn dở dang và bắt đầu thư giãn mỗi khi về đến nhà. Bạn có thể chờ cho đến ngày hôm sau để bắt đầu gửi thư từ hoặc liên lạc với đối tác. Lưu ý tránh để bản thân trải qua ngày cuối tuần với việc cầm điện thoại và laptop để xử lý hàng tá công việc. Nếu bạn thực sự cần phải sử dụng điện thoại, hãy giới hạn rõ lượng thời gian, chẳng hạn như 1 tiếng sau khi về nhà. Việc đặt ra giới hạn cho bản thân không chỉ giúp bạn giữ sức khỏe mà còn nâng cao tinh thần làm việc.

7. Tận hưởng thời gian nghỉ lễ để thư giãn

Một khảo sát về nghề nghiệp đã phát hiện ra rằng nhiều nhân viên chỉ dành ra 51% thời gian nghỉ phép có lương để đi du lịch và thư giãn. Thậm chí, có nhiều người vẫn tiếp tục làm việc hoặc kiểm tra thư từ trong khi đang đi du lịch hoặc ở bên cạnh gia đình. Với lịch trình làm việc liên tục và bận rộn, nếu ngay trong cả kỳ nghỉ lễ mà bạn vẫn tiếp tục làm việc, có lẽ bạn sẽ nhanh chóng kiệt sức và đổ bệnh. Ngoài ra, việc ép não bộ hoạt động liên tục trong thời gian dài ngược lại có thể khiến năng suất làm việc của bạn giảm sút.

Nếu bạn không biết cách cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, cái giá mà bạn cần phải trả đối với sức khỏe là rất lớn. Đối với những phụ nữ ít dành ra thời gian để nghỉ lễ, họ có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao gấp 2-8 lần so với người có thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Ở nam giới thường xuyên làm việc mà không hề nghỉ ngơi, họ có nguy cơ tử vong do phát cơn đau tim cao gấp 3 lần so với người bình thường.

Bí quyết: Bên cạnh việc dành phần lớn thời gian để phát triển sự nghiệp và theo đuổi công việc, bạn cần để bản thân có khoảng thời gian thư giãn thực sự. Bạn nên lên kế hoạch trước cho kỳ nghỉ lễ của bạn, chẳng hạn như đi du lịch ở nơi bạn ưa thích, mở tiệc cùng gia đình hoặc đi chơi cùng bạn bè. Vào thời điểm nghỉ ngơi, hãy gác mọi công việc và bắt đầu tận hưởng kỳ nghỉ lễ một cách trọn vẹn để nghỉ ngơi và hồi phục lại hoàn toàn. Sau đó khi trở lại với công việc, bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn cũng như tràn đầy năng lượng.

8. Gạt công việc qua một bên khi bạn bị ốm

Gạt công việc qua một bên khi bạn bị ốm

Nếu bạn quyết định vẫn đến văn phòng ngay cả khi bạn đang bị bệnh, điều này đồng nghĩa với việc bạn đang lây truyền mầm bệnh cho những đồng nghiệp xung quanh. Điều này sẽ gia tăng nguy cơ khiến họ bị bệnh, dẫn đến làm giảm năng suất làm việc của cả nhóm. Ngoài ra, việc xem nhẹ sức khỏe của bản thân và vẫn cố gắng làm việc sẽ khiến bệnh của bạn dễ trở nặng và kéo dài thời gian hồi phục.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm mức độ lây nhiễm tại môi trường làm việc bằng cách đặt một loại virus được đánh dấu sẵn ở những đồ vật dễ chạm đến như nắm cửa hoặc mặt bàn. Sau một khoảng thời gian, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng họ bắt gặp mẫu virus tương tự xuất hiện ở trên bề mặt khác, bao gồm nút điều khiển đèn, bảng điều khiển các thiết bị của phòng làm việc, vòi nước rửa tay. Họ còn nhận thấy rằng có đến 40-60% bề mặt trong số đó đã bị nhiễm khuẩn chỉ trong vòng 2-4 giờ.

Bí quyết: Để giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và cả những người xung quanh, tốt hơn hết bạn nên xin nghỉ phép và ở nhà để nghỉ ngơi nếu như đang bị bệnh, đặc biệt là những dạng bệnh lây nhiễm như cảm cúm hay đau mắt đỏ. Điều này cũng sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục và trở lại với công việc.

9. Tận dụng cơ hội đi ra khỏi văn phòng kín

Hầu hết những người trưởng thành và đang đi làm sử dụng đến 90% thời gian mỗi ngày chỉ ở trong nhà mà không hề ra ngoài trời. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt ánh mặt trời, tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến chu kỳ giấc ngủ.

Có lẽ bạn cũng biết rằng chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm suy giảm năng suất làm việc của bạn một cách đáng kể. Không chỉ như thế, việc ít tiếp xúc với ánh nắng còn có thể khiến bạn có nguy cơ cao mắc tình trạng thiếu hụt vitamin D.

Bí quyết: Thay vào việc mãi ở trong công ty, bạn nên tận dụng bất kỳ cơ hội nào để đi ra ngoài và đón ánh nắng mặt trời. Nếu có thể, bạn có thể đi làm và tắm nắng vào buổi sáng sớm trong ngày. Bạn cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở cường độ vừa để làm mới nhịp độ sinh học của cơ thể, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Các chuyên gia giấc ngủ đã khuyến khích rằng bạn nên ở ngoài trời khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn khá bận rộn, hãy dành ra từ 30-60 phút để ở ngoài trời, chẳng hạn như lúc đi bộ vài vòng trong thời gian nghỉ trưa. Thói quen này sẽ giúp bạn cung cấp đến 80% năng lượng cần có để làm mới nhịp độ sinh học.

Để có thể làm việc hiệu quả hơn mà vẫn đảm bảo sức khỏe, mong rằng 9 bí quyết kể trên sẽ giúp bạn làm việc tràn đầy hứng khởi trong suốt cả tuần. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình nhiều hơn để có thể đạt năng suất làm việc tối ưu nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

10 tips for being healthier and more productive at work
https://www.cio.com/article/3108786/relationship-building-networking/10-tips-for-being-healthier-and-more-productive-at-work.html
Ngày truy cập 28.02.2018

10 Tips to Improve Your Health at Work
https://www.webmd.com/women/features/10-tips-to-improve-your-health-at-work#1
Ngày truy cập 28.02.2018

Phiên bản hiện tại

09/09/2020

Tác giả: Xuyến Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nứt gót chân phải làm sao?

15 cách xua tan cơn buồn ngủ để làm việc hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 09/09/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo