Phát biểu trước đám đông là một trong những nỗi sợ hãi lớn của nhiều người. Đừng quá lo lắng, bởi tất cả mọi người đều có thể rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông để trở nên thu hút và chuyên nghiệp hơn trong công việc.
Bài viết này sẽ bật mí những cách thuyết trình trước đám đông để bạn tự tin chuyển tải những thông tin quan trọng, cải thiện hiệu quả công việc và trở thành một thành viên có ảnh hưởng của đội nhóm.
Có thể bạn sẽ mất thời gian để luyện tập cách thuyết trình tốt trước đám đông. Tuy nhiên, sự tự tin và sẵn sàng thực hành theo các bí quyết dưới đây sẽ là chìa khóa để bạn chinh phục nghệ thuật thuyết trình trước đám đông.
>>> Đọc thêm: 14 kỹ năng sinh tồn cứu sống bạn trong lúc nguy hiểm
1. Xác định đối tượng khán giả trước khi thuyết trình
Việc xác định đối tượng lắng nghe của buổi thuyết trình sẽ giúp bạn tạo ra những nội dung phù hợp với họ. Bạn cần bắt đầu bằng cách xác định mức độ hiểu biết của họ về chủ đề bạn sắp thuyết trình. Điều này giúp ước lượng được những kiến thức nền mà bạn phải chia sẻ trước khi đi sâu phân tích vào nội dung chính.
Khi xác định được đối tượng khán giả, bạn cũng sẽ chọn những từ ngữ phù hợp và dễ hiểu, nếu sử dụng từ ngữ chuyên ngành hoặc từ viết tắt đối với những người không am hiểu về lĩnh vực đó, họ sẽ khó cảm thấy thích thú với buổi thuyết trình của bạn.
Bên cạnh đó, khi đang trình bày, hãy chú ý đến phản ứng từ người nghe để linh hoạt điều chỉnh cách trình bày. Đừng thao thao bất tuyệt khi khán giả của bạn không theo kịp những gì bạn nói nhé! Hãy tương tác với họ, dần dần tháo gỡ vấn đề họ đang gặp phải trong buổi thuyết trình để họ hiểu hơn những gì bạn đang chia sẻ.
>>> Đọc thêm: Biết trước khi cần: Kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy
2. Kỹ năng thuyết trình trước đám đông: Luyện tập, luyện tập, luyện tập
Ngay cả những người giàu kinh nghiệm nói trước đám đông cũng cần phải luyện tập rất nhiều. Đây là điều không thể thiếu để cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Do đó, hãy trình bày trước bài phát biểu của mình để xác định xem bạn đã chuẩn bị nội dung một cách chặt chẽ và rõ ràng hay chưa.
Bạn có thể luyện tập bằng cách nói to với khán giả trong tưởng tượng hoặc đứng trước gương, nhưng hiệu quả nhất là khi bạn luyện tập với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình đóng vai là khán giả.
3. Giao tiếp bằng mắt và tránh đọc kịch bản
Việc luyện tập từ trước không chỉ đảm bảo bản trình bày của bạn được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo mà nó còn giúp bạn nắm rõ cấu trúc, nội dung trong bài thuyết trình. Khi thuộc và nắm rõ nội dung trình bày, bạn sẽ không phải nhìn chằm chằm vào kịch bản và đọc răm rắp theo nó. Hãy ghi chú trên giấy với một dàn ý bằng một vài từ khóa chính có thể nhắc bạn về những nội dung muốn đề cập. Nếu bạn thuyết trình bằng các thiết bị hỗ trợ nghe nhìn như PowerPoint, hãy sử dụng các trang trình bày của bạn làm gợi ý.
Ngoài ra, bạn hãy tăng cường kết nối với những người xung quanh thông qua việc giao tiếp bằng mắt. Khi nhìn vào những người trong đám đông, khán giả sẽ cảm thấy được kết nối với bạn. Hãy chọn một điểm cố định như: sống mũi, hoặc trên đầu người nghe để tạo nên cảm giác chân thật nhất khi tương tác với họ.
>>> Đọc thêm: Dấu hiệu nhận biết đám đông nguy hiểm
4. Kết nối với khán giả bằng một câu chuyện cá nhân
Các câu chuyện cá nhân hoặc một giai thoại nào đó trong các bài thuyết trình sẽ giúp bạn truyền tải nội dung đến khán giả một cách hiệu quả. Bạn có thể mở đầu bài thuyết trình bằng một câu chuyện ngắn, mang tính cá nhân. Việc này giúp kết nối với khán giả và bạn có thể dễ dàng lồng ghép những nội dung sắp thảo luận một cách hấp dẫn.
5. Kỹ năng thuyết trình trước đám đông: Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Mọi người đang nhìn vào bạn, do đó hãy biết làm chủ ngôn ngữ cơ thể khi đứng thuyết trình. Bạn cần lưu ý một số nguyên tắc vàng trong thuyết trình như sau:
– Không đút tay vào túi quần khi thuyết trình, khán giả sẽ thấy bạn thiếu tôn trọng họ và bạn thể hiện như là cấp trên của họ.
– Không khoanh tay trước ngực, điều này khiến khán giả cảm thấy bạn không thực sự nhiệt tình trong chính bài thuyết trình của mình. Thay vào đó, 2 tay cần cử động ở tư thế mở và di chuyển minh họa theo lời bạn nói.
– Không chuyển động chân quá nhiều vì nó là một biểu hiện khi bạn đang mất tự tin, không thoải mái. Thế nhưng, bạn cũng không nên đứng im một chỗ nhé! Hãy di chuyển vừa phải để bài thuyết trình trở nên thu hút
– Nụ cười sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với người nghe, vì vậy đừng quên sử dụng nụ cười một cách hợp lý để nó trở nên đáng giá hơn ngàn lời nói nhé!
6. Làm chủ căng thẳng
Sẽ rất bình thường nếu bạn cảm thấy căng thẳng trước và trong khi thuyết trình, mặc dù bạn đã chuẩn bị kỹ càng trước đó. Nếu điều này xảy ra, bạn hãy hít thở sâu và chậm rãi để lấy lại bình tĩnh.
Bạn có thể chuẩn bị trước phương án ứng phó cho một vài tình huống có thể phát sinh. Tuy nhiên đừng cố gắng theo chủ nghĩa hoàn hảo! Sẽ có những khoảnh khắc bạn mắc lỗi và đây là điều khó tránh khỏi. Hãy nhớ, sự hài hước của bạn trong những tình huống này có thể giúp xoa dịu những khoảnh khắc căng thẳng.
7. Ghi hình lại buổi thuyết trình của bạn
Đồng nghiệp và bạn bè có thể đưa ra những nhận xét về bài thuyết trình của bạn nhưng để đầy đủ và chi tiết hơn, bạn có thể tự quay video để xem sau khi buổi trình bày kết thúc. Bạn có thể ngạc nhiên vì thói quen lo lắng hoặc cách diễn đạt khó hiểu của mình, từ đó có thể tìm ra giải pháp để cải thiện.
Bạn có thể tự quay trực tiếp thông qua phần mềm nếu bạn đang thuyết trình trực tuyến thông qua nền tảng video như Zoom. Sử dụng việc ghi hình lại để cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông sẽ giúp bạn tiến bộ hơn trong những lần thuyết trình kế tiếp.
8. Tạo ấn tượng lâu dài với một kết luận mạnh mẽ
Nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi đến phần kết thúc bài thuyết trình của mình, họ vội vàng đưa ra kết luận sơ sài về vấn đề họ chia sẻ. Để tạo ra một kết thúc cô đọng cho mọi bài thuyết trình, bạn cần đảm bảo có đầy đủ:
- Lời kêu gọi hành động, khuyến khích người nghe thực hiện bước tiếp theo
- Một câu trích dẫn đáng nhớ truyền cảm hứng hoặc minh họa một nội dung từ bài thuyết trình của bạn
- Một câu chuyện cá nhân chứng minh tại sao vấn đề này lại quan trọng đối với họ
- Tóm tắt những nội dung cốt lõi nhất
Ngoài ra, đừng quên gửi lời cảm ơn đến khán giả đã dành thời gian lắng nghe bạn trình bày. Nếu vẫn còn một chút thời gian cho buổi thuyết trình, bạn có thể mời khán giả đặt các câu hỏi và giải đáp trực tiếp. Nếu thời gian đã hết, hãy kêu gọi khán giả đặt câu hỏi thông qua một kênh nào đó, có thể là email hoặc facebook…
Trên đây là những bí quyết để bạn cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Chúc bạn sẽ tự tin và thành công với phần trình bày sắp tới của mình. Chia sẻ bài viết này đến bạn bè, đồng nghiệp nếu thấy hữu ích nhé!
[embed-health-tool-bmi]