Khái niệm work life balance là gì mà đang được nhiều người tìm hiểu và mong muốn đạt được trạng thái này? Hiện nay, work life balance gần như trở thành một yếu tố quan trọng đối với người lao động, để họ có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Vậy work life balance là gì? Làm cách nào để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cung cấp chi tiết thông tin về khái niệm này cũng như đưa ra những gợi ý để bạn hướng đến trạng thái cân bằng công việc cuộc sống này.
Work life balance là gì?
Cân bằng công việc và cuộc sống (Work life balance) được hiểu là sự cân bằng giữa thời gian bạn dành cho công việc và thời gian bạn dành cho cuộc sống cá nhân (sở thích cá nhân, gia đình, người thân, bạn bè…). Việc này bao gồm cả khả năng quản lý thời gian, phân bổ năng lượng để đảm bảo sự hài hòa giữa các cam kết trong công việc và các cam kết cá nhân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa xã hội như hiện nay, các thông tin, kiến thức và sự kiện liên tục được cập nhật. Chính vì vậy, việc giữ trạng thái cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân là điều không dễ thực hiện.
Vì sao work-life balance lại quan trọng?
Khi đã hiểu work-life balance là gì, bạn có thể thấy rằng, trạng thái cân bằng công việc và cuộc sống là một trạng thái mà ai cũng nên hướng đến, nhất là đối với những người có mong muốn làm việc, thăng tiến trong sự nghiệp bền vững và lâu dài mà vẫn có thời gian dành cho bản thân và gia đình. Trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn, bao gồm cả sức khỏe thể chất, cảm xúc và sức khỏe tinh thần, nhờ đó có thể góp phần cải thiện hiệu suất công việc.
Không chỉ giúp cân bằng về mặt thời gian, trạng thái work-life balance còn giúp giảm căng thẳng, giảm nguy cơ kiệt quệ (burn-out) để cải thiện sức khỏe tinh thần.
Vậy làm cách nào để cân bằng công việc, cuộc sống? Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây!
Cách để cân bằng công việc cuộc sống
Trên thực tế, rất nhiều người tìm kiếm những cách hay để đạt sự cân bằng trong công việc và cuộc sống nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Vì có rất nhiều rào cản khiến một người khó đạt được trạng thái này, bao gồm:
- Từ phía công việc: Trách nhiệm trong công việc tăng dần, người làm việc bị phân tâm bởi nhiều hoạt động khác nhau tại nơi làm việc.
- Từ phía cá nhân: Trách nhiệm với gia đình, người thân tăng dần theo thời gian, đặc biệt đối với những người bắt đầu kết hôn, sinh con.
Theo nguồn tin từ Tạp chí kinh doanh – Harvard Business Review, các chuyên gia đã đưa ra cách giúp cân bằng công việc và cuộc sống thông qua 5 bước, để từ đó giúp bạn hạn chế các tác động tiêu cực do sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều quan trọng là việc khắc phục này không chỉ là một lần. Chu kỳ 5 bước này dưới đây cần được thực hiện liên tục khi hoàn cảnh và các ưu tiên của chúng ta thay đổi.
1. Tạm dừng và đánh giá
Đầu tiên, bạn cần tạm dừng mọi hoạt động hiện tại và đánh giá lại các giá trị mà bạn cho là quan trọng. Bạn dành thời gian để hiểu thêm về các khía cạnh trong cuộc sống của bản thân và tự hỏi xem bản thân cảm thấy như thế nào. Từ đó xem xét mức độ tác động qua lại giữa các yếu tố này đối với cuộc sống của bạn.
Một số câu hỏi giúp bạn đánh giá rõ hơn bao gồm:
- Tôi có dành đủ thời gian chất lượng cho những gì tôi thực sự muốn chưa?
- Tôi có dành đủ thời gian và sức lực cho những người hoặc những việc có ý nghĩa với tôi chưa?
- Tôi có đang cảm thấy phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp hiện tại không? Tại sao có và tại sao không?
- Điều gì đang khiến tôi cảm thấy bế tắc? Cụ thể là việc gì trong tình huống này khiến tôi có cảm giác này?
Bạn cần dành thời gian để chiêm nghiệm một cách nghiêm túc về những câu hỏi này. Nếu được, bạn hãy ghi chép lại những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách trung thực để có thể đánh giá đúng tình trạng hiện tại. Khi bạn suy nghĩ về những câu hỏi cá nhân phức tạp này, việc ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của bạn có thể là một cách hay để xác định những lĩnh vực mà bạn cảm thấy mình cần điều chỉnh lớn nhất.
2. Đánh giá thứ tự ưu tiên của bạn
Sau khi tìm ra và hiểu rõ những gì bạn muốn điều chỉnh, bước tiếp theo trong quá trình đạt work life balance là bạn sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên của các vấn đề trong cuộc sống hiện tại.
Một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình bao gồm:
- Điều gì thực sự quan trọng với tôi và tôi có dành thời gian để làm việc đó không?
- Tôi có đặt ranh giới cho các công việc hay chưa? Đâu là việc mà tôi chỉ làm mà không biết cách thương lượng?
- Tôi có thể hành động khác như thế nào để đảm bảo rằng tôi đang dành đủ thời gian và sức lực cho các mục tiêu và các mối quan hệ của mình?
3. Quản lý thời gian
Sau khi bạn đã liệt kê ra các công việc, các vấn đề và đã sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, tiếp theo bạn cần quản lý thời gian của mình sao cho hợp lý. Để làm được điều này, bạn cần biết lượng thời gian mà bạn đang sử dụng trong ngày là như thế nào.
Bạn hãy xem lại cách bạn đang sử dụng thời gian và tìm cách điều chỉnh lịch trình của mình nếu có thể. Bạn có thể “chặn” thời gian của mình như một cách để tập trung vào một lĩnh vực tại một thời điểm hoặc sử dụng hệ thống ma trận để thiết lập các ưu tiên của mình khi có nhiệm vụ mới bất ngờ xuất hiện.
4. Thiết lập các giới hạn rõ ràng
Việc thiết lập rõ các giới hạn là yếu tố quan trọng để bạn có thể quản lý thời gian hiệu quả. Ví dụ, bạn đặt ra một ranh giới cụ thể rằng, bạn sẽ không trả lời bất kỳ email hay tin nhắn nào liên quan đến công việc sau khi bạn đã hoàn thành công việc và rời khỏi công ty. Bạn cần cho đồng nghiệp của bạn biết điều này để họ tránh làm phiền bạn.
Tương tự, đối với các mối quan hệ khác cũng vậy. Điển hình như, bạn đang tập thể thao và bạn sẽ không thể nghe điện thoại của bạn bè, gia đình… Bạn cũng cần cho họ biết về ranh giới này của bạn. Chỉ khi đó, các ranh giới của việc giới hạn thời gian mới thật sự được thiết lập. Ranh giới công việc rơi vào một trong ba loại: Thể chất, tình cảm hoặc thời gian. Bạn có thể bắt đầu bằng việc thiết lập những ranh giới nhỏ và mở rộng từ đó.
5. Suy nghĩ, đánh giá và lặp lại
Thực tế là bạn luôn phải điều chỉnh các quyết định để đạt được trạng thái work life balance nếu những quyết định của bạn không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Những thay đổi lớn trong cuộc sống có thể mất nhiều thời gian. Do đó, việc suy ngẫm về cách tiếp cận của bạn và điều chỉnh nó theo định kỳ có thể sẽ là một phần không thể thiếu của quá trình.
Trên thực tế, cuộc sống luôn thay đổi, tính chất công việc cũng thay đổi và các mối quan hệ của bạn cũng như thế. Do đó, quỹ thời gian của bạn sẽ liên tục biến đổi theo từng thời điểm và theo từng tình huống.
Các câu hỏi thường gặp
Dấu hiệu làm việc quá sức, quá tải, stress trong công việc là gì?
Kết quả một khảo sát mới đây của Tổ chức tìm việc làm Indeed được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội phát triển doanh nghiệp – Middle Market Growth cho thấy: Có hơn 52% người lao động thường xuyên cảm thấy bị kiệt sức trong công việc.
Dưới đây là 6 dấu hiệu của một người đang làm việc quá sức, bị quá tải hay thậm chí là bị stress trong công việc:
- Hiệu suất làm việc kém: Tiến độ công việc trễ nãi, không hoàn thành công việc đúng hẹn hoặc không đảm bảo chất lượng công việc.
- Thường xuyên vắng mặt tại nơi làm việc: Đây là dấu hiệu của một người làm việc quá sức, họ thường xuyên tìm lý do để vắng mặt tại nơi làm việc.
- Nhạy cảm và dễ cáu: Cảm xúc không ổn định, dễ nổi giận, cáu gắt và cũng trở nên dễ buồn hơn khi tương tác trong công việc.
- Sự phàn nàn từ khách hàng hoặc đồng nghiệp: Chính vì bị quá tải nên họ không đáp ứng tốt cho yêu cầu của khách hàng hoặc gây ảnh hưởng đến công việc của đồng nghiệp.
- Làm việc nhiều giờ mà không hết việc: Đôi khi, sự phân bổ công việc không phù hợp nên khiến cho một người bị quá tải trong công việc. Họ làm việc quá nhiều giờ, kể cả cuối tuần và trong kỳ nghỉ.
- Than thở trong bế tắc: Đôi khi, đây là một trong dấu hiệu để nhận biết một người đang bị quá tải trong công việc. Họ kể và chia sẻ với bạn rằng, họ dường như không thể nghỉ ngơi hoặc phải thường xuyên tăng ca nếu không sẽ không thể hoàn thành công việc.
Dấu hiệu bạn có work-life balance là gì?
Nếu một người đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, biểu hiện work-life balance của họ có thể là:
- Họ có khả năng kiểm soát căng thẳng và biết cách giảm stress trong thời gian ngắn.
- Năng suất làm việc gia tăng nhưng không gây ảnh hưởng đến quỹ thời gian mà họ dành cho bản thân.
- Họ hài lòng về khoảng thời gian dành cho bản thân, gia đình, bạn bè và những mối quan hệ của họ.
- Sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng mối quan hệ không bị ảnh hưởng. Họ biết cách từ chối, họ biết đâu là ranh giới giữa các vấn đề trong cuộc sống của họ.
Kết luận
Hello Bacsi hy vọng nội dung bài viết đã giúp bạn hiểu thêm work life balance là gì và những cách hữu ích để đạt được trạng thái này.
Tóm lại, việc hướng đến trạng thái work life balance tùy thuộc vào khả năng của từng người. Điều bạn trọng là khi bạn nghi ngờ hoặc nhận ra rằng bản thân đang bị quá tải trong công việc hay trong cuộc sống thì bạn nên tạm dừng lại để tìm hiểu vấn đề và tìm cách giải quyết kịp thời để tránh hậu quả nặng nề cho bản thân.
[embed-health-tool-bmi]