Rối loạn tích trữ (Hoarding Disorder) là một hội chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ khác nhau sẽ mang đến các hệ lụy và mức độ nghiêm trọng tương đương.
Vậy rối loạn ám ảnh tích trữ là gì? Nguyên nhân từ đâu? Biểu hiện triệu chứng ra sao? Tác hại như thế nào và phương pháp điều trị nào hiệu quả?
Chứng rối loạn tích trữ là gì?
Rối loạn tích trữ là một bệnh mạn tính, có liên quan mật thiết đến vấn đề tâm lý của người mắc bệnh. Người bị rối loạn ám ảnh tích trữ thường có nhu cầu cao trong việc lưu giữ đồ đạc/ vật dụng, thậm chí còn là vật nuôi một cách không kiểm soát, với số lượng lớn dù chúng không cần thiết cho nhu cầu sử dụng mỗi ngày. Ở họ, việc vứt bỏ vật dụng trở nên rất khó khăn, có thể tạo ra cảm giác căng thẳng và khó chịu tột độ.
Trong một số trường hợp, chứng rối loạn ám ảnh tích trữ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người mắc bệnh. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số bất tiện cho người sống chung.
Người mắc chứng rối loạn tích trữ cũng có thể mắc kèm các tình trạng rối loạn tâm thần khác như:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Nguyên nhân gây rối loạn tích trữ
Chứng rối loạn tích trữ thường có khả năng xuất hiện khá sớm từ 11 đến 15 tuổi. Song bệnh có dấu hiệu rõ rệt và phổ biến hơn cả ở người lớn tuổi. Tại bất kỳ thời điểm nào, tỉ lệ ước tính mắc rối loạn tích trữ cũng có thể dao động trong khoảng từ 2% đến 6%.
Một số nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh tích trữ phổ biến bao gồm:
- Yếu tố di truyền
- Áp lực, căng thẳng quá mức gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của não bộ.
- Trải qua các biến cố tác động mạnh đến tâm lý: hỏa hoạn, mất tài sản, ly hôn, mất người thân,….
Biểu hiện nhận biết chứng rối loạn ám ảnh tích trữ
Một số dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn tích trữ bao gồm:
- Mua sắm quá mức cần thiết, mua rất nhiều đồ dùng/ vật phẩm không cần dùng đến.
- Người mắc chứng rối loạn tích trữ thể nhẹ có thể nhận thức rõ và đặt sự đấu tranh tâm lý cho những hành vi liên quan đến việc tích trữ quá mức và tin rằng đó là việc không nên làm nhưng lại khó kiểm soát tâm lý và suy nghĩ. Trong khi đó, người có triệu chứng rối loạn ám ảnh tích trữ thể nặng lại luôn tin rằng việc tích trữ mọi thứ là một điều hoàn toàn hợp lý.
- Cực kỳ khó khăn khi quyết định vứt bỏ bất kỳ thứ gì bản thân đang sở hữu, bất kể chúng có hữu dụng hoặc giá trị hay không?
- Sắp xếp tất cả các đồ vật không khoa học khiến không gian sinh hoạt trở nên hỗn độn.
- Có xu hướng trì hoãn, thích cầu toàn nhưng lại thiếu quyết đoán
- Thường gặp khó khăn khi lập kế hoạch tổ chức và sắp xếp
Tác hại của chứng rối loạn tích trữ
Đặc trưng của chứng rối loạn tích trữ là người bệnh luôn có nhu cầu tích lũy số lượng lớn các loại vật dụng/ thiết bị/ vật nuôi dù không gian sinh hoạt không cho phép. Điều này khiến mọi thứ dễ bị lộn xộn, tắc nghẽn. Vì vậy, chứng rối loạn ám ảnh tích trữ có thể mang đến một số hệ lụy nguy hiểm như:
- Điều kiện sống kém an toàn, dễ dẫn đến tình trạng cháy nổ
- Không gian chật chội dễ té, ngã vì mọi thứ bừa bộn, kém sắp đặt.
- Tăng nguy cơ gây xung đột gia đình
- Dễ cảm thấy cô đơn. Nghiêm trọng hơn, rối loạn tích trữ có thể gây nên tâm trạng tiêu cực, tự ti và suy giảm khả năng ở các lĩnh vực xã hội/ giao tiếp.
- Không gian sống bị ảnh hưởng bởi vấn đề vệ sinh, dễ tác động đến sức khỏe và phát sinh nên các tình trạng bệnh lý không đáng có
- Giảm hiệu suất làm việc, học tập.
Phương pháp điều trị chứng rối loạn tích trữ
Việc điều trị chứng rối loạn tích trữ có thể là thử thách vì có những trường hợp người bệnh không nhận ra là mình đang mắc phải. Từ đó, họ không tin bản thân cần phải được điều trị.
Để giúp những người bệnh mắc chứng rối loạn tích trữ thay đổi tư duy, suy nghĩ và hành vi triệt để, có một số phương pháp điều trị sau mà bạn có thể tham khảo:
Liệu pháp tâm lý
“Nhận thức hành vi” là một trong những liệu pháp phổ biến và hiệu quả trong điều trị chứng rối loạn ám ảnh tích trữ. Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc chứng rối loạn tích trữ, bạn hãy liên hệ với các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán, đánh giá mức độ và tìm ra cách điều trị phù hợp.
Sử dụng thuốc điều trị
Y học chưa có kết luận chính thức về một loại thuốc có khả năng điều trị đặc thù chứng rối loạn tích trữ. Thông thường, chứng rối loạn tích trữ thường xảy ra cùng lúc với các chứng rối loạn khác như rối loạn lo âu và trầm cảm. Vì thế, loại thuốc chống trầm cảm như SSRIs thường được áp dụng điều trị cùng cho chứng rối loạn tích trữ. Chúng sẽ hoạt động theo cơ chế hỗ trợ việc cân bằng các serotonin trong não, giúp bệnh nhân thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm, cải thiện tinh thần. Từ đó trở nên tỉnh táo, minh mẫn và quyết đoán hơn.
Điều trị bằng ý chí
Người mắc rối loạn tích trữ thể nhẹ có thể nhận thức được bản thân đang gặp vấn đề trong nhu cầu tích trữ. Họ hoàn toàn có thể học cách xác định và loại bỏ các suy nghĩ liên quan đến việc tích trữ vật phẩm quá mức. Lúc này, người bệnh có thể áp dụng những cách sau để điều trị chứng rối loạn tích trữ thể nhẹ:
- Học cách chống lại ham muốn sở hữu quá nhiều vật dụng/ tài sản
- Tập cách phân loại và sắp xếp đồ dùng, vật dụng gọn gàng.
- Cải thiện kỹ năng đưa ra quyết định dứt khoát, tự chủ và quyết đoán. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng khả năng ngoại giao, tiếp xúc với nhiều người hơn, không tự cô lập bản thân.
- Xây dựng lối sống xanh, có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học và thường xuyên dọn dẹp nhà cửa.
Nhìn chung, chứng rối loạn tích trữ không hiếm gặp. Ngay khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu của hội chứng này, bạn hãy áp dụng những gợi ý điều trị vừa nêu để ngăn ngừa những hệ lụy nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
[embed-health-tool-bmi]