backup og meta

10 nỗi sợ hãi phổ biến có thể bạn đang mắc phải

10 nỗi sợ hãi phổ biến có thể bạn đang mắc phải

Đối với nhiều người, nỗi sợ hãi có thể là tiếng sủa của một chú chó con, cảm giác lúc máy bay cất cánh, sấm sét vào những đêm giông bão… Liệu có cách nào giúp bạn vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân? 

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, nỗi sợ hãi là căn bệnh tâm lý phổ biến nhất ở phụ nữ và thứ hai ở nam giới. Đa số những nỗi sợ hãi đều không quá nghiêm trọng và bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ chúng bằng các liệu pháp tâm lý hành vi chuyên biệt. Hãy cùng kiểm tra xem bạn có mắc phải nỗi sợ hãi nào trong 10 nỗi sợ hãi phổ biến dưới đây không nhé.

1. Nỗi sợ hãi nhện – Arachnophobia

nỗi sợ hãi

Đây là nỗi sợ hãi xuất hiện khi bạn bắt gặp hình ảnh nhện hay các động vật thuộc lớp chân đốt khác. Nhìn thấy con nhện thực tế có thể kích hoạt phản ứng sợ hãi, nhưng trong một số trường hợp, đơn giản chỉ là hình ảnh của con nhện hay ý nghĩ về con nhện thôi cũng có thể dẫn đến cảm giác hoảng sợ.

Ước tính có đến 35.000 loài nhện khác nhau, trong số đó chỉ có khoảng hơn 10 loài là thực sự nguy hiểm cho con người, nhưng tại sao bạn lại vã mồ hôi hột khi chỉ mới nhìn thấy mạng nhện? Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi nhện nhưng nhiều giả thiết được đưa ra liên quan đến di truyền, nỗi sợ nhện là bản năng sinh tồn đã có từ thời tổ tiên xa xưa của chúng ta.

Bạn có thể dùng kính thực tế ảo để tập làm quen với những con nhện ảo thay vì tiếp xúc với nhện thật. Một số trường hợp nếu chứng sợ nhện nghiêm trọng, bạn sẽ cần tới thuốc chống trầm cảm hay thuốc an thần.

2. Nỗi sợ hãi rắn – Ophidiophobia

Nhiều thống kê cho thấy có khoảng 1/3 dân số đang phải trải qua chứng sợ rắn và nỗi sợ này thường phổ biến ở người lớn hơn trẻ nhỏ. Chứng sợ rắn thường xuất phát từ trải nghiệm cá nhân bị rắn cắn hay ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa thường gắn biểu tượng con rắn gắn với những hình ảnh kinh dị.

Một giả thiết khác được đưa ra là nỗi sợ rắn là do sợ bị trúng độc. Điều này cũng có thể giải thích lý do tại sao những người sợ rắn lại không thể hiện sự hoảng sợ tương tự như khi gặp các loài vật nguy hiểm khác như sư tử hay gấu.

Bạn có thể bắt đầu tiếp xúc với rắn qua những bức ảnh hoặc video trước. Ngoài ra, các chuyên gia cũng có thể dùng liệu pháp thôi miên để giúp bạn cảm thấy thoải mái khi gặp rắn.

3. Nỗi sợ hãi độ cao – Acrophobia

nỗi sợ hãi

Ước tính có khoảng 23 triệu người lớn mắc chứng sợ độ cao. Nỗi sợ hãi này có thể dẫn đến việc bạn tránh đến những nơi có độ cao lớn như các tòa tháp cao tầng, cầu hay núi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn có thể cảm thấy hoảng sợ thật sự khi chỉ mới bước chân khỏi mặt đất, như khi leo lên bậc cầu thang chẳng hạn.

Bạn hãy từng bước tiếp cận với những mức độ cao khác nhau: hãy tập bước ra ban công ở nhà, khi đã quen thì hãy tăng độ cao lên, lên sân thượng và các tầng tiếp theo.

4. Nỗi sợ hãi máy bay – Aerophobia

Mặc dù máy bay giờ đây đã trở thành phương tiện di chuyển phổ biến toàn cầu nhưng thống kê cho thấy cứ 3 người thì có 1 người mắc nỗi sợ hãi máy bay. Một vài triệu chứng phổ biến nếu bạn gặp phải tình trạng sợ máy bay là run rẩy, tim đập nhanh và mất phương hướng.

Trong một chuyến bay, bạn có thể gặp cảm giác bất an, lo sợ âm thanh lớn hay sự thay đổi áp suất. Tưởng tượng về những viễn cảnh thảm khốc có thể xảy đến trên chuyến bay cũng có thể là một phần của hội chứng sợ máy bay.

Để cải thiện nỗi sợ hãi máy bay, bạn có thể bắt đầu bằng cách tưởng tượng mình đang ở trên máy bay một thời gian để làm quen, sau đó hãy chuyển sang ngồi trên một chuyến bay thực thụ.

5. Nỗi sợ hãi chó – Cynophobia

Nỗi sợ chó thường xuất phát từ trải nghiệm cá nhân có thể là do bạn đã từng bị chó tấn công khi còn nhỏ. Sự ám ảnh không hay này có thể biến thành phản xạ sợ hãi khi bạn trưởng thành. Khi mắc chứng sợ hãi chó, bạn có thể bị đánh trống ngực, đổ mồ hôi, run rẩy, khó thở, thậm chí chóng mặt, ngất xỉu, nôn mửa khi trực tiếp nhìn thấy chó hoặc qua tiếp xúc gián tiếp như ngửi thấy mùi hay nghe tiếng chó sủa.

So với những nỗi sợ khác, nỗi sợ chó thường rõ ràng hơn bởi chó vốn rất gần gũi trong đời sống chúng ta và có thể xuất hiện khắp mọi nơi. Từ nỗi sợ những con chó dữ thông thường, bạn có thể bị ám ảnh đến mức không muốn bước đi trên con đường nào đó chỉ vì biết ở khu vực đó có nuôi chó. Điều này có thể tác động đến sinh hoạt hàng ngày và khiến nhịp sống cũng như vận động của bạn bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nhiều phương pháp trị liệu như vẽ tranh một chú chó nhỏ hay mua thú nhồi bông hình chó có thể giúp bạn cảm nhận hình ảnh chú chó đáng yêu hơn rất nhiều đấy.

6. Nỗi sợ hãi sấm sét – Astraphobia

nỗi sợ hãi

Nỗi sợ này xuất hiện khi bạn gặp phải những hiện tượng thời tiết như sấm chớp. Triệu chứng sợ sấm chớp cũng tương tự như những nỗi sợ khác như run rẩy, tim đập nhanh và thở dốc. Khi gặp thời tiết mưa bão, giông gió, sấm chớp, bạn thường sẽ tìm cách lẩn trốn bằng cách chui xuống gầm giường hay giấu mình trong tủ quần áo hoặc nhà tắm.

Bạn có thể dành thời gian kiểm tra dự báo thời tiết để xem liệu có tình trạng thời tiết xấu sẽ xảy đến không để chuẩn bị tâm lý kịp thời.

7. Nỗi sợ hãi kim tiêm – Trypanophobia

Bạn thường sẽ bắt đầu lo lắng và hoảng sợ khi sắp phải trải qua các điều trị y tế và gặp bác sĩ, trong đó phổ biến nhất là lo sợ khi sắp phải tiêm ngừa. Khi chuẩn bị được tiêm, bạn sẽ có cảm giác run rẩy, tim đập nhanh và có thể sẽ ngất đi vì hoảng sợ.

Nỗi sợ này không quá nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến tình trạng sợ bác sĩ. Khi thấy có triệu chứng bất ổn trong cơ thể, có thể vì sợ khám bệnh nên bạn thường phớt lờ việc đến bệnh viện và điều này là không nên tí nào.

Bạn cần chuẩn bị tâm lý thoải mái khi làm các thủ thuật y tế. Hãy trò chuyện cùng người thân, nghe nhạc hay đọc sách và tạm quên đi việc sắp phải tiêm ngừa.

8. Nỗi sợ hãi xã hội – Social Phobia

nỗi sợ hãi

Chứng sợ xã hội hay còn gọi là rối loạn lo âu xã hội có thể khiến bạn né tránh tham dự các sự kiện, khu vực đông người vì sợ phải nói chuyện hay tham gia tương tác với người khác. Đến những hoạt động thường ngày rất bình thường như ngồi ăn chung cũng có thể khiến bạn thấy bồn chồn và bất an. 

Bạn mang theo nỗi sợ bị theo dõi hay nhận sự phán xét từ những người xung quanh. Một nỗi sợ xã hội phổ biến nhất chính là sợ nói trước đám đông. Bạn thường sợ mình sẽ nói gì sai, sợ bị bẽ mặt, lúng túng hay ngượng nghịu, sợ sẽ trở nên ngốc nghếch trong mắt người khác. Một số khiếm khuyết của cơ thể như tay đổ mồ hôi, giọng nói lắp bắp, hay đỏ mặt cũng có thể góp phần khiến nỗi sợ xã hội của bạn trở nên rõ ràng hơn.

Bạn nên nhớ con người không ai là hoàn hảo cả và đừng nên quá bận tâm đến suy nghĩ của người khác về mình. Bạn sẽ mạnh mẽ nhất khi là chính mình và sự chuẩn bị trước sẽ giúp bạn an tâm hơn trong mọi tình huống. 

9. Nỗi sợ hãi không gian rộng – Agoraphobia

Nỗi sợ hãi này xuất hiện khi bạn phải ở một mình trong một tình huống hay khoảng không gian nào đó mà bạn không thể thoát ra được. Đó có thể là khi bạn chỉ có một mình ở những nơi đông người hay những không gian mở.

Bạn sẽ bắt đầu có cảm giác hoảng sợ và không muốn rời khỏi nhà vì nghĩ rằng rất khó thoát ra khỏi những nơi đó, đặc biệt khi có sự cố khẩn cấp xảy ra. Những kiểu suy nghĩ về không gian rộng gây sợ hãi có xu hướng thay đổi theo độ tuổi: Trẻ em sợ bị lạc, người lớn sợ gặp chuyện không hay và người cao tuổi thường sợ bị ngã.

Bạn có thể sẽ cần làm việc với các chuyên gia trị liệu để xây dựng liệu trình ứng phó với nỗi sợ như liệu pháp thư giãn và kỹ thuật thở.

10. Nỗi sợ hãi vi khuẩn – Mysophobia

Nỗi sợ hãi này thường liên quan đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế mà biểu hiện thường thấy là rửa tay rất nhiều lần. Điều này có thể là do bạn nghĩ tay mình luôn bẩn và cần phải rửa lại thật sạch nhiều lần.

Nỗi lo có thể là do bạn sợ sẽ bị lây nhiễm vi trùng hay nhiễm bệnh nên bạn cũng thường né tránh đến những nơi như bệnh viện, nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm…

Thói quen vệ sinh cơ thể là tốt nhưng nếu hành vi này lặp lại như một dạng ám ảnh cưỡng chế tiêu cực thì bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý để được cho lời khuyên phù hợp.

Nỗi sợ hãi có thể ảnh hưởng đến bạn theo cách này hay cách khác, nhưng bạn đừng nên quá lo lắng vì các liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn khống chế và vượt qua nỗi sợ. Điều quan trọng là bạn cần có niềm tin vào bản thân vì đó chính là cách tốt nhất giúp bạn kiểm soát được tâm lý và hành vi của mình.

Tuyết Trinh HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Are Phobias?
https://www.webmd.com/anxiety-panic/understanding-phobias-basics
Ngày truy cập: 12/02/2018

The Fear Factor: Phobias
https://www.webmd.com/anxiety-panic/features/fear-factor-phobias#1
Ngày truy cập: 12/02/2018

10 of the Most Common Phobias
https://www.verywellmind.com/most-common-phobias-4136563
Ngày truy cập: 12/02/2018

Phiên bản hiện tại

07/05/2019

Tác giả: Tuyết Trinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Liệu có cách nào trị chứng sợ nhện?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 07/05/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo