Bạn có thể rơi vào khủng hoảng tồn tại hay còn gọi là existential crisis khi cảm thấy chán nản và mất định hướng trong suốt một thời gian dài. Existential crisis là gì mà khiến bạn mất đi niềm vui sống đến mức như vậy?
Tình trạng lo lắng, trầm cảm và căng thẳng không phải hiếm thấy nhưng thường ngắn hạn và không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực này có thể biến thành sự tuyệt vọng sâu sắc, khiến bạn phải tự hỏi cuộc sống của mình có ý nghĩa gì không. Tình trạng này được gọi là khủng hoảng tồn tại hay còn có tên tiếng Anh là existential crisis.
Khái niệm khủng hoảng tồn tại đã được các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần nghiên cứu trong nhiều thập kỷ từ năm 1929. Tuy nhiên, thuật ngữ này vẫn khó hiểu và dễ nhầm lẫn với nhiều người.
Existential crisis là gì?
Katie Leikam, một nhà trị liệu ở Decatur, Georgia (Hoa Kỳ), cho rằng khủng hoảng tồn tại là khi bạn bắt đầu tự hỏi cuộc sống có ý nghĩa không hay mục đích sống của mình là gì. Những câu hỏi lớn trong cuộc sống này chen vào những suy nghĩ bình thường và khiến bạn khó hài lòng với cuộc sống.
Việc muốn tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống là bình thường nhưng nếu mắc khủng hoảng tồn tại, bạn thường không thỏa mãn với bất kỳ câu trả lời nào cho những câu hỏi trên. Tình trạng không tìm được câu trả lời khiến bạn tự mâu thuẫn với chính mình, thất vọng và mất niềm vui sống.
Khủng hoảng tồn tại có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, bạn thường dễ gặp khủng hoảng tồn tại nếu đang phải đối mặt với các khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn hàng ngày thường không phải là nguyên nhân gây khủng hoảng. Existential crisis thường xảy ra nếu bạn rơi vào cảm giác tuyệt vọng khi phải đối mặt với một tổn thương hoặc mất mát lớn. Một vài nguyên nhân gây khủng hoảng tồn tại có thể là:
- Dồn nén quá nhiều cảm xúc
- Không hài lòng với bản thân
- Cảm giác tội lỗi vì một việc nào đó
- Không thỏa mãn với các mối quan hệ xã hội của mình
- Mất người thân hoặc phải đối mặt với cái chết của chính mình.
Những biến cố và cảm xúc tiêu cực thường dẫn tới các loại khủng hoảng tồn tại khác nhau như:
1. Khủng hoảng về sự tự do và trách nhiệm: Bạn có quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng mình và những lựa chọn này có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Tuy nhiên, tự do cũng đi kèm với trách nhiệm vì bạn phải chấp nhận hậu quả của những lựa chọn bạn đưa ra. Đối với một số người, sự tự do này là quá sức và có thể gây khủng hoảng tồn tại.
2. Khủng hoảng về cuộc sống ngắn ngủi: Bạn cũng có thể gặp khủng hoảng tồn tại sau khi bước sang một độ tuổi nhất định. Ví dụ như khi bước qua tuổi 50, bạn có thể phải đối mặt với thực tế rằng mình đã đi qua nửa cuộc đời, điều này khiến bạn hoang mang không biết điều cốt lõi trong cuộc sống của mình là gì. Bạn cũng có thể bắt đầu suy nghĩ về ý nghĩa của sự sống và cái chết và đặt ra những câu hỏi như: “Điều gì xảy ra sau khi chết?”. Loại khủng hoảng này cũng có thể xảy ra sau khi bạn bị chẩn đoán mắc bệnh nghiêm trọng hoặc khi cận kề cái chết.
3. Khủng hoảng về sự cô lập và kết nối: Ngay cả khi bạn là người thích dành thời gian cho riêng mình thì bạn vẫn cần kết nối xã hội. Các mối quan hệ xã hội vững mạnh có thể hỗ trợ bạn về tinh thần và cảm xúc cũng như mang lại sự hài lòng và niềm vui sống. Tuy nhiên, những mối quan hệ xã hội lại thường không bền vững. Bạn có thể sẽ dần dần xa cách cả về khoảng cách địa lý và cảm xúc với người mình từng rất thân. Điều này có thể khiến bạn cô đơn, bị cô lập và cuộc sống không còn ý nghĩa.
4. Khủng hoảng về ý nghĩa cuộc đời: Đôi khi, bạn có thể cảm thấy rằng bạn đã không hoàn thành được điều gì quan trọng hoặc tạo ra sự khác biệt. Điều này có thể khiến bạn thắc mắc về sự tồn tại của chính mình.
5. Khủng hoảng về cảm xúc: Việc không cho phép bản thân có những cảm xúc tiêu cực đôi khi có thể dẫn đến khủng hoảng tồn tại. Nhiều người cố chặn những những suy nghĩ đau buồn với hy vọng điều này sẽ giúp họ hạnh phúc nhưng đây không phải là hạnh phúc thật sự. Khi không trải nghiệm hạnh phúc thật sự, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống trống rỗng. Bạn có thể tìm ra hướng phát triển cá nhân và cải thiện cách nhìn về cuộc sống nếu chịu thể hiện cảm xúc và thừa nhận những đau đớn, bất mãn mình đang cảm thấy.
Dấu hiệu khủng hoảng tồn tại
Bạn có thể đã trải qua cảm giác lo lắng và trầm cảm khi cuộc sống không như ý nhưng đây chưa chắc là khủng hoảng tồn tại. Những cảm xúc chỉ là khủng hoảng khi đi kèm với nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Khi bị existential crisis, bạn có thể gặp các dấu hiệu sau đây:
• Trầm cảm: Bạn có thể trải qua những cảm giác trầm cảm bình thường như mất hứng thú với các hoạt động mình thích, mệt mỏi, đau đầu, cảm giác tuyệt vọng và buồn bã dai dẳng. Đôi khi, bạn cũng có thể mất hy vọng, có suy nghĩ tự tử hoặc cảm thấy rằng cuộc sống của mình không có mục đích.
• Lo lắng: Những lo lắng của người mắc khủng hoảng tồn tại có thể là về những gì xảy ra sau họ mất hoặc về vị trí và những kế hoạch của mình trong cuộc sống. Sự lo lắng này khác với căng thẳng hàng ngày vì người mắc khủng hoảng có thể cảm thấy khó chịu và lo lắng với mọi thứ, ngay cả với sự tồn tại của chính mình.
• Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Đôi khi, những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống và mục đích của bạn trong cuộc sống này có thể khiến tâm trí rất nặng nề. Điều này cũng được coi là một loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế vì người mắc cảm thấy luôn cần phải tự đặt câu hỏi cho mình liên tục cho tới khi tìm được câu trả lời.
Cách khắc phục khủng hoảng tồn tại
Existential cirsis có thể ảnh hưởng lớn tới tâm lý và cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát cơn khủng hoảng của mình bằng các cách sau đây để cải thiện tình trạng:
1. Ưu tiên làm những gì mình thích: Bạn có thể làm cuộc sống ý nghĩa và tích cực hơn bằng cách làm những gì mình thích mỗi ngày. Bạn hãy học một ngôn ngữ mình thích, tham gia vào một tổ chức tình nguyện hay kết nối để cảm thông với mọi người hơn.
2. Viết nhật ký giải tỏa cảm xúc: Cuộc sống có lẽ có nhiều ý nghĩa hơn bạn nghĩ nếu bạn chịu để ý. Bạn hãy nhắc nhở bản thân về ý nghĩa cuộc sống bằng cách viết ra tất cả những gì mình trải nghiệm mỗi ngày. Bạn có thể viết về gia đình, công việc, thành tích của bản thân… để từ đó định hình được điều mình muốn làm.
3. Tìm hiểu giá trị bản thân: Việc tìm hiểu về bản thân mình có thể giúp bạn đẩy lùi khủng hoảng tồn tại, đặc biệt là khi bạn tìm ra những điểm tốt đẹp và thêm yêu bản thân. Nếu bạn không nhìn thấy những điều tốt đẹp ở bản thân thì hãy nhờ người thân hay bạn bè chia sẻ với mình. Họ sẽ giúp bạn nhận ra những tác động tích cực bạn đã mang đến hay chỉ ra nhưng tính cách đáng quý nơi bạn.
4. Cho phép bản thân thư giãn: Bạn có thể thoải mái tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng một số câu hỏi sẽ không có câu trả lời. Để vượt qua một cơn khủng hoảng tồn tại, bạn cũng chia nhỏ câu hỏi dễ tìm kiếm câu trả lời hơn. Bạn sẽ có thể hài lòng khi giải đáp được những câu hỏi nhỏ này và dần tìm được lời giải cho câu hỏi lớn hơn:
– Bạn nên làm gì để kiếm được nhiều tiền hơn?
– Làm sao để bạn chăm sóc người thân trong gia đình?
– Khi nào bạn muốn kết hôn và sinh con?
…
5. Đến bác sĩ tâm lý: Nếu các triệu chứng của existential crisis không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khoảng thời gian tự cân bằng cảm xúc, bạn hãy gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn. Các bác sĩ có thể giúp bạn đối phó với khủng hoảng bằng cách trò chuyện hoặc dùng liệu pháp hành vi nhận thức. Đặc biệt, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức nếu có ý nghĩ tự tử.
Khủng hoảng tồn tại có thể xảy ra với bất cứ ai và gây ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn nếu không được giải tỏa kịp thời. Bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân trước khi quá muộn nhé.
Như Vũ HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]