backup og meta

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ: 6 giai đoạn cuộc đời dễ mắc phải

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ: 6 giai đoạn cuộc đời dễ mắc phải

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ rất cần có sự thấu hiểu của người thân để đi qua những ngày tháng khó khăn. Biểu hiện của trầm cảm ở nữ là gì? Giai đoạn nào dễ mắc phải căn bệnh này?

Mời bạn tìm hiểu về trầm cảm ở nữ qua bài viết dưới đây!

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ là gì?

bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Hiện tượng trầm cảm ở phụ nữ là tình trạng rối loạn tâm thần xảy ra ở nữ giới, trong nhiều độ tuổi hoặc nhiều giai đoạn cuộc đời. Các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở phụ nữ có thể được cải thiện đáng kể nếu người bệnh được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm ở nữ giới

Biểu hiện trầm cảm ở phụ nữ có thể chưa thật sự rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến người bệnh và cả người thân khó nhận biết hoặc phớt lờ. Những dấu hiệu bị trầm cảm ở phụ nữ thường bao gồm:

  • Đau nhức cơ thể
  • Mất hứng thú với những thứ bạn từng thích
  • Khó khăn khi tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ
  • Luôn cảm thấy buồn bã, tội lỗi hoặc tuyệt vọng
  • Thay đổi khẩu vị dẫn đến giảm cân hoặc tăng cân đáng kể
  • Giấc ngủ bị xáo trộn, chẳng hạn như khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi hay đau không giải thích được hoặc các triệu chứng thể chất khác mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở phụ nữ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh thường xuyên có suy nghĩ về các hành vi tự sát. Nếu không kịp thời nhận diện và can thiệp, căn bệnh này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ ở các giai đoạn trong đời

bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Nhận biết bệnh trầm cảm ở phụ nữ qua các giai đoạn sẽ giúp bạn có những hiểu biết cần thiết cũng như cách thức vượt qua dễ dàng hơn.

1. Bệnh trầm cảm ở tuổi dậy thì

Trẻ mắc chứng trầm cảm tuổi dậy thì có thể có những biểu hiện sau:

  • Thường xuyên cáu gắt với những cơn tức giận bộc phát đột ngột
  • Nhạy cảm hơn với những lời chỉ trích
  • Thường than phiền về các triệu chứng thể lý như nhức đầu, đau dạ dày hoặc các vấn đề cơ thể khác
  • Không còn yêu thích những hoạt động mà họ thường thích; tách khỏi gia đình, bạn bè và dành nhiều thời gian hơn ở một mình
  • Cảm thấy mệt mỏi trong nhiều ngày hoặc hầu hết thời gian đều có cảm giác u buồn.
  • Một số thói quen hàng ngày của con bạn có thể thay đổi khi mắc trầm cảm như khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường, thay đổi thói quen ăn uống, khó tập trung…

Trẻ có dấu hiệu trầm cảm cũng có thể đang gặp vấn đề ở nhà hoặc trường học như bỏ học, không làm bài tập về nhà. Trong một số trường hợp, trầm cảm tuổi dậy thì có thể làm xuất hiện một số hành vi nguy cơ cao, chẳng hạn như lái xe ẩu, quan hệ tình dục không an toàn hoặc ăn cắp vặt, uống rượu hoặc sử dụng ma túy…

Sự thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì có thể tăng nguy cơ bị trầm cảm ở các bé gái. Tuy nhiên, tâm trạng thất thường liên quan đến sự thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì là bình thường. Bản thân những thay đổi này không gây nên trầm cảm.

Giai đoạn tuổi dậy thì thường liên quan đến những trải nghiệm khác có thể góp phần gây ra trầm cảm:

  • Xung đột với ba mẹ hoặc những người thân trong gia đình
  • Nổi loạn về cá tính và tình dục
  • Áp lực với thành tích ở trường, các môn thể thao hoặc những lĩnh vực khác.

Sau giai đoạn dậy thì, tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới. Nguyên nhân là do các bé gái thường dậy thì sớm hơn các bé trai nên cũng sẽ có nguy cơ bị trầm cảm sớm hơn.

2. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Dấu hiệu dễ nhận biết của hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome – PMS) bao gồm: đầy bụng, đau nhức ngực, đau đầu, lo lắng, khó chịu và buồn bã bất chợt.

Một số người sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng và mệt mỏi đến mức gián đoạn cả học hành, công việc, mối quan hệ và nhiều vấn đề khác. Khi đó, PMS có thể chuyển biến thành rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder – PMDD). Đây là một dạng trầm cảm cần được điều trị.

Mối liên hệ chính xác giữa trầm cảm và PMS vẫn chưa rõ ràng. Giả thuyết đưa ra là những thay đổi theo chu kỳ của estrogen, progesterone và các hormone khác có thể phá vỡ chức năng của các hóa chất trong não như serotonin kiểm soát tâm trạng. Những đặc điểm di truyền, trải nghiệm sống và các yếu tố khác cũng có thể dẫn đến trầm cảm.

3. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai

bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Sự thay đổi hormone đột ngột trong suốt thai kỳ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai còn phải đối diện với một số vấn đề khác có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, bao gồm:

  • Có thai ngoài ý muốn
  • Không nhận được sự trợ giúp
  • Xung đột trong các mối quan hệ
  • Sự thay đổi về lối sống, công việc hay một số nhân tố gây stress khác

4. Bệnh trầm cảm chu sinh (trầm cảm ở nữ giới sau sinh)

Nhiều bà mẹ trẻ cảm thấy buồn bã, giận dữ, cáu kỉnh và khóc lóc sau khi sinh. Những cung bậc cảm xúc này còn được gọi là hội chứng buồn chán sau sinh. Đây là tình trạng bình thường và có xu hướng giảm dần trong vòng 1 – 2 tuần.

Tuy nhiên, nếu cảm xúc buồn chán ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài thì có thể là trầm cảm sau sinh. Triệu chứng trầm cảm chu sinh thường là:

  • Có ý nghĩ tự sát
  • Suy nghĩ làm hại con bạn
  • Tâm trạng luôn bất ổn
  • Lo lắng hoặc cảm thấy tê liệt
  • Khó ngủ, ngay cả khi không bị quấy nhiễu
  • Không có khả năng chăm sóc em bé
  • Khóc thường xuyên hơn bình thường
  • Thường xuyên cảm thấy tự ti hoặc tự dằn vặt bản thân.

5. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ tiền mãn kinh

Nguy cơ trầm cảm có thể tăng trong giai đoạn chuyển sang mãn kinh, giai đoạn gọi là tiền mãn kinh. Đây là giai đoạn mà nồng độ hormone có thể dao động thất thường. Nguy cơ trầm cảm cũng có thể tăng trong thời kỳ mãn kinh sớm hoặc sau mãn kinh khi nồng độ estrogen giảm đáng kể.

6. Bệnh trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh

Sự suy giảm nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ khi bước qua giai đoạn tiền mãn kinh đến mãn kinh có thể góp phần vào những thay đổi về cảm xúc như buồn bã, cáu kỉnh, mệt mỏi, khó tập trung và thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy mãn kinh gây ra trầm cảm. Trong các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 20% phụ nữ có các triệu chứng trầm cảm trong thời gian này và nhiều khả năng xảy ra hơn nếu phụ nữ đã trải qua chứng trầm cảm vào những thời điểm khác trong cuộc đời.

Ngoài ra, những yếu tố sau đây có thể làm tăng rủi ro dẫn đến bệnh trầm cảm ở nữ giới trong thời kì mãn kinh:

  • Mãn kinh sớm ở độ tuổi còn trẻ
  • Lo lắng hoặc có tiền sử trầm cảm
  • Cuộc sống có nhiều vấn đề căng thẳng
  • Gặp các vấn đề về giấc ngủ
  • Mãn kinh do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
  • Tăng cân hoặc giảm cân bất thường.

Cách trị bệnh trầm cảm ở nữ giới

bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm ở phụ nữ nói riêng có thể được điều trị bằng thuốc, các phương pháp trị liệu tâm lý hoặc kết hợp cả hai.

Tuy nhiên, bệnh tác động đến mỗi cá nhân khác nhau. Không có phương pháp điều trị nào phù hợp với tất cả các trường hợp mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ. Vì thế, có thể bạn cần trải nghiệm nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tìm ra cách trị bệnh trầm cảm phù hợp nhất.

Bệnh trầm cảm ở phụ nữ hoàn toàn có thể điều trị. Nếu cần giúp đỡ, bạn có thể tìm đến các chương trình điều trị về sức khỏe tâm thần hoặc liên hệ với các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Trò chuyện với chuyên gia sẽ giúp bạn sáng suốt đối mặt và tìm được cách vượt qua bệnh trầm cảm ở phụ nữ!

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Depression in women: Understanding the gender gap
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression/art-20047725
Ngày truy cập: 14/7/2021

Depression in Women
https://mhanational.org/depression-women
Ngày truy cập: 14/7/2021

What Are the Symptoms of Depression in Women?
https://www.helpguide.org/articles/depression/depression-in-women.htm
Ngày truy cập: 14/7/2021

Women and depression

https://adaa.org/find-help-for/women/depression

Ngày truy cập: 14/7/2021

Depression in women: 5 things you should know

https://www.nimh.nih.gov/health/publications/depression-in-women/

Ngày truy cập: 14/7/2021

Phiên bản hiện tại

19/09/2023

Tác giả: Thảo Viên

Tham vấn chuyên môn: Viện tâm lý SUNNYCARE

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | 7 cách thú vị giúp bạn giảm căng thẳng

Câu chuyện vượt qua trầm cảm của chàng trai trẻ từng tự hại mình và góc nhìn chuyên gia


Tham vấn chuyên môn:

Viện tâm lý SUNNYCARE

Tâm lý · SUNNYCARE


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 19/09/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo