Sống chung với một người bạn đời bị trầm cảm không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách giao tiếp và đưa ra đúng câu hỏi vào đúng thời điểm, cuộc sống của vợ chồng bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Các chứng rối loạn tâm thần, bao gồm bệnh trầm cảm, là tình trạng khiến bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Đồng thời, bệnh cũng tác động đến những mối quan hệ xung quanh cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt là người thân trong gia đình.
Dù những người sống gần với bệnh nhân trầm cảm sẵn sàng dành cho người bệnh tình yêu thương và sự hỗ trợ tối đa nhưng họ cũng cảm thấy rất áp lực. Đó cũng là lý do vì sao các cặp vợ chồng phải đối mặt với nguy cơ ly hôn rất cao khi một trong hai người bị trầm cảm hoặc các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần.
Tuy nhiên, tin tốt lành là bạn hoàn toàn có thể cứu vãn hôn nhân bằng cách thay đổi cách tương tác và giao tiếp với bạn đời của mình nếu họ mắc bệnh trầm cảm.
Điều đó có nghĩa là cách giao tiếp, sự đồng cảm và thấu hiểu chính là chìa khóa để duy trì bất kỳ mối quan hệ nào. Đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng khi bạn đời của bạn đang phải đấu tranh với bệnh trầm cảm và các triệu chứng rối loạn tâm thần.
Theo đó, bạn có thể sử dụng 21 câu hỏi dưới đây để bắt đầu hành trình nhiều thử thách nhưng đầy ý nghĩa này.
7 câu hỏi để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các triệu chứng của người bệnh
– Em/anh đang ngủ nhiều hay ít hơn bình thường?
– Em/anh đang ăn nhiều hay ít hơn bình thường?
– Em/anh có đang tận hưởng hương vị của mỗi món ăn hay không?
– Em/anh có thấy mệt mỏi quá mức không?
– Em/anh có thích tham gia vào một hoạt động xã hội nào đó vào thời điểm này không?
– Em/anh có quan tâm đến diện mạo bên ngoài của mình không?
– Em/anh có suy nghĩ về cái chết không?
Đáp án của những câu hỏi này sẽ giúp chuyên gia tâm thần có thêm thông tin chẩn đoán một trong những bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực hay các tình trạng khác có liên quan. Hơn nữa, nó cũng sẽ giúp bạn có cơ hội hiểu được những gì bạn đời của mình đang phải chịu đựng.
Khi sống chung nhà với bệnh nhân, có thể bạn đã biết được câu trả lời nhưng việc đặt ra câu hỏi giúp bạn đời của bạn cảm thấy được quan tâm, yêu thương và tôn trọng. Đây cũng chính là một trong những yếu tố xoa dịu tinh thần và cảm xúc tiêu cực của bệnh nhân.
7 câu hỏi để giúp đỡ, hỗ trợ và hợp tác với bạn đời bị trầm cảm
Theo Healthline, bệnh nhân trầm cảm thường bị thiếu động lực sống, họ không muốn tự mình làm bất cứ điều gì, kể cả khi việc làm đó phục vụ bản thân họ.
Có thể bạn rất muốn làm mọi việc cho bạn đời của mình khi họ rơi vào trạng thái trầm cảm. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe tinh thần cảnh báo rằng đây là một sai lầm. Điều này sẽ làm tăng cảm giác bất lực và lệ thuộc của bệnh nhân.
Khi vợ của bạn bị trầm cảm, hãy dành những câu hỏi này để giúp đỡ và hỗ trợ cô ấy:
– Cách tốt nhất để em/anh giúp được anh/em là gì?
– Điều gì đã khiến em/anh rơi vào trạng thái này?
– Chúng ta là một gia đình, mình làm thế nào để vượt qua những ngày buồn chán này?
– Em/anh thấy tâm trạng của mình có khác biệt gì so với trước đây không?
– Điều gì sẽ giúp em/anh cảm thấy tốt hơn ngay bây giờ?
– Em/anh cần điều gì ở anh/em?
– Ai có thể giúp chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn này?
Theo chuyên gia, đây là những ngôn ngữ mang tính hợp tác có khả năng giúp đối phương cảm nhận được sự cố gắng của bạn trong việc giúp đỡ họ. Bạn cần tránh đổ lỗi cho đối phương hoặc nhận hết mọi trách nhiệm về mình. Hành động này vừa giúp bệnh nhân cảm nhận được sự chân thành của bạn, vừa nhắc nhở họ phải tự nỗ lực để cải thiện tình trạng mà mình đang chịu đựng.
7 câu hỏi để bạn tự chăm sóc bản thân
Tự chăm sóc và phát triển bản thân là yêu cầu rất quan trọng khi bạn sống chung với một người mắc bệnh trầm cảm. Điều đó được các chuyên gia tâm thần lý giải rằng, chỉ khi bạn tự chăm sóc bản thân mình thật tốt, bạn mới có thể chăm sóc vợ/chồng của bạn khi họ mắc bệnh trầm cảm.
Tự chăm sóc và phát triển bản thân cũng là yếu tố góp phần giúp người sống chung với bệnh nhân trầm cảm duy trì mối quan hệ vợ chồng.
Để áp dụng thành công điều này, bạn hãy tự hỏi bản thân 7 câu hỏi sau đây:
– Mình có đang ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm không?
– Mình có đang sử dụng thuốc gì để đối phó với tình trạng căng thẳng không?
– Mình có tập thể dục mỗi ngày không?
– Chế độ ăn uống của mình có tốt không?
– Mình có đang gặp phải các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ hay vấn đề về đường tiêu hóa không?
– Mình có thể tâm sự với một ai đó về những áp lực mình đang chịu đựng không?
– Mình có cần phải đi đến một nơi khác để cảm thấy tốt hơn không?
Nếu câu trả lời của bạn đa phần mang chiều hướng gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, bạn hãy điều chỉnh lối sống của mình ngay lập tức.
Sống chung với bệnh nhân trầm cảm và giúp họ vực dậy tinh thần không phải là điều dễ dàng với bất kỳ ai. Nếu bạn để bản thân mình bị kiệt sức, bạn cũng sẽ mất đi khả năng chăm sóc bạn đời của mình.
5 câu hỏi cần tránh đặt ra khi có bạn đời bị trầm cảm
– Em/anh thấy mình đang may mắn như thế nào không?
– Tại sao em/anh lại làm chuyện bé xé ra to như vậy?
– Chuyện gì đang xảy ra với em/anh vậy?
– Có gì đâu mà em/anh phải chán nản đến vậy?
– Em/anh đã bình tĩnh hơn chưa?
Những câu hỏi này sẽ làm gia tăng cảm xúc tiêu cực của bệnh nhân. Dù bạn đang cố gắng dùng nhiều cách xoa dịu tình hình nhưng đừng bao giờ xem thường những gì mà bệnh nhân trầm cảm đang trải qua.
Thay vào đó, bạn hãy sử dụng những ngôn ngữ mang tính xác nhận cảm xúc của họ. Điều đó sẽ giúp bạn đời của bạn cảm thấy được hỗ trợ, đồng cảm và thấu hiểu. Từ đó, họ có thêm sức mạnh để cân bằng cảm xúc, chiến đấu với các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Trương Phương Đài / HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]