Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mãn tính với các triệu chứng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân và đời sống xã hội của người bệnh.
Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu sâu hơn về bệnh tâm thần phân liệt. Qua đó, bài viết sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin khoa học cập nhật mới nhất về khái niệm, dấu hiệu, triệu chứng, tiêu chuẩn chẩn đoán, cách điều trị và chăm sóc, sống chung với người bệnh tâm thần phân liệt (nếu có).
Bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ – APA, tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người bệnh.
Tâm thần phân liệt được đặc trưng bởi các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, tư duy (ngôn ngữ) vô tổ chức, các hành vi vô tổ chức và các triệu chứng âm tính như thờ ơ, mất động lực, suy giảm về chức năng nhận thức…
Các triệu chứng của tâm thần phân liệt có thể gây khó khăn cho bệnh nhân trong các hoạt động thường ngày và gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát và thuyên giảm khi bệnh nhân được tiếp cận với các phương pháp điều trị.
Dấu hiệu / Triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt
Trên thực tế, các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng nhìn chung bệnh tâm thần phân liệt được đặc trưng bởi 5 triệu chứng điển hình:
- Hoang tưởng
- Ảo giác
- Tư duy (ngôn ngữ) vô tổ chức
- Hành vi vô tổ chức
- Các triệu chứng âm tính.
Đi kèm theo đó là tình trạng cảm xúc thờ ơ vô cảm, suy giảm chức năng nhận thức, chức năng nghề nghiệp và xã hội. Mời bạn đọc tiếp để hiểu thêm về 5 triệu chứng điển hình ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.
1. Hoang tưởng
Hoang tưởng (Delusions) là những niềm tin sai lệch và không phù hợp thực tế được người bệnh tin tưởng một cách mãnh liệt dù có bằng chứng trái ngược..
Ví dụ: họ tin chắc rằng họ đang bị người khác âm thầm làm hại, quấy rối, theo dõi, mọi người xung quanh thì đang âm mưu để chống lại họ, hoặc có một tai họa khủng khiếp sắp xảy ra khiến họ lo lắng. Triệu chứng này rất đặc trưng ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt.
2. Ảo giác
Ảo giác (Hallucinations) là tình trạng bệnh nhân cho rằng họ đang nghe, nhìn thấy hoặc chạm được một thứ gì đó, nhưng những thứ này đang không tồn tại trong thực tế. Ảo giác có thể xảy ra ở bất kỳ giác quan nào, nhưng ảo thanh là ảo giác phổ biến nhất.
Ví dụ: Thấy một vật gì đó không có hình dạng rõ ràng. Thấy một người đang lao đến bắt mình và làm hại mình. Nghe thấy âm thanh nào đó hoặc có người đang nói chuyện dù thực tế không có ai…
3. Tư duy (suy nghĩ) vô tổ chức
Tư duy (suy nghĩ) vô tổ chức thường được biểu hiện thông qua lời nói của người bệnh. Người bệnh có thể nói từ chủ đề này sang chủ đề khác (nói lạc đề), hoặc trả lời nội dung có thể chỉ liên quan một phần hoặc hoàn toàn không liên quan. Trong những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể nói những câu hoặc từ không có ý nghĩa.
Ví dụ: Bệnh nhân đang trao đổi về chủ đề A nhưng sau đó lại đột ngột chuyển sang chủ đề B, hoàn toàn không liên quan giữa hai chủ đề. Tình trạng này khiến họ gặp khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, mọi người xung quanh không thể hiểu được họ đang muốn nói gì.
4. Hành vi vô tổ chức
Hành vi vô tổ chức hay hành vi bất thường (Grossly Disorganized or abnormal motor behavior) là tình trạng bệnh nhân có những hành vi giống như trẻ con không phù hợp độ tuổi, kích động không dự đoán được, hành động không có chủ đích, các cử động kỳ quặc, rập khuôn lặp đi lặp lại.
Ví dụ: Người bệnh tâm thần thường có hành động nhìn chằm chằm, nhăn mặt, nhại lại lời nói hoặc không nói gì và một số hành vi khác.
5. Các triệu chứng âm tính
Các triệu chứng âm tính (Negative symptoms) ở bệnh tâm thần phân liệt là những triệu chứng bao gồm giảm biểu hiện cảm xúc, mất nói (giảm khả năng diễn đạt lưu loát và khả năng tạo suy nghĩ, lời nói), mất động lực (giảm khả năng bắt đầu những hành vi có mục đích), thu rút xã hội, thờ ơ, suy giảm chú ý.
Ví dụ: Bệnh nhân có thể ngồi yên trong vài giờ liền mà không làm gì, hoàn toàn không có động lực thúc đẩy để phải làm gì, trông phờ phạc và rất thiếu sức sống. Thậm chí người bệnh còn bỏ bê ngoại hình, không vệ sinh cá nhân, không tiếp xúc xã hội.
Diễn tiến của bệnh tâm thần phân liệt
Theo thông tin từ MSD Manual – Phiên bản dành cho chuyên gia, các giai đoạn của tâm thần phân liệt được chia ra thành nhiều giai đoạn, tùy vào việc chẩn đoán và phân tích ca của từng chuyên gia mà sẽ có sự khác biệt, nhưng không quá lớn.
1. Giai đoạn tiềm ẩn
Đây là giai đoạn sớm nhất của rối loạn, chưa biểu hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu điển hình. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể có các đặc điểm như yên tĩnh, thụ động, hướng nội, trẻ em có thể có ít bạn bè, thanh thiếu niên thì không có bạn thân, không hẹn hò, và tránh các hoạt động đội nhóm, có thể thích xem tivi, chơi game hơn là tham gia vào các hoạt động xã hội. Một số thanh thiếu niên biểu hiện trong giai đoạn này bởi các triệu chứng ám ảnh- hành vi cưỡng chế. Giai đoạn này cũng có sự suy giảm chức năng học tập, xã hội nhẹ.
2. Giai đoạn báo trước, tiền triệu chứng (Prodromal)
Giai đoạn này đặc trưng bởi các triệu chứng như loạn thần nhẹ, các triệu chứng loạn thần thoáng qua trong thời gian ngắn và tự hết. Người bệnh có thể suy giảm về tư duy (bắt đầu quan tâm đến các ý tưởng trừu tượng, triết học, các câu hỏi huyền bí hoặc mang tính tôn giáo), ngôn ngữ, chức năng vận động, khả năng chịu đựng căng thẳng, cảm xúc hoặc hoà nhập xã hội. Trong giai đoạn này, người nhà và bạn bè thường nhận thấy chức năng người bệnh suy giảm cả về nghề nghiệp, xã hội và chức năng cá nhân.
3. Giai đoạn cấp tính (Active stage)
Giai đoạn mà các triệu chứng bắt đầu bộc phát. Bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, lời nói hoặc hành vi vô tổ chức. Giai đoạn này người bệnh cần được can thiệp và điều trị.
4. Giai đoạn mãn tính/ di chứng (Chronic/Residual stage)
Ở giai đoạn này, các triệu chứng đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt có thể đã bắt đầu giảm nhẹ. Tuy nhiên, người bệnh sẽ có biểu hiện thu rút xã hội, không còn muốn nói chuyện, cảm xúc cùn mòn, vô cảm, mất hứng thú với cuộc sống và có một số hành vi kỳ quặc, khác thường. Chức năng xã hội trong giai đoạn này suy giảm có xu hướng ổn định không tiến triển hơn.
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt
Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO và một số các nghiên cứu cho biết, đến nay nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt chưa được xác định. Các chuyên gia chỉ khoanh vùng một số nguyên nhân như yếu tố môi trường, gen di truyền, các yếu tố tác động tâm lý hoặc có liên quan đến việc lạm dụng sử dụng chất kích thích làm tăng khả năng bị loạn thần.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt
Theo Tổ chức Y tế thế giới – WHO và một số các nghiên cứu cho biết, đến nay nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt chưa được xác định. Các giả thiết cho rằng tâm thần phân liệt được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan các chất dẫn truyền sinh học gen di truyền, các yếu tố môi trường xã hội và nhiều nguyên nhân khác
Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt
Dựa theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê rối loạn tâm thần DSM – 5 TR, bệnh nhân được chẩn đoán Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn sau:
(A) Có 2 hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây, mỗi triệu chứng biểu hiện trong phần lớn thời gian trong khoảng 1 tháng (hoặc ít hơn nếu điều trị thành công). Ít nhất một trong số đó phải là (1), (2), hoặc (3):
- Hoang tưởng
- Ảo giác
- Ngôn ngữ vô tổ chức (thường xuyên nói lạc đề, nói không liên quan).
- Hành vi vô tổ chức hoặc căng trương lực.
- Các triệu chứng như: Cảm xúc thờ ơ, tư duy nghèo nàn hoặc mất ý chí.
(B) Đối với một phần đáng kể thời gian từ lúc phát bệnh, mức độ hoạt động trong một hoặc nhiều lĩnh vực như công việc, mối quan hệ với người khác, chăm sóc bản thân, thấp hơn rõ ràng so với mức độ trước khi phát bệnh (hoặc khi phát bệnh ở thiếu niên hoặc vị thành niên, sẽ không đạt được mức độ mong đợi trong các hoạt động học tập, nghề nghiệp, mối quan hệ).
(C) Dấu hiện của rối loạn tồn tại liên tục ít nhất 6 tháng. Giai đoạn 6 tháng này bao gồm: Ít nhất 1 tháng các triệu chứng (hoặc ít hơn nếu điều trị thành công) đáp ứng tiêu chuẩn A (giai đoạn hoạt động) và có thể bao gồm các giai đoạn của các triệu chứng tiền triệu hoặc di chứng. Trong suốt giai đoạn tiền triệu chứn hoặc di chứng, các dấu hiệu của rối loạn có thể chỉ biểu hiện bằng triệu chứng âm tính hoặc biểu hiện hai hoặc nhiều triệu chứng của tiêu chuẩn A dưới dạng suy yếu (VD: niềm tin kỳ lạ, trảii nghiệm tri giác bất thường).
(D) Rối loạn cảm xúc phân liệt, rối loạn trầm cảm hoặc lưỡng cực với các triệu chứng loạn thần phải được loại trừ vì:
- Không có giai đoạn trầm cảm hoặc hưng cảm nặng xảy ra đồng thời với các triệu chứng giai đoạn hoạt động
- Nếu các giai đoạn khí sắc cùng với triệu chứng giai đoạn hoạt động thì giai đoạn khí sắc cũng biểu hiện tối thiểu trong tổng thời gian của giai đoạn hoạt động và giai đoạn di chứng của bệnh.
(E) Rối loạn không phải do ảnh hưởng sinh lý của một chất (VD: ma túy, thuốc) hoặc một tình trạng bệnh lý khác.
(F) Nếu tiền sử có rối loạn phổ tự kỷ hoặc rối loạn giao tiếp khởi phát thời niên thiếu, thì chẩn đoán thêm về tâm thần phân liệt chỉ được thực hiện khi các hoang tưởng hay ảo giác nổi bật, kèm theo các triệu chứng đòi hỏi khác của tâm thần phân liệt cũng phải có mặt ít nhất 1 tháng (hoặc ít hơn nếu điều trị thành công).
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán phân biệt được áp dụng để các bác sĩ tâm thần có thể phân loại và khoanh vùng chính xác tình trạng của bệnh nhân trước khi đưa ra chẩn đoán. Các rối loạn tâm thần khác có triệu chứng tương tự với tâm thần phân liệt bao gồm:
- Rối loạn loạn thần ngắn (loạn thần cấp)
- Rối loạn hoang tưởng
- Rối loạn phân liệt cảm xúc
- Rối loạn dạng phân liệt
- Rối loạn nhân cách loại phân liệt.
Cách điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ – NIMH, có nhiều phương pháp để điều trị tâm thần phân liệt, trong đó có sử dụng thuốc chống loạn thần, trị liệu tâm lý, hỗ trợ giáo dục và nhận sự phối hợp chăm sóc đặc biệt từ các cơ sở ý tế có chức năng; tuy nhiên phổ biến nhất là sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý.
Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần (Antipsychotic medications) có thể giúp làm giảm các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác và một số triệu chứng khác.
Tùy thuộc vào tình trạng và chuẩn đoán của mình, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Hiện nay, có hai dòng thuốc điều trị chống loạn thần chủ yếu:
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ nhất (FGA): Có nhiều tác dụng phụ và có khả năng gây ra rối loạn vận động ở người bệnh. Chi phí của FGA thường thấp hơn nên đây cũng là điều cần cân nhắc nếu phải sử dụng thuốc lâu dài. Một số loại thuốc điển hình: Fluphenazine, Haloperidol, Chlorpromazine,…
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (SGA): Thường được ưa chuộng hơn vì ít các tác dụng phụ, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có nguy cơ mắc các hội chứng chuyển hóa do dùng thuốc. Một số loại thuốc điển hình: Risperidone, Aripiprazole, Cariprazine…
- Ngoài ra, hiện nay thuốc chống loạn thần thế hệ thứ ba như cariprazine cũng cho thấy có hiệu quả cả trên các triệu chứng dương tính và âm tính.
Trị liệu tâm lý
Một trong các liệu pháp tâm lý được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt đó là Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Các liệu pháp tâm lý sẽ giúp cải thiện các triệu chứng thứ phát do bệnh gây ra như triệu chứng trầm cảm, lo lắng hoặc các tình trạng liên quan đến sử dụng chất.
Các liệu pháp tâm lý sẽ giúp cải thiện các triệu chứng thứ phát do bệnh gây ra
Liệu pháp sốc điện ECT
Liệu pháp sốc điện (ECT) là một thủ thuật để dòng điện qua não nhằm tạo ra các cơn co giật có kiểm soát. Cơn co giật được cho là kích hoạt sự giải phóng của các neuron thần kinh trong não. Tuy nhiên, tác dụng phụ của liệu trình này có thể bao gồm mất trí nhớ ngắn hạn.
Thủ thuật này thường được áp dụng với những bệnh nhân không tiếp nhận với các phương pháp điều trị khác.
Dù là với phương pháp nào thì mục tiêu chung của các phương pháp điều trị đều là:
- Giảm liều sử dụng thuốc cho bệnh nhân
- Phục hồi và cải thiện các chức năng của bệnh nhân
- Giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng loạn thần
- Ngăn ngừa tái phát và kiểm soát các triệu chứng gây suy giảm chức năng.
Các câu hỏi thường gặp
Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không?
Theo thông tin trên Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Hoa Kỳ – Cleveland Clinic, bệnh tâm thần phân liệt không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được điều trị thuyên giảm các triệu chứng và kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn sau khi điều trị.
Bệnh tâm thần phân liệt và đa nhân cách có giống nhau không?
Tâm thần phân liệt và rối loạn đa nhân cách là hai bệnh lý khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn. Nguyên nhân là do hai bệnh này đều có những triệu chứng và biểu hiện tương tự.
Về mặt bệnh học, rối loạn nhân cách kiểu phân liệt và tâm thần phân liệt được định nghĩa chung và gom cùng các nhóm triệu chứng như: Hoang tưởng, ảo giác, ngôn ngữ vô tổ chức, hành vi vô tổ chức (bao gồm căng trương lực) và các triệu chứng âm tính.
Tôi có thể làm gì nếu có người thân có dấu hiệu tâm thần phân liệt?
Nếu bạn nhận thấy người thân có dấu hiệu tâm thần phân liệt hoặc tình trạng liên quan, bạn có thể thử giúp đỡ họ bằng cách làm như sau:
- Hỏi họ có cần sự giúp đỡ của bạn không: Lắng nghe và gợi ý sự giúp đỡ của bạn cho họ.
- Khuyến khích họ đi điều trị: Nếu có cơ hội bạn có thể gợi ý hoặc đưa họ đến các bệnh viện có chuyên khoa Tâm thần để được chẩn đoán và hỗ trợ.
- Đừng phán xét hay tranh luận: Tránh phán xét hoặc tranh cãi với họ về điều gì là thật và điều gì là giả. Họ đã mất khả năng phân biệt giữa cái thật và cái giả do các triệu chứng của bệnh gây ra.
Kết luận
Bệnh tâm thần phân liệt là một căn bệnh nguy hiểm với nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Bạn cần lưu ý các triệu chứng và dấu hiệu, để trong trường hợp nhận thấy người thân hoặc bất kỳ ai có dấu hiệu tương tự, bạn sẽ biết cách can thiệp hỗ trợ kịp thời.
Qua bài viết này, HelloBacsi hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn, chính xác hơn về bệnh tâm thần phân liệt. Lưu ý quan trọng, bệnh tâm thần phân liệt phải được bác sĩ hoặc chuyên gia chẩn đoán và điều trị trực tiếp. Thông tin ở báo chí, mạng xã hội hoặc các tài liệu nghiên cứu chỉ mang tính chất tham khảo, không được dùng để chẩn đoán cho bất kỳ một cá nhân nào.
[embed-health-tool-bmi]