Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized Anxiety Disorder – GAD) là bệnh lý khiến bạn thường xuyên rơi vào tình trạng lo âu quá mức kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, run rẩy hoặc thỉnh thoảng có cơn hồi hộp đánh trống ngực… và gây suy giảm chức năng nghề nghiệp và xã hội của người bệnh một cách nghiêm trọng.
Rối loạn lo âu lan tỏa là một dạng bệnh tâm thần có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nữ thường gặp gấp đôi nam. Nếu không sớm điều trị, rối loạn lo âu lan tỏa sẽ tiến triển thành mãn tính với tỷ lệ phục hồi thấp và tỷ lệ tái phát trung bình. Nghiêm trọng hơn, việc lo âu thái quá sẽ khiến người bệnh mang tâm lý bi quan, nặng nề, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Vậy làm sao để ứng phó tốt với chứng bệnh này?
Chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa
Trên thực tế, việc kết luận một người mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa thường không dễ. Các biểu hiện của GAD rất hay bị nhầm lẫn với những tình trạng rối loạn lo âu cũng như nhiều bệnh lý y khoa khác . Nguyên tắc để chẩn đoán rối loạn lo âu dạng này thường dựa trên các biểu hiện đặc trưng ở bệnh nhân, chẳng hạn như:
- Lo âu thái quá về nhiều khía cạnh trong cuộc sống mà không thể kiểm soát hầu như mỗi ngày (kéo dài tối thiểu 6 tháng)
- Cảm giác bồn chồn, dễ trở nên cáu gắt
- Đầu óc trống rỗng, hay phân tâm, khó tập trung
- Hay bị mệt mỏi, căng cơ hoặc chuột rút
- Ra nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay hoặc vùng da dưới cánh tay
- Khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Bồn chồn, không thể ngồi yên một chỗ
Bên cạnh những triệu chứng để chẩn đoán xác định, trong test rối loạn lo âu lan tỏa, các bác sĩ có thể tiến hành thêm một vài xét nghiệm cận lâm sàng (điện tâm đồ, xét nghiệm máu, bài trắc nghiệm tâm lý…) để hỗ trợ chẩn đoán và loại trừ những nguyên nhân khác. Do đó khi nhận thấy bản thân có ít nhất 3 trong các triệu chứng trên trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến cuộc sống thì bạn nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa Tâm thần chẩn đoán sớm để điều trị.
Cách điều trị rối loạn lo âu lan tỏa phổ biến
Việc dùng thuốc hiện được xem là cách điều trị rối loạn lo âu lan tỏa phổ biến nhằm giảm bớt lo âu và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực. Song song với việc dùng thuốc theo phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, các bác sĩ còn kết hợp thêm liệu pháp tâm lý để giúp người bệnh giải quyết các vấn đề về nhận thức và suy nghĩ từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Thời gian điều trị dài hay ngắn tùy vào mức độ biểu hiện lo âu ở từng người, nhưng trung bình dao động trong khoảng từ 12-24 tháng. Sau đây là chi tiết về từng cách điều trị mà bạn có thể tham khảo:
Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa bằng thuốc
Những thuốc dùng trong phác đồ điều trị GAD thông dụng bao gồm các loại như:
- Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Sertraline, Paroxetine,….
- Nhóm thuốc ức chế Serotonin và Noradrenaline (SNRI): Venlafaxine,….
- Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Clomipramin, Amitriptylin, Tianeptine…do có nhiều tác dụng phụ nên hiện nay ít được dùng.
- Nhóm benzodiazepine: Lorazepam, Diazepam… thường cho tác động nhanh (từ 30 phút đến 1 giờ) nhưng cần lưu ý tình trạng lệ thuộc nếu dùng kéo dài
- Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI), thuốc chống loạn thần, vitamin nhóm B và một số thuốc giúp nuôi dưỡng tế bào thần kinh khác.
Người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc tự ý mua thuốc điều trị để không gặp phải những phản ứng bất lợi làm cho bệnh diễn tiến xấu đi.
Liệu pháp tâm lý
Phương pháp này được đánh giá cao khi áp dụng phối hợp trong cách điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Sở dĩ như vậy là vì nó giúp người bệnh nhìn nhận rõ bản chất của vấn đề ở từng sự việc gây lo lắng. Từ đó họ sẽ bình tĩnh hơn và có thêm tinh thần, biết cách điều chỉnh cảm xúc suy nghĩ của bản thân để ứng phó với bệnh tật.
Việc trị liệu bằng tâm lý chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức trò chuyện trực tiếp giữa người bệnh và chuyên gia. Cụ thể, sau khi lắng nghe những chia sẻ từ bệnh nhân, chuyên gia tâm lý sẽ đưa lời khuyên phù hợp kèm theo hướng dẫn chi tiết (chẳng hạn các bài thực hành thư giãn, tập thở hoặc liệu pháp động lực tâm lý) để người bệnh có khả năng tự kiểm soát được cảm xúc của bản thân dễ dàng trong mọi tình huống. Nhờ đó, họ sẽ nhanh chóng lấy lại được trạng thái cân bằng và cảm thấy hạnh phúc hơn.
Những lưu ý quan trọng khi điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
GAD không thể chữa khỏi dứt điểm một sớm một chiều. Thuốc điều trị vẫn là nguyên tắc quan trọng trong việc chữa trị GAD. Vì thế người bệnh cần hết sức kiên nhẫn hợp tác với phác đồ điều trị rối loạn lo âu lan tỏa. Người bệnh không được dừng điều trị giữa chừng bởi việc này sẽ làm cho bệnh dễ phát trở lại và càng khó trị hơn trước. Tuy nhiên, đây là bệnh lí có thể chữa khỏi được nên đừng quá bi quan và lo lắng nhé!
Ngoài ra, người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống, tránh để bản thân rơi vào căng thẳng quá mức bằng việc áp dụng các biện pháp như: luyện tập thể thao, ngồi thiền hoặc các biện pháp thư giãn lành mạnh khác (đọc sách, nghe nhạc, liệu pháp mùi hương…). Bệnh nhân cũng không nên sử dụng rượu, bia vì bất kỳ lý do gì bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuốc đang dùng.
Mong rằng những chia sẻ vừa rồi đã phần nào giúp bạn hiểu hơn về hướng điều trị rối loạn lo âu lan tỏa hiện nay. Đây là tình trạng sức khỏe có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Do vậy, nếu có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra nhé!
[embed-health-tool-bmi]