Mỗi bệnh nhân rối loạn ám ảnh sẽ biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Phương pháp điều trị bệnh cũng phải căn cứ vào biểu hiện và mức độ nghiêm trọng của những dấu hiệu mà bệnh nhân đang trải qua.
Cuốn “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần” cho rằng rối loạn ám ảnh là sự hiện diện của nỗi ám ảnh hoặc cưỡng chế gây phiền toái và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
Các bác sĩ tâm thần và các nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn ám ảnh có thể được chia thành 8 loại khác nhau dựa trên bản chất của những triệu chứng mà bệnh nhân đã trải qua.
5 phân nhóm bệnh rối loạn ám ảnh thường gặp
Nỗi ám ảnh về việc lau dọn nhà cửa
Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi phân nhóm triệu chứng rối loạn ám ảnh lau dọn nhà cửa, bạn sẽ thường bị khó chịu với cảm giác ô nhiễm. Khi đó, bạn liên tục rửa hoặc lau sạch các bề mặt để làm giảm sự khó chịu đó.
Ví dụ, bạn thấy bàn tay của mình bị bẩn sau khi chạm vào tay nắm cửa hoặc lo lắng rằng vi khuẩn trên tay bạn sẽ lây lan sang người khác. Để thoát khỏi cảm giác này, bạn phải tự mình rửa tay liên tục hàng giờ đồng hồ. Trong mỗi lần rửa, bạn phải cố gắng chà thật mạnh hoặc dùng xà phòng diệt khuẩn để “trấn an’ bản thân rằng vi khuẩn sẽ không còn trú ngụ ở bàn tay của mình nữa.
Điểm đặc trưng của dạng bệnh này là người bệnh rất thường xuyên dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, kể cả khi mọi thứ dường như không còn gì để dọn.
Những ám ảnh về tai họa
Nếu bạn gặp phải những triệu chứng ám ảnh dạng này, bạn sẽ thường có những suy nghĩ mãnh liệt về những tai họa có thể xảy ra với bản thân hoặc những người xung quanh. Vì thế, bạn phải thường xuyên kiểm tra để chắc chắn mình và mọi người đang được an toàn.
Ví dụ, khi bạn đi ra khỏi nhà, có thể bạn luôn tưởng tượng đến cảnh ngôi nhà của mình đang bị cháy. Mọi thứ trong nhà dần bị thiêu rụi. Từ đó, bạn luôn nóng lòng muốn trở về nhà ngay lập tức để kiểm tra và đảm bảo không có đám cháy nào xảy ra trong nhà của bạn.
Người bệnh thường lo sợ về mọi thứ xung quanh. Họ cho rằng tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Rối loạn ám ảnh suy nghĩ ép buộc
Kiểu bệnh này thường liên quan đến những ám ảnh về điều không mong muốn xung quanh các chủ đề tình dục, tôn giáo hoặc sự xung đột.
Ví dụ, bạn có thể hình thành những suy nghĩ về việc trở thành kẻ hiếp dâm, bị hiếp dâm hoặc bạn sẽ tấn công một ai đó. Khi đó, bạn phải thường xuyên sử dụng những nghi thức tinh thần như cầu nguyện hoặc nghe kinh phật để giải tỏa những suy nghĩ không tự nguyện này.
Bệnh nhân không thể kiểm soát được ý nghĩ mình trở thành nạn nhân hoặc chủ động tấn công một ai đó.
Ám ảnh với sự sắp xếp
Khi mắc phải kiểu bệnh rối loạn ám ảnh này, bạn luôn cảm thấy cần phải sắp xếp mọi thứ xung quanh mình cho đến khi chúng “vừa phải”.
Ví dụ, bạn thấy mình cần phải liên tục sắp xếp tủ quần áo của mình để chúng gọn gàng và hệ thống về màu sắc. Kiểu bệnh rối loạn ám ảnh với sự sắp xếp cũng có thể liên quan đến việc suy nghĩ hoặc lặp đi lặp lại những câu nói cho đến khi bản thân hoặc người khác hoàn thành nhiệm vụ.
Đôi khi, kiểu rối loạn này khiến người bệnh tự dằn vặt bản thân khi có một sự cố đáng tiếc nào đó xảy ra trong cuộc sống.
Người bệnh luôn đặt ra yêu cầu rất cao với sự ngăn nắp và tính hệ thống. Những tiêu chuẩn của họ có thể làm người sống chung cực kỳ ngột ngạt.
Rối loạn ám ảnh tích trữ
Rối loạn ám ảnh dạng tích trữ là một chẩn đoán khác biệt trong cuốn “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần”. Người mắc bệnh này thường xuyên thu thập những vật dụng cũ như sách báo, tạp chí, quần áo, hóa đơn, túi ni lông…
Không gian sống của bệnh nhân thường chật hẹp và quá tải với rất nhiều đồ cũ. Người bệnh thường xuyên lo lắng về việc mất đồ hoặc đến một ngày nào đó mình sẽ sử dụng những món đồ mình đang tích trữ.
Những người trong phân nhóm rối loạn ám ảnh tích trữ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn bệnh nhân ở những phân nhóm rối loạn ám ảnh khác.
Bệnh nhân có xu hướng lưu giữ tất cả mọi thứ với suy nghĩ “rồi sẽ có lúc mình cần dùng đến”.
3 kiểu bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế phổ biến
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế chích da
Đây cũng là một chẩn đoán bệnh khác biệt trong cuốn “Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần”. Bệnh nhân liên tục thực hiện những hành vi như cào cấu, chích vào da cho đến khi bản thân bị tổn thương, chảy máu hoặc gặp những vấn đề nghiêm trọng khác. Loại bệnh này xảy ra ở 1-2% dân số thế giới.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế kéo tóc
Người mắc phải bệnh này thường không thể ngừng việc kéo, giật tóc, lông mày, lông mi hoặc lông/ tóc ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể. Bệnh nhân thường được điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi trong thời gian dài.
Rối loạn ám ảnh về ngoại hình cơ thể
Đặc trưng của bệnh là người bệnh hay bận tâm về những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Khiếm khuyết này có thể nhìn thấy ở vẻ bề ngoài hoặc do bản thân bệnh nhân tự tưởng tượng ra.
Từ đó, họ luôn lặp đi lặp lại hành vi chải chuốt, kiểm tra ngoại hình hoặc so sánh vẻ bề ngoài của mình với người khác. Người bệnh cũng có thể ám ảnh về cơ bắp của bản thân. Họ cho rằng cơ bắp của họ quá lớn hoặc quá nhỏ so với kích thước toàn bộ cơ thể.
Các dạng bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế có liên quan đến một số chất, thuốc trị bệnh hoặc một tình trạng y tế khác. Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến những yếu tố thuộc về đời sống tinh thần.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em
Nhiều người nghĩ rằng bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế chỉ ảnh hưởng đến người lớn nhưng thực tế, trẻ em vẫn có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ở trẻ em có có nhiều điểm khác biệt về bản chất của triệu chứng và quá trình điều trị so với bệnh ở người lớn.
Trước đây, nhiều người tin rằng bệnh xảy ra do sự kết hợp của yếu tố căng thẳng, di truyền và sự mất cân bằng hóa chất trong não. Tuy nhiên, y học hiện đại ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh này có liên quan đến một số bệnh rối loạn miễn dịch do nhiễm liên cầu khuẩn, nhiễm trùng hoặc sốt.
Điều trị bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Phương thức điều trị bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Đời sống tinh thần trong quá khứ
- Khả năng đáp ứng thuốc điều trị
- Khả năng phản ứng của bệnh nhân với phương pháp trị liệu hành vi nhận thức hoặc phòng ngừa phản ứng tiếp xúc
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh
- Sự hiện diện của các bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn tâm thần…
Nói chung, hầu hết các kiểu bệnh này đều có thể điều trị bằng phương pháp kết hợp giữa liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức, phòng ngừa phản ứng tiếp xúc và thuốc. Song, rối loạn tích trữ là trường hợp ngoại lệ. Kiểu bệnh này không được cải thiện khi dùng thuốc nhưng nó lại có sự thay đổi tích cực khi điều trị bằng liệu pháp tâm lý.
Mỗi bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ để chọn được cách điều trị phù hợp nhất với các triệu chứng bệnh mình đang gặp.
[embed-health-tool-bmi]