Bạn nói rằng chẳng có điều gì xảy ra nhưng bên trong tâm trí bạn thực chất đang có hàng trăm vấn đề ngổn ngang. Bạn cố gắng hết sức để mỉm cười và tự tạo sự vui vẻ bên ngoài, dù tâm hồn bạn đang bật khóc với một thế giới nội tâm đầy xáo trộn.
6. Cảm thấy cô đơn thường xuyên

Nếu bạn luôn tỏ thái độ tức giận và cáu gắt với mọi người xung quanh thì chính bạn mới đang khiến cho các mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn đấy! Trong khi đó, việc che giấu cảm xúc thật cũng gây cản trở khiến mọi người không thể biết được bạn đang mong muốn gì. Điều này dễ khiến bạn cảm thấy cô đơn và lạc lõng vô cùng.
Bạn sẽ suy nghĩ rằng không ai hiểu mình, không ai chấp nhận mình và không ai có thể giúp đỡ mình. Bạn cố xử lý mọi thứ một mình, vật lộn với tình trạng tồi tệ của bản thân từ ngày này qua ngày khác, khiến tình trạng mệt mỏi tinh thần ngày một nghiêm trọng hơn.
7. Muốn né tránh mọi người
Bạn có thể muốn trốn trong một góc nào đó mà không có ai ở bên, che giấu bản thân trước mọi người hoặc tìm cách hành xử khác đi so với mọi người. Thế nhưng, chính sự giam cầm bản thân và không giao tiếp với mọi người sẽ càng khiến tâm hồn bạn trở nên tồi tệ hơn.
Bạn vẫn nên cố gắng bắt kịp những cuộc trò chuyện hằng ngày và gần gũi với mọi người, ngay cả khi bạn muốn ở một mình.
8. Suy nghĩ tiêu cực hình thành
Nếu bạn đã quen với việc chú ý vào những thứ tiêu cực và tồi tệ, tâm hồn bạn có thể đang bị kiệt sức rồi đấy! Bạn không muốn tạo năng lượng tích cực cho bản thân mà trái lại, bạn chỉ hướng đến hoặc mong chờ những điều tiêu cực. Chính điều này ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn và tạo ra cảm giác mệt mỏi.
Sẽ có những ngày trong cuộc đời mà bạn thấy rằng mọi thứ dường như đều muốn chống lại bạn, mọi thứ bạn làm đều không như ý muốn khiến bạn muốn từ bỏ mọi thứ. Chính những suy nghĩ tiêu cực là một trong các lý do phổ biến dẫn đến tâm trạng cáu gắt và trầm cảm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: 5 bước chiến thắng những suy nghĩ tiêu cực.
Làm sao để giảm mệt mỏi tinh thần?

Để vượt qua cảm giác mệt mỏi trong lúc tinh thần đang gặp phải nhiều vấn đề nan giải, bạn có thể thử áp dụng những bí quyết sau đây.
• Xem xét lại các mối quan hệ: Bạn có quyền từ chối những mối quan hệ hoặc môi trường khiến bạn mệt mỏi. Nếu bạn bè, người yêu hay môi trường làm việc ảnh hưởng tiêu cực đến bạn thì bạn cần dành thời gian để xem liệu có nên tiếp tục không.
• Mở lòng chia sẻ với người thân: Bạn hãy cởi mở và chia sẻ lo âu với một ai đó đáng tin cậy, nói cho họ biết bạn đang gặp phải vấn đề gì. Người ngoài cuộc thường sẽ tỉnh táo hơn để giúp bạn giải quyết tình huống hoặc đơn giản chỉ là đưa ra những lời khuyên cần thiết.
• Hướng tới suy nghĩ tích cực: Sẽ không quá khó để tập cho bản thân hướng đến những điều tích cực và tốt đẹp trong cuộc sống. Chỉ cần để ý lưu tâm hơn một chút, bạn sẽ nhận thấy rất nhiều điều tích cực và tử tế xung quanh mình đấy!
• Trân trọng hiện tại: Khoảnh khắc hiện tại dù có khó khăn và khắc nghiệt đến dường nào thì cũng là tình huống bạn phải đối mặt. Thay vì chọn cách né tránh, bạn hãy trân trọng từng phút giây ở hiện tại và xem đó là một bài học quý giá giúp mình tìm được nhiều cách giải quyết vấn đề trong tương lai.
• Nhờ đến sự can thiệp của chuyên gia: Mệt mỏi có thể xem là một tình trạng bệnh lý. Do đó, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về tình trạng sức khỏe và trạng thái tâm lý của bản thân để kịp thời có hướng điều trị phù hợp.
Hãy kiểm tra thử xem liệu bạn có đang gặp phải những dấu hiệu mệt mỏi tinh thần phổ biến nào ở trên không nhé! Càng nhận ra sớm, bạn sẽ càng thấy dễ dàng hơn trong việc giải quyết khó khăn của bản thân và từ đó mang lại niềm vui trong cuộc sống của chính mình.
Minh Thư | HELLO BACSI