backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/02/2020

Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu là gì?

Tốc độ máu lắng, hay tốc độ lắng hồng cầu (ESR), là xét nghiệm máu có thể tiết lộ các phản ứng viêm trong cơ thể. Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu tuy không phải là một công cụ chẩn đoán độc lập, nhưng nó có thể giúp bác sĩ chẩn đoán hoặc theo dõi tiến triển của phản ứng viêm.

Xét nghiệm được thực hiện bằng phương pháp đưa máu đã được chống đông vào trong một cột thẳng đứng và đánh giá chiều cao của cột huyết tương còn lại sau 1 giờ. Phản ứng viêm có thể làm cho các tế bào kết tụ và “lắng’ xuống đáy nhanh hơn các tế bào đứng riêng lẻ. Xét nghiệm giúp phát hiện một cách sơ bộ nhưng không quá tốn kém tình trạng rối loạn sinh học liên quan tới phản ứng viêm.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm?

Các xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu có thể hữu ích khi cần xác định tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, một số loại viêm khớp và các triệu chứng ảnh hưởng đến cơ bắp.

Bạn có thể cần xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu nếu gặp những triệu chứng như:

  • Đau khớp hoặc cứng khớp kéo dài hơn 30 phút vào buổi sáng
  • Đau đầu
  • Giảm cân bất thường không lý do
  • Đau ở vai, cổ hoặc xương chậu
  • Các triệu chứng tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, sốt, có máu trong phân hoặc đau bụng bất thường

Ngoài ra, xét nghiệm có thể giúp xác nhận chẩn đoán một số bệnh như:

Xét nghiệm này cũng có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng của phản ứng viêm, từ đó lên kế hoạch theo dõi hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu không thể xác định chính xác vấn đề gây viêm trong cơ thể nên thường đi kèm với các xét nghiệm máu khác, như xét nghiệm protein phản ứng C (CRP).

Quy trình thực hiện

Chuẩn bị và tiến hành xét nghiệm

Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu là một loại xét nghiệm máu đơn giản. Người bệnh không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc hay các chất bổ sung khác, hãy thông báo cho bác sĩ vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả. Nếu là nữ giới đang mang thai hoặc đang có kinh nguyệt, bác sĩ cũng cần biết thông tin này.

Kỹ thuật viên sẽ sử dụng kim để trích máu từ tĩnh mạch tay. Sau khi trích máu, khu vực lấy máu có thể bị nhức trong vài giờ, nhưng người bệnh có thể tiếp tục hầu hết các hoạt động bình thường. Một số người sẽ cảm thấy hơi choáng hay chóng mặt, nhưng nhìn chung, thủ thuật này là an toàn cho người bệnh.

Toàn bộ thời gian lấy mẫu máu thường mất khoảng tối đa 5 phút.

Các phương pháp thực hiện

Có những phương pháp xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu nào?

Có hai phương pháp để đo tốc độ lắng hồng cầu là phương pháp Westergren và phương pháp Wintrobe.

  • Phương pháp Westergren. Trong phương pháp này, máu của bệnh nhân được cho vào ống lắng Westergren-Katz cho đến khi mức máu đạt tới 200 milimet (mm). Các ống được lưu trữ theo chiều dọc và giữ nguyên vị trí ở nhiệt độ phòng trong 1 giờ. Sau đó, khoảng cách giữa đỉnh của hỗn hợp máu và đỉnh của phần hồng cầu lắng đọng sẽ được đo. Phương pháp này cho kết quả có độ tin cậy cao và được áp dụng nhiều.
  • Phương pháp Wintrobe tương tự như phương pháp Westergren, ngoại trừ ống lắng được sử dụng dài 100 mm và mỏng hơn. Nhược điểm của phương pháp này là nó kém nhạy hơn phương pháp Westergren.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu là gì?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Kết quả từ xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu được biểu thị bằng milimet (mm) sau một giờ (h). Phạm vi bình thường được tham khảo như sau:

  • Nam dưới 50 tuổi: < 15 mm/h, trên 50 tuổi: < 20mm/h.
  • Nữ: dưới 50 tuổi: < 20mm/h, trên 50 tuổi: < 30 mm/h. Những tháng cuối thai kỳ và thời gian sau sanh: < 50 mm/h. Trong thời gian hành kinh: < 40mm/1h.
  • Trẻ nhỏ: 3 – 13 mm/h.
  • Trẻ sơ sinh: 0 – 2 mm/h.

Đối với nữ trong thai kỳ, tốc độ lắng hồng cầu tăng nhẹ từ tháng thứ 3 rồi trở lại bình thường sau sanh 1 tháng.

Nguyên nhân gây tăng hoặc giảm giá trị kết quả

Nguyên nhân gây tăng tốc độ lắng hồng cầu là gì?

Tốc độ lắng hồng cầu cung cấp một phần thông tin để giúp bác sĩ kiểm tra sức khỏe người bệnh. Khi kết quả xét nghiệm cho giá trị cao hơn bình thường, bác sĩ có thể khoanh vùng được các nguyên nhân chính thường gặp như:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn: Cấp tính (như viêm phổi, viêm ruột thừa) hoặc mạn tính (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm xương, áp-xe, lao)
  • Các bệnh lý khối u và ung thư (như u lympho, đa u tủy xương)
  • Các phản ứng viêm mạn tính (như viêm ruột hay còn gọi là bệnh Crohn, viêm đa khớp mạn tính tiến triển, bệnh đau xơ cơ do thấp, bệnh Horton)
  • Bệnh tự miễn (như bệnh lupus ban đỏ hệ thống).
  • Nhồi máu cơ tim cấp
  • Nhiễm nấm hay ký sinh trùng
  • Thiếu máu nặng

Tăng tốc độ lắng hồng cầu đi kèm với tăng bạch cầu gợi ý các chẩn đoán sau:

  • Nhiễm vi khuẩn
  • Ổ áp-xe sâu
  • Khối u hoại tử
  • Tăng tốc độ lắng hồng cầu không đi kèm với tăng bạch cầu gợi ý các chẩn đoán sau:

    • Bệnh tự miễn
    • Viêm động mạch thái dương
    • Bệnh lý khối u, u lympho
    • Tình trạng viêm mạn tính (như viêm đa khớp dạng thấp)

    Nguyên nhân gây giảm tốc độ lắng hồng cầu

    Các nguyên nhân chính thường gặp là:

    Độ chính xác của xét nghiệm

    Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu có chính xác không?

    Một số điều kiện có thể ảnh hưởng đến các tính chất của máu, kéo theo ảnh hưởng đến tốc độ lắng của các tế bào hồng cầu trong một mẫu máu. Vì vậy, thông tin về phản ứng viêm có thể bị che khuất. Những yếu tố gây ảnh hưởng phức tạp này bao gồm:

    • Tuổi cao
    • Thiếu máu
    • Mang thai
    • Vấn đề về thận
    • Bệnh tuyến giáp
    • Một số bệnh ung thư, chẳng hạn như đa u tủy
    • Nhiễm trùng

    Bác sĩ sẽ tính đến các yếu tố phức tạp có thể xảy ra khi diễn giải kết quả xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu của người bệnh.

    Ý nghĩa của xét nghiệm

    Ý nghĩa của xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu là gì?

    Xét nghiệm này được coi như một “tín hiệu báo động” chỉ dẫn sự hiện diện của hội chứng viêm, mặc dù có thể không chỉ dẫn chính xác nguồn gốc viêm. Giá trị tốc độ lắng hồng cầu tăng rất cao có thể gặp trong các trường hợp nhiễm trùng phổi và tiết niệu (chiếm 60%), hội chứng viêm không do nhiễm trùng (chiếm 10%), bệnh lý ung thư (chiếm 15%) và các tổn thương hoại tử mô (chiếm khoảng 5%). Ở các bệnh nhân bị viêm động mạch thái dương, tốc độ lắng hồng cầu thường rất cao (> 55 mm/h). Đây là một chỉ dẫn rất quan trọng để quyết định dùng ngay steroid, tránh bị các biến chứng nặng như mù hay đột quỵ cho bệnh nhân.

    Xét nghiệm cũng cho phép theo dõi tiến triển của bệnh lý nguyên nhân đã được xác định (chẳng hạn như để theo dõi một tình trạng nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh hay bệnh tự miễn được điều trị bằng corticoid). Giá trị tốc độ lắng hồng cầu giảm dần phản ánh tình trạng bệnh nguyên nhân của bệnh nhân đang được cải thiện và ngược lại.

    Trong bệnh đau xơ cơ, theo dõi tốc độ lắng hồng cầu định kỳ giúp định hướng liều prednisolone cần dùng để kiểm soát các triệu chứng cho bệnh nhân.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Ban biên tập Hello Bacsi


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 27/02/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo