backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhức mỏi tay chân là bệnh gì? Cách khắc phục

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 30/11/2022

    Nhức mỏi tay chân là bệnh gì? Cách khắc phục

    Nhức mỏi tay chân là bệnh gì? Đây là câu hỏi của nhiều người bởi tình trạng này rất phổ biến. Nguyên nhân nhức mỏi tay chân có thể do chấn thương, nhiễm trùng, hoặc là triệu chứng của một số bệnh lý khác. 

    Cùng tìm hiểu nguyên nhân nhức mỏi tay chân và cách chữa trị tình trạng này.

    Triệu chứng nhức mỏi tay chân 

    Bạn có thể cảm giác nhức mỏi tay chân vào ban đêm hay lúc sáng sớm mới thức dậy. Nhức mỏi thường ở cơ hoặc khớp, gây cản trở trong việc vận động, khiến cơ thể uể oải, mệt mỏi, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Căng cơ là gì? Bạn đã biết nên làm gì khi bị căng cơ chưa?

    Đối tượng thường bị nhức mỏi tay chân

    Nhức mỏi tay chân có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi giới tính. Một số trường hợp thường bị mỏi cơ khớp phổ biến như:

    • Những người mới bắt đầu một môn hoạt động thể chất mới hay đang thay đổi thói quen tập thể dục của mình. Đau nhức cơ có thể xảy ra từ 6 đến 12 giờ sau khi tập luyện và kéo dài đến 48 giờ. 
    • Những người hoạt động làm việc cực nhọc, thường xuyên phải xách, mang vác đồ nặng hay phải chạy xe gắn máy liên tục 
    • Những người mắc bệnh nhiễm trùng (bao gồm cả bệnh cúm) và các rối loạn ảnh hưởng đến các mô liên kết khắp cơ thể
    • Những người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ từ 70 đến 80 tuổi bị hội chứng đau xơ cơ hóa.

    Nhức mỏi tay chân là bệnh gì?

    Nhức tê mỏi chân tay chân có thể là triệu chứng của một số bệnh lý sau:

    Đau cơ xơ hóa

    Đau cơ xơ hóa là tình trạng gây đau nhức, mệt mỏi khắp cơ thể lâu dài. Nguyên nhân chính là do hệ thống thần kinh trong não và cột sống của bạn không thể kiểm soát hoặc xử lý tín hiệu đau từ các bộ phận khác trên cơ thể.

    >>> Đọc thêm về đau cơ xương khớp và cách điều trị

    Bệnh tự miễn

    Các bệnh tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể bạn. Các bệnh tự miễn gây đau nhức mỏi tay chân bao gồm:

    • Bệnh viêm cơ 
    • Lupus ban đỏ hệ thống
    • Bệnh đa xơ cứng (MS)
    • Viêm khớp dạng thấp.

    Viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh thường bị mỏi nhức tay chân nhất vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi yên trong thời gian dài khiến cho các khớp bị biến dạng, sưng cứng.

    Nhiễm khuẩn hoặc vi rút

    Nhức mỏi tay chân do nhiễm trùng

    Nhiễm trùng do vi khuẩn hay vi rút có thể khiến bạn đau nhức khắp người, trong đó có nhức mỏi chân tay. Một số trường hợp còn có triệu chứng sưng hạch bạch huyết, sốt và buồn nôn.

    Các loại nhiễm trùng gây đau nhức cơ bao gồm:

    • Cảm lạnh và cúm thông thường
    • Bệnh Lyme và sốt phát ban Rocky Mountain (nhiễm trùng lây lan qua vết cắn của bọ chét)
    • Bệnh sốt rét
    • Bệnh giun xoắn Trichinosis ( bệnh do thực phẩm).

    Các chấn thương thể thao

    Khi liên tục tác động lên một vùng cơ trong khi tập thể dục hay ngồi sai tư thế khi làm việc, bạn có thể bị nhức mỏi tay chân do hoạt động quá mức.

    Một số loại chấn thương khác gây đau cơ như:

    • Căng cơ và bong gân
    • Gãy xương và chấn thương
    • Viêm gân.

    >>> Tìm hiểu thêm: Chấn thương thể thao: Hiểu rõ để phòng tránh

    Sử dụng thuốc và phương pháp điều trị

    Một số loại thuốc và phương pháp điều trị có thể gây viêm xung quanh tế bào cơ (viêm cơ) hoặc kích hoạt các thụ thể đau cơ, khiến chân tay nhức mỏi như:

    • Thuốc cao huyết áp, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE).
    • Statin để hạ mỡ máu.
    • Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị.

    Các bệnh rối loạn thần kinh cơ 

    Các bệnh rối loạn thần kinh cơ ảnh hưởng đến cơ và các dây thần kinh điều khiển. Điều này có thể gây yếu và đau cơ. Một số bệnh rối loạn thần kinh cơ như:

    • Bệnh xơ cứng teo cơ một bên 
    • Bệnh loạn dưỡng cơ
    • Bệnh nhược cơ
    • Bệnh teo cơ tủy.

    Bệnh gút

    Tay chân bị sưng, đau nhức cũng có thể là dấu hiệu bệnh gút.

    Bệnh tiểu đường

    Lý do mà người bệnh bị đau nhức tay chân là do lượng đường trong máu cao gây ra quá trình stress oxy hóa, làm tổn thương dây thần kinh và mạch máu ở ngoại biên. Do đó, người bệnh có biểu hiện tê bì, nhức mỏi tay chân. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng của bệnh tiểu đường.

    Các nguyên nhân khác

    Ngoài các bệnh lý trên, tình trạng nhức mỏi tay chân còn do những nguyên nhân khác như:

    • Viêm đa rễ thần kinh
    • Suy giãn tĩnh mạch chi
    • Hội chứng ống cổ tay
    • Bệnh ung thư gồm sarcoma mô mềm và bệnh bạch cầu (ung thư máu)
    • Hội chứng suy nhược cơ thể
    • Hội chứng chèn ép khoang
    • Mất cân bằng chất điện giải 
    • Suy giáp
    • Ngồi sai tư thế
    • Ít vận động

    Nếu tình trạng tê mỏi tay chân kéo dài, khiến bạn đau đớn, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và sức khỏe, bạn nên tới thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh lý gì để được điều trị kịp thời.

    >>> Tham khảo thêm: Đau nhức cơ bắp: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

    Cách khắc phục nhức mỏi tay chân

    nhức mỏi tay chân

    Ngoài chỉ định của bác sĩ để điều trị nguyên nhân khiến chân tay đau mỏi, bạn có thể tham khảo một số cách trị nhức mỏi tay chân tại nhà như:

    • Để thoải mái hơn, bạn có thể ngâm mình trong bồn nước ấm với muối Epsom hoặc tắm nước ấm
    • Uống thuốc giảm đau không kê đơn (nên được chỉ định bởi bác sĩ)
    • Thử các liệu pháp như xoa bóp, thiền hoặc châm cứu
    • Khởi động trước khi tham gia các hoạt động thể chất, vận động đều đặn hằng ngày để cơ khớp dẻo dai, giảm nhức mỏi tay chân
    • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

    Nhức mỏi tay chân có thể chỉ là vì thói quen sinh hoạt chưa phù hợp nhưng đôi khi lại là triệu chứng của bệnh lý nào đó cần được điều trị. Vì vậy, ngoài lối sống tốt, bạn cũng nên sắp xếp thăm khám sớm ngay khi có những dấu hiệu bất thường đầu tiên để sớm được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 30/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo