Mặt nổi mẩn đỏ là tình trạng rất thường gặp ở mọi người thuộc mọi độ tuổi. Nổi mẩn đỏ trên mặt không ngứa hoặc kèm ngứa có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này trong bài viết ngay sau đây nhé!
Mặt nổi mẩn đỏ là bệnh gì?
Mặt nổi mẩn đỏ (hay còn được gọi là phát ban trên mặt) có thể đi kèm triệu chứng da khô, ngứa hoặc đau rát. Ngoài một số bệnh da liễu, còn có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị nổi mẩn đỏ trên mặt.
Dưới đây là 9 bệnh lý khiến bạn thấy mặt bị nổi mẩn đỏ khi soi gương:
1. Viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là tình trạng viêm các lớp trên của da, đặc trưng bởi triệu chứng là mặt nổi mẩn đỏ ngứa, bong vảy màu vàng hoặc đỏ dọc theo chân tóc, tai, trên lông mày, quanh mũi. Tình trạng này thường trầm trọng hơn khi cơ thể thay đổi nội tiết tố hoặc điều kiện thời tiết lạnh.
Bác sĩ da liễu thường chỉ định điều trị viêm da tiết bã bằng kem hoặc thuốc bôi chống viêm, chẳng hạn như corticosteroid hoặc thuốc ức chế calcineurin. Nếu tình trạng này xảy ra cả trên da đầu, họ sẽ kê thêm thuốc bôi chống nấm hoặc dầu gội trị nấm.
2. Viêm da tiếp xúc
Mặt nổi mẩn đỏ do viêm da tiếp xúc xảy ra khi da bạn tiếp xúc trực tiếp với một số chất gây kích ứng như chất tẩy rửa, thuốc nhuộm tóc, hóa chất công nghiệp, nước hoa, mủ cao su hay cây thường xuân độc… Bạn có thể bị viêm da tiếp xúc ở bất cứ vùng da nào, phổ biến nhất chính là da mặt.
Triệu chứng như sau:
- Da phát ban, rất ngứa
- Các mảng da sẫm màu hơn bình thường (điển hình với da ngăm)
- Da khô, nứt nẻ, có vảy (điển hình với da trắng)
- Sưng da và nổi mụn nước, đôi khi mụn rỉ dịch ra và đóng vảy
- Nóng rát, đau da.
Mặt bị dị ứng đỏ ngứa phải làm sao? Nếu bạn nghi ngờ do dị ứng, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân và tránh xa chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên thoa kem thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm bớt sưng ngứa và khó chịu.
3. Mặt nổi mẩn đỏ do bệnh chàm
Một nguyên nhân khác khiến mặt nổi mẩn đỏ chính là bệnh chàm. Tình trạng này làm da mặt đỏ, khô, bong tróc và ngứa.
Bệnh chàm ngăn cản hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Điều này khiến cho làn da của bạn nhạy cảm hơn và dễ dàng phản ứng với các chất kích thích gây dị ứng trong môi trường. Hậu quả là mặt đỏ lên một cách đột ngột.
Bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng kem dưỡng ẩm da, thuốc bôi chống viêm; liệu pháp laser; thuốc uống kháng histamin, thuốc uống corticoid hoặc thuốc uống ức chế miễn dịch.
4. Bệnh zona
Bệnh zona (herpes zoster) là một bệnh nhiễm trùng thần kinh do vi-rút varicella-zoster gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên da, bao gồm cả da mặt. Triệu chứng bệnh zona thần kinh ở mặt là mặt nổi mẩn đỏ (phát ban) thành dải ở một bên.
Nhiều người cảm thấy ngứa ran hoặc đau rát 1-2 ngày trên mặt trước khi mặt nổi mẩn đỏ với mụn chứa đầy dịch. Mụn mọc nhiều thành cụm lớn trông giống như vết bỏng. Sau đó, mụn nước vỡ ra, chảy dịch và đóng vảy. Cuối cùng, vảy bắt đầu bong tróc. Một số người gặp tình trạng đau và ngứa sau khi hết phát ban (đau dây thần kinh hậu zona), có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.
Phát ban trên mặt do bệnh zona có xu hướng tự khỏi, nhưng nếu mặt nổi mẩn đỏ kèm theo cảm giác đau thì việc điều trị là đặc biệt cần thiết. Bởi đôi khi, biến chứng zona thần kinh ở mặt có thể làm hỏng thị lực vĩnh viễn. Uống thuốc kháng vi-rút sẽ đẩy nhanh quá trình lành bệnh, góp phần giúp bảo vệ thị lực và ngăn ngừa cơn đau dây thần kinh kéo dài. Ngoài ra, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn uống thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen.
5. Dị ứng thuốc khiến mặt nổi mẩn đỏ
Mặt nổi mẩn đỏ có thể xảy ra do tác dụng phụ của việc dùng thuốc hoặc do phản ứng dị ứng với thuốc. Các loại thuốc gây ra tình trạng này thường là thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, kem hydrocortisol và nhiều loại thuốc khác.
Phát ban do thuốc có thể xuất hiện trong vòng một giờ sau khi dùng một loại thuốc mới hoặc xuất hiện sau đó một vài ngày. Nếu bạn ngừng dùng thuốc gây phát ban, tình trạng này thường tự khỏi sau vài ngày đến vài tuần.
Hiếm khi, phát ban do thuốc cảnh báo phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng là sốc phản vệ. Những phản ứng dị ứng nghiêm trọng này cần được cấp cứu khẩn cấp.
6. Mặt nổi mẩn đỏ do hồng ban đa dạng
Bệnh hồng ban đa dạng khiến bạn đỏ mặt với các mảng hình bia bắn hoặc hình mống mắt kéo dài, dần lan rộng sang cả tai, đầu, cổ, ngực, lưng hoặc đỏ mặt theo từng đợt. Da cũng dễ bị kích ứng hơn, nhất là khi dùng mỹ phẩm hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số người còn gặp triệu chứng da dày lên, nổi rõ mạch máu nhỏ màu đỏ và nổi mụn trứng cá trên vùng da bị đỏ.
Một số trường hợp, hồng ban đa dạng ảnh hưởng tới mắt khiến mắt đỏ ngầu, chảy nước liên tục hoặc bị khô.
Bệnh hồng ban đa dạng không chữa khỏi được, nhưng điều trị sẽ làm giảm triệu chứng.
7. Bệnh vảy nến
Bệnh vẩy nến là một dạng bệnh tự miễn dịch gây viêm trên da, khiến da sản sinh ra các tế bào da mới nhanh chóng chỉ trong vài ngày (bình thường là vài tuần). Các triệu chứng của bệnh vẩy nến bao gồm: phát ban hoặc vùng da dày lên, đổi màu, có vảy và dễ bong tróc ra.
Mặc dù bệnh vẩy nến không thể chữa khỏi, nhưng bác sĩ da liễu có thể chỉ định một số phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng, chẳng hạn như: kem steroid, kem dưỡng ẩm, thuốc làm chậm quá trình sản xuất tế bào da (anthralin), thuốc mỡ vitamin D3, kem vitamin A hoặc retinoid.
8. Bệnh lupus
Lupus là bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các mô và cơ quan của chính bạn (bệnh tự miễn dịch). Tình trạng viêm do bệnh lupus gây ra có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau. Khi ảnh hưởng đến da, bệnh khiến mặt nổi mẩn đỏ hình cánh bướm trên mũi và má.
9. Mặt nổi mẩn đỏ cảnh báo ung thư
U lympho tế bào T, hay ung thư hạch tế bào T ở da, là một loại ung thư hiếm gặp. Bệnh bắt đầu khi xuất hiện đột biến trong ADN của một loại tế bào bạch cầu có tên là lympho T (tế bào T). Dấu hiệu của bệnh thường bắt đầu trên da vì hầu hết các tế bào T được tìm thấy trong da.
Bệnh gây ra các mảng phẳng, có thể có vảy và trông giống như phát ban trên da. Các mảng sẽ dần dày hơn, nổi lên và ngứa. Triệu chứng này thường bị nhầm với bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc viêm da thông thường. Ngoài ra, bệnh ung thư này cũng có thể gây ra các khối u là những vết sưng nổi lên trên da, có thể loét hoặc không.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Tình trạng mặt nổi mẩn đỏ có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian nên việc phát hiện, tìm ra nguyên nhân và điều trị sớm là rất quan trọng. Nhiều tình trạng bệnh lý từ nhẹ đến nặng đều có thể là nguyên nhân khiến mặt bạn đỏ lên. Điều cần thiết là bạn phải được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Nếu vết mẩn đỏ trên mặt kéo dài hơn 2 tuần, hãy hẹn gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp tùy thuộc vào nguyên nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhẹ sẽ mất vài tuần để tình trạng nổi mẩn đỏ trên mặt biến mất hoàn toàn.
[embed-health-tool-bmi]