Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau ngực bên trái là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/07/2022

    Đau ngực bên trái là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị
    Quảng cáo

    Nếu bị một cơn đau ngực bên trái, suy nghĩ đầu tiên có thể bạn cho rằng mình đang bị đau tim hoặc mắc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về tim. Mặc dù đau ngực thực sự có thể là một triệu chứng của bệnh tim hoặc đau tim, nhưng có rất nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng này.

    Vậy, đau ngực trái là bệnh gì? Mời bạn cùng Hello Bacsi cùng tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra tình trạng này, các triệu chứng kèm theo và cách điều trị cho từng nguyên nhân nhé!

    Đau ngực bên trái là bệnh gì?

    Một số tình trạng có thể gây đau ngực bên trái, từ lành tính đến những tình trạng nguy hiểm có khả năng đe dọa tính mạng. Cụ thể như sau:

    1. Đau thắt ngực

    đau ngực bên trái do bệnh tim

    Đau thắt ngực xảy ra khi lượng máu lưu thông đến cơ tim kém, không thể đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Điều này thường là do sự tích tụ của các mảng bám dày trên thành động mạch mang máu đến tim (Bệnh mạch vành) gây ra. Những mảng bám này làm thu hẹp các động mạch và hạn chế cung cấp máu cho tim, đặc biệt là trong khi bạn đang hoạt động thể chất.

    Cảm giác đau tức ngực bên trái do đau thắt ngực có thể kéo dài từ 5 đến 10 phút. Cơn đau có thể lan ra đến cánh tay trái, vai trái, cổ trái hoặc cả bên trái hàm, đặc biệt là khi bạn tập thể dục nặng hoặc vận động mạnh. Điều trị bao gồm dùng thuốc, thay đổi lối sống và trong những trường hợp nghiêm trọng sẽ cần phẫu thuật tim.

    2. Đau tim là nguyên nhân gây đau ngực bên trái

    Đau tim xảy ra khi dòng máu đến cơ tim bị tắt nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, thường là do cục máu đông. Cảm giác đau ngực bên trái hoặc ở giữa ngực do đau tim có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng. Một số trường hợp có thể xảy ra khá đột ngột và gây đau ngực trái dữ dội.

    Các triệu chứng khác của cơn đau tim có thể bao gồm:

    • Cảm giác siết chặt, ép chặt hoặc đè nén lồng ngực
    • Ngứa ran cánh tay trái
    • Đau ở cổ, hàm, lưng hoặc dạ dày
    • Khó thở
    • Ho
    • Ợ chua
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa
    • Choáng váng, suy nhược hoặc chóng mặt.

    Với một cơn đau ngực bên trái do đau tim đột ngột, cấp cứu đôi khi là vô cùng cần thiết. Cơ tim bị thiếu oxy càng lâu thì khả năng tổn thương vĩnh viễn càng lớn. Ngoài ra, một số thay đổi lối sống sau đây cũng nên được áp dụng:

    • Duy trì chế độ ăn uống tốt cho tim mạch
    • Tập thể dục thường xuyên
    • Duy trì cân nặng hợp lý
    • Không hút thuốc lá
    • Kiểm soát bệnh tiểu đường, cholesterol cao.

    3. Viêm cơ tim

    Đau ngực bên trái cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ tim đang bị viêm. Viêm cơ tim có thể ảnh hưởng đến hệ thống điện của tim, làm suy yếu tim hoặc gây tổn thương vĩnh viễn cho cơ tim. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngừng tim hoặc tử vong.

    Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

    • Khó thở
    • Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
    • Phù chân
    • Huyết áp thấp.

    Những trường hợp nhẹ đôi khi có thể tự cải thiện mà không cần điều trị, nhưng những trường hợp nặng cần dùng thuốc điều trị tùy theo nguyên nhân gây viêm.

    4. Đau ngực bên trái là bệnh gì? Bệnh cơ tim phì đại

    Bệnh cơ tim phì đại là tình trạng các bức tường cơ của tâm thất bơm máu (hoặc các buồng tim dưới) trở nên dày và cứng. Tình trạng cơ tim dày và cứng khiến máu gặp khó khăn khi vào hoặc ra các buồng tim và dẫn đến tim khó nhận được máu giàu oxy hơn. Theo thời gian, bệnh cơ tim phì đại có thể dẫn đến suy tim nếu cơ tim quá dày.

    Ngoài đau ngực bên trái, bệnh còn kèm theo các triệu chứng khác như:

    • Khó thở
    • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
    • Tim đập nhanh
    • Rối loạn nhịp tim
    • Mệt mỏi
    • Sưng mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bàn tay hoặc bụng
    • Đột tử.

    Việc điều trị thường là dùng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật. Một số thay đổi lối sống cũng có thể hữu ích, chẳng hạn như hạn chế ăn mặn, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế rượu và tập thể dục thường xuyên.

    5. Viêm màng ngoài tim

    Viêm màng ngoài tim có thể gây đau ngực bên trái hoặc ở giữa ngực. Cơn đau đôi khi lan sang vai và cánh tay trái. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn nằm xuống hoặc hít thở sâu. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đau ở một hoặc cả hai vai.

    Các triệu chứng khác bao gồm:

    • Ho khan
    • Mệt mỏi
    • Tim đập nhanh
    • Sưng chân
    • Sốt nhẹ
    • Khó thở.

    Bệnh có thể nhẹ và tự hết, nhưng trong trường hợp nặng sẽ dẫn đến các bất thường về tim và gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

    6. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

    đau ngực bên trái do vấn đề tiêu hóa

    Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau ngực bên trái mà không phải do vấn đề về tim.

    Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản (ống nối cổ họng với dạ dày) khiến bạn ợ chua, cảm thấy nóng rát hoặc đau rát dưới xương ức phía bên trái ngực. Cơn đau ngực bên trái này có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi nằm xuống ngay sau bữa ăn tối và khi ăn một số món ăn cay, nóng.

    Ngoài đau ngực trái, các triệu chứng khác bao gồm:

    • Cảm giác nóng rát ở bụng trên và ngực
    • Có vị chua hoặc kim loại trong miệng
    • Ho
    • Thở khò khè
    • Viêm họng mạn tính
    • Khó nuốt.

    Bác sĩ có thể chẩn đoán và kê đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng axit hay thuốc bảo vệ dạ dày dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

    Bạn có thể quan tâm: Miệng bị chua là bệnh gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

    Ngoài ra, một số mẹo sau đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng này:

    • Chia thành các bữa ăn nhỏ hơn trong ngày
    • Tránh ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ
    • Tránh các loại thực phẩm có vị chua hoặc có thể kích thích các triệu chứng
    • Hạn chế ăn quá nhanh
    • Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá
    • Duy trì cân nặng hợp lý
    • Không ăn quá gần giờ đi ngủ.

    7. Vấn đề về thực quản

    Đau ngực bên trái là bệnh gì? Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo thực quản đang có vấn đề, chẳng hạn như:

    • Co thắt cơ thực quản. Tình trạng này xảy ra khi các cơ thường chịu trách nhiệm đẩy thức ăn qua thực quản ngừng làm việc này. Thay vào đó, bạn có cảm giác bị ép mạnh dưới xương ức kèm theo khó nuốt. Điều này có thể xảy ra khi tập thể dục.
    • Viêm thực quản. Lớp niêm mạc của thực quản có thể bị viêm gây đau rát hoặc đau nhói ngực trái. Viêm thực quản cũng có thể gây đau rát xương ức sau bữa ăn, khó nuốt và có máu trong chất nôn hoặc phân.
    • Vỡ hoặc thủng thực quản. Một người có thể gặp phải tình trạng này sau khi nôn quá mức hoặc bị chấn thương thực quản. Rách thực quản khiến thức ăn rò rỉ vào khoang ngực, gây đau ngực bên trái hoặc phải từ nhẹ đến nặng. Nó cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn ra máu, thở nhanh và sốt.

    8. Chấn thương ngực gây đau ngực bên trái

    Bất kỳ chấn thương nào đối với các lớp trên thành ngực đều có thể gây ra đau ngực bên trái. Có nhiều loại chấn thương mô mềm hoặc xương ở ngực có thể gây ra đau tức ngực bên trái, chẳng hạn như:

    • Căng cơ ngực. Chấn thương có thể tạo ra vết rách trong cơ và là nguyên nhân đau ngực trái, đặc biệt là khi bạn di chuyển. Bạn cũng có thể bị sưng và bầm tím thành ngực.
    • Xương sườn bị gãy. Tai nạn nghiêm trọng có thể làm cho xương sườn bảo vệ ngực trái bị gãy. Điều này gây đau ngực bên trái dữ dội, đặc biệt là khi hít thở sâu hoặc ho. Cơn đau có thể kéo dài trong vài tuần.

    Nếu bạn gặp phải một tai nạn nghiêm trọng và nghi ngờ mình đã bị gãy xương, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bạn có thể cần điều trị sớm và tránh các hoạt động gắng sức làm ảnh hưởng đến xương để phục hồi hoàn toàn.

    9. Thoát vị khe hoành (thoát vị gián đoạn)

    Thoát vị khe hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy qua lớp cơ lớn ngăn cách giữa ổ bụng và khoang ngực (cơ hoành), nơi chỉ dành cho thực quản. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày. Các triệu chứng có thể bao gồm:

    • Đau ngực bên trái
    • Đau bụng
    • Ợ nóng
    • Thức ăn trào ra miệng.

    Bạn có thể không cần điều trị nếu triệu chứng nhẹ và tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách:

    • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
    • Tránh các loại thực phẩm gây ra chứng ợ nóng
    • Không nằm ngay sau khi ăn
    • Nâng cao đầu giường.

    10. Căng thẳng tột độ

    Đau ngực bên trái có thể xảy ra khi bạn căng thẳng, kích động hoặc phấn khích tột độ do tranh cãi hay một thông tin gây sốc nào đó.

    Các triệu chứng có thể bao gồm:

    • Nhịp tim nhanh
    • Run rẩy
    • Ngứa ran toàn thân
    • Khó thở
    • Suy nhược hoặc chóng mặt
    • Đau ngực bên trái hoặc phải thường nhẹ và buốt chứ không đột ngột
    • Đổ mồ hôi
    • Buồn nôn.

    Khi cảm thấy căng thẳng tột độ, điều quan trọng là bạn nên tìm một nơi yên tĩnh để thư giãn. Bạn cũng có thể nghe nhạc hoặc uống một loại trà để xoa dịu tâm trạng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 15 phút, bạn nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được điều trị.

    11. Tràn khí màng phổi (Xẹp phổi)

    Không khí có thể lọt vào giữa các lớp mô bao phủ phổi và khiến một phần phổi bị xẹp. Nếu không có dấu hiệu báo trước, bạn có thể cảm thấy đau nhói ở ngực trái hoặc phải và có thể đau ở cả cổ, vai.

    Đau ngực bên trái liên quan đến xẹp phổi thường bắt đầu đột ngột và có thể kéo dài hàng giờ, kèm theo khó thở, nhịp tim nhanh, thở nhanh, mệt mỏi, da nhợt nhạt và ho khan. Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

    12. Viêm phổi

    đau ngựcổibên trái do bệnh phô

    Đau nhói ngực trái là bệnh gì? Đau ngực bên trái hoặc phải nghiêm trọng hơn khi bạn hít thở sâu hoặc ho có thể là do viêm phổi, đặc biệt nếu gần đây bạn bị viêm phế quản hoặc cúm. Viêm phổi là một tình trạng xảy ra do nhiễm trùng phổi khiến cho một trong hai bên ngực bị đau. Ngoài đau ngực, viêm phổi sẽ gây ra các triệu chứng như ho ra chất nhầy, sốt, ớn lạnh, khó thở, đau đầu và mệt mỏi.

    Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình bị viêm phổi. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus tùy vào nguyên nhân gây nhiễm trùng phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần nhập viện.

    13. Viêm màng phổi gây đau ngực bên trái

    Viêm màng phổi là tình trạng các mô xung quanh phổi bị viêm. Điều này có thể gây đau ngực trái hoặc phải, đặc biệt là khi ho hoặc hít thở sâu.

    Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

    • Ho khan
    • Khó thở
    • Đau vai

    Một loạt các tình trạng có thể dẫn đến viêm màng phổi, chẳng hạn như cảm cúm hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

    14. Thuyên tắc phổi

    Cục máu đông hình thành từ một nơi khác trong cơ thể có thể di chuyển và mắc kẹt ở động mạch mang máu đến phổi, chặn dòng máu đến mô phổi và gây thuyên tắc phổi. Bệnh nhân mắc bệnh thường xuất hiện cơn đau ngực bên trái hoặc phải đột ngột và dữ dội, đặc biệt là khi hít thở sâu.

    Các triệu chứng khác có thể bao gồm :

    • Hụt hơi
    • Đau lưng
    • Môi xanh, tím tái
    • Đổ nhiều mồ hôi
    • Chóng mặt
    • Ho khan
    • Khó thở
    • Tim đập nhanh
    • Tụt huyết áp.

    Đây là một trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu và điều trị ngay lập tức.

    Bạn có thể quan tâm: Đau lưng khó thở: Dấu hiệu cảnh báo 8 bệnh lý cần lưu ý!

    15. Tăng áp động mạch phổi

    Một số rối loạn có thể gây ra huyết áp cao trong động mạch phổi, nơi đưa máu đến phổi để trao đổi carbon dioxide lấy oxy. Bạn bị đau ngực bên trái hoặc phải vì tim khó đẩy máu qua các mạch máu bị hẹp do tăng huyết áp động mạch phổi.

    Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

    • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
    • Khó thở
    • Phù chân
    • Nhịp tim không đều
    • Mệt mỏi.

    Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy tim.

    16. Đau ngực bên trái là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi

    Đau ngực bên trái đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Tình trạng đau ngực sẽ nghiêm trọng hơn khi bạn ho, cười hoặc hít thở sâu. Các triệu chứng khác bao gồm:

    • Ho dữ dội
    • Ho ra chất nhầy hoặc máu
    • Đau ở vai hoặc lưng, không liên quan đến cơn đau do ho
    • Khó thở
    • Các đợt tái phát của viêm phế quản hoặc viêm phổi
    • Chán ăn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.

    Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong ung thư phổi giai đoạn đầu. Nói chung, bạn nên được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì kết quả càng tốt.

    Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

    Đau ngực bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim hoặc các tình trạng nghiêm trọng khác đe dọa tính mạng. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn hoặc ai đó gần bạn bị đau ngực trái kèm theo:

    • Khó chịu ở dạng căng, áp lực nặng hoặc cảm giác âm ỉ, nóng rát ở ngực
    • Cơn đau có thể kéo dài từ ngực trái lan đến cánh tay, cổ, hàm, lưng hoặc vai
    • Khó thở
    • Đổ mồ hôi
    • Suy nhược, choáng váng hoặc chóng mặt
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 25/07/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo