Đau bụng xung quanh rốn có thể do rất nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân sẽ có cách xử trí khác nhau.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu một số bệnh lý liên quan đến đau bụng quanh vùng rốn phổ biến nhất qua bài viết sau đây nhé!
Đau bụng xung quanh rốn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Viêm dạ dày do virus hay vi khuẩn
Một số loại virus và vi khuẩn có thể gây viêm dạ dày dẫn đến đau bụng, điển hình như:
- Cúm dạ dày – một loại nhiễm trùng đường ruột và dạ dày có thể tự khỏi sau vài ngày đến một tuần.
- Nhiễm khuẩn dạ dày do Helicobacter pylori (H. pylori) gây ra các triệu chứng như đau bụng, nóng bỏng rát, buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng và khó tiêu.
- Nhiễm khuẩn do nguồn vi khuẩn trong thực phẩm hư hỏng hoặc trong nguồn nước.
Viêm ruột thừa
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ gắn với ruột già. Khi ruột thừa bị viêm, nó có thể gây ra các cơn đau âm ỉ quanh rốn và đau nhiều hơn ở góc phần tư bên phải phía dưới của bụng hoặc lưng.
Ngoài đau xung quanh rốn, viêm ruột thừa cũng gây ra các triệu chứng như sốt, buồn nôn, khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, chán ăn hay đầy hơi.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)
Nhiễm trùng đường tiết niệu mà phổ biến nhất là nhiễm trùng bàng quang đôi lúc cũng là nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng xung quanh rốn. Nếu nhiễm trùng này “di chuyển” lên thận thì cơn đau có thể lan sang bụng trên ở một hoặc cả hai phía hoặc lan ra phía sau lưng.
Một trong những đặc điểm để nhận biết đau bụng do nhiễm trùng tiết niệu là tình trạng này thường kèm theo triệu chứng đau ở cả vùng chậu và đau khi đi tiểu, tiểu gắt, nước tiểu có mùi hôi, màu đục hay lẫn máu,…
Bạn có thể xem thêm: Đau tức bụng dưới ở nam giới: Cảnh giác với 10 bệnh lý nguy hiểm
Sỏi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm cạnh gan. Sỏi túi mật là bệnh lý gây ra những cơn đau bụng xung quanh rốn và có thể lan đến lưng hoặc vai phải, đặc biệt là đau bụng sau khi ăn đồ béo. Trong nhiều trường hợp, sỏi thận thường diễn ra âm thầm và khó phát hiện chỉ đến khi chúng bị kẹt trong các ống nang gây đau thắt từng cơn.
Viêm tụy
Cơn đau bụng xung quanh rốn có thể do viêm tụy – một tuyến nhỏ nằm giữa dạ dày và đoạn đầu của ruột non. Cơn đau này có thể đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài, tăng dần theo thời gian. Ngoài ra, cơn đau do viêm tụy còn có thể lan ra đến lưng.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột có thể gây đau bụng xung quanh rốn và lan khắp bất kỳ vùng nào của bụng, cơn đau này được mô tả tương tự như chuột rút theo từng cơn. Ngoài ra, bệnh Crohn cũng gây ra các triệu chứng khác trên hệ tiêu hóa bao gồm: tiêu chảy, táo bón, nôn mửa, phân có lẫn máu, sụt cân và mệt mỏi.
Thoát vị
Thoát vị là khi một tạng trong thành bụng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó mà phổ biến nhất là thoát vị rốn. Đau bụng xung quanh rốn do thoát vị thường lan xuống vùng bụng dưới và đau dữ dội hơn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc vươn vai.
Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn đều được chữa khỏi. Thỉnh thoảng một số trường hợp thoát vị có thể tái phát hoặc tiến triển nặng nề hơn.
Cảnh giác với các cơn đau bụng âm ỉ quanh rốn
Hầu hết mọi người đều bị đau bụng (hay đau bụng xung quanh rốn) một lần trong đời. Đa số các trường hợp đau bụng đều là không phải là vấn đề nguy hiểm. Đồng thời, không phải lúc nào bụng đau thắt dữ dội cũng nguy hiểm hơn trường hợp đau nhói thoáng qua. Ví dụ, bạn có thể đau bụng dữ dội khi chỉ bị đầy hơi ợ chua nhưng lại đau bụng nhẹ ở giai đoạn đầu của các bệnh lý nguy hiểm như viêm ruột do virus. Vậy khi bị đau bụng xung quanh rốn phải làm sao?
Nếu chỉ bị đau bụng nhẹ, bạn có thể làm theo một số lời khuyên dưới đây:
- Uống nhiều nước lọc và tránh ăn thức ăn rắn trong một vài giờ đồng hồ sau đó.
- Nếu bạn bị nôn nên kiêng ăn và sau 6 giờ hãy bắt đầu ăn lại với các loại thực phẩm lỏng, mềm và dễ tiêu.
- Nếu bạn đau bụng và có dấu hiệu ợ chua sau mỗi bữa ăn, có thể dùng thuốc kháng axit để cải thiện các triệu chứng này.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nên đi khám bác sĩ ngay khi đau bụng xung quanh rốn có kèm theo các biểu hiện sau:
- Khó chịu âm ỉ ở bụng kéo dài từ 1 tuần trở lên.
- Đau bụng trong có dấu hiệu thuyên giảm mà còn nặng nề hơn sau từ 24-48 giờ.
- Sưng phồng ở bụng kéo dài hơn 2 ngày.
- Đi tiểu thường xuyên và có dấu hiệu bỏng rát khi đi tiểu.
- Tiêu chảy hơn 5 ngày.
- Sốt (trên 37,7°C) đối với người lớn và 38°C đối với trẻ em.
- Biếng ăn kéo dài.
- Chảy máu âm đạo.
- Giảm cân không tự chủ.
Cần cấp cứu cho người bị đau bụng xung quanh rốn nếu người bệnh:
- Hiện đang được điều trị ung thư.
- Không đi ngoài được và đặc biệt là khi có kèm theo nôn mửa.
- Nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu.
- Đau ở ngực, cổ và vai.
- Đau bụng đột ngột, dữ dội.
- Đau ở vai hoặc bả vai kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Căng tức và đau bụng.
- Gần đây bị chấn thương ở bụng.
- Đang mang thai hoặc có khả năng mang thai.
- Khó thở.
Cách để phòng tránh một số loại đau bụng xung quanh rốn phổ biến
Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn phòng tránh một số nguyên nhân gây đau bụng xung quanh rốn:
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và ăn thường xuyên hơn thay vì ăn ít và ăn những bữa lớn.
- Thường xuyên tập thể dục.
- Hạn chế ăn các thức ăn sinh ra gas.
- Đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng và đặc biệt giàu chất xơ. Ăn nhiều trái cây và rau củ quả.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để kiểm soát sức khỏe cơ thể một cách tốt nhất.
Bạn có thể xem thêm: Đau bụng bên trái và các vị trí đau bụng biểu hiện điều gì?
Trên đây là các nguyên nhân gây đau bụng xung quanh rốn phổ biến nhất và cách để bạn xử trí khi bị cơn đau bụng này tấn công. Hy vọng chúng sẽ là những kiến thức hữu ích cho hành trình chăm sóc sức khỏe của bạn nhé!
[embed-health-tool-bmi]