backup og meta

12 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn bị nhiễm độc

12 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn bị nhiễm độc

Chất độc có mặt ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, có thể là trong không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống hoặc thực phẩm chúng ta ăn. Ngay cả chiếc điện thoại yêu quý cũng có thể chứa vô vàn chất độc và vi khuẩn, đủ để khiến bạn bị bệnh nặng. Các độc tố hàng ngày đang tích tụ dần trong cơ thể chúng ta, và nếu nó bùng phát ra, sẽ khiến cơ thể nhiễm độc trầm trọng và bạn sẽ dễ bị bệnh.

Để giúp bạn kiểm soát được tình hình sức khỏe của bản thân, Hello Bacsi sẽ kể ra một số triệu chứng cho thấy cơ thể bạn đang bị nhiễm độc, đồng thời cũng giới thiệu cách giúp bạn có thể giải độc và thanh lọc cơ thể.

Độc tố đến từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bạn bị nhiễm độc, bao gồm:

  • Độc tố từ môi trường: Những chất độc này thường đến từ các nhà máy công nghiệp, nơi có nhiều xe ô tô, tình trạng nước và không khí bị ô nhiễm, phóng xạ, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Bạn cũng có thể tìm thấy các chất độc này trong các sản phẩm tẩy rửa, thuốc xịt tóc, nước hoa và mỹ phẩm trên kệ trang điểm của mình.
  • Độc tố từ lối sống: Loại độc tố này thường đến từ các hóa chất mà chúng ta đưa vào cơ thể như đường, thuốc điều trị theo toa, thực phẩm chế biến sẵn, rượu, caffeine và thuốc lá…
  • Phản ứng trao đổi chất: Cơ thể chúng ta có những cơ chế để phân hủy các protein, đường và chất béo sau khi đã hấp thụ. Tuy nhiên, các quá trình này cũng tạo ra một lượng chất thải độc hại đáng kể. Bên cạnh đó, khi chế độ ăn của bạn không chứa đủ chất dinh dưỡng, chất độc cũng sẽ tích tụ trong cơ thể.
  • Vi khuẩn đường ruột: Đường tiêu hóa của chúng ta chứa rất nhiều nấm men và vi khuẩn giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Thế nhưng, khi các vi khuẩn đường ruột này phát triển quá mức sẽ sản sinh ra độc tố và độc tố này sẽ xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
  • Độc tố cảm xúc: Căng thẳng, sợ hãi hoặc chấn thương có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống thần kinh và nội tiết tố, từ đó ảnh hưởng đến cơ thể của bạn.

12 dấu hiệu cơ thể bị nhiễm độc

1. Táo bón

Khi ăn thực phẩm, chúng ta cũng vô tình tiêu thụ rất nhiều hóa chất đi kèm trong đó, chẳng hạn như chất bảo quản, chất tạo màu và hương liệu hóa học.

Dạ dày và ruột được giao nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn cũng phải đối mặt với các chất độc này. Sự tích tụ độc tố có thể dẫn đến đau dạ dày và táo bón.

Bạn nên ăn các loại thực phẩm hữu cơ, uống nhiều nước và hạn chế các loại đồ uống có cồn, như thế sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ cơ thể bạn.

2. Mắc phải chứng “Sương mù não”

Sương mù não (brain fog) là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả cảm giác tổng thể của rối loạn thần kinh, biểu hiện bởi tình trạng mất tập trung, giảm khả năng ghi nhớ và dễ nhầm lẫn. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, bối rối và không thể tập trung ngay cả khi đã ngủ ngon vào đêm hôm trước, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn bị nhiễm độc tố. Các độc tố này gây ra một loạt các phản ứng làm “cạn kiệt” các vitamin và khoáng chất thiết yếu mà cơ thể cần, khiến bạn dễ mắc phải chứng “sương mù não’.

3. Cơ thể bạn vẫn có mùi khó chịu dù đã sử dụng lăn khử mùi

Nhiễm độc cơ thể 1

Bạn không hiểu tại sao mình đã tắm và dùng lăn khử mùi vào buổi sáng, nhưng cơ thể bạn vẫn có mùi khó chịu? Bạn biết không, việc cơ thể bị nhiễm các độc tố gây hại có thể gây nên mùi cơ thể. Những chất độc này có trong thức ăn khi được cơ thể bạn tiêu hóa, sẽ tạo ra khí có mùi hôi, chúng sẽ thoát ra khỏi lỗ chân lông và tạo nên mùi cơ thể khó chịu, gần tương đương với mùi khi bạn “xì hơi’.

4. Đau nhức xương khớp và cơ bắp

Dù bạn không hề “giam mình’ trong phòng tập gym hoặc làm việc gì nặng nhọc nhưng vẫn bị đau cơ và xương khớp. Điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang tích tụ quá nhiều độc tố. Các độc tố có tác dụng ngay lập tức đối với cơ bắp vì chúng thường đến từ thức ăn bạn đã tiêu thụ trong ngày. Nếu bạn bị chuột rút hoặc đau cơ bắp mà không giải thích được, hãy ghi lại vì bạn có thể tìm ra được các loại thực phẩm gây nên tình trạng này.

Tình trạng đau nhức cơ và xương khớp có thể là biểu hiện của tình trạng viêm không kiểm soát. Do đó, nếu không thể tìm ra nguyên nhân gây viêm, bạn nên đến gặp bác sĩ để xin lời tư vấn và thử thanh lọc cơ thể.

5. Gặp vấn đề về da

Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể chúng ta và chúng thường xuyên bị nhiễm độc. Ngoài ra, các sản phẩm như dầu gội, dầu xả, xà phòng và kem dưỡng da mà chúng ta đang sử dụng cũng có thể chứa các hóa chất độc hại. Việc làn da phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại có thể dẫn đến các triệu chứng như mụn trứng cá, phát ban và bệnh chàm.

Bên cạnh đó, gan chịu trách nhiệm loại bỏ hầu hết các chất độc ra khỏi cơ thể. Khi có quá nhiều chất độc trong cơ thể, gan không thể xử lý hết và thường phải tống các chất độc này ra những cơ quan khác, đặc biệt là qua da.

6. Khó ngủ

Nhiễm độc cơ thể 2

Thực tế, sự tích tụ độc tố không chỉ khiến bạn cảm thấy kiệt sức mà còn làm cho bạn cảm thấy khó ngủ, từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng của bạn. Việc cơ thể tích tụ một lượng lớn chất độc có thể khiến nồng độ hormone cortisol được cơ thể tiết ra (đặc biệt vào buổi tối) để kiểm soát căng thẳng bị thay đổi. Khi có sự mất cân bằng, nồng độ cortisol vào buổi tối sẽ tăng cao. Điều này có nghĩa là bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn vào buổi tối và điều đó làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

Tình trạng mất ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, vì vậy nếu bạn càng ngày càng khó ngủ, hãy cân nhắc đến việc thanh lọc cơ thể hoặc đến gặp bác sĩ.

7. Khó giảm cân

Mặc dù đã cố gắng luyện tập chăm chỉ, bạn vẫn không thể giảm được cân mà cây kim trên bàn cân còn có xu hướng chạy sang bên phải xa hơn. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ hormone trong cơ thể bạn đang bị rối loạn. Các độc tố có thể tác động xấu đến nồng độ của một số hormone trong cơ thể, bao gồm cả những hormone chịu trách nhiệm duy trì cân nặng.

Thêm vào đó, một độc tố có trong thuốc trừ sâu và đioxin là lipophilic có thể khiến cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào mỡ hơn để lưu trữ nhiều độc tố trong đó. Điều này khiến bạn không thể giảm cân, trừ khi loại bỏ các độc tố này ra khỏi cơ thể.

Bạn nên chuyển sang chế độ ăn uống thực phẩm hữu cơ lành mạnh và thử các biện pháp thanh lọc cơ thể, như vậy sẽ rất có ích trong việc kiểm soát cân nặng của bạn. Nếu sau một thời gian áp dụng mà tình hình không có dấu hiệu cải thiện, bạn nên đi gặp bác sĩ.

8. Hơi thở có mùi

Hôi miệng thường là triệu chứng của các vấn đề tiêu hóa. Tình trạng hôi miệng xảy ra khi hệ thống tiêu hóa của bạn phải “vật lộn” để có thể tiêu hóa hết những gì bạn tiêu thụ. Tuy nhiên, những vấn đề về tiêu hóa cũng có thể xảy ra khi gan phải hoạt động trong tình trạng “quá tải” để làm sạch những độc tố đã tích tụ trong cơ thể bạn. Việc loại bỏ các độc tố này là cách duy nhất giúp bạn giải quyết tình trạng hơi thở có mùi.

9. Móng chân dễ gãy và trông xấu xí

Nhiễm độc cơ thể 4

Trọng lực là nguyên nhân góp phần kéo chất độc xuống phần dưới cơ thể và móng chân có thể là nơi phải chịu đựng hết mọi thứ. Bạn thường mang vớ hoặc đi giày tối màu, vô tình tạo môi trường thuận lợi để nấm phát triển. Các độc tố tập trung nhiều ở móng chân tạo thêm một điều kiện tốt nữa để nấm ở khu vực này phát triển.

Trên thị trường cũng có khá nhiều sản phẩm dược phẩm giúp khắc phục tình trạng nấm móng chân, tuy nhiên các phương pháp thanh thải chất độc từ bên trong thường là cách triệt để nhất để giải quyết tình trạng này.

10. Tóc rụng nhiều

Rụng tóc không phải là triệu chứng của tình trạng nhiễm độc do các độc tố tích tụ hằng ngày. Đây thường là dấu hiệu của nhiễm độc các kim loại nặng như asen, chì và tali (được tìm thấy trong khói thuốc lá). Tình trạng nhiễm độc các kim loại này có thể dẫn đến chết người nếu không được điều trị kịp thời. Vậy nên đừng xem nhẹ việc bị rụng tóc, nếu bạn gặp phải tình trạng này, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

11. Suy nghĩ đình trệ và mệt mỏi

Chất độc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não, đặc biệt là những chất có trong bột ngọt (MSG) hoặc đường hóa học (Aspartam). Nếu bạn liên tục cảm thấy đờ đẫn vào ban ngày mà không có lý do cụ thể nào thì nguy cơ cao đây là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn có thể đang bị nhiễm độc. Cả aspartam và MSG đều có khả năng tiêu diệt tế bào não và ngăn chặn quá trình oxy hóa của não.

Ngoài ra, các loại độc tố này có thể gây ra đau đầu dai dẳng. Bột ngọt thường có trong thực phẩm chế biến sẵn trong khi aspartam được tìm thấy trong đồ uống có đường, kẹo cao su và kem đánh răng. Bạn nên hạn chế sử dụng các chất này trong chế độ ăn của mình.

Thêm vào đó, khi cơ thể bạn có một lượng độc tố dư thừa, nó sẽ tạo nhiều áp lực lên tuyến thượng thận của bạn. Việc tích tụ độc tố quá nhiều có thể khiến tuyến thượng thận của bạn phải làm việc quá mức, dẫn đến tình trạng kiệt sức. Hơn nữa, một số độc tố như caffeine thực sự có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng của tuyến thượng thận vì chúng buộc cơ thể bạn phải tỉnh táo để vật lộn và loại bỏ độc tố.

12. Tâm trạng thay đổi thất thường

Nếu tâm trạng của bạn hay thay đổi thất thường, đây là dấu hiệu cho thấy bạn bị mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Các độc tố như xenoestrogen gây mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến cả hai giới. Xenoestrogen là một hỗn hợp các hormone, hoạt động như estrogen trong cơ thể. Xenoestrogen thường được tìm thấy trong các hợp chất công nghiệp như phthalates, BPA và PCB. Bạn nên tránh sử dụng nhựa, đặc biệt là các dụng cụ trong nhà bếp, vì chúng có thể làm giảm nồng độ xenoestrogen trong cơ thể.

Làm cách nào để giải độc?

Nếu đang gặp phải 10 dấu hiệu kể trên, bạn nên cân nhắc đến việc thanh lọc cơ thể. Mặc dù có rất nhiều phương pháp thanh lọc cơ thể phức tạp hơn nhưng việc thay đổi lối sống có thể là phương pháp đơn giản nhất để giải độc. Bạn có thể thực hiện những việc sau đây:

  • Uống nhiều nước, nước giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể bạn.
  • Cần hạn chế uống các thức uống có cồn. Vì enzyme gan chuyển hóa rượu thành acetaldehyd, một chất độc gây ung thư.
  • Thải các độc tố có thể tàn phá gan: Để giữ cho gan khỏe mạnh, hãy uống trà hoa cúc. Bạn cũng có thể thêm rau mùi tây và kế sữa (milk thistle) vào chế độ ăn.
  • Hãy cố gắng đảm bảo giấc ngủ đầy đủ và chất lượng mỗi ngày. Việc ngủ ngon và đủ giấc cho phép bộ não của bạn tự tổ chức và nạp lại năng lượng, cũng như loại bỏ các sản phẩm phụ độc hại đã tích lũy trong suốt cả ngày.
  • Tập yoga: Việc tập luyện yoga giúp cải thiện các lưu thông trong cơ thể và giúp loại bỏ độc tố.
  • Đánh răng vào buổi tối sau bữa ăn và đừng quên sử dụng thêm cả dụng cụ cạo lưỡi nhé.
  • Ăn các loại thực phẩm sạch, nguyên chất và hữu cơ.
  • Bạn nên hạn chế ăn đường và các sản phẩm đóng hộp. Việc tiêu thụ ít loại thực phẩm này giúp bảo vệ gan, cơ quan chính đảm nhận vai trò thải độc.
  • Hạn chế sử dụng quá nhiều muối: Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể khiến cơ thể bạn giữ lại các chất độc có hại. Khi bạn ăn quá nhiều muối và uống không đủ nước, cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hormone chống bài niệu ngăn bạn đi tiểu, từ đó ngăn cản quá trình thải độc.
  • Thêm các chế phẩm sinh học vào chế độ ăn uống của bạn.
  • Chỉ sử dụng các dòng mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không có mùi thơm và các độc tố khác.

Hy vọng bài viết này của Hello Bacsi đã cung cấp cho bạn những dấu hiệu nhận biết về cơ thể nhiễm độc. Nếu bạn đang gặp phải những tình trạng nêu trên, hãy thử áp dụng các phương pháp mà chúng tôi đã gợi ý nhé. Nếu đã áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng của bạn vẫn không khả quan hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is Heavy Metal Poisoning?

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-heavy-metal-poisoning#1

Ngày truy cập: 19/04/2019

The Signs of Toxins in Your Body

https://www.livestrong.com/article/67812-signs-toxins-body/

Ngày truy cập: 19/04/2019

10 Innocent Signs That Your Body Is Flooded With Toxins

https://brightside.me/inspiration-health/10-innocent-signs-that-your-body-is-flooded-with-toxins-722510/

Ngày truy cập: 19/04/2019

Phiên bản hiện tại

22/01/2020

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Thải độc cơ thể là gì? 10 cách thải độc và thanh lọc cơ thể


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo