backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Kỹ thuật vô khuẩn: Điều không thể thiếu trong thực hành chăm sóc y tế

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    Kỹ thuật vô khuẩn: Điều không thể thiếu trong thực hành chăm sóc y tế

    Vô khuẩn (vô trùng) có nghĩa là không có vi trùng. Vi trùng là các loại vi khuẩn, virus, vi sinh vật và các loại mầm bệnh khác.

    Bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế thường sử dụng kỹ thuật vô khuẩn (kỹ thuật vô trùng) để bảo vệ bản thân và bệnh nhân khỏi các nguy cơ nhiễm trùng. 

    Kỹ thuật vô trùng là một phương pháp chăm sóc sức khỏe có tác dụng ngăn chặn việc truyền nhiễm từ vết thương hở và các khu vực khác trên cơ thể bệnh nhân hoặc ngược lại. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật vô trùng và cho biết nguyên nhân vì sao kỹ thuật này lại khó được áp dụng tại nhà hơn so với tại bệnh viện.

    Mục đích và lợi ích của kỹ thuật vô khuẩn

    Rửa tay để vô khuẩn tại bệnh viên

    Da là “tuyến phòng ngự” đầu tiên giúp cơ thể chống lại vi trùng. Một người dễ bị nhiễm trùng khi có một hoặc nhiều vết thương hở trên da. Vết thương hở làm tăng nguy cơ nhiễm trùng không phân biệt nguyên nhân (tai nạn hoặc phẫu thuật).

    Theo The Medical News Today, cứ 31 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thì sẽ có ít nhất một người bị nhiễm trùng (HCAI). Kỹ thuật vô khuẩn có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra trong quá trình chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện.

    Những dạng nhiễm trùng HCAIs thường gặp bao gồm:

    • Nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Nhiễm trùng đường máu
    • Nhiễm trùng đường ruột
    • Nhiễm trùng phẫu thuật
    • Viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi

    Đối với giới chuyên môn y tế, các loại bệnh nhiễm trùng xảy ra trong quá trình điều trị bệnh có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho bệnh nhân. Đồng thời, điều này liên quan đến yếu tố kỷ luật của cơ sở y tế.

    Kỹ thuật vô khuẩn có nhiều cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp. Đó có thể là các thực hành đơn giản như sử dụng cồn y tế để khử trùng da hoặc các thủ tục phức tạp hơn trong phòng phẫu thuật như sử dụng áo choàng, găng tay, khẩu trang hoặc thiết bị y tế vô khuẩn.

    Với mục đích ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng gây hại, bác sĩ và các nhân viên y tế thường sử dụng kỹ thuật vô khuẩn khi:

    • Thực hiện các ca phẫu thuật
    • Thực hiện sinh thiết
    • Băng bó vết thương
    • Khâu vết thương
    • Đặt ống thông tiểu, dẫn lưu vết thương, đường truyền tĩnh mạch hoặc ống lồng ngực
    • Tiêm thuốc (vaccine phòng bệnh hoặc thuốc điều trị bệnh lý)
    • Sử dụng dụng cụ để tiến hành kiểm tra âm đạo
    • Thực hành hộ sinh

    Phân biệt kỹ thuật vô khuẩn và kỹ thuật làm sạch trong y tế 

    Các bác sĩ đều phải tuân thủ nghiêm túc quy định vô khuẩn

    Kỹ thuật vô khuẩn và kỹ thuật làm sạch là hai thực hành y tế có liên quan chặt chẽ với nhau. Cả hai đều nhằm mục đích giữ cho bệnh nhân không bị nhiễm trùng. Trong khi mục đích của việc vô khuẩn là loại bỏ vi trùng thì kỹ thuật làm sạch sẽ tập trung làm giảm số lượng mầm bệnh nói chung.

    Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đều phải học cả kỹ thuật vô trùng và kỹ thuật làm sạch để áp dụng trong các tình huống khác nhau. Ví dụ, họ sẽ sử dụng kỹ thuật vô trùng trong các hoạt động phẫu thuật hoặc khi đưa một vật thể lạ vào cơ thể người bệnh.

    Trong khi đó, các kỹ thuật làm sạch được áp dụng thường xuyên và dài hạn hơn. Bạn cũng có thể tiến hành việc làm sạch tại nhà hoặc các cơ sở điều trị ngoại trú. Các chuyên viên y tế thường sử dụng kỹ thuật làm sạch cho những đối tượng không có nguy cơ nhiễm trùng cao. Ví dụ, họ có thể áp dụng kỹ thuật làm sạch khi thay băng cho vết thương đang lành.

    Một số ví dụ khác về thực hành kỹ thuật làm sạch bao gồm: rửa tay kỹ lưỡng với dung dịch sát khuẩn, đeo găng tay, giữ gìn vệ sinh tại khu vực làm việc.

    Kỹ thuật làm sạch đòi hỏi nhân viên y tế thực hành không động chạm. Điều này có nghĩa là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tuyệt đối không được chạm vào các bộ phận chính của đồ vật như đầu ống tiêm, bên trong băng vô trùng kể cả khi họ đang đeo găng tay.

    Ở một khía cạnh khác, cộng đồng y tế xem kỹ thuật làm sạch là một bước quan trọng trong kỹ thuật vô khuẩn. Điều này là do việc vệ sinh đúng cách và giữ môi trường sạch sẽ là yếu tố cần thiết để đạt vô khuẩn.

    Các bước quan trọng trong kỹ thuật vô khuẩn

    Các bước quan trọng trong kỹ thuật vô khuẩn

    Những người làm việc trong ngành y tế đã quá quen thuộc với kỹ thuật vô khuẩn, khử trùng. Nó không giống với khái niệm vô trùng trong phẫu thuật. Vô trùng trong phẫu thuật là một tập hợp các biện pháp cần thiết để kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng trong phòng mổ.

    Thông tin từ Medical News Today cho biết, kỹ thuật vô trùng bao gồm các thực hành kỹ thuật như:

    • Lập rào cản
    • Công tác chuẩn bị vô khuẩn cho bệnh nhân và thiết bị
    • Kiểm soát môi trường
    • Hướng dẫn vô trùng

    Rào cản vô trùng 

    Rào cản vô trùng có chức năng ngăn chặn sự chuyển giao vi trùng giữa các nhân viên y tế, môi trường và bệnh nhân. Các rào cản vô trùng bao gồm: găng tay, áo choàng, mặt nạ, màn, giấy gói bảo vệ trên dụng cụ tiệt trùng.

    Chuẩn bị vô khuẩn cho bệnh nhân và thiết bị

    Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có nhiệm vụ phải chuẩn bị công tác vô khuẩn kỹ lưỡng cho cả bệnh nhân lẫn thiết bị trước khi một thủ tục y tế diễn ra.

    Công tác chuẩn bị có thể bao gồm:

    • Sát trùng da cho bệnh nhân bằng cách sử dụng khăn lau khử trùng
    • Khử trùng thiết bị và dụng cụ trước khi làm thủ thuật
    • Giữ dụng cụ tiệt trùng bên trong giấy gói chuyên dụng để tránh nhiễm bẩn trước khi sử dụng.

    Kiểm soát môi trường

    Trước khi tiến hành một thủ tục y tế, các bác sĩ và nhân viên y tế thường xem xét môi trường xung quanh bệnh nhân để đảm bảo yếu tố vô trùng.

    Điều cần thiết và quan trọng là phải duy trì một môi trường vô trùng trước và trong khi tiến hành thủ tục y tế. Chúng bao gồm:

    • Đóng cửa, khoanh vùng khu vực cần được vô trùng
    • Giảm thiểu di chuyển trong và gần khu vực cần được vô trùng
    • Hạn chế ra, vào khu vực vô trùng (trừ những nhân sự cần thiết)
    • Chỉ cho phép một bệnh nhân bên trong khu vực vô trùng.

    Hướng dẫn vô trùng

    Khi một bác sĩ đã rửa tay và sử dụng các rào cản vô trùng, họ phải tuân theo các hướng dẫn tiếp xúc vô trùng. Những hướng dẫn này nghiêm cấm mọi liên hệ với các bề mặt vô trùng. Thời điểm này, bác sĩ chỉ được chạm vào các vật thể và bề mặt đã được vô khuẩn, khử trùng.

    Các hướng dẫn tương tự cũng được áp dụng cho các thiết bị vô trùng. Nếu một thiết bị hoặc dụng cụ bị rơi xuống đất và hư hỏng vỏ bọc, nhân viên y tế phải tháo dụng cụ đó ra và tiến hành lại các thao tác vô khuẩn trước khi sử dụng.

    Áp dụng kỹ thuật vô khuẩn tại nhà 

    Dụng cụ y tế

    Việc thực hiện đúng các kỹ thuật vô khuẩn đòi hỏi bạn phải được đào tạo. Hơn nữa, bất cứ ai muốn thực hiện các kỹ thuật vô khuẩn tại nhà đều cần phải có găng tay vô trùng và bộ dụng cụ thay đồ đặc biệt. Vì thế, đây là một kỹ thuật tương đối khó để bạn thực hành tại nhà. Tuy nhiên, nếu thật sự cần thiết phải thực hành kỹ thuật vô khuẩn tại nhà, bạn có thể nhờ đến sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ hoặc một nhân viên chăm sóc y tế nào đó.

    Trong khi đó, kỹ thuật làm sạch lại dễ áp dụng hơn rất nhiều. Kỹ thuật làm sạch chỉ bao gồm rửa tay kỹ lưỡng với dung dịch sát khuẩn, đeo găng tay y tế tiệt trùng và duy trì môi trường sạch sẽ. Tất cả những yếu tố này không cần phải sử dụng đến thiết bị chuyên dụng. Vì thế, bạn hoàn toàn có thể thực hiện để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng trong những trường hợp cần thiết.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo