Bạn cần trang bị những kiến thức nào trước khi hiến máu nhân đạo?
Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia đối với những người đang cần máu để duy trì sự sống. Hiến máu hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những thông tin quan trọng về hiến máu nhân đạo nhé!
Điều kiện hiến máu là gì? Ai có thể tham gia hiến máu nhân đạo?
Không phải đối tượng nào cũng có thể tham gia hiến máu. Do được dùng truyền vào trong người bệnh nên chất lượng máu được hiến rất quan trọng. Khi tham gia hiến máu nhân đạo, người hiến tặng phải đảm bảo được điều kiện hiến máu bao gồm:
- Độ tuổi quy định cho phép một người tham gia hiến máu là từ 18 đến 60 tuổi. Vì đây là giai đoạn cơ thể đã phát triển hoàn thiện và sức khỏe ổn định.
- Cân nặng lý tưởng để tham gia hiến máu tối thiểu là 42kg đối với nữ giới, 45kg đối với nam giới.
Để đảm bảo đủ điều kiện hiến máu, tất cả mọi người đều sẽ được trải qua quá trình kiểm tra sức khỏe miễn phí bao gồm đo huyết áp, tính cân nặng… trước khi tham gia hiến máu.
Trong hiến máu nhân đạo, lượng máu được hiến phải được đảm bảo 100% không bị nhiễm bất cứ loại virus hay vi khuẩn nào. Điều này có nghĩa là người hiến máu phải âm tính với HIV cũng như các bệnh lây truyền qua tình dục và đường máu. Do đó, những người bị các bệnh này sẽ không được tham gia hiến máu tình nguyện dưới bất kì hình thức nào.
Một điều cần lưu ý nữa là người bị mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày,… cũng không nên hiến máu tình nguyện.
Bạn cũng nên chú ý rằng thời gian giữa hai lần hiến máu nhân đạo phải cách nhau 12 tuần.
Máu hiến tặng sẽ qua những xét nghiệm gì?
Lượng máu hiến tặng sẽ được mang đi xét nghiệm trước khi dùng để truyền cho người khác.
Có 4 nhóm máu chính là A, B, AB, và O. Không phải máu hiến từ bất cứ nhóm nào cũng phù hợp với người nhận. Cơ thể mỗi người chỉ có thể tiếp nhận một nhóm máu nhất định. Bởi mỗi nhóm máu sẽ mang kháng nguyên riêng, nếu không phù hợp với nhóm máu của người nhận, hệ miễn dịch của cơ thể người nhận sẽ tự động sinh ra kháng thể để chống lại kháng nguyên từ máu hiến. Việc truyền nhầm nhóm máu sẽ gây ra đông máu trong cơ thể, làm tắc mạch. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu như tắc mạch ở những vị trí quan trọng như tim, não,…
Máu hiến sẽ được đem đi xét nghiệm các loại bệnh như HIV, virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét,… Kết quả xét nghiệm sẽ được giữ kín và thông báo riêng đến bạn. Trường hợp bị mắc các bệnh trên, bạn sẽ được tư vấn miễn phí về cách điều trị.
Hiện nay, mặc dù việc hiến máu nhân đạo rất phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, trên tổng số 1,800,000 đơn vị máu cần thiết cho điều trị mỗi năm thì nước ta chỉ mới đáp ứng được 54%.
Hiến máu nhân đạo có hại đến sức khỏe không? Lợi ích của hiến máu là gì?
Theo cơ sở khoa học và thực tế, các chuyên gia nhận định hiến máu không hề gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, lợi ích của hiến máu rất nhiều, đặc biệt là giúp duy trì lượng sắt trong cơ thể (nếu hiến thường xuyên), đặc biệt là ở nam giới. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, làm chậm quá trình oxy hóa và lão hóa,…
Không chỉ có lợi về mặt thể chất, tác dụng của hiến máu còn giúp cải thiện về mặt tinh thần. Việc hiến máu nhân đạo đã được nghiên cứu có tác dụng giảm căng thẳng, tăng cảm xúc tích cực,…
Bạn nên ăn một bữa đầy đủ và uống nhiều nước trước khi hiến máu để đảm bảo tình trạng sức khỏe, đồng thời đừng quên nghỉ ngơi sau khi lấy máu bạn nhé.
Bạn có thể muốn xem thêm: Trước khi hiến máu nên ăn gì
Quyền lợi khi tham gia hiến máu nhân đạo
Lợi ích của việc hiến máu là khi tham gia, bạn sẽ được xét nghiệm và tư vấn miễn phí, được kiểm tra và thông báo kết quả xét nghiệm ở tình trạng bảo mật, được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành.
Không chỉ có bác sĩ mới cứu người, khi bạn hiến máu cũng chính là lúc bạn đang cứu sống một người nào đó. Lượng máu hiến tặng của bạn có thể cứu sống đến 3 người. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống, nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương và chia sẻ phần đời quý giá nhất.
Vì vậy, hãy mở rộng trái tim mình, tham gia hiến máu nhân đạo để giúp những người đang gặp khó khăn, lâm nguy nhé!
[embed-health-tool-bmi]