Cơ thắt lưng là bộ phận đóng góp không nhỏ trong việc sinh hoạt hàng ngày. Do đó, việc duy trì độ linh hoạt của nhóm cơ này là điều không nên xem nhẹ.
Mỗi bộ phận trong cơ thể đều có vai trò riêng biệt. Tuy nhiên, giữa chúng có một sự liên kết chặt chẽ nhằm đảm bảo sức khỏe tổng thể luôn ở trạng thái tốt nhất.
Ví dụ, sự hiện diện của nhóm cơ thắt lưng đóng vai trò thiết yếu trong duy trì sức khỏe cột sống, đảm bảo bộ phận này luôn ở đúng vị trí cũng như tư thế. Do đó, việc đảm bảo các cơ trên luôn hoàn thành đúng nhiệm vụ là điều thiết yếu, nếu không bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề không đáng có trong cuộc sống hàng ngày.
Vậy, bạn đã biết gì về nhóm cơ này cũng như cách duy trì sức khỏe và độ linh hoạt cho chúng chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Cơ thắt lưng là gì?
Cơ thể cần ba nhóm cơ chính để kết nối cột sống với chân, bao gồm:
- Nhóm cơ mông
- Nhóm cơ hình lê (cơ tháp)
- Nhóm cơ thắt lưng
Một đầu của nhóm cơ này gắn vào một đốt trên xương sống lưng. Sau đó, các cơ kéo dài qua khỏi mép ngoài của mỗi xương mu (gần xương chậu) và kết hợp với cơ chậu tại dây chằng bẹn. Đầu còn lại của nhóm cơ này gắn vào xương đùi.
Nhóm cơ kết hợp giữa cơ thắt lưng và cơ chậu gọi là cơ thắt lưng – chậu.
Vai trò của cơ thắt lưng
Đường cong của cột sống thắt lưng đóng vai trò nâng đỡ trọng lượng cơ thể, từ đó giúp bạn có thể đứng thẳng và đi lại. Nhóm cơ ở vùng thắt lưng là một trong những yếu tố tạo nên đường cong này.
Ngoài ra, trong lúc bạn di chuyển, não bộ cũng sẽ truyền tín hiệu kích thích cơ thắt lưng hoạt động để đưa chân từ phía sau tiến lên trước, tạo thành sự xen kẽ luân phiên giữa các bước chân trước và sau. Do đó, có thể nói rằng mỗi bước đi đều có một phần đóng góp của nhóm cơ trên.
Làm thế nào để tăng độ linh hoạt cho nhóm cơ này?
Thói quen ngồi nhiều trong thời gian dài, đặc biệt là với dân văn phòng, có khả năng khiến cơ ở thắt lưng trở nên căng cứng. Nếu bạn không có biện pháp can thiệp, tình trạng này có nguy cơ gây áp lực lên đĩa đệm cột sống thắt lưng, kéo theo những cơn đau nhức khó tả ở khu vực này.
Do đó, để ngăn ngừa tình huống trên phát sinh, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên chủ động tập một số động tác đơn giản để tăng độ linh hoạt cho nhóm cơ này.
Cách thực hiện
- Trải một tấm thảm hoặc khăn trên mặt sàn.
- Khuỵu chân trái xuống sát mặt sàn, lưu ý để các ngón chân chạm đất.
- Chống chân phải lên phía trước và tạo thành góc 90º.
- Nhẹ nhàng trượt đầu gối trái về phía sau. Trong lúc đó, lưu ý giữ hai vai, lưng và cổ thẳng.
- Duy trì tư thế trong 30 giây rồi lặp lại bài tập với chân còn lại.
Bạn nên thực hiện bài tập trên 2 – 3 lần mỗi ngày. Mặt khác, nếu lo lắng bản thân thực hiện tư thế chưa chính xác, bạn có thể tập trước gương để tự điều chỉnh.
Vì cơ thắt lưng góp phần không nhỏ trong việc duy trì tư thế đứng thẳng cũng như di chuyển nên nếu bạn cho rằng nguyên nhân đau lưng dưới của mình bắt nguồn từ bộ phận này, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ.
Lúc này, các chuyên gia có thể đề ra nhiều phương án điều trị cho bạn, ví dụ như vật lý trị liệu, nhằm xoa dịu cơn đau, đồng thời hạn chế phát sinh các tình trạng nghiêm trọng hơn.
[embed-health-tool-bmi]