Gan là một trong những cơ quan nội tạng lớn nhất, đồng thời cũng là một tuyến có nhiều chức năng trong cơ thể. Mỗi ngày, gan phải thực hiện hơn 500 nhiệm vụ thiết yếu để duy trì sức khỏe. Vậy gan có chức năng gì? Mời bạn cùng tìm hiểu về các chức năng của gan qua bài viết dưới đây, từ đó biết cách chăm sóc và bảo vệ gan.
Gan là một phần của hệ tiêu hóa, có 3 chức năng quan trọng cần thiết cho cơ thể là giải độc, tổng hợp và lưu trữ.
Bên cạnh đó, gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể có khả năng tái tạo.
Gan có chức năng gì?
Các chức năng của gan vẫn còn đang trong giai đoạn khám phá nên rất khó để có thể đưa ra con số chính xác về số lượng công việc mà gan phải làm mỗi ngày. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, hiện nay có khoảng 500 vai trò của gan riêng biệt.
Những chức năng quan trọng của gan bao gồm:
1. Sản xuất mật
Chức năng gan là sản xuất mật. Loại dịch này giúp ruột non phân giải và hấp thụ chất béo, cholesterol cùng một số vitamin. Mật bao gồm muối mật, cholesterol, bilirubin, chất điện giải và nước.
2. Hấp thu và chuyển hóa bilirubin
Bilirubin được hình thành từ sự phân hủy của hemoglobin. Chất sắt giải phóng từ hemoglobin được lưu trữ trong gan hoặc tủy xương. Tủy xương sẽ sử dụng các chất sắt này để tạo ra các tế bào máu thế hệ tiếp theo.
3. Chức năng của gan là hỗ trợ quá trình đông máu
Vitamin K đóng vai trò thiết yếu để tạo ra một số chất đông máu nhất định giúp đông máu. Sự hiện diện của mật góp phần cho quá trình hấp thụ vitamin K của cơ thể. Nếu gan không sản xuất đủ mật, cơ thể không sản sinh đủ các yếu tố đông máu.
4. Chuyển hóa chất béo
Mật phân hủy chất béo và làm cho chúng dễ được hấp thu vào cơ thể hơn.
Chuyển hóa carbohydrate
Gan là nơi lưu trữ carbohydrate, dưới dạng glycogen, và đồng thời phân giải chúng thành glucose (đường). Tiếp đó, các phân tử đường này sẽ di chuyển vào máu nhằm duy trì mức đường trong máu bình thường. Bất cứ khi nào cơ thể cần thêm năng lượng, gan sẽ giải phóng đường từ quá trình ly giải glycogen.
Lưu trữ vitamin và khoáng chất
Một chức năng của gan khác là lưu trữ vitamin A, D, E, K và B12. Trong một số trường hợp, vitamin còn có thể được trữ trong vài năm để dự phòng. Bên cạnh đó, chức năng của gan còn bao gồm dự trữ sắt từ hemoglobin dưới dạng ferritin, nhằm sẵn sàng tạo ra các tế bào hồng cầu mới.
Hỗ trợ chuyển hóa protein
Mật giúp phân hủy protein để tiêu hóa.
Lọc máu
Chức năng của gan phổ biến nhất là lọc và loại bỏ các hoạt chất không có lợi ra khỏi cơ thể, bao gồm các hormone, như estrogen và aldosterone, cùng những độc tố từ bên ngoài cơ thể, bao gồm rượu và các loại thuốc mà bạn dùng.
Chức năng của gan là miễn dịch
Gan là một phần của hệ thống thực bào đơn nhân. Nó chứa số lượng lớn các tế bào Kupffer (đại thực bào) liên quan đến hoạt động miễn dịch. Những tế bào này phá hủy mọi tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào gan qua ruột.
Vai trò của gan là sản xuất albumin
Albumin là protein phổ biến nhất trong huyết thanh. Nó vận chuyển axit béo và hormone steroid để giúp duy trì áp lực máu ổn định và ngăn ngừa rò rỉ mạch máu.
Tổng hợp angiotensinogen
Hormone này làm tăng huyết áp bằng cách thu hẹp các mao mạch lại khi nhận được cảnh báo bởi sự sản sinh renin (enzyme) ở thận.
Các tế bào gan tái sinh như thế nào?
Do tầm quan trọng của gan và các chức năng của nó, quá trình tiến hóa đã đảm bảo rằng gan có thể tái sinh nhanh chóng, miễn là nó được giữ khỏe mạnh. Nó có thể được tái tạo hoàn toàn, miễn là còn lại tối thiểu khoảng 25% mô. Gan có thể phát triển trở lại kích thước và khả năng trước đó mà không bị mất chức năng trong quá trình tăng trưởng.
Ở người, quá trình tái tạo gan có thể diễn ra trong 8–15 ngày. Sau đó vài tuần, những mô gan mới được tái tạo hoàn toàn giống các mô ban đầu.
Làm thế nào để duy trì các chức năng của gan?
Hello Bacsi sẽ gợi ý cho bạn một số lời khuyên sau nhằm giúp gan giữ được vai trò của nó ở mức tốt nhất:
Chế độ ăn uống lành mạnh
Một trong số những chức năng của gan là tiêu thụ chất béo. Việc bạn áp dụng chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ có thể khiến cơ quan này làm việc quá mức. Nếu kéo dài, sức khỏe gan sẽ bị tổn hại.
Mặt khác, béo phì có mối liên hệ chặt chẽ đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Hạn chế uống rượu
Uống quá nhiều rượu có nguy cơ gây ra bệnh xơ gan theo thời gian. Khi gan phân hủy rượu, nó sẽ tạo ra các hoạt chất độc hại, chẳng hạn như acetaldehyde và các gốc tự do dễ dàng tổn thương các tế bào khỏe mạnh.
Bạn có thể muốn biết: Xơ gan do rượu: Chuyện không của riêng ai.
Thận trọng khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc
Một số loại thuốc theo toa và thảo dược tự nhiên có thể tạo thành độc tố nếu kết hợp chung. Rượu thuốc cũng gây áp lực đáng kể lên gan.
Ví dụ, kết hợp rượu và acetaminophen có thể dẫn đến suy gan cấp tính.
Đề phòng độc tố từ không khí
Nếu bạn dùng sơn, hóa chất tẩy rửa hoặc các loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ mạnh, các khu vực này phải được lưu thông không khí tốt. Đặc biệt, bạn phải đeo khẩu trang khi sử các loại hóa chất này. Điều này sẽ giúp gan giảm được áp lực phải giải trừ độc tố từ các chất đó.
Quan hệ tình dục an toàn
Hiện nay, vắc xin viêm gan C vẫn chưa được hoàn thiện. Vì vậy, bạn cần cẩn thận khi quan hệ tình dục, xăm mình hoặc xỏ khuyên để tránh lây nhiễm virus.
Thận trọng với các bệnh lây qua đường máu
Bạn cần lưu ý không dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng hay khăn mặt. Nếu vô tình giẫm phải kim tiêm hay các vật dụng có máu của người khác, hãy đi khám ngay lập tức.
Không ai có thể phủ nhận các chức năng của gan và tầm quan trọng của cơ quan này với cơ thể. Vì vậy, định kỳ bạn nên khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm chức năng gan để sớm phát hiện bất thường, từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-bmi]