backup og meta

Chấn thương thể thao: giảm đau và điều trị đúng cách để tránh hậu quả về sau

Chấn thương thể thao: giảm đau và điều trị đúng cách để tránh hậu quả về sau

Mặc dù các hoạt động tập luyện thể dục, thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh tim mạch, nhưng chúng cũng có những rủi ro mang tên “chấn thương thể thao”. (1) Do đó, khi tập luyện bạn cần biết cách phòng ngừa hoặc điều trị, giảm nhẹ triệu chứng khi chấn thương xảy ra.

Chấn thương thể thao là từ dùng để diễn tả chung các loại thương tổn xảy ra có liên quan đến hoạt động thể thao. (1) Các nguyên nhân phổ biến gây ra chấn thương là do vận động quá mức, bị va đập trực tiếp hoặc cơ thể phải chịu một lực quá khả năng chịu đựng. (2)

Những chấn thương trong khi tập luyện được chia thành hai dạng: cấp tính và mạn tính. Khi thương tổn xảy ra đột ngột, chẳng hạn như bị bong gân mắt cá chân do té ngã sai tư thế, thì được xem là chấn thương cấp tính. Chấn thương mạn tính thường xuất hiện và kéo dài do lặp lại các vận động quá mức ở một nhóm cơ hoặc khớp. Kỹ thuật kém và bất thường cấu trúc cơ cũng có thể góp phần vào sự gây phát triển những chấn thương mãn tính. (2)

Những chấn thương thể thao thường gặp

Hầu như bộ phận nào trên cơ thể cũng đều có khả năng bị chấn thương trong quá trình tập luyện, bao gồm cơ, xương, khớp và dây chằng, gân. Vị trí dễ bị tổn thương nhất là mắt cá chân và đầu gối. (3)

Lý do khiến cho bạn dễ gặp chấn thương thể thao bao gồm: (3)

  • Tai nạn trong khi tập/ chơi thể thao, như té ngã hay bị va đập mạnh
  • Sử dụng thiết bị/ dụng cụ sai cách hoặc sai kỹ thuật
  • Không khởi động đúng cách trước khi tập luyện
  • Ép bản thân vận động quá sức

Những chấn thương thể thao phổ biến gồm: (4)

  • Bong gân và căng cơ
  • Chấn thương đầu gối
  • Sưng cơ
  • Chấn thương gân gót chân (còn gọi là gân Achilles)
  • Đau dọc theo xương ống chân
  • Chấn thương chóp xoay ở vai
  • Gãy xương
  • Trật khớp xương
chấn thương thể thao thường gặp
Ảnh: Shutterstock.com – 177119957

Lưu ý, chấn thương dù lớn hay nhỏ đều cần được kiểm tra, chẩn đoán y khoa rõ ràng vì đôi khi tổn thương thật sự nặng hơn bạn nghĩ. Ví dụ, các dấu hiệu trông giống như bong gân mắt cá chân thực ra có thể là gãy xương. (2)

Các chấn thương thể thao có thể dẫn đến thoái hóa khớp không?

Nhiều người thường lo ngại rằng việc hoạt động thể chất quá mức có thể gây thoái hóa khớp. Khi vận động nhiều, các khớp sẽ phải chịu một áp lực liên tục và gây ra các vi chấn thương, dẫn đến sự thoái hóa dần của sụn khớp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của thoái hóa khớp còn phụ thuộc vào tần suất, cường độ và thời gian vận động. (5)

Thực tế, mỗi cá nhân ở từng độ tuổi có khả năng vận động thể chất mà trong mức độ vừa phải sẽ không gây ra tổn thương hay làm tăng tốc quá trình thoái hóa khớp. Thế nhưng, khi tham gia vào quá nhiều môn thể thao cường độ cao, nhất là trong một thời gian dài và ở mức độ chuyên nghiệp, khả năng bị thoái hóa khớp có thể tăng lên. (5)

Những người từng trải qua chấn thương thể thao ở khớp hoặc các chấn thương lớn sẽ có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp. (5) Các chấn thương phổ biến đều có khả năng kích thích viêm khớp sau chấn thương, như bong gân, chấn thương đầu gối, rách sụn, gãy xương và trật khớp. (6)

Một số phẫu thuật điều trị chấn thương nghiêm trọng, nhất là ở đầu gối, dường như cũng có khả năng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. (5)

Vậy làm sao để phòng ngừa chấn thương thể thao?

Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu khả năng gặp chấn thương thể thao là khởi động, làm ấm và giãn cơ đúng cách. Cơ không được làm nóng lên từ từ sẽ dễ bị kéo căng quá mức và gây ra những vết rách cơ. (7)

Sau đây là những điều bạn cần làm để hạn chế xảy ra chấn thương trong khi tham gia các môn thể thao: (8)

  • Làm nóng cơ thể trước khi vận động và hạ nhiệt độ cơ thể từ từ sau khi kết thúc.
  • Kéo giãn cơ thường xuyên. Việc luyện tập có thể làm cho cơ bắp chắc khỏe nhưng cũng khiến chúng co cứng và ngắn lại. Thực hiện các động tác giãn cơ sẽ giúp duy trì mức độ linh hoạt và giảm nguy cơ bị chấn thương.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ tốt cho môn thể thao bạn tham gia, chẳng hạn như lựa chọn giày thể thao phù hợp.
  • Thực hiện đúng kỹ thuật. Nếu mới bắt đầu, bạn nên tìm kiếm một huấn luyện viên được chứng nhận đào tạo để được hướng dẫn cụ thể.
  • Đừng vận động quá mức. Mệt mỏi và mất nước sẽ làm suy giảm khả năng tập trung và khiến bạn dễ té ngã hay phản ứng kém khi chơi thể thao. Đây là nguyên nhân chính gây ra các chấn thương. Hãy để cho cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi sau khi luyện tập.
  • Nhận biết kịp thời các chấn thương thể thao. Các phương pháp phòng ngừa không thể đảm bảo an toàn 100% và bạn cần biết để ý những dấu hiệu cảnh báo đã có chấn thương xảy ra. Một chút cảm giác đau nhức cơcứng khớp sau khi luyện tập có thể là bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy sưng, đau, yếu cơ hay hạn chế cử động, màu sắc vùng da bị ảnh hưởng thay đổi thì bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.

Những cách điều trị chấn thương thể thao bạn nên biết

Việc điều trị chấn thương sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của thương tổn và khu vực nào đang bị ảnh hưởng. (9)

Hỗ trợ giảm bớt triệu chứng chấn thương thể thao tại nhà

Với các chấn thương không nghiêm trọng như bong gân và căng cơ nhẹ, bạn có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm nhẹ tại nhà trong khoảng 2–3 ngày. Chúng được viết tắt là PRICE: (8, 9)

  • P – Protection: bảo vệ vùng ảnh hưởng, tránh để bị tổn thương nặng thêm.
  • R – Rest: nghỉ ngơi, tránh tập thể dục và giảm bớt hoạt động thể chất hàng ngày để cơ thể có thời gian tự chữa lành.
  • I – Ice: chườm lạnh lên vùng bị thương trong khoảng 15–20 phút và cứ 2–3 giờ chườm một lần. Sau khoảng 48–72 giờ, bạn nên đổi qua chườm ấm với cách thức giống như vậy.
  • C – Compression: sử dụng băng thun nén để hạn chế sưng và giảm viêm tại khu vực có chấn thương.
  • E – Elevation: nâng cao vùng bị thương lên trên mức của trái tim. Bạn có thể sử dụng gối để hỗ trợ nâng đỡ. Điều này giúp các dịch thoát ra khỏi mô tổn thương, từ đó giảm sưng, viêm và đau.

Sử dụng thuốc giảm đau khi gặp chấn thương thể thao

thuốc giảm đau điều trị chấn thương thể thao
Ảnh: Shutterstock – 1481431742

Bạn cũng cần dùng thuốc giảm đau để giảm bớt đau hay viêm. Paracetamol là lựa chọn phổ biến trong những ngày đầu vì có hiệu quả giảm đau tốt mà không làm tăng khả năng bị chảy máu. Sau khoảng 1–2 ngày, các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) được cân nhắc sử dụng để làm giảm phản ứng viêm cũng như đau. (8)

Tuy nhiên, sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm như NSAIDs trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ, đáng chú ý là biến cố đường tiêu hóa và tim mạch (như tăng huyết áp). (10) Do đó, nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh đường tiêu hóa hay tim mạch, hãy thông báo với bác sĩ để được lựa chọn loại thuốc được chứng minh an toàn trên toàn bộ đường tiêu hóa và ít gây ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch.

Nếu tình trạng viêm nặng và kéo dài sau chấn thương thể thao, bác sĩ có thể tiêm thuốc corticosteroid cho bạn. Thế nhưng, nhóm thuốc này hay gây ra rất nhiều tác dụng phụ khi dùng toàn thân, như làm mỏng da, mất chất béo và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Thông thường, bạn chỉ có thể tiêm thuốc này 2 hoặc 3 lần một năm. (9)

Vật lý trị liệu

Một số người hồi phục sau chấn thương thời gian dài nhờ vào vật lý trị liệu. Đây là một phương pháp điều trị sử dụng những kỹ thuật như massage, nắn chỉnh bằng tay và tập luyện để cải thiện phạm vi cử động, tăng cường sức mạnh các nhóm cơ xung quanh và hồi phục chức năng cho khu vực bị thương tổn. (9)

VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

PP-CEL-VNM-0475

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Incidence, Severity, Aetiology and Prevention of Sports Injuries. https://link.springer.com/article/10.2165/00007256-199214020-00002. Accessed on 7th Jul 2020.

2. Sports Injuries. https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/HealthyLiving/sports-injuries. Accessed on 7th Jul 2020.

3. Overview. Sports injuries. https://www.nhs.uk/conditions/sports-injuries/. Accessed on 7th Jul 2020.

4. Sports Injuries. https://medlineplus.gov/sportsinjuries.html. Accessed on 7th Jul 2020.

5. Sports Participation, Sports Injuries and Osteoarthritis. https://link.springer.com/article/10.2165/00007256-199928020-00005. Accessed on 7th Jul 2020.

6. Can Sports Injuries Cause Arthritis? https://www.keckmedicine.org/can-sports-injuries-cause-arthritis/. Accessed on 7th Jul 2020.

7. Everything You Need to Know About Sports Injuries and Rehab. https://www.healthline.com/health/sports-injuries. Accessed on 7th Jul 2020.

8. Treating sports injuries. https://www.health.harvard.edu/newsletter_article/treating-sports-injuries. Accessed on 7th Jul 2020.

9. Treatment. Sports injuries. https://www.nhs.uk/conditions/sports-injuries/treatment/. Accessed on 7th Jul 2020.

10. Gastrointestinal and Cardiovascular Risk of Nonsteroidal Anti-inflammatory Drugs. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3251190/. Accessed on 7th Jul 2020.

Phiên bản hiện tại

03/03/2022

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Top 7 máy massage cổ vai gáy tốt nhất giúp giảm đau nhức mà bạn nên sở hữu

Sử dụng thuốc giảm đau tại nhà: Bí quyết chọn đúng và dùng đúng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 03/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo