Bị đau ở cổ họng bên phải không chỉ gợi ý các vấn đề về hô hấp mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư (dù hiếm gặp). Vì vậy, bạn nên biết về những nguyên nhân gây ra tình trạng này, phải làm sao trong từng trường hợp và khi nào cần đi khám bác sĩ để chủ động đối phó với nó.
Cơn đau họng có thể chỉ ở mức khó chịu cho đến đau đớn dữ dội và thường kèm theo một số dấu hiệu khác. Dưới đây là 8 lý do vì sao bị đau cổ họng bên phải, mời bạn cùng tham khảo nhé!
Bị đau ở cổ họng bên phải là bị gì?
1. Cảm lạnh, cảm cúm
Triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm có nhiều điểm giống nhau, trong đó đều gây đau họng. Thông thường, bạn sẽ bị đau họng cả hai bên nhưng cũng có trường hợp chỉ ở một bên.
Dấu hiệu cảm lạnh khác thường bao gồm nghẹt mũi, hắt hơi; còn cảm cúm sẽ gây sốt cao, ớn lạnh và đau nhức cơ thể.
Để giảm triệu chứng bị đau ở cổ họng bên phải do hai nguyên nhân này, bạn hãy uống nước ấm, tắm nước ấm và súc miệng thường xuyên với nước muối. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc thông mũi để cảm thấy dễ chịu hơn. Cảm cúm có thể kéo dài từ 7-14 ngày còn cảm lạnh là từ 7-10 ngày.
2. Bị đau ở cổ họng bên phải do nhiệt miệng
Tình trạng này do virus gây ra, dẫn đến hình thành các vết loét trong miệng và cổ họng. Nếu vết nhiệt miệng nằm ngay cổ họng bên phải thì bạn sẽ bị đau tại đây.
Nhiệt miệng sẽ tự thuyên giảm sau một thời gian nhưng sẽ khiến việc ăn uống khó khăn hơn. Đây là lý do một số trẻ nhỏ bị nhiệt miệng có tình trạng mất nước. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc để che phủ vết loét.
3. Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau xảy ra khi chất nhầy trong mũi tích tụ nhiều hơn bình thường và chảy xuống phía sau cổ họng. Nó có thể gây nhột cho đến đau họng khó chịu. Kèm theo đó, một số người bị sưng amidan hay cảm giác giống như có khối u sau cổ họng. Khi các tình trạng này chỉ xảy ra ở bên phải, bạn sẽ gặp triệu chứng bị đau ở cổ họng bên phải.
Biểu hiện khác của bệnh bao gồm nuốt liên tục, khàn giọng, hắng giọng thường xuyên, hôi miệng, ho về đêm, buồn nôn và nôn. Có đôi khi, chảy dịch mũi sau còn gây nhiễm trùng tai, rất đau đớn. Vì vậy, nếu nuốt nước bọt đau họng và tai bên phải thì rất có thể do tình trạng này gây ra.
Có nhiều nguyên nhân gây chảy dịch mũi sau và việc điều trị như thế nào sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Bạn cần đi khám để được hướng dẫn cụ thể.
4. Viêm amidan khiến bạn bị đau ở cổ họng bên phải
Amidan là hai miếng mô hình bầu dục ở phía sau cổ họng. Chúng có nhiệm vụ “bẫy vi khuẩn” để chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, amidan cũng có thể bị viêm, hầu hết do virus nhưng cũng đôi khi do vi khuẩn gây ra. Nếu viêm amidan xảy ra chỉ ở một bên, bạn sẽ có triệu chứng bị đau ở cổ họng bên phải kèm theo:
- Amidan bên phải sưng đỏ, có phủ lớp mảng màu trắng hoặc vàng
- Nuốt nước bọt đau họng bên phải, khó nuốt
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Khàn giọng
- Hơi thở hôi
- Đau bụng
- Đau cổ hoặc cứng cổ
- Đau đầu.
Với trẻ còn quá nhỏ, các dấu hiệu có thể bao gồm chảy nước dãi do đau và khó nuốt, bỏ ăn, quấy khóc bất thường.
Điều trị viêm amidan phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do virus, bác sĩ sẽ hướng dẫn nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước ấm, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, súc miệng bằng nước muối và dùng một số thuốc giảm đau, viên ngậm thông thường. Nếu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh phù hợp. Việc cắt bỏ amidan chỉ được áp dụng khi viêm tái phát thường xuyên, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc gây ra biến chứng nghiêm trọng.
5. Áp xe quanh amidan
Đây là tình trạng có tụ mủ ở phía sau amidan hoặc phía sau cổ họng. Bạn sẽ có triệu chứng đau họng dữ dội ở một bên kèm theo sốt và cứng cổ.
Trong áp xe quanh amidan, các dấu hiệu khác bao gồm:
- Khó và đau khi nuốt, khi mở miệng
- Đau đầu
- Đau tai
- Chảy nước dãi
- Thay đổi giọng nói
- Thở hôi
- Sưng hạch cổ một bên.
Để điều trị, bác sĩ sẽ dẫn lưu ổ áp xe (dùng kim rút mủ hoặc rạch một vết nhỏ trên áp xe để mủ chảy ra ngoài). Nếu không hiệu quả, bạn phải cắt amidan.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có một số chỉ định khác như truyền dịch tĩnh mạch khi bệnh nhân khó ăn uống, hoặc dùng thuốc giảm đau, kháng sinh.
6. Sưng hạch bạch huyết ở cổ họng bên phải
Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra sưng hạch đều có thể khiến bạn bị đau ở cổ họng bên phải. Thông thường, sưng hạch xảy ra trong cảm lạnh, viêm amidan, nhiễm trùng tai hoặc họng. Đôi khi, sưng hạch là do nhiễm virus.
Hiếm gặp hơn, đây là dấu hiệu của ung thư máu hoặc ung thư hạch ở giai đoạn tiến triển.
Sưng hạch cổ thường sẽ đỡ hơn trong 1-2 tuần tùy thuộc vào nguyên nhân. Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc ibuprofen.
Có những trường hợp để điều trị hiệu quả, bác sĩ cần tìm kiếm được đúng nguyên nhân gây sưng hạch và xử lý chúng.
7. Trào ngược dạ dày, thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào lên trên thực quản và cổ họng, khiến bạn thấy nóng rát và đau họng. Nó thường xảy ra sau một bữa ăn quá no, khi cúi xuống, sau khi hút thuốc, sau uống rượu hoặc khi nằm. Có người chỉ thỉnh thoảng mới bị trào ngược nhưng cũng có người gặp tình trạng này kéo dài.
GERD khiến bạn bị đau ở cổ họng bên phải nếu như bạn nằm hoặc ngủ nghiêng về bên phải. Các triệu chứng khác là:
- Ợ nóng
- Ợ chua
- Đau giữa ngực
- Khó nuốt
- Ho kéo dài
- Thở khò khè, khó thở.
Nếu trào ngược không xảy ra thường xuyên, bạn chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống, giảm uống rượu, thuốc lá và giảm cân, tránh nằm xuống ngay khi vừa mới ăn xong. Nếu đây là tình trạng mạn tính, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm axit trong dạ dày. Với những người bệnh nặng không đáp ứng thuốc cần được can thiệp để thắt chặt tâm vị (vị trí gặp nhau của dạ dày và thực quản) nhằm ngăn trào ngược.
8. Bị đau ở cổ họng bên phải do khối u
Một khối u phát triển tại vùng cổ bên phải có thể khiến bạn bị đau cổ họng bên phải. Khối u này có thể lành tính hoặc là ung thư.
Nếu nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng này, bạn nên đi khám ngay. Chỉ có bác sĩ mới đưa ra được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám ngay nếu bị đau ở cổ họng bên phải nghiêm trọng, tái phát thường xuyên hoặc kéo dài hơn 1 tuần. Ngoài ra, bạn cũng cần thăm khám khi có dấu hiệu:
- Sưng hạch không giảm trong 1 tuần, hạch cứng và cố định, kèm sốt hoặc đổ mồ hôi đêm
- Khó nuốt hoặc khó thở
- Khó mở miệng
- Đau tai
- Đau khớp
- Phát ban
- Sốt cao trên 38.5 độ
- Có máu trong nước bọt hoặc đờm.
Những nguyên nhân khiến bạn bị đau ở cổ họng bên phải thường không phải bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan mà cần ghi nhớ những dấu hiệu đáng lo kể trên để đi khám bác sĩ và điều trị kịp thời.
[embed-health-tool-bmi]