backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Mọc răng khôn: Răng khôn có thật sự "khôn" và những điều cần biết!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/06/2022

    Mọc răng khôn: Răng khôn có thật sự "khôn" và những điều cần biết!

    Ở tuổi trưởng thành, hầu hết chúng ta sẽ trải qua cảm giác khó chịu khi mọc răng khôn. Bạn có thắc mắc tại sao răng khôn mọc lại gây đau như vậy không? Khi mọc răng khôn nên làm gì?

    Răng khôn hay răng số 8 là răng hàm thứ 3, mọc sau cùng và thường mọc ở người trưởng thành. Đây là một chiếc răng gây nhiều tranh cãi bởi vì chức năng không rõ ràng nhưng lại gây ra khá nhiều phiền toái. Răng khôn mọc khi nào? Dấu hiệu mọc răng khôn là gì? Khi nào cần nhổ? Tất cả những băn khoăn này của bạn sẽ có trong những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi.

    Sự thật về răng khôn

    Thực tế, việc mọc răng khôn không giúp bạn khôn hơn, “thông minh” hơn như nhiều người vẫn giải thích. Nguyên nhân khiến loại răng này có tên gọi như thế là do chúng thường mọc khi bạn đã trưởng thành ở giai đoạn từ 17–25 tuổi, thậm chí là muộn hơn. Răng khôn, còn gọi là răng cấm, răng 8 hay răng cối lớn thứ 3, là chiếc răng to, khỏe mạnh có chức nghiền thức ăn như răng 6, 7.

    Loại răng này nằm ở sâu bên trong cung hàm của bạn, thường có tổng cộng 4 chiếc. Bạn sẽ mọc răng khôn hàm dưới bên trái, mọc răng khôn hàm dưới bên phải và hàm trên ở cả 2 bên. Tuy nhiên ở một số người may mắn sẽ có ít hơn 4 răng khôn và thậm chí không có chiếc nào. Vấn đề này hoàn toàn bình thường và bạn nên vui mừng vì điều đó.

    Dấu hiệu mọc răng khôn dễ nhận biết nhất

    Các biểu hiện mọc răng khôn điển hình nhất bao gồm:

    • Đau nướu, sưng nướu, chảy máu khi đánh răng
    • Miệng có vị khó chịu, hơi thở có mùi hôi
    • Đau đầu
    • Sốt nhẹ
    • Ăn uống không ngon miệng
    • Khó mở miệng

    Làm gì khi mọc răng khôn? Mọc răng khôn có nên nhổ?

    Nhiều người thường thắc mắc mọc răng khôn nên làm gì? Theo các chuyên gia nha khoa, khi có các dấu hiệu kể trên, bạn cần sắp xếp đi khám ngay để xem có phải là mọc răng khôn hay bạn đang bị một vấn đề răng miệng nào khác. Nếu đúng là mọc răng khôn, nha sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang, CT để xem răng khôn có bị mọc lệch, mọc ngầm hay không nhằm có hướng xử trí kịp thời.

    Mọc răng khôn nên làm gì hay mọc răng khôn có nên nhổ không là thắc mắc rất thường gặp. Việc có nên nhổ hay không sẽ tùy thuộc vào tình trạng thực tế của răng. Rất nhiều trường hợp được chỉ định nhổ bỏ do việc giữ lại răng khôn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến những răng lân cận. Bởi vì, do cấu trúc hàm thường không đủ không gian để răng khôn phát triển nên răng khôn rất dễ mọc lệch, mọc ngầm và dẫn đến những vấn đề như:

    • Sâu răng kế cận, hoặc cả 2 răng do việc vệ sinh răng miệng thông thường không thể lấy hết thức ăn bị giắt ở kẽ răng.
    • Nướu sưng, đau, chảy máu.
    • Hình thành nang thân răng gây tiêu xương hàm.
    • Rối loạn cảm giác do chèn ép thần kinh.
    • Các răng khác ngày xưa vốn đều nay trở nên khấp khểnh hơn.

    Các nha sĩ sẽ xử lý răng khôn như thế nào? Đa phần khi răng mọc kẹt, mọc ngầm sẽ luôn được nha sĩ khuyên nhổ bỏ vì những hậu quả và biến chứng có thể gây ra. Lưu ý là những trường hợp đặc biệt hoặc đang có bệnh toàn thân cần trì hoãn việc nhổ răng khôn như: đang có viêm nhiễm cấp tính, bệnh về máu, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường đang tiến triển, thể trạng suy kiệt, hệ miễn dịch đang rất yếu, phụ nữ trong “ngày đèn đỏ”, 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, ung thư bạch cầu, đã xạ trị vùng hàm mặt, bệnh động kinh và tâm thần…

    Quy trình nhổ răng khôn

    Thông thường, các nha sĩ sẽ lựa chọn phương pháp nhổ răng khôn của bạn dựa trên mức độ mọc và phát triển của hiếc răng. Chẳng hạn như nha sĩ thường chọn cách nhổ thông thường nếu răng khôn đã mọc hoàn toàn. Quy trình diễn ra như sau:

    • Đầu tiên, các nha sĩ sẽ bôi tê phần nướu của bạn bằng gel màu đỏ. Tiếp đó, họ sẽ sử dụng kim để tiêm vào khu vực này một loại thuốc gây tê mạnh hơn.
    • Kế tiếp, nha sĩ sẽ dùng nạy để tách nướu để làm đứt các sợi dây kết nối răng vào xương.
    • Sau đó, nha sĩ sẽ dùng kềm bắt chặt vào răng lung lay đến khi răng mềm và rút răng ra khỏi hàm.
    • Cuối cùng, nha sĩ sẽ vệ sinh vùng răng vừa nhổ cũng như các khu vực lân cận, bóp chặt nướu để khép miệng vết thương, có thể bỏ thuốc cầm máu vào trong và khâu lại.

    Nha sĩ xử lý răng khôn nằm dưới nướu như thế nào? Trong trường hợp này, nha sĩ sẽ thực hiện tiểu phẫu để nhổ bỏ. Trong quá trình tiểu phẫu, bạn sẽ được gây tê hoàn toàn nửa bên hàm, chính vì thế bạn sẽ không cảm thấy đau đớn. Để thực hiện tiểu phẫu này, bác sĩ sẽ cắt và mở rộng nướu, sau đó loại bỏ xương xung quanh răng để có đủ khoảng trống cho răng thoát ra ngoài.

    Trong đa số trường hợp, các nha sĩ sẽ cắt răng ra thành nhiều phần nhỏ để giữ cho vết cắt trên nướu và trên xương nhỏ nhất có thể. Với nhổ răng cần tiểu phẫu, đa số phải loại bỏ xương nên việc ghép xương sau điều trị có thể cân nhắc để vết thương nhanh lành và sự tái tạo xương được thúc đẩy nhanh hơn.

    Cách giảm đau sau khi nhổ răng khôn

    Tình trạng vùng răng sau khi nhổ răng khôn

    Vùng răng vừa nhổ có thể sẽ tiếp tục ra máu rỉ rả cho đến hết ngày đầu tiên. Bên cạnh đó, khu vực này cũng sẽ có cảm giác đau đớn và sưng lên trong vòng vài ngày. Các vết bầm và thâm tím sẽ cần ít nhất một tuần để có thể trở lại như cũ. Vậy sau nhổ răng khôn nên làm gì, có được đánh răng không là thắc mắc rất thường gặp. Bạn không nên đánh vào vùng nướu nơi vừa nhổ răng trong 24 giờ đầu sau khi nhổ, tuy nhiên phải đảm bảo làm sạch bằng nước súc miệng hay lau nhẹ với gạc ấm. Với các răng còn lại vẫn vệ sinh sạch sẽ như ngày thường. Sau khoảng thời gian đó, bạn có thể nhẹ nhàng súc miệng với nước muối ấm.

    Thông thường, sau khi nhổ răng khôn, bạn đã có thể hoạt động như bình thường vào ngày hôm sau, tránh hoạt động gắng sức dễ gây chảy máu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng như giảm đau bằng cách:

    • Súc miệng bằng loại nước chuyên dụng có chất kháng viêm. Tuyệt đối không súc miệng bằng nước muối trong ngày đầu nhổ răng vì có thể gây chảy máu.
    • Chườm đá lên má vùng răng nhổ để giúp giảm đau và giảm sưng.
    • Không khạc nhổ để tránh di chuyển phần cục máu đông giúp ngừng chảy máu và tạo điều kiện lành thương.
    • Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia và soda cũng như các loại đồ ăn, thức uống nóng trong 24 giờ.
    • Bạn sẽ khó có thể mở rộng miệng trong một tuần, vì thế bạn nên chọn các loại thức ăn mềm, lỏng, bổ sung nhiều vitamin C từ rau củ và trái cây tươi.
    • Uống thuốc theo toa, không thức khuya cũng như hạn chế hút thuốc lá (nếu có) trong giai đoạn này.

    Trường hợp bạn nên đến gặp bác sĩ

    Gặp bác sĩ tư vấn việc mọc răng khôn

    Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức nếu như:

    • Chảy máu đỏ tươi, liên tục, kéo dài trên 1 ngày
    • Sưng mặt ngày càng to
    • Sốt, đau nhức, phải uống thuốc liên tục để khống chế cơn đau
    • Dịch chảy ra có mùi hôi hoặc màu bất thường
    • Bạn gặp khó khăn trong việc nuốt hay thở
    • Cảm giác tê kéo dài sau 2 – 3 ngày sau nhổ răng

    Hầu hết mọi người đều phải trải qua quá trình mọc răng khôn và răng khôn đôi lúc lại gây ra cho bạn một số nguy cơ về sức khỏe. Hãy lưu ý những điều quan trọng mà bài viết chia sẻ để luôn sẵn sàng trong trường hợp cần phải nhổ bỏ răng khôn bạn nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/06/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo