backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Độc tố Botulinum là gì? Vì sao ngộ độc Botulinum và những điều cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 24/05/2023

    Độc tố Botulinum là gì? Vì sao ngộ độc Botulinum và những điều cần biết

    Độc tố Botulinum là một chất độc cực mạnh, có thể gây tử vong chỉ với một liều lượng rất nhỏ. Ngộ độc Botulinum thường xảy ra do ăn thực phẩm chế biến sẵn, kém vệ sinh, không đảm bảo điều kiện bảo quản. 

    Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được ngộ độc Botulinum là gì.

    Độc tố Botulinum là gì, nguy hiểm như thế nào? 

    Độc tố Botulinum là gì? 

    Chất độc Botulinum là một loại độc tố do vi khuẩn Clostridium Botulinum (đôi khi là vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii) sinh ra. Ngộ độc Botulinum hay còn gọi là ngộ độc thịt (vì ban đầu, tình trạng ngộ độc xảy ra chủ yếu với thịt hộp), xảy ra do độc tố tấn công các dây thần kinh của cơ thể và gây khó thở, tê liệt cơ và thậm chí tử vong. 

    Vi khuẩn Clostridium Botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên (đất vườn, phân động vật, bụi bẩn, nước ao hồ, trong ruột của gia súc…) và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, tạo ra độc tố trong thức ăn, trong đường ruột của trẻ sơ sinh và vết thương hở. Đặc biệt, Clostridium Botulinum phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu hay thịt hộp để lâu ngày.

    Một tin mừng là ngộ độc Botulinum không lây truyền từ người này sang người khác.

    Độc tố Botulinum nguy hiểm như thế nào?

    độc tố botulinum

    Độc tố Botulinum thuộc loại độc tố thần kinh (neurotoxin), tấn công hệ thống thần kinh (dây thần kinh, não và tủy sống) và gây tê liệt (yếu cơ). Chất độc Botulinum có 7 loại độc tố được ký hiệu bằng các chữ cái từ A đến G. Tuy nhiên, chỉ có độc tố A, B, E và F có khả năng gây bệnh ở người.

    Tình trạng ngộ độc Botulinum do thực phẩm thường khởi phát từ 18-36 giờ sau khi ăn phải thực phẩm có vi khuẩn Clostridium Botulinum. Trong một số trường hợp, bệnh có thể khởi phát sớm hơn (trong khoảng 4 giờ sau ăn) hoặc muộn hơn (kéo dài đến 8 ngày sau khi ăn).

    Người bị ngộ độc Botulinum cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sẽ hồi phục hoàn toàn khi được điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu không, các cơ hô hấp có thể bị yếu hoặc liệt, gây khó thở hoặc liệt dẫn đến tử vong. Người bị ngộ độc Botulinum có tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời và đúng cách. Tỷ lệ tử vong của ngộ độc Botulinum là khoảng 5-10%.

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ngộ độc Botulinum 

    nguyên nhân ngộ độc Botulinum

    1. Nguyên nhân ngộ độc Botulinum

    Vi khuẩn Clostridium Botulinum tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và tạo ra bào tử, nhưng hiếm khi gây bệnh cho người, ngay cả khi họ ăn phải. Nhưng trong những điều kiện nhất định, những bào tử này có thể phát triển và tạo ra một trong những chất độc nguy hiểm nhất: độc tố Botulinum.

    Vì là vi khuẩn kỵ khí, nên Clostridium Botulinum chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí, không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%). Do đó, điều kiện để bào tử phát triển và sinh độc tố là:

    • Môi trường ít oxy hoặc không có oxy (yếm khí)
    • Lượng axit thấp
    • Lượng đường thấp
    • Ít muối
    • Trong điều kiện nhiệt độ phù hợp
    • Trong điều kiện độ ẩm môi trường phù hợp

    Điều này nghĩa là, nếu quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn, dẫn đến khi chế biến thực phẩm có lẫn một vài bào tử Clostridium Botulinum, thì sau khi sản xuất, thực phẩm được đóng gói kín trong chai, lọ, hộp, lon, bao nilon… kết hợp với tình trạng không đủ độ chua, độ mặn, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sản sinh ra độc tố Botulinum. 

    Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum. Điển hình nhất là gần đây, dư luận đang xôn xao về các ca ngộ độc Botulinum do ăn phải chả lụa, ăn mắm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Mặt khác, nếu thực phẩm không được bảo quản hoặc nấu chín đúng cách hoặc lên men không đúng chuẩn, bào tử Botulinum cũng có thể phát triển và sản sinh ra độc tố. Ngay cả một lượng nhỏ chất độc này cũng có thể dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng.

    Bên cạnh đó, ngộ độc Botulinum cũng có thể xảy ra khi vết thương bị nhiễm vi khuẩn. Điều này thường là do người bị nhiễm độc đã tiêm các loại thuốc bất hợp pháp như ma túy bị nhiễm vi khuẩn vào cơ chứ không phải tĩnh mạch.

    Ngoài ra, tình trạng ngộ độc Botulinum cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng này xảy ra khi trẻ vô tình nuốt phải bào tử Botulinum có trong đất (trong lúc chơi đùa) hoặc trong thực phẩm có chứa bào tử, chẳng hạn như mật ong (thông qua việc dùng mật ong rơ lưỡi cho trẻ). Bào tử có thể phát triển trong ruột của trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và tạo ra độc tố.

    2. Những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc Botulinum

    nguyên nhân ngộ độc Botulinum

    Trong quá khứ, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc Botulinum nhất là các loại thịt hộp. Tuy nhiên, những vụ ngộ độc ngày nay đã cho thấy, tất cả các loại thực phẩm từ rau củ quả, thịt cá, hải sản… đều có thể nhiễm bào tử Botulinum trong quá trình sản xuất. Sau đó, những thực phẩm này được đóng gói kín, không đảm bảo vô trùng, đặc biệt là ở những xưởng sản xuất thủ công, tại gia, kinh doanh nhỏ lẻ.

    Do đó, những thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc Botulinum có thể gồm:

    • Rau đóng hộp tại nhà
    • Thịt lợn muối và giăm bông
    • Cá hun khói hoặc cá sống
    • Mật ong hoặc sirô ngô
    • Khoai tây nướng trong giấy bạc
    • Nước ép cà rốt
    • Thực phẩm lên men truyền thống không đảm bảo vệ sinh
    • Thực phẩm đóng hộp có phần nắp hộp bị cong, phồng
    • Thực phẩm đóng hộp có mùi, màu sắc thay đổi khác thường
    • Sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường
    • Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn

    Triệu chứng ngộ độc Botulinum và dấu hiệu nhận biết

    triệu chứng ngộ độc botulinum

    Độc tố Botulinum sau khi vào cơ thể qua đường ăn uống sẽ được cơ thể hấp thu. Chất độc sẽ gắn chặt vào các dây thần kinh và gây tê liệt toàn bộ các cơ. Các triệu chứng ngộ độc Botulinum thường như sau:

    • Tê liệt đối xứng hai bên, bắt đầu từ đầu xuống chân: Sau khi ăn khoảng 12-36 giờ hay thậm chí là 1 tuần sau, người bệnh có thể bị liệt từ vùng đầu mặt cổ (thông qua các dấu hiệu nhận biết như: đau họng, khó nuốt, khàn giọng, khó nói, không mở mắt được…), rồi lan dần xuống hai tay (yếu tay), kế đó đến hai chân (yếu chân).
    • Liệt cơ hô hấp: Nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhân sẽ bị liệt các cơ hô hấp (thông qua các dấu hiệu như: thở khò khè, khó thở, ứ đọng đờm ở cổ họng…). Nếu bị liệt nặng, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp – một trong những nguyên nhân gây tử vong khi bị ngộ độc Botulinum.
    • Liệt hoàn toàn: Khi bị liệt nặng toàn thân, nhiều bệnh nhân trông giống như rơi vào tình trạng hôn mê sâu, mất não, nhưng thực chất là vẫn tỉnh, có giãn đồng tử, vẫn biết mọi việc xung quanh (với điều kiện là được cấp cứu hồi sức, hỗ trợ thở và không bị thiếu oxy não). Còn nếu người bệnh chỉ bị liệt toàn thân dạng nhẹ, thì chỉ bị yếu mỏi các cơ, giống như bị suy nhược và không thể thực hiện động tác cần gắng sức.
    • Gặp các vấn đề về tiêu hóa: Người bệnh có thể có các dấu hiệu như: buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón (do giảm nhu động ruột). 

    Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, trong trường hợp không có thuốc giải độc đặc hiệu là giải độc tố Botulinum (BAT), thời gian bị liệt thường kéo dài và tính trung bình thì người bệnh cần thở máy trong vòng khoảng từ 3 – 6 tháng. Một số người bệnh có thể cần nhiều thời gian hơn để hồi phục.

    Ở trẻ sơ sinh bị ngộ độc Botulinum, bé có biểu hiện khóc yếu ớt, khó bú, đầu, cổ và tay chân mềm oặt.

    Chẩn đoán và điều trị ngộ độc Botulinum được thực hiện như thế nào? 

    1. Chẩn đoán

    Tình trạng ngộ độc Botulinum thường gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Nguyên nhân là vì biểu hiện ngộ độc ở bệnh nhân thường giống với nhiều bệnh khác, như ngộ độc tetrodotoxin (ngộ độc khi ăn cá nóc, bạch tuộc vòng xanh), nhược cơ, viêm đa rễ dây thần kinh… Thế nên, việc chẩn  đoán ngộ độc Botulinum dễ bị nhầm lẫn. Do đó, bệnh nhân cần được thực hiện một vài xét nghiệm chuyên biệt trước khi đi đến kết luận. 

    2. Điều trị ngộ độc Botulinum

    Điều trị ngộ độc Botulinum

    Tình trạng ngộ độc Botulinum cần được điều trị trong bệnh viện. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại ngộ độc, nhưng thường bao gồm:

    • Tiêm thuốc kháng độc hoặc kháng thể đặc hiệu để trung hòa độc tố. Bệnh nhân bị liệt rõ rệt cần được dùng thuốc giải độc đặc hiệu là giải độc tố Botulinum (BAT). Thuốc cần được dùng càng sớm càng tốt ngay khi có chỉ định.
    • Hỗ trợ các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như:
      • Cấp cứu tình trạng suy hô hấp do liệt cơ
      • Thở máy và hồi sức cho bệnh nhân khó thở
      • Phòng ngừa các biến chứng khác như nhiễm khuẩn

    Việc điều trị sẽ không thể đảo ngược ngay tình trạng tê liệt do chất độc gây ra, nhưng sẽ ngăn tình trạng ngộ độc trở nên tồi tệ hơn. Hầu hết bệnh nhân sẽ cải thiện triệu chứng tê liệt dần dần trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi dùng thuốc và được điều trị đúng cách.

    Phòng ngừa ngộ độc Botulinum 

    phòng tránh ngộ độc Botulinum

    Ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum thường xảy ra ở những thực phẩm chế biến sẵn, được đóng gói kín trong môi trường thiếu khí, có điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Vì vậy, để phòng ngừa ngộ độc Botulinum, bạn cần:

    • Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, uy tín, được công nhận đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh.
    • Lựa chọn thực phẩm tươi, mới nấu chín, mới chế biến.
    • Đảm bảo những thực phẩm lên men, đóng gói, che đậy theo cách truyền thống (như măng chua, dưa muối, cà muối…) phải được bảo quản trong môi trường chua và mặn. Nếu không còn chua thì không nên ăn.
    • Không ăn đồ hộp bị phồng rộp, hư hỏng.
    • Không nên tự đóng gói kín thực phẩm theo nhiều cách khác nhau và bảo quản kéo dài trong điều kiện không phải đông lạnh (môi trường đông đá khiến vi khuẩn ngừng phát triển).
    • Không ăn thực phẩm bảo quản sai cách, sai nhiệt độ, quá hạn sử dụng.
    • Thận trọng với thực phẩm đóng kín nhưng có màu, mùi, vị thay đổi.
    • Không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về độc tố Botulinum và tình trạng ngộ độc thực phẩm do chất độc Botulinum.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 24/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo