backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Dị ứng với sữa: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 14/10/2020

Dị ứng với sữa: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Dị ứng với sữa là một tình trạng khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan mà không biết rằng, phản ứng này có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng của người mắc phải.

Tìm hiểu về dị ứng sữa sẽ giúp bạn phòng ngừa được các biến chứng của chúng một cách hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Dị ứng với sữa là tình trạng như thế nào?

Dị ứng sữa là phản ứng miễn dịch của cơ thể với một trong nhiều protein có trong sữa động vật. Phản ứng này thường do alpha protein S1-casein trong sữa gây ra. Sữa bò là nguyên nhân thường gặp gây dị ứng sữa. Tuy nhiên, sữa từ cừu, dê, trâu hoặc các động vật có vú khác cũng có thể gây ra phản ứng này.

Phản ứng dị ứng thường xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa. Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng sữa phát triển từ nhẹ đến nặng như thở khò khè, nôn, phát ban và các vấn đề về tiêu hóa. Đôi khi, dị ứng với sữa gây sốc phản vệ – một phản ứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.

Dị ứng sữa đôi khi bị nhầm lẫn với không dung nạp lactose vì chúng có các triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, hai tình trạng này lại rất khác biệt. Không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể thiếu enzyme (lactase) để chuyển hóa đường lactose trong ruột – một loại đường có trong sữa.

Mức độ phổ biến của dị ứng với sữa?

Sữa bò là nguyên nhân hàng đầu gây ra phản ứng dị ứng và là một trong 8 loại thực phẩm chịu trách nhiệm cho 90% các ca dị ứng ở trẻ nhỏ. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa là gì?

Các triệu chứng dị ứng sữa có thể khác nhau giữa người này và người khác. Chúng xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa hoặc ăn các sản phẩm chế biến từ sữa.

Một số dấu hiệu và triệu chứng dị ứng sữa có thể xuất hiện ngay sau khi tiêu thụ sữa, bao gồm:

  • Phát ban
  • Thở khò khè
  • Ói mửa
  • Bụng co thắt là một triệu chứng của dị ứng với sữa

    Ngoài ra, một số triệu chứng khác phải mất nhiều thời gian hơn để phát triển như:

    • Phân lỏng, có thể có máu
    • Tiêu chảy
    • Bụng co thắt
    • Ho hoặc thở khò khè
    • Chảy nước mũi
    • Chảy nước mắt
    • Nổi mẩn ngứa trên da, thường ở quanh miệng
    • Đau quặn bụng ở trẻ sơ sinh

    Dị ứng với sữa hoặc không dung nạp sữa

    Không dung nạp protein sữa hoặc không dung nạp lactose khác với dị ứng sữa, chúng thường không liên quan đến hệ miễn dịch. Không dung nạp sữa gây ra các triệu chứng khác nhau và đòi hỏi điều trị khác với dị ứng sữa.

    Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của không dung nạp protein sữa hoặc không dung nạp lactose bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, xì hơi hoặc tiêu chảy sau khi tiêu thụ sữa và các sản phẩm có chứa sữa.

    Sốc phản vệ

    Dị ứng sữa có thể gây sốc phản vệ, một phản ứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, làm thu hẹp đường hô hấp và ngăn chặn đường thở. Sữa là thực phẩm gây sốc phản vệ phổ biến nhất sau đậu phộng và các loại hạt.

    Nếu bạn hoặc con bạn có phản ứng đối với sữa, hãy nói với bác sĩ, dù là phản ứng nhẹ. Các xét nghiệm có thể giúp xác định xem liệu bạn có thật sự bị dị ứng với sữa hay không, nhờ đó bạn có thể tránh được các phản ứng tồi tệ hơn trong tương lai.

    Sốc phản vệ là trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải được đưa đi cấp cứu và điều trị bằng cách tiêm epinephrine (adrenaline) ngay lập tức. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ dưới đây có thể xuất hiện ngay sau khi tiêu thụ sữa:

    • Co thắt đường hô hấp, cổ họng sưng lên gây khó thở
    • Mặt đỏ bừng
    • Ngứa
    • Sốc và giảm huyết áp đáng kể

    Ngứa là biểu hiện của sốc phản vệ do dị ứng với sữa

    Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên hoặc có câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân nào gây dị ứng với sữa?

    Tất cả các dị ứng thực phẩm là do một trục trặc trong hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch của bạn cho rằng protein sữa là các tác nhân có hại nên nó sẽ sản xuất kháng thể immunoglobulin E (IgE) để trung hòa các protein có trong sữa (chất gây dị ứng). Lần sau khi bạn tiếp xúc với các protein này, kháng thể IgE nhận ra chúng và báo hiệu cho hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng histamine và các hóa chất khác. Từ đó, gây ra một loạt dấu hiệu và triệu chứng dị ứng.

    Có hai loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:

    • Casein, được tìm thấy trong phần rắn của sữa
    • Whey, được tìm thấy trong phần chất lỏng còn lại sau khi sữa lắng cục

    Bạn hoặc con bạn có thể bị dị ứng với một hoặc cả hai loại protein trên. Những protein này có thể khó tránh bởi vì chúng cũng có trong một số loại thực phẩm chế biến. Hầu hết những người phản ứng với sữa bò cũng sẽ phản ứng với sữa cừu, dê và sữa trâu. Người dị ứng sữa bò ít bị dị ứng với sữa đậu nành.

    Hội chứng viêm ruột do thực phẩm chứa protein

    Một chất gây dị ứng thực phẩm cũng có thể gây ra dị ứng thực phẩm chậm. Mặc dù thực phẩm nào cũng có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, sữa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Phản ứng thường là nôn mửa và tiêu chảy, xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn.

    Không giống như một số dị ứng thực phẩm, hội chứng này thường tự hết theo thời gian. Với các dị ứng sữa điển hình, ngăn chặn phản ứng viêm ruột do thực phẩm chứa protein liên quan đến việc tránh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa.

    Nguy cơ mắc phải

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị dị ứng với sữa?

    Viêm da dị ứng là một yếu tố nguy cơ gây dị ứng sữa

    Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng sữa như:

    • Các dị ứng khác. Nhiều trẻ dị ứng với sữa cũng bị các loại dị ứng khác. Dị ứng sữa thường xuất hiện đầu tiên.
    • Viêm da dị ứng. Những trẻ bị viêm da dị ứng (một loại viêm da mãn tính thường gặp) có nhiều khả năng phát triển dị ứng thực phẩm.
    • Bệnh sử gia đình. Nguy cơ bị dị ứng thực phẩm gia tăng nếu bố mẹ bạn bị dị ứng thực phẩm hoặc một loại dị ứng khác như sốt cỏ khô, hen suyễn, mề đay hoặc chàm.
    • Tuổi tác. Dị ứng sữa phổ biến hơn ở trẻ em. Tuổi càng tăng, hệ thống tiêu hóa của bạn càng trưởng thành hơn và các cơ quan sẽ ít phản ứng với sữa hơn.

    Chẩn đoán & điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán dị ứng sữa?

    Các chuyên gia dị ứng sẽ tìm hiểu bệnh sử chi tiết bao gồm bạn ăn gì, triệu chứng mà bạn đã gặp phải, các triệu chứng kéo dài bao lâu và bạn đã làm để giảm bớt chúng. Các xét nghiệm dị ứng phổ biến nhất là chích da hoặc xét nghiệm máu. Cả hai nhằm tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể immunoglobulin E (IgE), một chất được tạo ra khi cơ thể bạn tiếp xúc với chất mà nó nhạy cảm. Những kháng thể này kích hoạt các chất gây ra triệu chứng dị ứng.

    Trong thử nghiệm chích da, chất lỏng chứa sữa hoặc protein chiết xuất từ sữa được bôi lên cẳng tay hoặc lưng. Da của bạn được chích bằng một cái tăm nhỏ và vô trùng, giúp chất lỏng thấm vào da. Nếu một lằn sưng, hơi đỏ to dần lên xuất hiện trong vòng 15 đến 20 phút trên da, đó có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng. Xét nghiệm mẫu máu để tìm sự hiện diện của kháng thể IgE. Các kết quả được báo cáo theo giá trị số.

    Nghiên cứu cho thấy một số loại protein sữa (casein và hai loại protein được tìm thấy trong whey, alpha-lactalbumin và beta-lactalbumin) có nhiều khả năng gây ra các phản ứng nghiêm trọng. Một loại xét nghiệm máu mới hơn, được gọi là xét nghiệm thành phần, có thể giúp xác định nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng bằng cách thử nghiệm phản ứng với những protein đặc biệt.

    Một thử nghiệm về dị ứng khác mà bạn có thể được yêu cầu thực hiện là thử nghiệm thực phẩm. Dưới sự giám sát y tế, bạn sẽ ăn một lượng nhỏ thực phẩm chứa sữa hoặc sữa bột để xem có phản ứng dị ứng xuất hiện hay không. Do bạn có thể gặp phải các phản ứng nghiêm trọng, nên xét nghiệm này chỉ được thực hiện tại phòng dị ứng hoặc tại một trung tâm thử nghiệm thực phẩm với trang thiết bị cấp cứu và thuốc sẵn có.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị dị ứng sữa?

    Cách duy nhất để ngăn chặn một phản ứng dị ứng là tránh tiêu thụ sữa và các protein từ sữa. Điều này có thể khó khăn vì sữa là một thành phần phổ biến trong nhiều loại thực phẩm. Ngoài ra, một số người bị dị ứng với sữa vẫn có thể sử dụng được sữa dưới một số hình thức khác như sữa đun nóng khi nướng bánh hoặc một số thực phẩm chế biến như sữa chua. Nếu bị dị ứng với sữa, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại thực phẩm cần tránh.

    Một số người bị dị ứng sữa vẫn có thể sử dụng sữa chua

    Mặc dù nỗ lực hết sức, nếu bạn hoặc con bạn vô tình tiêu thụ sữa, các loại thuốc như thuốc kháng histamin có thể làm giảm dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng dị ứng mức độ nhẹ. Uống thuốc kháng histamin ngay sau khi tiếp xúc với sữa, có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu.

    Nếu bạn hoặc con gặp một phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ), bạn phải nhanh chóng đến phòng cấp cứu để được điều trị ngay. Trong trường hợp bạn có nguy cơ mắc phản ứng nghiêm trọng, bạn hoặc con bạn có thể cần phải mang theo epinephrine tiêm bất cứ lúc nào. Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị này để bạn chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý dị ứng với sữa?

    Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với dị ứng sữa:

    • Bạn có thể ngăn ngừa các dị ứng thực phẩm bằng cách hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây ra chúng. Nếu bạn biết mình hoặc người thân bị dị ứng với sữa, hãy tránh sử dụng sữa hoặc các sản phẩm chế biến từ sữa.
    • Đọc kỹ thông tin trên bao bì thực phẩm trước khi sử dụng. Casein có thể được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như cá ngừ đóng hộp hoặc xúc xích. Bạn cũng có thể đặt các câu hỏi về thành phần của món ăn khi ăn ở nhà hàng.
    • Bạn có thể trò chuyện với những người có cùng hoàn cảnh để học hỏi thêm kinh nghiệm từ phía họ. Ngoài việc hỗ trợ và khuyến khích, họ cũng có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp bạn đối phó với tình trạng này.
    • Hãy hỏi bác sĩ về các nhóm hỗ trợ trong khu vực của bạn.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

    Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


    Ngày cập nhật: 14/10/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo