backup og meta

Thí nghiệm trên động vật: Những tranh cãi chưa có hồi kết

Thí nghiệm trên động vật: Những tranh cãi chưa có hồi kết

Thí nghiệm trên động vật luôn là vấn đề gây tranh cãi về chuẩn mực đạo đức, liệu con người có thực sự cần loại hình thí nghiệm này?

Thí nghiệm trên động vật được biết đến là phương pháp thử nghiệm giúp nghiên cứu và phát triển nhiều lĩnh vực, đặc biệt là điều trị bệnh trước khi áp dụng trên con người. Hãy cùng tìm hiểu về những lợi ích và bất lợi của thí nghiệm trên động vật để bạn có được góc nhìn đa chiều về vấn đề này nhé.

Lợi ích của thí nghiệm trên động vật

Thí nghiệm trên động vật tạo vắc-xin

Thí nghiệm trên động vật có thể mang đến 5 lợi ích sau đây:

1. Phát triển phương pháp điều trị

Thí nghiệm trên động vật đã góp phần phát triển nhiều phương pháp chữa trị và cứu sống người bệnh. Hiệp hội nghiên cứu y sinh California tuyên bố rằng gần như mọi đột phá y tế trong 100 năm qua đều có kết quả trực tiếp đến từ nghiên cứu sử dụng động vật. Ví dụ, thí nghiệm cắt bỏ tuyến tụy ở chó giúp phát hiện ra insulin – yếu tố quan trọng cứu sống người bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu trên động vật cũng góp phần vào những tiến bộ lớn trong việc tìm hiểu và điều trị các tình trạng như ung thư vú, chấn thương não, bệnh bạch cầu ở trẻ em, bệnh xơ nang, sốt rét, bệnh đa xơ cứng, bệnh lao, và nhiều bệnh khác. Đồng thời, đây cũng là phương pháp giúp phát triển máy tạo nhịp tim, thay thế van tim và gây mê.

2. Thử nghiệm tác dụng thuốc

Hiện không có sự thay thế thích hợp để thử nghiệm một sản phẩm trên cơ thể sống. Hệ thống sống như con người và động vật vô cùng phức tạp. Việc nghiên cứu nuôi cấy tế bào trong đĩa thí nghiệm không cho thấy các quá trình liên quan đến nhau xảy ra trong hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống nội tiết và hệ thống miễn dịch.

Để đánh giá các tác dụng phụ của một loại thuốc đòi hỏi phải có một hệ thống tuần hoàn để mang thuốc đến các cơ quan khác nhau. Hơn nữa, ngay cả những siêu máy tính mạnh nhất cũng không thể mô phỏng chính xác hoạt động của các cơ quan phức tạp như não.

3. Động vật có kết cấu giống con người

Động vật là đối tượng nghiên cứu thích hợp vì chúng khá giống con người ở nhiều phương diện. Tinh tinh có độ giống DNA con người đến 99% DNA và chuột giống con người 98% về mặt di truyền. Tất cả các động vật có vú, bao gồm cả con người, có nguồn gốc từ tổ tiên chung và tất cả đều có cùng bộ phận cơ thể (tim, thận, phổi…). Vì động vật và con người rất giống nhau về mặt sinh học, nên dễ bị mắc nhiều bệnh tương tự, bao gồm bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

4. Phù hợp với nghiên cứu khoa học

Động vật thường làm đối tượng nghiên cứu tốt hơn con người vì vòng đời ngắn hơn. Chẳng hạn, chuột trong phòng thí nghiệm chỉ sống được hai đến ba năm, vì vậy các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu tác động của các phương pháp điều trị hoặc thao tác di truyền trong toàn bộ tuổi thọ hoặc qua nhiều thế hệ. Đây là điều không thể thực hiện được trên đối tượng là con người. Đối với nghiên cứu ung thư dài hạn, nhờ vào tuổi thọ ngắn mà chuột đặc biệt phù hợp với loại nghiên cứu này.

5. Đảm bảo độ an toàn sản phẩm

Một số mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phải được thử nghiệm trên động vật để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng trên người. Phụ nữ Mỹ sử dụng trung bình 12 sản phẩm chăm sóc cá nhân mỗi ngày, vì vậy vấn đề an toàn sản phẩm là rất quan trọng. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý việc sử dụng thử nghiệm trên động vật để đảm bảo an toàn khi sử dụng mỹ phẩm.

Trung Quốc yêu cầu tất cả mỹ phẩm phải được thử nghiệm trên động vật trước khi được bày bán, vì vậy các công ty mỹ phẩm phải thử nghiệm sản phẩm theo quy định nếu muốn phân phối ở Trung Quốc. 

Thí nghiệm trên động vật đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống hàng triệu người trên thế giới, những loài động vật này được coi như “anh hùng” khi là một phần trong nghiên cứu khoa học và phát triển phương thuốc điều trị.

Bất lợi của thí nghiệm trên động vật

Thí nghiệm trên động vật nhằm nghiên cứu bệnh

Có 5 điểm bất lợi của thí nghiệm trên động vật bao gồm:

1. Không đạt chuẩn đạo đức

Dưới góc nhìn về đạo đức, thí nghiệm trên động vật bị coi là tàn nhẫn và vô nhân đạo. Theo Humane Society International, động vật được sử dụng trong các thí nghiệm thường bị ép ăn, sống trong điều kiện thiếu thức ăn và nước, bị gây tổn thương để nghiên cứu quá trình chữa bệnh.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã báo cáo vào năm 2016 rằng có đến 71.370 động vật bị tổn thương nhưng không được dùng giảm đau, bao gồm 1.272 động vật linh trưởng, 5.771 con thỏ, 24.566 chuột lang và 33.280 chuột hamster.

2. Không đảm bảo an toàn tuyệt đối

Thuốc vượt qua các thử nghiệm trên động vật không có nghĩa rằng sẽ an toàn. Thuốc ngủ thalidomide vào những năm 1950, khiến 10.000 trẻ sơ sinh bị dị tật nghiêm trọng, dù đã được thử nghiệm trên động vật trước khi phát hành rộng rãi. Các xét nghiệm sau đó trên chuột, mèo… cũng không cho thấy kết quả dị tật bẩm sinh trừ khi thuốc được dùng với liều cực cao.

Tương tự, thí nghiệm trên động vật về thuốc viêm khớp Vioxx cho thấy có tác dụng bảo vệ tim ở chuột, tuy nhiên loại thuốc này đã gây ra hơn 27.000 cơn đau tim và tử vong do tim đột ngột ở người trước khi bị rút khỏi thị trường.

3. Đưa đến quyết định sai lệch

Thử nghiệm trên động vật có thể khiến các nhà nghiên cứu bỏ qua các phương pháp chữa trị tiềm năng. Một số hóa chất không có hiệu quả hoặc có hại cho động vật, lại mang đến giá trị chữa trị trên con người. Ví dụ, aspirin có thể gây nguy hiểm cho một số loài động vật hay vitamin C tiêm tĩnh mạch đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng huyết ở người, nhưng không tạo ra sự khác biệt khi sử dụng chuột.

4. Hao tốn ngân sách thực hiện

Thí nghiệm trên động vật thường đắt hơn các phương pháp thay thế khác và gây lãng phí tiền của chính phủ. Humane Society International đã so sánh một loạt các thử nghiệm trên động vật với thử nghiệm in vitro (trong ống nghiệm), cho thấy các thử nghiệm trên động vật đắt tiền hơn.

Công ty công nghệ sinh học Empiriko đã phát minh ra loại gan tổng hợp có thể dự đoán các phản ứng trao đổi chất của gan với thuốc trong quy trình nhanh hơn, rẻ hơn và chính xác hơn so với thử nghiệm trên động vật. Trong một thử nghiệm, phương pháp này có thể cung cấp thông tin một mức độ cụ thể mà trước đây phải cần đến 1.000 con chuột và 100 con chó.

5. Động vật có thể bị ngược đãi

Khoảng 95% động vật được sử dụng trong các thí nghiệm không được bảo vệ bởi Quyền Phúc Lợi Động Vật (Animal Welfare Act – AWA). AWA không bảo vệ các loài chuột, cá và chim, chiếm khoảng 95% động vật được sử dụng trong nghiên cứu. Do đó, những động vật này đặc biệt dễ bị ngược đãi và lạm dụng trong quá trình nghiên cứu.

Thí nghiệm trên động vật mang đến lợi ích nghiên cứu khoa học, tuy nhiên cần có sự kiểm soát và sử dụng có mục đích. Bản thân động vật cũng có cảm xúc và có quyền được lựa chọn sống theo cách tạo hoá ban tặng. Do đó, việc sử dụng động vật cho mục đích nghiên cứu cần được kiểm tra, cân nhắc và xin phép trước khi thực hiện.

Các phương pháp thử nghiệm thay thế cho thí nghiệm trên động vật vẫn còn khá nhiều giới hạn, do đó thí nghiệm trên động vật vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu ứng dụng. Điều quan trọng là cần có sự kiểm soát của cơ quan thẩm quyền trước khi thực hiện.

Thí nghiệm trên động vật đều mang đến những lợi ích và bất lợi nhất định, tuy nhiên lịch sử y tế đã chứng minh tầm quan trọng của các thí nghiệm này. Vì vậy mà những cuộc tranh cãi “nên hay không nên” thí nghiệm trên động vật cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Should Animals Be Used for Scientific or Commercial Testing?
animal-testing.procon.org/

What is animal testing?
crueltyfreeinternational.org/why-we-do-it/what-animal-testing

Animal Testing 101
peta.org/issues/animals-used-for-experimentation/animal-testing-101/

Limitations of Animal Tests

hsi.org/news-media/limitations-of-animal-tests/

Why Animal Research?

med.stanford.edu/animalresearch/why-animal-research.html

Ngày truy cập 30.10.2021

Phiên bản hiện tại

08/11/2021

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Le Minh Phuong


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Tổng quan về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch | Hello Bacsi x SANOFI

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai "tiết lộ" vấn đề sức khỏe nào của mẹ?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 08/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo