backup og meta

Xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV

Tìm hiểu chung về xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV là gì?

Xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự hiện diện của virus HPV, một loại virus có thể dẫn đến phát triển mụn cóc sinh dục, khiến tế bào cổ tử cung bất thường hoặc ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm HPV nếu:

  • Kết quả xét nghiệm Pap bất thường cho thấy sự xuất hiện của các tế bào vảy không điển hình không rõ ràng (ASCUS)
  • Độ tuổi từ 30 tuổi trở lên

Xét nghiệm HPV chỉ dành cho phụ nữ, chưa có xét nghiệm HPV nào dùng để phát hiện virus ở nam giới. Tuy nhiên, nam giới có thể bị nhiễm virus HPV và truyền sang bạn tình khi quan hệ tình dục.

Tại sao bạn cần thực hiện xét nghiệm HPV?

Xét nghiệm HPV giúp đánh giá nguy cơ ung thư cổ tử cung, nhưng xét nghiệm này không giúp chẩn đoán bạn có bị ung thư hay không. Thực tế, xét nghiệm HPV chỉ giúp phát hiện virus HPV, một loại virus có khả năng gây ung thư cổ tử cung, đang tồn tại trong cơ thể hay không. Một số loại virus HPV (bao gồm loại 16 và 18) làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ có thể đưa ra các biện pháp tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của bạn nếu xác định được bạn mang virus HPV gây ung thư cổ tử cung cao. Những giải pháp bao gồm theo dõi sau khi xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm thêm hoặc điều trị các tế bào bất thường hay điều trị tiền ung thư.

Thực hiện xét nghiệm HPV thường xuyên ở những phụ nữ dưới 30 tuổi thường không được khuyến cáo và cũng không mang lại nhiều lợi ích. Virus HPV lây lan qua quan hệ tình dục và rất phổ biến ở phụ nữ trẻ, vì vậy kết quả xét nghiệm thường sẽ dương tính.

Tuy nhiên, nhiễm trùng HPV thường tự khỏi trong vòng một hoặc hai năm. Quá trình cổ tử cung thay đổi dẫn đến ung thư phải mất vài năm, thường là 10 năm hoặc hơn, để phát triển. Do đó, bạn có thể theo dõi quá trình bệnh có khả năng phát triển chậm chạp thay vì trải qua điều trị thay đổi cổ tử cung do nhiễm trùng HPV.

Các rủi ro khi xét nghiệm HPV

Tương tự như các xét nghiệm  khác, xét nghiệm HPV có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả.

  • Dương tính giả: Kết quả xét nghiệm cho thấy bạn có loại virus HPV nguy cơ cao trong khi bạn thực sự không mắc phải. Kết quả dương tính giả có thể dẫn đến quá trình theo dõi không cần thiết, chẳng hạn như soi cổ tử cung hoặc sinh thiết. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy lo lắng quá mức khi nhận được kết quả xét nghiệm HPV.
  • Âm tính giả: Kết quả này có nghĩa là bạn thực sự bị nhiễm virus HPV nhưng xét nghiệm lại không phát hiện được sự tồn tại của virus. Điều này có thể khiến bạn không thực hiện các xét nghiệm hoặc thủ tục theo dõi thích hợp.

Chuẩn bị trước khi xét nghiệm HPV

Bạn không cần chuẩn bị gì quá đặc biệt trước khi thực hiện xét nghiệm HPV. Tuy nhiên, xét nghiệm HPV thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm Pap, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để làm cho cả hai xét nghiệm chính xác nhất có thể:

  • Tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng bất kỳ loại thuốc âm đạo, sản phẩm cho vùng kín trong 2 ngày trước khi xét nghiệm
  • Cố gắng không lên lịch đi xét nghiệm trong chu kỳ kinh nguyệt. Thử nghiệm vẫn có thể thực hiện nhưng bác sĩ sẽ lấy được một mẫu tế bào tốt hơn khi bạn tiến hành xét nghiệm trong những ngày bình thường.

lấy mẫu xét nghiệm hpv

Quy trình xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV thường được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm Pap – một xét nghiệm thu thập các tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra các bất thường hoặc phát hiện tế bào ung thư. Xét nghiệm HPV có thể được thực hiện bằng cách sử dụng cùng một mẫu lấy từ xét nghiệm Pap hoặc lấy mẫu thứ hai từ ống cổ tử cung.

Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, bạn sẽ nằm ngửa trên bàn, bàn chân sẽ đặt trên một bàn đạp hỗ trợ. Sau đó, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đặt một dụng cụ vào âm đạo để banh âm đạo rộng hơn, giúp bác sĩ dễ dàng nhìn thấy cổ tử cung. Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào trong tử cung bằng một dụng cụ đặc biệt với một đầu như một chiếc bàn chải mềm. Quá trình lấy mẫu này không hề gây đau đớn, thậm chí bạn còn không có cảm giác khó chịu nào.

Sau khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, bạn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày bình thường mà không có bất kỳ hạn chế nào. Hãy hỏi bác sĩ về thời gian mà bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm HPV

Kết quả xét nghiệm HPV bạn nhận được có thể là dương tính hoặc âm tính

  • Dương tính với HPV: có nghĩa là bạn có một loại HPV nguy cơ cao có liên quan đến ung thư cổ tử cung trong cơ thể. Điều đó không có nghĩa là bạn bị ung thư cổ tử cung bây giờ, nhưng đó là một dấu hiệu cảnh báo rằng ung thư cổ tử cung có thể phát triển trong tương lai. Bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra theo dõi trong một năm để xem liệu nhiễm trùng đã được loại bỏ hay chưa hoặc để kiểm tra các dấu hiệu ung thư cổ tử cung.
  • Âm tính với HPV: kết quả này có nghĩa là bạn không có bất kỳ loại HPV nào gây ung thư cổ tử cung.

Tùy thuộc vào kết quả của xét nghiệm HPV, bác sĩ có thể khuyến cáo bạn thực hiện tiếp những bước sau:

  • Theo dõi định kỳ: nếu bạn trên 30 tuổi, xét nghiệm HPV âm tính và xét nghiệm Pap bình thường, bạn sẽ tuân theo một lịch trình được khuyến nghị lặp lại cả hai xét nghiệm trong 5 năm.
  • Soi cổ tử cung: trong phương pháp theo dõi này, bác sĩ sử dụng một ống kính phóng đại đặc biệt để kiểm tra cổ tử cung cẩn thận hơn.
  • Sinh thiết: đôi khi được thực hiện kết hợp với soi cổ tử cung. Khi đó, bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào cổ tử cung và kiểm tra kỹ hơn dưới kính hiển vi.
  • Loại bỏ các tế bào cổ tử cung bất thường: để ngăn chặn các tế bào bất thường phát triển thành các tế bào ung thư, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành thủ thuật giúp loại bỏ khu vực mô chứa các tế bào bất thường.
  • Gặp bác sĩ chuyên khoa: nếu kết quả xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm HPV có vấn đề, bác sĩ có thể sẽ giới thiệu bạn đến một phòng khám phụ khoa để khám trực tràng. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn có thể bị ung thư, hãy tìm đến một bác sĩ chuyên điều trị ung thư đường sinh dục nữ (bác sĩ ung thư phụ khoa) để điều trị.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

HPV Test

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/hpv-test/about/pac-20394355

Ngày truy cập 11/3/2019.

HPV and HPV Testing

https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/infectious-agents/hpv/hpv-and-hpv-testing.html

Ngày truy cập 11/3/2019.

Human Papillomavirus (HPV) Test

https://medlineplus.gov/lab-tests/human-papillomavirus-hpv-test/

Ngày truy cập 11/3/2019.

Phiên bản hiện tại

07/10/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Quan hệ tình dục không xâm nhập cọ xát bên ngoài có mang thai không?

Đặt vòng tránh thai là gì? Đặt vòng tránh thai có an toàn không?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 07/10/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo